[ToMo] 7 Sự Thật Bạn Chưa Biết Về Nhựa - YBOX

Đối với nhiều người, chủ nghĩa môi trường bắt đầu với biểu tượng tái chế và kết thúc tại thùng tái chế. Hành động đơn giản ném một thứ gì đó vào một cái thùng lớn có in dấu hiệu tái chế là đủ để khiến một vài trong chúng ta cảm thấy như mình đã thực hiện xong nhiệm vụ của mình.

Nó giống như chỉ ăn một nửa chiếc bánh quy socola chip- chúng ta thưởng thức, nhưng không nhiều. Tương tự, niềm tin của ta vào sự kỳ diệu của thùng tái chế khiến việc mua và sử dụng các sản phẩm nhựa trở nên không có cảm giác tội lỗi hơn một chút.

Nhưng tái chế lại phức tạp hơn rất nhiều, và quá trình tái chế nhựa lại càng ít rõ ràng hơn so với những công thức được nướng bánh quy có trên Google.

Nó là một hệ thống được quyết định bởi nhu cầu thị trường, sự xác định giá cả, các quy định của địa phương. Sự thành công của nó phụ thuộc vào tất cả mọi người, từ người thiết kế sản phẩm, người vứt rác, người thu gom chất thải cho đến công nhân nhà máy tái chế.

Chúng ta- những người tiêu dùng, đóng một vai trò quan trọng hơn nhiều so với những gì ta có thể tưởng tượng- tùy thuộc vào cách ta sử dụng sản phẩm của mình và tình trạng khi ta vứt chúng đi, xác định giá trị và chất lượng của chúng sau khi sử dụng. Hãy suy nghĩ về nó. Hàng tái chế phải cạnh tranh với các sản phẩm mới trên thị trường; ai là người muốn mua thứ gì đó với chất lượng thấp hơn?

Tôi đã dành 5 tháng vừa qua để nói chuyện với các chuyên gia khác nhau ở Đài Loan, một trong những nước tiên phong về hệ thống tái chế cũng như một trong những nước sản xuất nhựa lớn trên thế giới, để đưa ra danh sách này. Hy vọng của tôi là mang lại cái nhìn rõ ràng hơn về một hệ thống không thể tách rời khỏi cuộc sống của chúng ta nhưng tầm nhìn của ta thường chỉ bắt đầu và dừng lại ở thùng rác.

Kết quả hình ảnh cho plastic illustration

1. KHÔNG PHẢI TẤT CẢ ĐỒ NHỰA ĐỀU CÓ THỂ TÁI CHẾ

  • Túi nilon - không thể tái chế.
  • Ống hút - không thể tái chế.
  • Cốc cà phê - bạn cần một loại máy đặc biệt; không có nó, không thể tái chế.
  • Bàn phim - có thể, nếu bạn đưa nó đến tay đúng người.

“Tái chế” được xác định bởi 2 yếu tố thực sự quan trọng: thị trường và chính quyền thành phố. Nếu thị trường có nhu cầu, các nhà tái chế và công ty sẽ trả tiền cho các sản phẩm tái chế sau sử dụng của bạn.

Nhưng nếu thị trường không có nhu cầu, những đồ tái chế đó gần như vô dụng; đặt chúng vào thùng tái chế sẽ không có gì khác biệt nếu bạn không thể kiếm tiền từ chúng. Nếu không có nhu cầu, hoặc chất lượng của sản phẩm tái chế quá tệ, thì cuối cùng chúng sẽ nằm ở bãi rác hoặc lò đốt rác.

Chính quyền địa phương của bạn cũng đóng một vai trò thiết yếu. Các khoản luật của chính phủ tạo thị trường cơ hội cho các công ty để tái chế các sản phẩm được cho phép. Nhưng mỗi nơi lại có quy định khác nhau. Trước khi bạn vứt bỏ một cái gì đó, hãy kiểm tra những gì thành phố của bạn thực sự tái chế.

Hơn nữa, đầu tư công vào các hệ thống tái chế là việc làm cần thiết đối với sự phát triển bền vững và thành công lâu dài của mỗi quốc gia. Trong khi giá mua một miếng nhựa mới rẻ hơn nhiều so với trả lương cho ai đó để quản lý và phân loại rác tái chế, chi phí môi trường lại cao hơn đáng kể. Trợ cấp, đầu tư và hỗ trợ công còn một chặng đường dài phải đi.

