Tóm Tắt Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng | Antduyblog

Tóm tắt nội dung Tông huấn Evangelii Gaudium (Niềm vui Tin Mừng)

antduy

papa1. LỜI MỞ ĐẦU (1-18) – Động lực chủ đạo của Tân Phúc Âm hoá: Đó là Niềm vui của Tin Mừng : Người gặp được Chúa thì gặp được niềm vui và niềm vui này phải được mang chia sẻ cho người khác, đó là hoạt động loan báo Tin mừng của Giáo hội

2. CHƯƠNG I: SỰ BIẾN ĐỔI TRUYỀN GIÁO CỦA HỘI THÁNH (19-49) * Loan báo Tin Mừng hôm nay đòi hỏi “một cuộc canh tân không thể trì hoãn của Hội Thánh” (27) a- Sự cần thiết phải cải tổ Giáo hội : Cuộc canh tân này phải bắt đầu từ bên trong, bằng một sự hoán cải mục vụ. Đó là sự “trở về nguồn và khôi phục lại sự tươi trẻ của Tin Mừng”, phải có những con đường “sáng tạo mới” để định hướng cho việc truyền giáo và mọi người đều được mời gọi tham gia vào việc này. Vì có những cơ cấu của Hội Thánh có thể cản trở hoạt động loan báo Tin Mừng, nhưng ngay cả những cơ cấu tốt cũng chỉ hữu ích khi có một sức sống luôn thúc đẩy, nâng đỡ và đánh giá chúng. Không có sức sống mới và một tinh thần Tin Mừng đích thực, không có sự “trung thành với ơn gọi” của Hội Thánh, thì mọi cơ cấu đều trở nên vô hiệu. (26) … phải nhìn nhận rằng lời kêu gọi duyệt lại và canh tân các giáo xứ của chúng ta vẫn chưa đủ sức đưa các giáo xứ đến gần người dân hơn, biến các giáo xứ trở thảnh những môi trường sống hiệp thông và tham dự, và làm cho giáo xứ trở nên hoàn toàn hướng về truyền giáo. (28) Các cơ chế khác của Hội Thánh, các cộng đoàn cơ bản và các cộng đoàn nhỏ, các phong trào và các dạng hiệp hội là một nguồn làm phong phú Hội Thánh, được khơi dậy bởi Thần Khí để Phúc-Âm-hoá các vùng và các lãnh vực khác nhau. … Nhưng sẽ rất hữu ích cho các cơ chế này nếu chúng không mất tiếp xúc với thực tế phong phú của giáo xứ tại địa phương và sẵn sàng tham gia vào hoạt động mục vụ toàn thể của Hội Thánh địa phương.(29) Về bổn phận hoán cải các giám mục, HĐGM và trước tiên của chính giáo hoàng.

b. Tập trung vào điều cơ bản: tâm điểm của Tin Mừng Vì sự tỏa sáng của chính vẻ đẹp của Tin mừng (tình thương cứu độ của Thiên Chúa được mặc khải nơi Đức Kitô đã chết và sống lại từ cõi chết (36))hơn là “những giáo thuyết buộc phải theo”. Thường có sự mất cân đối khi chúng ta “nói về lề luật nhiều hơn là về ân sủng, về Hội Thánh nhiều hơn là về Đức Kitô, về Giáo Hoàng nhiều hơn là về Lời Chúa (37) Trong Hội Thánh có “một số thói quen không trực tiếp liên quan tới cốt lõi của Tin Mừng, kể cả một số có gốc rễ sâu trong lịch sử” (43)

c. Một Hội Thánh mở rộng cửa – Hội Thánh phải trở thành “nhà Cha” luôn luôn mở rộng cửa: Tôi thà có một Hội Thánh bị bầm dập, mang thương tích và nhơ nhuốc vì đi ra ngoài đường, hơn là một Hội Thánh ốm yếu vì bị giam hãm và bám víu vào sự an toàn của mình. Tôi không muốn một Hội Thánh chỉ lo đặt mình vào trung tâm để rốt cuộc bị mắc kẹt trong một mạng lưới các nỗi ám ảnh và các thủ tục. Nếu có cái gì đáng phải khiến chúng ta trăn trở và áy náy lương tâm, thì đó chính là sự kiện nhiều anh chị em chúng ta đang sống mà không có sức mạnh, ánh sáng và niềm an ủi phát sinh từ tình bạn với Đức Giêsu Kitô.(49)

