Tôm Thẻ Chân Trắng đạt Mức Sản Lượng Cao Trong Tháng 5/2021
Có thể bạn quan tâm
Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, sản xuất thủy sản nói chung có xu hướng tăng do điều kiện sản xuất thuận lợi và nhận được sự quan tâm tích cực từ các cấp chính quyền nhằm nâng cao giá trị gia tăng của ngành. Ước tính 5 tháng đầu năm 2021, sản lượng thủy sản đạt 3.267,7 nghìn tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 1.686,9 nghìn tấn, tăng 3,7%. Sản lượng thủy sản chế biến ước tính tháng 5/2021 đạt 260,2 nghìn tấn, tăng 7,2% so với tháng 5/2020; tính chung 5 tháng đầu năm 2021 đạt 1.177 nghìn tấn, tăng 4,9%. Trị giá xuất khẩu mặt hàng thủy sản tháng 5/2021 ước tính đạt 750 triệu USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước; 5 tháng đầu năm 2021 đạt 3,24 tỷ USD, tăng 12%. Theo Tổng cục Thủy sản, giá trị xuất khẩu thủy sản tăng tại hầu hết các thị trường xuất khẩu; trong đó Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc tiếp tục là 4 thị trường xuất khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2021 với giá trị xuất khẩu chiếm 56,1% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của cả nước.
Sản lượng thủy sản nuôi trồng tháng 5/2021 tăng cao chủ yếu từ nuôi tôm thẻ chân trắng. Thời tiết ở Đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) chuyển mùa, mưa sớm, vùng nuôi tôm thuận lợi và phát triển tốt. Nhiều mô hình nuôi tôm áp dụng công nghệ mới hiệu quả. Các hộ nuôi tôm cũng thận trọng hơn trong việc chọn giống tôm, vì vậy dịch bệnh tôm thẻ chân trắng được kiểm soát tốt hơn. Tôm thẻ chân trắng thả nuôi từ trước Tết Nguyên đán đến nay đã bước vào vụ thu hoạch, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh và bán thâm canh đang phát triển tích cực, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ước tính sản lượng tôm nuôi 5 tháng đầu năm 2021 đạt 291,1 nghìn tấn, trong đó sản lượng tôm thẻ chân trắng đạt 174,2 nghìn tấn, chiếm 60% sản lượng tôm nuôi và 10,3% sản lượng thủy sản nuôi trồng. Riêng tháng 5/2021, sản lượng tôm thẻ chân trắng đạt 60,7 nghìn tấn, tăng gần 70% so với tháng trước và tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 65,2% sản lượng tôm nuôi và 14,6% sản lượng thủy sản nuôi trồng. Tính đến trung tuần tháng Năm, mặc dù giá tôm thẻ chân trắng có sự giảm nhẹ so với tháng trước, tuy nhiên vẫn duy trì ở mức cao so với cùng kỳ năm trước. Tại ĐBSCL, tôm thẻ chân trắng cỡ 100 con/kg có giá từ 88.000 – 94.000 đồng/kg, tăng 3000-4000 đồng/kg so với cùng kỳ, tôm thẻ cỡ 80 con/kg, giá từ 98.000-104.000 đồng/kg, tăng 4.000-5.000 đồng/kg so với cùng kỳ.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT), hiện cả nước có hơn 200.000 ha nuôi tôm công nghệ cao, toàn ngành đặt mục tiêu diện tích nuôi tôm nước lợ năm 2021 đạt 740.000 ha, sản lượng 930.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu 4 tỷ USD. Bộ NN-PTNT cũng đưa ra một số yêu cầu nhằm đạt được mục tiêu 10 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu tôm đến năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ:
- Các đơn vị liên quan từ bộ, ngành Trung ương đến các địa phương có vùng nuôi thủy sản cần chú trọng các giải pháp trọng tâm đối với quản lý chất lượng và sản xuất giống tôm nước lợ;
- Các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất giống phải tuân thủ các tiêu chí về tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất giống đảm bảo đạt chất lượng tốt nhất, sạch bệnh;
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra con giống đầu vào cũng như rà soát việc cấp giấy chứng nhận vùng nuôi, cơ sở nuôi theo đúng quy định;
- Thực hiện một cách kiên quyết, xử lý nghiêm những sai phạm để ngành nuôi trồng thủy sản tôm nước lợ có nguồn giống tốt, tạo ra sản phẩm đạt chất lượng cao, đáp ứng thị trường xuất khẩu
Hiện nay, hai quốc gia xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới là Ấn Độ và Thái Lan đang chịu tác động xấu từ dịch Covid-19, việc mất kiểm soát dịch lây lan trên diện rộng đã khiến nguồn cung và khả năng xuất khẩu tôm của hai nước này bị ảnh hưởng, do đó xuất khẩu tôm của Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn. Nếu kiểm soát dịch Covid-19 tốt, cơ hội xuất khẩu tôm của Việt Nam sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Việc Trung Quốc tiếp tục kiểm soát chặt chẽ thủy sản đông lạnh nhập khẩu sẽ khiến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc khó có thể hồi phục mạnh trong thời gian tới nhưng đây cũng là cơ hội để Việt Nam chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường lớn khác và giành thị phần từ Trung Quốc.
Từ khóa » Giá Tôm Thẻ Chân Trắng Xuất Khẩu
-
Xem Nhiều 7/2022 # Giá Tôm Thẻ Chân Trắng Hôm Nay Bao Nhiêu ...
-
Tôm Thẻ Chân Trắng Rớt Giá, Người Nuôi Vội Vàng Thu Hoạch
-
Thị Trường Tôm - Phân Tích Và Dự Báo Thị Trường
-
Xuất Khẩu Tôm Chân Trắng Sang Châu Âu: Quy định Và Khuyến Nghị
-
Giá Tôm Chân Trắng, Tôm Sú Tăng Cao Trong Những Tháng Cuối Năm
-
Tôm Thẻ Chân Trắng Tăng Giá
-
Tôm Thẻ Chân Trắng: Quảng Nam - CafeF
-
Tôm Thẻ Chân Trắng - Báo Tuổi Trẻ
-
Tình Hình Xuất Khẩu Tôm Thẻ Nửa đầu Năm 2021 Khả Quan - Tép Bạc
-
Dự Báo Giá Tôm Nguyên Liệu Của Việt Nam Sẽ ổn định Trong Quý I
-
Tôm Vẫn Là 'át Chủ Bài' Của Xuất Khẩu Thủy Sản Trong Những Năm Tới
-
Xuất Khẩu Tôm đặt Mục Tiêu 4 Tỷ USD
-
Xuất Khẩu Tôm ở Sóc Trăng Tăng 9% Dù Gặp Khó Do Dịch COVID-19
-
Thị Trường Tôm 2022 được Dự Báo Như 'quả Bom Nhu Cầu' - Zing