CHỈ BỞI VÌ NÓ CÓ IN DẤU HIỆU TÁI CHẾ KHÔNG CÓ NGHĨA NÓ THỰC SỰ ĐƯỢC TÁI CHẾ.

2. KHÔNG PHẢI TẤT CẢ ĐỒ NHỰA ĐỀU ĐƯỢC TẠO RA BẰNG NHAU

Nhựa được phân thành 7 loại theo Mã nhận dạng nhựa (RIC). Chúng được phân biệt bởi nhiệt độ nung nóng vật liệu và phân loại theo số của chúng (# 1 - # 7), nó chỉ cho bạn biết đó là loại nhựa nào. Ví dụ:

# 1 (PET), ví dụ: chai nước - giá trị tái chế cao nhất; để tránh ánh nắng mặt trời nhằm ngăn chặn độc tố rò rỉ vào chai đựng (không tốt cho sức khỏe của bạn).

# 7 (KHÁC) là loại chung chung. Nó bao gồm nhựa không thể tái chế và “nhựa bắp” (nhựa phân hủy sinh học PLA). (Là một người tiêu dùng, bạn không thể nhận biết được sự khác biệt giữa chúng).

Những điều RIC không nói với bạn:

a. ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỨC KHỎE: nhựa có liên quan đến việc phá vỡ sự tăng trưởng nội tiết tố và các chất gây ung thư. Trong khi việc sử dụng nó cũng liên quan đến vệ sinh công cộng và ngăn ngừa ô nhiễm vi khuẩn (ví dụ, nhiều người Đài Loan sử dụng ống hút nhựa để uống mọi thứ từ bia đến sữa vì sợ chuỗi cung ứng bị ô nhiễm), người tiêu dùng nên cảnh giác với hóa chất thấm vào thực phẩm hoặc sản phẩm nước uống.

Theo Science History Institute (Viện Lịch sử Khoa học), các mối quan tâm về sức khỏe hiện tại tập trung vào các chất phụ gia (như bisphenol A [BPA] và một loại hóa chất gọi là phthalates) đi vào nhựa trong quá trình sản xuất, làm cho chúng linh hoạt hơn, bền hơn và trong suốt."

Hầu hết các chuyên gia đồng ý rằng bạn nên tránh xa #3 PVC (thường được tìm thấy trong đường ống) và #6 PS (Xốp, thường được sử dụng làm hộp đựng thức ăn/ đồ uống).

b. NÓ ĐƯỢC LÀM RA NHƯ THẾ NÀO: Bạn có biết rằng hầu hết nhựa có nguồn gốc từ dầu thô? Chỉ nhựa có nhãn PLA được làm từ đường trong ngô hoặc các loại tinh bột thực vật khác như sắn.

c. KHẢ NĂNG TÁI CHẾ: Thông thường, chúng ta chỉ vứt rác vào thùng tái chế với niềm tin chắc chắn là chúng sẽ được tái chế bởi vì nhãn hiệu trên thùng nói vậy. Nhưng không phải lúc nào cũng như thế.

Hơn nữa, có 2 loại nhựa: nhựa nhiệt rắn với nhựa nhiệt dẻo. Nhựa nhiệt dẻo là nhựa có thể được nấu chảy lại và đúc thành các sản phẩm mới, do đó nên được tái chế. Tuy nhiên, nhựa nhiệt rắn có chứa các polyme với liên kết chéo để tạo thành liên kết hóa học mà không thể đảo ngược bằng phương pháp vật lý, có nghĩa là dù bạn dùng nhiệt độ bao nhiêu cũng không thể nung chảy chúng thành vật liệu mới và như vậy, không thể tái chế.

TRONG KHI NHIỀU SẢN PHẨM NHỰA CHỈ CÓ THỂ SỬ DỤNG 1 LẦN, NHỰA PHẾ THẢI LẠI TỒN TẠI MÃI MÃI TRONG MÔI TRƯỜNG. NÓ LÀ NGÀNH CÔNG NGHIỆP NHỰA ĐỀ XUẤT TÁI CHẾ NHƯ MỘT GIẢI PHÁP.