3. CHƯƠNG II: GIỮA CƠN KHỦNG HOẢNG VỀ DẤN THÂN CỘNG ĐỒNG (50-109) 1. Những thách thức của thế giới hôm nay: a/- Hệ thống kinh tế xã hội hiện hành là “bất công tận gốc” (59) Đức Thánh Cha mạnh mẽ lên án hệ thống kinh tế hiện hành dẫn đến tình trạng loại trừ, bất bình đẳng, là hệ thống kinh tế “giết người”, và “bất công tận gốc”: Sao có thể khi một người vô gia cư chết vì không được che chở thì không được kể là một tin tức, trong khi thị trường chứng khoán mất hai điểm thì lại là tin tức? Đây là một trường hợp loại trừ. Chúng ta có thể điềm nhiên đứng nhìn khi lương thực bị đổ đi trong khi có những người đang đói? Đây là một trường hợp bất bình đẳng. Ngày nay mọi thứ đều theo luật cạnh tranh và luật sinh tồn của kẻ thích hợp nhất, ở đó những kẻ có quyền lực chèn ép những người yếu. Hậu quả là vô số người bị loại trừ và bị gạt ra bên lề: không việc làm, không phương tiện, không có bất kỳ lối thoát nào. (53) Nó là “một thứ chuyên chế mới, vô hình”, “đơn phương và tàn nhẫn áp đặt những luật pháp và qui tắc riêng của nó”: Trong khi thu nhập của một thiểu số tăng theo cấp số nhân, thì hố ngăn cách giữa đa số với một thiểu số được hưởng sự thịnh vượng cũng tăng theo cấp số nhân. Tình trạng chênh lệch này là kết quả của các hệ tư tưởng muốn bảo vệ sự độc lập tuyệt đối của thị trường và đầu cơ tài chánh… Thế là sinh ra một thứ chuyên chế mới, vô hình và thường là hư hư ảo ảo, nó đơn phương và tàn nhẫn áp đặt những luật pháp và qui tắc riêng của nó… Cũng còn phải kể thêm tình trạng tham nhũng và trốn thuế tràn lan vì ích kỷ, nay đã ở cấp độ toàn cầu. Khát vọng quyền lực và của cải là vô giới hạn. Trong hệ thống này, với khuynh hướng dẵm nát bất cứ cái gì cản trở sự gia tăng lợi nhuận, thì những thực tại mong manh… hoàn toàn không có khả năng tự vệ trước những lợi ích của một thị trường được thần thánh hoá và trở thành qui luật duy nhất. (56)

b/ Tình trạng bách hại tôn giáo và sự lan rộng của chủ nghĩa dửng dưng và chủ nghĩa tương đối: đó là những thách thức cho việc loan báo Tin Mừng:

c/ Chủ nghĩa cá nhân hậu hiện đại làm suy yếu đời sống gia đình và các mối quan hệ xã hội Gia đình đang trải nghiệm một khủng hoảng văn hoá sâu xa, và mọi cộng đồng và quan hệ xã hội cũng thế. Trong trường hợp gia đình, sự suy yếu các mối quan hệ này đặc biệt nghiêm trọng vì gia đình là tế bào cơ bản của xã hội, ở đó chúng ta học cách sống với người khác bất chấp các khác biệt giữa chúng ta, và học cách thuộc về lẫn nhau; gia đình cũng là nơi cha mẹ truyền thụ đức tin cho con cái. Hôn nhân bây giờ có khuynh hướng được coi như một hình thức thoả mãn tình cảm đơn thuần và có thể được xây dựng bằng mọi hình thức hoặc thay đổi tuỳ ý. Nhưng sự đóng góp thiết yếu của hôn nhân cho xã hội vượt lên trên các tình cảm và các nhu cầu của đôi vợ chồng… (66)

