Tom Và Jerry: Những Kẻ “khủng Bố” ? - Báo Công An Nhân Dân điện Tử

  • Eugene Merril Deitch - người làm sống lại "Tom và Jerry"

Không có một bộ phim nào đơn giản hơn thế: một con chuột và một con mèo - con chuột bé nhỏ nhưng cơ trí, con mèo to xác nhưng ngốc nghếch, hai con vật di chuyển khắp nơi, từ làng quê tới bờ biển tới cả sân khấu ca nhạc, nhưng dù di chuyển tới đâu, chúng cũng vẫn gây chiến với nhau. Chiến thắng luôn thuộc về con chuột. Một phiên bản khiến ta liên tưởng nhiều tới chàng David trí dũng song toàn chiến thắng người khổng lồ Goliath. Bộ phim ấy, không thể nào khác được, là Tom và Jerry.

Những ngày cuối tháng 4, Gene Deitch qua đời. Bạn có thể lần đầu nghe tên ông. Nhưng tác phẩm của ông thì hẳn bạn đã xem rồi. Deitch không phải vị đạo diễn đầu tiên của loạt phim hoạt hình huyền thoại Tom và Jerry, nhưng ông là người đã hồi sinh Tom và Jerry vào thập niên 60, sau khi William Hanna và Joseph Barbera ngưng sản xuất nó.

Deitch chỉ làm vỏn vẹn 13 tập phim Tom và Jerry, nếu so với con số hơn 100 tập phim của cặp đôi Hanna - Barbera thì chẳng đáng là bao, thế nhưng, câu chuyện về Deitch và sự nhạy cảm đi trước thời đại của ông dường như nói với chúng ta rất nhiều về cách mà nhận thức của con người liên tục xoay vần theo một chiếc la bàn đạo đức, chỉ là la bàn đạo đức không phải lúc nào cũng chỉ về phương Bắc. Nó quay lung tung y như la bàn của anh chàng thuyền trưởng Jack Sparrow.

Ghét của nào trời trao của ấy, Deitch chưa từng là người hâm mộ Tom và Jerry. Khi được ủy thác thực hiện Tom và Jerry, ông mới đầu cho rằng bộ phim này "bạo lực một cách không cần thiết". Nghĩ kỹ một chút, điều đó có vẻ đúng. Con chuột và con mèo không từ thủ đoạn để hạ gục lẫn nhau, chúng đánh nhau trầy vi tróc vẩy và phải nói các nhà biên kịch nghĩ ra quá nhiều chiêu thức quái đản.

Tôi nhớ có một tập phim Jerry ném cái bàn là nóng rẫy vào người mèo Tom, rồi làm cho một cái tủ đâm sầm vào khiến mèo Tom bẹp dí, và ở nhiều tập khác, mèo Tom bị đoàn tàu / xe buýt tông thẳng vào không thương tiếc. Bạn hẳn cũng nhớ ra nhiều ví dụ khác.

Đạo diễn Gene Deitch.

Quan điểm ban đầu của Deitch được khá đông thế hệ ngày nay tán thành. "Lũ khủng bố của thế giới hoạt họa", "một trong những nguyên nhân dẫn đến bạo lực và chủ nghĩa cực đoan ở Trung Đông", "bộ phim hoạt hình bạo lực nhất mọi thời đại", "chủ nghĩa ăn thịt người" - đó chỉ là một vài trong số những lời buộc tội Tom và Jerry.

Chỉ có điều, ngay khi Deitch bắt tay vào làm Tom và Jerry, ông bỗng nhận ra mọi thứ không như vẻ bề ngoài của nó, và rằng "chẳng ai coi những cuộc đánh nhau đó là nghiêm túc" và bộ phim chỉ là "sự nhại lại những cảm xúc con người được cường điệu hóa".