Kết quả hình ảnh cho plastic illustration

3. CỐC CÀ PHÊ KHÔNG THỂ THỰC SỰ TÁI CHẾ.

Bạn cảm thấy tốt khi uống hết cốc Starbucks của mình và đặt cốc giấy vô hại đó vào thùng tái chế? Chà, nó phức tạp hơn thế một chút.

Trong khi bên ngoài cốc được làm bằng giấy, bên trong lại là một lớp nhựa mỏng. Màng PP (Polypropylen) bảo vệ chất lỏng khỏi bị thấm vào giấy (và khiến bạn bị bỏng) đồng thời giữ cho đồ uống ấm của bạn không bị nguội quá nhanh.

Bởi vì có hai vật liệu khác nhau, cốc không thể được tái chế trừ phi các vật liệu được tách ra, việc này không thể làm bằng tay và cần một loại máy đặc biệt.

Đó là lý do tại sao các mặt hàng dễ tái chế nhất là các sản phẩm được làm từ một vật liệu duy nhất. Chai nước (100%nhựa PET) là một ví dụ điển hình.

Cốc cà phê tương tự với bao bì bọc snack, ví dụ như “health bars”. Cả hai đều có nhiều lớp, với mỗi lớp có một mục đích cụ thể, chẳng hạn: lớp sáp cho phần nhãn, hoặc lớp nhôm để ngăn nhiệt độ bên ngoài làm thay đổi thành phần hóa học của sản phẩm trước khi bạn mua nó.

Tuy nhiên, kiểu thiết kế này làm cho việc tái chế trở nên cực kỳ khó khăn, đặc biệt là khi các lớp thường rất mỏng và xếp chồng lên nhau. Nó không đem lại hiệu quả kinh tế và tốn quá nhiều thời gian để một nhà máy tái chế tách và tái chế từng phần.

NHỮNG LỚP NÀY KHÔNG THỂ NHÌN THẤY BẰNG MẮT THƯỜNG, TẠO NÊN SỰ KHÓ KHĂN ĐỂ NHẬN THỨC RẰNG SẢN PHẨM ĐÓ KHÔNG THỂ TÁI CHẾ NHƯ BÌNH THƯỜNG ĐƯỢC.

4. BẠN KHÔNG THỂ TÁI CHẾ NHỰA BẨN

Còn một ít nước sốt và phô mai còn sót lại trên hộp pizza? Bây giờ nó không thể tái chế được nữa (mặc dù bạn vẫn có thể làm thành phân bón!).

Bất kỳ đồ nhựa nào còn dư lại đồ ăn bên trên (hoặc trong) nó KHÔNG THỂ tái chế được. Để nhựa được chuyển thành hàng tái chế, chúng phải có chất lượng tốt. Vậy cần làm gì?

ĐẦU TIÊN LÀ RỬA, SAU ĐÓ TÁI CHẾ. RỬA ĐỒ NHỰA CỦA BẠN SAU KHI SỬ DỤNG, NHƯ VẬY CHÚNG MỚI CÓ KHẢ NĂNG TÁI CHẾ THÀNH VẬT LIỆU MỚI.

Hãy nhớ rằng, vật liệu tái chế (tức là rác của bạn) phải cạnh tranh với vật liệu mới nguyên trên thị trường, vì vậy, chất lượng có ý nghĩa quan trọng.

Ở Đài Loan, có một số nhóm người phân loại rác, loại bỏ thực phẩm thừa khỏi hộp bento và sau đó gửi các hộp đựng đến các nhà máy tái chế (vì vật liệu ở phần bên ngoài thường là giấy).

Một số nhà máy tái chế sau đó lấy những hàng hóa này và rửa nhiều lần trước khi cắt, nung chảy và biến đổi chúng.

Nhưng đa số, một sản phẩm có thể tái chế nhưng lại dính bẩn thường bị ném vào thùng rác/ thùng tái chế công cộng chứ thậm chí không có cơ hội đến được các nhà máy tái chế. Nó bị xác định là vô dụng (có nghĩa là quá rắc rối để làm sạch hoặc không có khả năng mang lại thu nhập) và bị thu gom cùng với tất cả các loại rác khác, kết thúc tại bãi rác hoặc lò đốt rác.