2. Những cám dỗ đối với người hoạt động mục vụ : – Đức Thánh Cha bày tỏ lòng biết ơn đối với những người đang dấn thân hoạt động trong Hội Thánh và cho Hội Thánh. Ngài khẳng định Hội Thánhtrong quá khứ cũng như hôm nay có những đóng góp vô cùng to lớn cho thế giới (76)

a/ Nếp sống tự do và thoải mái cá nhân b/ Đời sống thiêng liêng nghèo nàn và thiếu dấn thân c/ Tâm lý mặc cảm tự ti và chủ nghĩa tương đối d/ Tính thế tục thiêng liêng : “núp dưới dáng vẻ của lòng đạo đức và yêu Hội Thánh: thực ra là tìm kiếm danh vọng và lợi ích cá nhân thay vì tìm vinh quang Chúa” Tính thế tục này được biểu hiện dưới hai hình thức: – Một là sự hấp dẫn của thuyết ngộ đạo, một đức tin thuần tuý chủ quan chỉ quan tâm duy nhất tới một kinh nghiệm nào đó hay một tập hợp các ý niệm và các thông tin có mục đích an ủi và soi sáng, nhưng rốt cuộc nó giam hãm một cá nhân trong các tư tưởng và tình cảm của mình. – Hai là thuyết tân Pêlagiô mang tính tự phụ của những người ỷ vào sức riêng của mình và coi mình hơn những người khác vì biết được một số qui luật hoặc trung thành một cách cố chấp với một kiểu công giáo đặc thù của quá khứ (…) Trong cả hai trường hợp, người ta không thực sự quan tâm tới Đức Kitô hay người khác, nhưng là thái độ lấy con người làm trung tâm.

3. Hội Thánh phải mở rộng hơn cho giáo dân, phụ nữ và giới trẻ

4. Vấn đề khan hiếm ơn gọi linh mục và tu sĩ: các nguyên nhân và giải pháp: Thường là do thiếu một nhiệt tình tông đồ có sức lan toả trong các cộng đồng, dẫn đến sự nguội lạnh của niềm phấn khởi và sức hấp dẫn. Ở đâu có sự sống, nhiệt tình và ước muốn đem Đức Kitô đến cho người khác, ở đó sẽ xuất hiện các ơn gọi đích thực. (107)

4. CHƯƠNG III: RAO GIẢNG TIN MỪNG (110-175) a. Một Hội Thánh có nhiều khuôn mặt Đức Thánh Cha nói “Kitô giáo không chỉ có một cách biểu hiện văn hoá duy nhất” và “Hội Thánh diễn tả tính công giáo đích thực của mình và phô bày “vẻ đẹp của khuôn mặt đa dạng của mình” – Kitô giáo phản ánh những bộ mặt khác nhau của các nền văn hoá và các dân tộc.(106) Sự đa dạng văn hoá không phải là mối đe doạ cho sự hiệp nhất của Hội Thánh. – Tầm quan trọng và sức mạnh truyền giáo của lòng đạo bình dân (122): Đây là một tiến trình đang phát triển liên tục mà Chúa Thánh Thần là tác nhân chính. b. Tầm quan trọng của bài giảng – Bài giảng: tầm quan trọng đặc biệt của bài giảng: thông truyền sự thật, truyền giảng vẻ đẹp các hình ảnh Chúa dùng để khuyến khích hành thiện, việc dọn bài giảng, vài trò quan trọng của “lời rao giảng ban đầu” (kerygma) – Việc đồng hành cá nhân, nó dạy chúng ta biết cởi dép khi đứng trên nền đất thánh thiêng của người khác (xem Xh 3,5). Bước chân đồng hành này phải có nhịp đều và vững vàng, phản ánh thái độ gần gũi và cái nhìn cảm thông của chúng ta, giúp chữa lành và khích lệ sự tăng trưởng trong đời sống Kitô giáo. (169)

