[ToMo] Làm Thế Nào Để Ngừng Chiều Lòng Người Khác (Mà Vẫn ...

Chiều lòng người khác thực ra không có vẻ tệ đến vậy. Rốt cuộc, đối tốt với mọi người, cố gắng giúp đỡ họ hoặc làm cho họ hạnh phúc thì có gì sai trái chứ?

Thế nhưng, khái niệm chiều lòng mọi người nhìn chung thường vượt lên trên ngưỡng “đối tốt” thông thường. Nó bao gồm “chỉnh sửa hoặc thay đổi lời nói và hành vi vì sự mong đợi cảm xúc hoặc phản ứng tích cực của người khác,” Erika Myers, một nhà trị liệu ở Bend, Oregon, giải thích.

Có thể bạn sẽ đặc biệt nỗ lực để làm việc nào đó cho những người trong cuộc sống của bạn, dựa trên những gì bạn cho rằng họ muốn hoặc cần. Bạn bỏ ra nhiều thời gian và sức lực của bản thân để khiến họ quý bạn.

Myers cho rằng đây là yếu tố khiến cho việc chiều lòng người khác có thể đem lại rắc rối. Myers phát biểu: “Ham muốn được chiều lòng người khác có thể gây tổn hại cho chính bản thân chúng ta, và rất có khả năng, ảnh hưởng đến cả các mối quan hệ của xung quanh khi chúng ta luôn ưu tiên nhu cầu của người khác lên trên sự quan tâm đến chính bản thân.

Nhận biết các dấu hiệu

Bạn vẫn không chắc mình là tuýp người hay chiều lòng mọi người, hay đơn thuần chỉ là cực kỳ tử tế với họ? Dưới đây là một số dấu hiệu của những ai hay chiều lòng mọi người.

Bạn đánh giá thấp bản thân

Những người chuyên chiều lòng mọi người thường phải đối phó với áp lực lòng tự trọng thấp, và luôn tìm kiếm niềm tin vào giá trị bản thân từ sự tán đồng của người khác.

Myers nói: “Tôi chỉ xứng đáng được yêu nếu tôi trao tất cả cho người khác” là tâm lý chung của tuýp người chiều lòng người khác.

Bạn có thể tin rằng người khác chỉ quan tâm đến bạn khi bạn có ích, và cần sự tán dương và đánh giá cao để cảm thấy hài lòng về bản thân.

Bạn cần người khác quý mến mình

Tuýp người chiều lòng mọi người hay dành nhiều thời gian lo nghĩ về chuyện bị chối bỏ. Những lo âu này thường dẫn đến những hành động cụ thể được tạo lập với mục đích khiến người nghe hài lòng với bạn để họ không chối bỏ bạn.

Bạn cũng có thể có mong muốn cảm thấy mình được “cần”, và tin rằng bạn có cơ hội tốt hơn để nhận được tình cảm từ những người cần bạn.

Bạn cảm thấy rất khó để nói “không”

Bạn có thể lo lắng rằng việc nói “không” hoặc từ chối yêu cầu trợ giúp ai đó sẽ khiến họ nghĩ rằng bạn không quan tâm đến họ. Đồng ý làm những gì họ muốn có vẻ là lựa chọn an toàn hơn, ngay cả khi bạn thực sự không có thời gian hoặc mong muốn giúp đỡ.

Nhiều người thường miễn cưỡng đồng ý làm những việc họ không muốn, chẳng hạn như giúp ai đó chuyển nhà. Nhưng hành động này hoàn toàn có thể gây ra vấn đề, vì nó cho biết bạn ưu tiên nhu cầu của người khác hơn bản thân bạn.

Một số người có thể lạm dụng đặc điểm điều này, bỏ qua nguyên tắc, ranh giới của bạn vì họ biết bạn sẽ làm những gì họ muốn.

Bạn xin lỗi hoặc nhận lỗi khi bạn không đáng trách

Có phải bạn luôn mở miệng chủ động "xin lỗi!" mỗi khi xảy ra sự cố?

Chiều lòng mọi người bao gồm sự sẵn sàng chịu trách nhiệm, ngay cả khi những gì đã xảy ra không liên quan đến bạn.

Giả sử trưởng phòng của bạn nhờ bạn đi đặt pizza cho bữa trưa, nhưng phía nhà hàng lại làm lộn thứ tự giao hàng. Bạn không nhận được hai chiếc pizza không chứa gluten đã đặt, khiến cho ba đồng nghiệp phải nhịn bữa trưa.