Quả vậy, Tom và Jerry có thể nào là nguyên nhân thúc đẩy bạo lực, hay thậm chí, ISIS, chỉ vì con chuột ném một chiếc bàn là vào đầu con mèo? Phần lớn chúng ta cười khanh khách ở những đoạn đó vì chúng ta biết rằng, nó không phải là thật, con mèo sẽ không bao giờ chết, nó sẽ lại xuất hiện ở tập tiếp theo. Chìa khóa nằm ở đó: con mèo bất tử, dù bị đánh đến thừa sống thiếu chết thì nó cũng sẽ sống lại hoàn toàn lành lặn, và khán giả thì tự tin rằng sẽ chẳng bao giờ có chuyện một người thật bị tẩn đến mức ấy.

Không phải bạo lực nào cũng là bạo lực thực thụ, thứ bạo lực trong các bộ phim hoạt hình, các bộ truyện tranh mà chúng ta thấy lan tràn từ Tom và Jerry tới Doraemon, Thám tử lừng danh Conan, Inu Yasha, Popeye,... được gọi chung là bạo lực kỳ ảo (fantasy violence) - thứ bạo lực có bản chất huyền ảo, phi thực, xảy ra trong những tình huống rõ ràng là khác xa thực tại.

Nó là thứ bạo lực gây cười chứ không phải bạo lực gây hấn, nó là thứ bạo lực bị đẩy lên mức cực đoan một cách lố bịch. Thật khó tin có ai đó đấm thẳng vào mặt bạn mình chỉ vì đọc truyện thấy cậu bé Jaian đánh Nobita sưng húp mặt mày. Có lẽ chỉ những ai quá thiếu sự hài hước mới lên án tính bạo lực kiểu đó.

Và nữa, trong một bài báo trên New York Times từ năm 2000 của tác giả Richard Rhodes, không có một bằng chứng rõ ràng hay chắc chắn nào về việc các phương tiện nghe nhìn là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thói ưa bạo lực, nhưng các chính khách thì thích nghĩ thế, vì như vậy giúp họ đơn giản hóa công việc hành pháp của mình, chỉ cần cấm tiệt cảnh bạo lực, vậy là xong chuyện.

Gene Deitch chưa từng là người hâm mộ “Tom và Jerry”.

Nhưng rất khó để minh oan cho Tom và Jerry. Chúng ta sống trong một thời đại quá nhạy cảm với từ khóa liên quan tới "bạo lực", và bất cứ cái gì có dây dưa tới yếu tố đó, thì đơn giản là chúng đã phạm phải điều cấm kỵ, bất khả biện hộ hay bào chữa. Chiếc la bàn đạo đức của chúng ta đang xoay điên đảo, có những điều trong quá khứ tưởng rất bình thường, giờ đây lại không còn bình thường nữa. Và vấn đề bạo lực mới chỉ là một phần câu chuyện mà thôi.

Nếu bỗng một ngày bạn nổi hứng muốn xem lại một vài tập phim Tom và Jerry trên kênh trực tuyến của Amazon, bạn sẽ bắt gặp lời cảnh báo rằng bộ phim "chứa đựng những thành kiến về sắc tộc và chủng tộc đã từng một thời phổ biến trong xã hội Mỹ. Những mô tả như vậy đã từng được coi là đúng đắn nhưng giờ thì chúng sai trái".

Thế nghĩa là sao? Một con chuột và một con mèo thì có liên quan gì tới sắc tộc hay chủng tộc? Bạn có nhớ tập phim Jerry hóa trang mặt đen ngòm và đóng giả như một tên thổ dân ăn thịt người? Mặt đen - một hình ảnh bị cấm của thế kỷ 21 vì những ẩn dụ của nó. Đó là chưa kể trong tuyến nhân vật phụ, hãy nhớ lại nhân vật Mammy Two Shoes, người giúp việc trung niên to béo với giọng nói chóe lọe nhưng không bao giờ lộ mặt trong Tom và Jerry. Và người giúp việc đó là một người da màu, bạn có thể tưởng tượng nhân vật đó như là Mammy, vú nuôi thân yêu của nàng Scarlett O'hara trong Cuốn theo chiều gió, nhưng nói trắng ra, bà là một nô lệ.