HÃY LÀM SẠCH VÀ RỬA ĐỒ NHỰA TRƯỚC KHI BẠN TÁI CHẾ CHÚNG. LOẠI BỎ TẤT CẢ ĐỒ ĂN THỪA SÓT LẠI ĐỂ ĐẢM BẢO CHÚNG CÓ THỂ ĐƯỢC ĐƯA ĐẾN NHÀ MÁY TÁI CHẾ.

Kết quả hình ảnh cho plastic illustration

5. TÁI CHẾ NHỰA LÀM GIẢM CHẤT LƯỢNG CỦA NÓ.

Đầu tiên, điều quan trọng cần biết là nhựa chỉ đơn giản là các polyme, những chuỗi dài các nguyên tử với đơn vị cấu thành lặp đi lặp lại và thường dài hơn những các loại khác trong tự nhiên.

Theo Science History Institute, chiều dài của các chuỗi này và cấu trúc mà chúng được sắp xếp theo là những gì khiến cho các polyme mạnh, nhẹ và linh hoạt. Nói cách khác, nó là cái khiến chúng rất dẻo.

MỖI LẦN NHỰA ĐƯỢC TÁI CHẾ , CHUỖI POLYME TRỞ NÊN NGẮN HƠN, VÌ VẬY CHẤT LƯỢNG CỦA NÓ GIẢM ĐI.

Cùng một miếng nhựa chỉ có thể được tái chế khoảng 2-3 lần trước khi chất lượng của nó giảm đến điểm không thể sử dụng được nữa.

Ngoài ra, mỗi lần tái chế nhựa, vật liệu mới nguyên bổ sung được thêm vào để giúp nâng cao chất lượng của nó, giúp sản phẩm tái chế có cơ hội cạnh tranh trên thị trường với hàng hóa mới và bền. Do đó, khi bạn đọc thấy nhãn hiệu “vật liệu tái chế”, hãy nghĩ hai lần về từ "tái chế" thực sự có nghĩa là gì trong hoàn cảnh đó.

6. KÍNH VÀ KIM LOẠI CÓ THỂ ĐƯỢC TÁI CHẾ VÔ HẠN.

Đúng vậy. Không giống như nhựa, thủy tinh và kim loại (bao gồm nhôm) có thể được tái chế vô hạn mà không làm giảm chất lượng hoặc độ tinh khiết của sản phẩm. Ta không cần thêm vật liệu mới nguyên trong quy trình tái chế- tái chế kính và kim loại là hình thức cuối cùng của vòng tuần hoàn kinh tế, quá trình sử dụng rồi tái sử dụng vật liệu mà không tạo ra bất kỳ chất thải nào. (Spring Pool Glass Co. Ltd., một công ty tái chế và cải tiến thủy tinh có trụ sở tại Đài Loan là một ví dụ tuyệt vời về việc này.)

Vậy, tại sao chúng ta lại đổi sang nhựa? Dasdy Lin, Chuyên gia tư vấn bền vững tại Trung tâm Phát triển Công nghiệp Nhựa (PIDC), đã chia sẻ ba lý do sau:

  • Chi phí vận chuyển toàn cầu
  • Tính an toàn - nhất quán và ổn định của sản phẩm mà không có nguy cơ bị vỡ
  • Lợi nhuận

“Ví dụ, tôi đặt 100 chai mà cuối cùng tôi chỉ nhận được 98 vì đã 2 chai bị vỡ. Như vậy là lỗ vốn. Nhưng nhựa hiếm khi bị vỡ. Thêm vào đó, nếu chúng ta nhìn vào sự đánh giá vòng đời sản phẩm, có lẽ sẽ tốn nhiều năng lượng để vận chuyển các chai thủy tinh hơn so với các chai nhựa vì thủy tinh nặng hơn. Sự khác biệt trọng lượng sẽ dẫn đến việc tiêu thụ nhiều nhiên liệu hơn trong quá trình vận chuyển. Vì vậy sự tác động tiêu cực đến môi trường là đốt cháy nhiên liệu nhiều hơn, dẫn đến ô nhiễm nhiều hơn.