E. CHƯƠNG IV: CHIỀU KÍCH XÃ HỘI CỦA LOAN BÁO TIN MỪNG (176-258) * Tại sao Hội Thánh phải chọn lựa dấn thân cho người nghèo: – Được dựng nên theo hình ảnh Chúa Chúa Ba Ngôi, con người được liên đới sâu xa trong thân phận và trong ơn cứu độ, không ai có thể hoàn thành bản thân hay được cứu độ mà chỉ dựa vào cố gắng của riêng mình. Loan báo Tin mừng là loan báo Tình Yêu và trao ban Tình Yêu, Tình Yêu đó là “ Ước muốn, tìm kiếm và bảo vệ lợi ích của người khác” (178) Vì vậy Hội Thánh phải dấn thân trong các vấn đề xã hội, đặc biệt phải biết nghe tiếng kêu của người nghèo: “ Hội Thánh không thể đứng bên lề cuộc đấu tranh cho công lý” (183) và “Mỗi cá nhân và mỗi cộng đồng Kitô hữu được kêu gọi trở thành một dụng cụ của Thiên Chúa cho việc giải phóng và thăng tiến người nghèo” (187). * Chọn lựa người nghèo của Hội Thánh là một phạm trù thần học trước khi là một phạm trù văn hoá, xã hội, chính trị hay triết học: Lòng thương xót Chúa dành cho người nghèo và chúng ta được mời gọi “có tâm tình như Chúa Giêsu Kitô (Pl 2,5)” để thực thi Đức Ái Kitô giáo. (quy chiếu căn tính Thiên Chúa của Đức Kitô) – Người nghèo có thể dạy chúng ta nhận biết Đức Kitô chịu đau khổ. – Lựa chọn người nghèo trước hết là sự chăm sóc về đời sống thiêng liêng. (200) – Tính cấp bách phải giải quyết các nguyên nhân của nghèo khó: sự bất bình đẳng trong xã hội (202). – Nhìn nhận nhân phẩm của các thai nhi và sự kiên định lập trường của GH trong việc chống phá thai và bảo vệ thai nhi(213,214) – Hội Thánh cần gióng lên tiếng nói ngôn sứ cho vấn đề hoà bình : hòa bình thật sự khi phẩm giá con người được tôn trọng và công ích được đề cao. * Loan báo Tin mừng là bao gồm một hành trình đối thoại Trong ba lãnh vực chính sau, để cổ vũ sự phát triển con người cách đầy đủ và để mưu cầu công ích. (238): – Chính trị : với nhà nước. – Văn hoá-xã hội : với các nền văn hóa và khoa học. – Tôn giáo : với các tín đồ khác không thuộc Hội Thánh Công giáo. Sự đối thoại này sẽ giúp cho các bên làm giàu lẫn cho nhau, và các tín hữu được mời gọi làm chứng cho Tin mừng bằng lời nói, thái độ và hành động (258).

F. CHƯƠNG V: NHỮNG NGƯỜI LOAN BÁO TIN MỪNG ĐẦY THÁNH THẦN (259-288) Người loan báo Tin mừng đầy Thánh Thần là người thế nào? – Là những người mở lòng ra với Chúa Thánh Thần, để mình được biến đổi bởi sự hiện diện của Thiên Chúa và dũng cảm rao giảng Tin mừng ngay cả khi gặp chống đối. (259) – Là những người “cầu nguyện và làm việc”, nhờ cầu nguyện để có năng lượng sự nhiệt huyết và không sai lạc. (262) – Là người ý thức rằng “truyền giáo vừa là một niềm say mê Đức Giêsu, vừa đồng thời là niềm say mê dân của Người”. (268) Đức Thánh Cha cũng khích lệ người loan báo Tin Mừng đừng bao giờ chán nản trước những khó khăn hay thất bại, vì “không một hành vi yêu mến nào của chúng ta đối với Thiên Chúa và đối với người khác có thể bị mất đi”. (279) Tông huấn kết thúc bằng một lời nguyện cầu lên Đức Maria, là Ngôi Sao của việc Tân Phúc Âm hoá, “một phong cách “Maria”. Mỗi khi nhìn lên Đức Mẹ, chúng ta một lần nữa tin vào bản chất cách mạng của tình thương và sự dịu dàng”(288)

Chia sẻ:

  • In
  • Email
  • Twitter
  • Facebook
Thích Đang tải...

Có liên quan

Từ khóa » Tóm Tắt Tông Huấn Evangelii Gaudium