Bản thân đạo diễn Gene Deitch rất thức thời. Vâng, một lần nữa ông lại nhạy cảm trước thời đại. Ông đã sớm nhận ra rằng những mô tả như vậy sẽ có một ngày bị chất vấn. Thành thử, ông từ chối đưa nhân vật Mammy Two Shoes vào những tập phim do mình thực hiện, bởi cảm thấy "mô tuýp nhân vật người bảo mẫu da đen" đã "không còn phù hợp với bối cảnh hiện đại".

Không thể phủ nhận rằng, Mammy Two Shoes hay hình ảnh Jerry mặt đen là bằng chứng thể hiện rõ sự phân biệt chủng tộc đã trở nên thâm căn cố đế trong lòng xã hội Mỹ thời bấy giờ. Và nếu nhìn theo con mắt hiện đại thì Tom và Jerry là một bộ phim đậm chất phân biệt chủng tộc. Nhưng có nên đánh giá một tác phẩm của quá khứ theo những tiêu chuẩn đạo đức hiện đại, cho dù những tiêu chuẩn này đúng đắn hơn, hay không?

Nhân vật Mammy Two Shoes trong “Tom và Jerry”.

Tôi còn nhớ trong một cuốn tiểu thuyết của cố nhà văn nổi tiếng Philip Roth mang tên Vết nhơ của người, có một vị giáo sư tài năng đã bị hạ bệ và ném ra rìa xã hội chỉ bởi vì khi ông dạy Biến thể của Ovide ở giảng đường, ông đã gạt đi ý kiến của một sinh viên nữ cho rằng Ovide phân biệt giới tính. Ovide đúng là phân biệt giới tính, ông mô tả những người phụ nữ bị cưỡng hiếp một cách trắng trợn và ghê tởm, nhưng Ovide sống cách chúng ta mấy ngàn năm, và ta không thể nhìn Biến thể như một bản tường thuật những vụ cưỡng hiếp sống sượng mà phủ nhận vẻ đẹp văn chương tột đỉnh của nó.

Và Shakespeare thì sao? Chúng ta có nên loại bỏ Shakespeare ra khỏi chương trình giảng dạy chỉ vì ông đã mô tả một người Do Thái trong vở Người lái buôn thành Venice như một kẻ cho vay nhẫn tâm? Trong nhiều thế kỷ, Người lái buôn thành Venice bị coi là một tác phẩm bài Do Thái và nhân vật Shylock là điển hình cho một người Do Thái xảo quyệt hút máu người - định kiến đã gây cho dân tộc này biết bao đau khổ và tang thương. Có thể họ đúng, rằng Shakespeare đã viết ra một tác phẩm bài Do Thái, nhưng chúng ta có nên chê trách ông vì điều đó? Shakespeare sống trong một thời đại khác, một bối cảnh khác, với những tiêu chuẩn đạo đức khác. Shakespeare dù là thiên tài thì ông cũng vẫn là đứa con của thời đại mình.

Mà, có thể nào loại bỏ toàn bộ những sai lầm trong quá khứ của chúng ta được không? Trong bộ phim The Jazz Singer, bộ phim lồng tiếng đầu tiên của lịch sử điện ảnh, có một cảnh diễn viên chính Al Jolson hát ca khúc Mammy trong bộ mặt bôi đen. Trong bản phim Othello năm 1965, huyền thoại điện ảnh Laurence Olivier cũng bôi mặt đen để đóng vai một người châu Phi. Những phân cảnh đó cũng phân biệt chủng tộc, không thể nào chối cãi, nhưng phủ nhận sự tồn tại của chúng là phủ nhận sự tiến hóa của chính chúng ta.

Chung quy lại, như đã nói, la bàn đạo đức xoay liên tục. Điều hôm nay là chân chính, ngày mai chưa chắc đã là chính trực.

Từ khóa » Jerry Lục đạo