Biên lai ghi rõ "không chứa gluten", vì vậy rõ ràng đây là lỗi từ phía nhà hàng. Tuy nhiên, bạn vẫn không ngừng lặp lại lời xin lỗi, cảm thấy kinh khủng, tin rằng đồng nghiệp sẽ ghét bạn và không bao giờ tin tưởng để bạn đặt bữa trưa nữa.

Bạn nhanh chóng đồng tình, ngay cả khi bạn không thực sự ủng hộ một quan điểm

Sự sẵn lòng tán thành có vẻ là một cách chắc chắn để giành được sự chấp thuận.

Giả sử đồng nghiệp của bạn đang trình bày ý tưởng cho một dự án sắp tới tại một cuộc họp nhóm. "Ý tưởng hay đấy!" bạn nói vậy với một đồng sự, rồi lại quay ra hô “Kế hoạch tuyệt vời!” với người khác. Nhưng ý tưởng của họ có thể hoàn toàn trái ngược - và ngay chính bạn trong thâm tâm cũng không đồng ý với cả hai luồng ý kiến.

Nếu bạn đồng thuận với một điều gì đó mà bạn không đồng ý chỉ để giữ hòa khí với mọi người, bạn đang tự gây áp lực cho bản thân (và người khác) trong tương lai. Nếu cả hai kế hoạch đều có thiếu sót rõ ràng, hành động giữ im lặng của bạn sẽ gây bất cập cho cả nhóm.

Bạn khó có thể tỏ ra thật lòng

Những người luôn chiều lòng mọi người thường khó nhận ra cảm nhận thực sự của họ.

Liên tục đẩy nhu cầu của bản thân sang một bên khiến bạn khó thừa nhận chúng hơn. Cuối cùng, bạn thậm chí có thể không còn cảm thấy rõ ràng về những gì bản thân muốn hoặc làm thế nào để thật lòng với chính mình.

Bạn cũng có thể không thể nêu lên những cảm xúc mà bạn nhận thức được trong lòng, ngay cả khi bạn muốn bày tỏ bản thân.

Ví dụ: bạn có thể tránh nói với người yêu rằng họ đã khiến bạn cảm thấy tồi tệ ra sao, mà chỉ cố gắng lý giải bằng những điều như: “Người ta không cố ý, nếu mình nói điều gì đó, mình sẽ chỉ làm tổn thương cảm xúc của họ”. Nhưng điều này phủ nhận sự thật quan trọng của tình huống: Họ đã làm tổn thương cảm xúc của bạn.

Bạn là một người hay cho đi

Bạn có thích trao cho người khác không? Quan trọng hơn, bạn có trao với mục đích được quý mến hơn không?

Myers giải thích, những người chiều lòng người khác có xu hướng thích cho đi. “Hy sinh có thể củng cố sự tự tin vào bản thân, nhưng nó cũng có thể dẫn đến cảm giác thống khổ (martyrdom).” Bạn cho và cho, hy vọng mọi người sẽ đáp lại bằng tình cảm và tình yêu mà bạn mong muốn.

Bạn không thể chừa ra thời gian rảnh

Bận rộn chưa chắc đã đồng nghĩa với việc bạn thích chiều lòng người khác. Nhưng hãy xem cách bạn sử dụng thời gian rảnh rỗi.

Sau khi xử lý những trách nhiệm thiết yếu, chẳng hạn như công việc, việc nhà và chăm sóc con cái, bạn còn lại gì? Bạn còn thời gian cho sở thích và thư giãn chứ?

Cố gắng xác định lần cuối cùng bạn làm điều gì đó chỉ vì bản thân. Bạn có nhiều khoảnh khắc như vậy không? Nếu bạn không thể nghĩ ra nhiều (hoặc bất kỳ) lần nào, bạn có thể có một số khuynh hướng tương tự với tuýp hay chiều lòng mọi người.

Tranh luận và bất đồng làm bạn khó chịu

Chiều lòng mọi người có xu hướng liên quan đến nỗi sợ trước sự tức giận. Điều này khá hợp lý. Tức giận có nghĩa là, "Tôi không hạnh phúc." Vì vậy, nếu mục tiêu của bạn là giữ hòa khí giữa mọi người, việc để xảy ra tâm trạng tức giận nghĩa là bạn đã thất bại trong việc làm hài lòng họ.