7. THỂ LOẠI “MỌI THỨ KHÁC”.

Lần tới khi bạn sử dụng một sản phẩm nhựa, hãy lật nó lên và kiểm tra phần đáy. Nếu bạn nhìn thấy #7 ở trung tâm của một hình tam giác ba mũi tên, bạn không có cách nào biết chắc chắn liệu nó có thể tái chế hay không thể (ngay cả những người trong ngành nhựa và người tái chế đôi khi cũng không thể)

# 7 là danh mục “khác” dành cho những thứ không nằm trong mục từ #1 đến #6. Nó bao gồm cả nhựa nhựa không thể tái chế và nhựa phân hủy sinh học. Ví dụ, loại axit Polylactic (PLA) này là nhựa #7. Nó được làm từ tinh bột thực vật thay vì dầu mỏ nên được đanh dấu là “phân hủy sinh học”.

Tôi sử dụng các trích dẫn ở đây bởi vì điều quan trọng là chúng ta cần biết rằng: Các sản phẩm phân hủy sinh học hiện tại chỉ có thể phân hủy nếu chúng được gửi đến một nhà máy đặc biệt, nơi nhiệt độ và độ ẩm được kiểm soát đặc biệt, và gom lại với các loại nhựa có thể phân hủy khác. (Nếu những chất dẻo đó được ném vào bãi rác và trộn lẫn với loại rác khác thì việc chúng có thể phân hủy được hay không không quan trọng. Chúng sẽ không trở lại tự nhiên nếu chúng bị mắc kẹt giữa các lớp chất thải khác).

Một ví dụ khác về nhựa số 7 là melamine, một loại nhựa không thể tái chế thường được dùng trong các đồ đựng thực phẩm như bát. Điểm nổi bật của nó là độ bền và an toàn khi rửa. Ở Đài Loan, melamine có thể được phát hiện ở chợ đêm (hãy cẩn thận với bát màu hồng vào lần tới khi bạn muốn thử một ít cơm thịt kho tàu 滷肉). Theo Dasdy Lin, bạn không thể tái chế melamine vì nó là một loại nhựa nhiệt rắn: “nó sẽ không thể đun chảy một lần nữa - cách duy nhất là thiêu hủy nó”.

Chúng ta sống trong một kỷ nguyên nhựa.

Từ quần áo chúng ta mặc đến thực phẩm chúng ta ăn, nhựa đã trở thành một mặt hàng gia dụng cho các gia đình và cộng đồng trên toàn thế giới. Với sự nổi bật của nó và thực tế về việc các nhà khoa học ước tính phải mất khoảng 450 -1.000 năm để phân hủy (một số ý kiến ​​cho rằng nó sẽ không bao giờ bị phân hủy) thì điều thiết yếu là chúng ta phải hiểu được vật liệu này.

CHỈ KHI ĐƯỢC TRANG BỊ KIẾN THỨC CHÚNG TA MỚI CÓ THỂ THỰC HIỆN NHỮNG HÀNH ĐỘNG THIẾT THỰC ĐỂ CHUYỂN ĐỔI MỐI QUAN HỆ CỦA CHÚNG TA VỚI NHỰA ĐỂ BẢO VỆ GIA ĐÌNH MÌNH, CỘNG ĐỒNG VÀ MÔI TRƯỜNG.

-----------------------------------------

Tác giả: Lillygol Sedaghat

Link bài gốc: 7 Things You Didn’t Know About Plastic (and Recycling)

Dịch giả: [Nguyễn Hồng Lê] - ToMo - Learn Something New (*) Bản quyền bài dịch thuộc về ToMo. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Dịch Giả: [Nguyễn Hồng Lê] - Nguồn: ToMo - Learn Something New". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, ví dụ: "Theo ToMo" hoặc khác đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.(**) Follow Facebook ToMo - Learn Something New để đọc các bài dịch khác và cập nhật thông tin bổ ích hằng ngày! (***) Trở thành Cộng tác viên, Thực tập sinh Part-time tại ToMo để rèn luyện ngoại ngữ và đóng góp tri thức cho cộng đồng tại: http://bit.ly/ToMo-hiring.

Từ khóa » Nhựa Nhiệt Rắn Không Thể Tái Chế Vì Sao