​Tôn Nữ Thị Ninh Với Tư Duy Và Chia Sẻ - Tuổi Trẻ Online

Ảnh: Lam Điền

Tự nhìn nhận tư duy là “sản phẩm” tốt nhất của mình, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Tôn Nữ Thị Ninh chia sẻ với Tuổi Trẻ về Tư duy và chia sẻ - cuốn sách đầu tiên của bà.

* Vì sao bà quyết định ra cuốn sách này?

- Khi tuổi tăng lên, con người bắt đầu nghĩ đến quỹ thời gian và cái gì nên làm, cái gì ý nghĩa nhất cần phải làm trong từng giai đoạn. Trong khi tiếp tục những hoạt động giáo dục, văn hóa, xã hội... của mình, tôi nghĩ không gì bằng xuất bản cuốn sách như là một phương tiện để qua đó tôi có thể chia sẻ rộng rãi và đầy đủ hơn, từ những phát biểu chính thức như đại diện của Nhà nước Việt Nam, cho đến những chia sẻ rất thân mật với phụ nữ, với sinh viên... Tôi bày tỏ suy nghĩ của tôi một cách tương đối thẳng thắn.

Tư duy của tôi - như mọi người - được hình thành, thay đổi, củng cố hay điều chỉnh sâu đậm thêm qua trải nghiệm của cuộc sống. Thành thử ý định chia sẻ tư duy trong một cuốn sách tôi nghĩ là ý định kịp thời, thiết thực. Và tôi hi vọng thiết thực không chỉ cho tôi mà cho cả bạn đọc.

* Thưa bà, bà bắt đầu sự nghiệp là nhà giáo dạy học ở Pháp rồi Sài Gòn, sau đó là nhà ngoại giao. Và nếu theo dõi sẽ thấy bà quan tâm rất nhiều vấn đề và thể hiện tương đối rõ trong cuốn sách này. Xin bà giải thích về sự quan tâm này, từ thương hiệu quốc gia đến giáo dục...

- Về giáo dục, trường phái học Mỹ là kỹ trị (technocrat) chuyên sâu. Trường phái châu Âu truyền thống lại là hiểu biết rộng. Tôi được đào tạo, trưởng thành trong môi trường tư duy học thuật rộng. Ðiều đó không có nghĩa là tôi không quan tâm hay không thể quan tâm theo chiều sâu. Nhưng đồng thời tôi rất coi trọng việc hiểu rộng, nhiều chiều. Thành thử cách tiếp cận theo chiều ngang, theo nhiều chiều là cách mà từ thời sinh viên ở Pháp tôi đã có. Cách tiếp cận đó là cách tiếp cận nhân văn.

Ðồng thời với cách tiếp cận đó là cách tiếp cận theo chủ nghĩa quốc tế (internationalism), tức luôn luôn phải đặt vấn đề trong bối cảnh rộng lớn của nó, của thế giới, của khu vực rồi sau đó mới đến đất nước và cộng đồng.

Ngoài ra, cuốn sách cũng cho thấy tôi chịu ảnh hưởng rất rõ của giáo dục gia đình. Từ lúc nhỏ tôi đã được học từ mẹ thái độ sống luôn luôn quan tâm đến người xung quanh và luôn biết thương người.

Có lẽ chịu ảnh hưởng từ nhỏ như vậy nên tôi theo cả chủ nghĩa nhân văn với tư duy quốc tế rộng mở. Hai cái đó đã xuyên suốt quá trình học tập, làm việc của tôi ở Pháp cũng như trong nước sau này.

Ngoài ra, từ nhỏ tôi đã luôn là người rất tò mò. Mà tò mò là đặc tính rất cần cho các nhà khoa học, kể cả tự nhiên hay xã hội. Phải luôn đặt câu hỏi tại sao.

Khi dạy sinh viên hay khi tiếp cận một vấn đề tôi luôn đặt câu hỏi tại sao. Câu hỏi “tại sao” thôi thúc tôi muốn hiểu. Ðã muốn hiểu thì phải động não, phải suy nghĩ, phải tư duy. Trong cuốn sách, vì vậy tôi không kể tôi làm gì mà chỉ chia sẻ tôi đã nghĩ gì. Theo một nghĩa nào đó thì tư duy chính là sản phẩm tốt nhất của tôi.

* Bạn đọc nghe cái tên Tôn Nữ Thị Ninh sẽ luôn nghĩ đến một nhà ngoại giao xuất sắc với nhiều mẩu chuyện, giai thoại. Ðọc cuốn sách này, chúng ta có cảm giác thiếu những câu chuyện ngoại giao - phần mà có lẽ nhiều người đọc muốn nghe kể...

- Tôi biết sẽ có người hỏi “sao ít chuyện ngoại giao trong này quá?”. Tôi nghĩ nếu đây là tự truyện, tôi sẽ viết về các câu chuyện ngoại giao. Ðã có cuốn sách Chuyện nghề, chuyện nghiệp ngoại giao của nhóm tác giả (NXB Hội Nhà Văn). Ðọc cuốn này, tôi nghĩ đến phiên mình tôi sẽ phải viết khác chút, tìm cách tiếp cận khác. Tôi luôn đặt vấn đề về cách tiếp cận.

Nhưng mà chắc chắn tôi nợ cái đó (chuyện ngoại giao) với những người từng nghe tôi nói chuyện hoặc những người quan tâm. Chắc tôi cũng không thể trốn những câu chuyện ngoại giao hoặc những bài học ngoại giao. Tôi sẽ cân nhắc cách tiếp cận.

* Với cuốn sách này, bà mong muốn có những nhóm độc giả nào?

- Trên thực tế, nếu những người cùng lứa tuổi hay tuổi trung niên có tán thưởng, có hưởng ứng thì tôi cũng mừng. Nhưng nếu gọi hơi đùa chút thì “giá trị sử dụng” của nhóm này cũng có hạn.

Giá trị sử dụng của một tư duy lan tỏa thì phải là thanh niên để họ có quỹ thời gian dài để được động viên, được khuyến khích hay tìm được một cảm hứng nào đó.

Tư duy như một hạt giống. Hạt giống thì cần thời gian để phát triển, để đơm hoa kết trái. Thành thử đối với tôi, tôi hướng về thanh niên một cách rất là logic, tự nhiên và tất nhiên.

Cuốn sách Tư duy và chia sẻ (NXB Trẻ) tập hợp 46 bài viết và phỏng vấn mà bà Tôn Nữ Thị Ninh đã thực hiện trong nhiều năm. Buổi ra mắt sách sẽ diễn ra lúc 9g ngày 7-3 tại NXB Trẻ, số 161B Lý Chính Thắng, Q.3, TP.HCM.

Tác giả chia sẻ: “Có thể coi cuốn sách như món buffet các trích dẫn tư duy, những suy nghĩ về nhiều lĩnh vực qua các thời kỳ. Những người đặc biệt quan tâm về đối ngoại có thể đọc phần Việt Nam và thế giới. Những người đặc biệt quan tâm đến xã hội có thể đọc phần Xã hội. Phần Tản mạn giúp cuốn sách nhẹ nhàng hơn, có “bật mí” vài khía cạnh liên quan đến cá nhân tôi. Còn Việt Nam, suốt ngày tôi bận tâm đến Việt Nam, đó là chủ đề xuyên suốt”.

Từ khóa » Tôn Nữ Thị Ninh Sách