Để tránh sự tức giận này, bạn có thể vội vàng xin lỗi hoặc làm bất cứ điều gì bạn nghĩ sẽ khiến họ vui, ngay cả khi họ không giận bạn.

Bạn cũng có thể sợ xung đột không liên quan đến mình. Ví dụ: nếu hai người bạn của bạn đang cãi cọ, bạn có thể cố gắng đưa ra lời khuyên hoặc mẹo để chắp vá tình hình để họ trở lại làm bạn - thậm chí có thể với hy vọng thầm kín rằng họ sẽ suy nghĩ tích cực hơn về bạn vì đã giúp họ làm lành.

Nó ảnh hưởng đến bạn thế nào

Theo Myers, việc làm hài lòng mọi người không phải là tiêu cực. "Một phần của mối quan hệ với người khác bao gồm việc tính đến mong muốn, nhu cầu và cảm xúc của họ." Những khuynh hướng này thường xuất phát từ chỗ quan tâm và tình cảm.

Nhưng cố gắng giành được sự quan tâm của người khác thường có nghĩa là bạn bỏ qua nhu cầu và cảm xúc của chính mình. Theo một cách nào đó, bạn đang thực hiện một hành động. Bạn đang làm những gì bạn nghĩ mọi người muốn để họ thích bạn. Bạn có thể chỉ giả vờ thích được giúp đỡ, vì đây là một phần của việc giữ cho mọi người hạnh phúc.

Điều này không hoàn toàn trung thực và theo thời gian, việc làm hài lòng mọi người có thể làm tổn thương bạn và các mối quan hệ của bạn. Đây là cách thực hiện.

Bạn cảm thấy chán nản và bực bội

Nếu bạn dành tất cả quỹ thời gian của mình để làm việc cho người khác, những người được bạn giúp đỡ có thể sẽ nhận ra và đánh giá cao những hy sinh của bạn. Nhưng họ cũng có thể không.

Theo thời gian, họ có thể lợi dụng bạn, ngay cả khi đó không phải là ý định của họ. Họ cũng có thể không nhận ra bạn đang hy sinh vì họ.

Trong cả hai trường hợp, việc tỏ ra tử tế với động cơ, mục đích đằng sau sẽ khiến bản thân chuốc lấy chán nản và bực bội. Điều này thường được quy về như một biểu hiện hành vi hung hăng thụ động (passive aggressive), có thể gây bối rối hoặc thậm chí khó chịu cho những người thực sự không hiểu chuyện gì đang xảy ra.

Người khác lợi dụng bạn

Một số người sẽ nhanh chóng nhận ra và lợi dụng những biểu hiện “chiều lòng người khác” này. Họ có thể sẽ không nghĩ ra được cái tên cho hành vi ấy. Nhưng họ biết bạn sẽ đồng ý với bất cứ điều gì họ yêu cầu, và sẽ tiếp tục hỏi. Và bạn tiếp tục nói có, bởi vì bạn muốn giữ lại hạnh phúc cho họ.

Nhưng điều này có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng. Bạn có thể phải đối mặt với các vấn đề tài chính nếu đối phương yêu cầu hỗ trợ tài chihs. Bạn cũng đối mặt với nguy cơ cao bị thao túng hoặc lạm dụng tinh thần / tình cảm.

Nếu bạn là cha mẹ, hành vi này có thể để lại loạt hậu quả khác. Ví dụ, bạn có thể để con mình trốn tránh trách nhiệm vì bạn không muốn đánh mất tình cảm của chúng. Nhưng điều này ngăn cản con trẻ học hỏi những kỹ năng sống quý giá. Hiện tại con có thể hạnh phúc, nhưng trong tương lai, con nhất định sẽ phải giáp mặt với nhiều bài học khó khăn khác.

Các mối quan hệ của bạn không làm bạn hài lòng

Các mối quan hệ lành mạnh, bền chặt được cân bằng và liên quan đến việc cho và nhận. Bạn làm việc tốt giúp những người thân yêu, và họ cũng làm như vậy với bạn.

Mối quan hệ sẽ không thực sự mỹ mãn khi mọi người thích bạn chỉ vì bạn làm những điều tốt đẹp cho họ.

Cảm tình không phải là một loại hàng hóa. Khi tất cả những gì bạn làm là để thể hiện mình là người mà bạn nghĩ người khác muốn bạn trở thành, thì bạn đang không hiện hữu trong mối quan hệ với tư cách là chính mình. Thật khó để duy trì, chưa kể đến việc hài lòng, trong những mối quan hệ mà bạn không thực sự hiện diện.

Căng thẳng và kiệt sức

Một trong những tác động lớn của việc chiều lòng mọi người là sự gia tăng căng thẳng. Điều này có thể dễ dàng xảy ra khi bạn nhận giúp người khác nhiều hơn khả năng thực tế của bản thân.

Bạn không chỉ mất thời gian của bản thân. Bạn cũng thấy mình có ít thời gian hơn cho những việc bạn thực sự cần làm. Để có được những thứ cần thiết nhất, bạn có thể phải tăng số giờ làm việc hoặc thậm chí thức trắng, sau cùng phải đối mặt với những hậu quả về thể chất gây ra bởi lo lắng và căng thẳng.

Người yêu và bạn bè trở nên thất vọng với bạn

Người yêu bạn có thể nhận thấy cách bạn đồng tình với ý kiến của mọi người, hoặc tự hỏi tại sao bạn phải xin lỗi về những điều bạn không làm. Thời gian và sức lực dành cho một mối quan hệ rất dễ bị đánh đổi với nỗ lực dồn vào thói quen giúp đỡ người khác.

Chiều lòng mọi người cũng có thể phản tác dụng, khi sự giúp đỡ của bạn khiến đối phương mất khả năng tự định đoạt công chuyện của bản thân.

Những người thân thiết cũng có thể cảm thấy khó chịu khi bạn nói dối hoặc thêm thắt sửa đổi câu chuyện thật chỉ vì muốn họ vui lòng.

Điều đó đến từ đâu?

Myers nói: “Chúng ta chiều lòng người khác vì nhiều lý do.”

Không có nguyên nhân cơ bản nào gây ra thiên hướng chiều lòng mọi người. Thay vào đó, chúng có xu hướng phát triển từ sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm những yếu tố sau.

Sang chấn, tổn thương trong quá khứ

Theo Myers, những hành vi chiều lòng con người đôi khi phát sinh như cách phản ứng nỗi sợ hãi liên quan đến tổn thương.

Nếu bạn đã từng trải qua sang chấn, chẳng hạn như lạm dụng trẻ em hoặc lạm dụng tình cảm, có thể bạn sẽ không cảm thấy an toàn khi duy trì một số ranh giới nhất định. Bạn có thể đã học được rằng sẽ an toàn hơn khi làm những gì người khác muốn và quan tâm đến nhu cầu của họ trước.

Bằng cách làm hài lòng, bạn đã khiến mình trở nên dễ mến trong mắt họ, và do đó an toàn.

Vấn đề về lòng tự trọng

Những thông điệp về danh tính từ những mối quan hệ ban đầu của bạn với người chăm sóc rất khó có thể xóa bỏ.

Ví dụ, nếu bạn học được rằng giá trị của bạn đến từ những gì bạn làm cho người khác, điều này có thể sẽ đi theo suốt cuộc đời của bạn trừ khi bạn cố gắng hoàn tác, xóa bỏ thông điệp này.

Nỗi sợ bị chối bỏ

Những mối quan hệ ban đầu cũng có thể gắn bó với bạn theo những cách khác.

Nếu cha mẹ hoặc người chăm sóc của bạn trao cho bạn sự chấp thuận và yêu thương phần lớn dựa trên biểu hiện hành vi của bạn, bạn có thể nhanh chóng nhận ra điều tôt nhất nên làm là giữ cho họ hạnh phúc.

Để tránh bị chối bỏ dưới hình thức chỉ trích và trừng phạt khi bạn làm sai điều gì đó, bạn đã học cách luôn làm những gì đối phương muốn, có lẽ trước khi họ yêu cầu bạn làm vậy.

Cách vượt qua nó

Nếu bạn muốn phá vỡ thói quen làm hài lòng mọi người, nhận biết những hành vi này được thể hiện như thế nào trong cuộc sống của bạn là bước khởi động tốt. Nâng cao nhận thức về cách bạn chiều lòng mọi người có thể giúp bạn bắt đầu thay đổi.

Hãy thể hiện lòng tốt khi bạn thực sự có ý đó

Trao lòng tốt là một hành vi bình thường - thậm chí còn là điều tốt. Nhưng lòng tốt không xuất phát từ mong muốn được chấp thuận và nó thường không liên quan đến bất kỳ động cơ nào ngoài việc muốn làm mọi thứ tốt hơn cho người khác.

Trước khi đề nghị giúp đỡ, hãy cân nhắc ý định của bạn và tự hỏi xem hành động đó sẽ khiến bạn cảm thấy thế nào. Cơ hội giúp đỡ người khác có mang lại niềm vui cho bạn không? Hay bạn sẽ cảm thấy bực bội nếu hành động đó không được đáp lại?

Thử đặt bản thân lên trên hết

Bạn cần nguồn năng lượng và cảm xúc để giúp đỡ người khác. Nếu bạn không chăm sóc bản thân, bạn sẽ không thể làm bất cứ điều gì cho bất kỳ ai khác. Đặt nhu cầu của bản thân lên hàng đầu không phải là ích kỷ mà là điều lành mạnh.

Myers nói: “Xây dựng hình tượng cá nhân biết cho đi và quan tâm là điều tốt. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là đặt nhu cầu bản thân lên hàng đầu.”

Hãy nhớ rằng những “nhu cầu” này có thể bao gồm đưa ra ý kiến ​​bản thân trong cuộc họp tại nơi công sở, thoải mái với cảm xúc của mình, và yêu cầu những gì bạn cần trong mối quan hệ của bản thân.

Học cách đặt ra ranh giới

Theo Myers, phát triển các ranh giới lành mạnh là một bước quan trọng để vượt qua các hành vi làm hài lòng mọi người.

Lần tới khi có ai đó yêu cầu giúp đỡ hoặc bạn nổi hứng muốn can thiệp, hãy thử cân nhắc:

  • Cảm xúc của bạn về hành động này. Đó là điều bạn muốn làm, hay bạn rất ghét nó?
  • Liệu bạn có thời gian xử lý nhu cầu cá nhân của bản thân không. Liệu bạn sẽ phải hy sinh quỹ thời gian rảnh hạn hữu hay bỏ qua một việc nhà cần thiết chứ?
  • Việc giúp đỡ sẽ ảnh hưởng đến cảm xúc của bạn thế nào. Nó sẽ khiến bạn cảm thấy hạnh phúc hay bực bội?

Chờ đến khi được yêu cầu giúp đỡ

Bất kể vấn đề là gì, bạn luôn sẵn sàng với giải pháp. Bạn xung phong chân dọn dẹp tại nơi làm việc và lập tức đưa ra gợi ý khi một người bạn đề cập đến bất kỳ loại vấn đề nào.

Lần tới, hãy thử thách bản thân bằng việc đợi cho đến khi ai đó yêu cầu sự giúp đỡ cụ thể từ bạn.

Ví dụ, nếu người yêu của bạn tỏ ra khó chịu về cách xử sự tồi tệ của sếp bên họ, hãy thể hiện sự quan tâm của bạn bằng cách lắng nghe thay vì liệt kê các mẹo để đối phó với tình huống này. Họ có thể muốn sự đồng cảm và thấu hiểu hơn bất cứ điều gì khác.

Trao đổi với một nhà trị liệu

Không phải lúc nào bạn cũng dễ dàng tự mình phá vỡ thói quen, đặc biệt là những hành vi đã hình thành từ thời thơ ấu hoặc do tổn thương.

Chuyên gia trị liệu có thể giúp bạn khám phá điều gì đằng mong muốn giữ cho mọi người hạnh phúc của bạn. Ngay cả khi dường như không tồn tại nguyên nhân rõ ràng, họ có thể đưa ra chỉ dẫn về các cách thức đối phó để giúp bạn giải quyết thói quen chiều lòng người khác này.

Điểm mấu chốt

Chiều lòng mọi người nghe có vẻ là một điều tốt, nhưng nó không mang lại lợi ích gì cho bạn hoặc những người thân yêu của bạn. Nếu bạn cảm thấy kiệt sức từ việc cố giữ cho mọi người vui vẻ, hãy cân nhắc nói chuyện với bác sĩ trị liệu về cách bạn có thể khiến bản thân hạnh phúc trước.

----------Tác giả: Crystal Raypole

Link bài gốc: How to Stop People-Pleasing (and Still Be Nice)

Dịch giả: Đào Thị Quỳnh Anh - ToMo - Learn Something New

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về ToMo. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Dịch Giả: Đào Thị Quỳnh Anh - Nguồn: ToMo - Learn Something New". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, ví dụ: "Theo ToMo" hoặc khác đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook ToMo - Learn Something New để đọc các bài dịch khác và cập nhật thông tin bổ ích hằng ngày.

Từ khóa » Khó Chiều Lòng Người