Tổn Thương Cơ Bản Của Tế Bào Và Mô (P1) | BvNTP
Có thể bạn quan tâm
Giải phẫu bệnh đại cương nghiên cứu về các tổn thương cơ bản, là tổn thương chung của mọi loại bệnh lý ở các cơ quan và hệ thống khác nhau.
Tổn thương cơ bản là các biến đổi hình thái của tế bào và mô gây ra bởi các nguyên nhân bệnh lý hoặc sinh lý, gồm có 7 loại là: các đáp ứng thích nghi, ứ đọng nội bào, lắng đọng ngoại bào, hoại tử, viêm, u, tổn thương huyết quản huyết do rối loạn tuần hoàn.
CÁC ĐÁP ỨNG THÍCH NGHI
Là các biến đổi hình thái của tế bào và mô nhằm thích ứng với môi trường xung quanh đã bị thay đổi. Có 5 loại đáp ứng thích nghi sau:
PHÌ ĐẠI (hypertrophy)
Là hiện tượng tăng kích thước tế bào. Tế bào tăng kích thước bởi vì có sự tăng tổng hợp tất cả các thành phần cấu tạo của nó. Nhiều tế bào phì đại sẽ dẫn đến sự phì đại của 1 mô, 1 cơ quan. Nguyên nhân gây phì đại thường là do có một yêu cầu cao hơn về mặt chức năng đối với tế bào và mô hoặc do có sự kích thích của một hormôn đặc hiệu. Phì đại có liên quan mật thiết với tăng sản và cả 2 hiện tượng này thường xảy ra đồng thời với nhau. Phì đại được phân thành 2 loại: phì đại sinh lý và phì đại bệnh lý.
Phì đại sinh lý:
Khi mang thai, tế bào cơ trơn tử cung được estrogen kích thích sẽ phì đại gấp 10 lần bình thường. Estrogen gắn lên các thụ thể tương ứng có trong bào tương tế bào cơ trơn, đi vào trong nhân và tương tác với ADN, kích thích sự tổng hợp các ARNm; kết quả làm tăng số lượng protein của tế bào cơ trơn và làm tăng kích thước tế bào. Ở các vận động viên, các tế bào cơ vân phì đại để thích nghi với yêu cầu tăng cao về chức năng co duỗi của cơ trong quá trình tập luyện (Hình 1).
Hình 1: Phì đại sinh lý tử cung khi mang thai (A); tế bào cơ trơn bình thường (B); tế bào cơ trơn phì đại (C).
Phì đại bệnh lý:
Trong bệnh cao huyết áp hoặc hẹp van động mạch chủ, tâm thất trái của tim phải co bóp mạnh hơn để thắng được sự gia tăng lực cản trong động mạch; để thích nghi tế bào cơ tim sẽ phì đại, làm vách tim dầy lên và làm tăng trọng lượng quả tim (Hình 2).
Hình 2: Phì đại bệnh lý thất trái do cao huyết áp (A); tế bào cơ tim bình thường (B); tế bào cơ tim phì đại (C).
TĂNG SẢN (hyperplasia)
Là hiện tượng tăng số lượng tế bào bằng hoạt động phân bào. Như vậy, chỉ những tế bào còn giữ được khả năng phân bào mới có thể tăng sản. Tăng sản cũng được phân biệt thành 2 loại: tăng sản sinh lý và tăng sản bệnh lý.
Tăng sản sinh lý:
Khi mang thai, các tế bào tuyến vú vừa tăng sản vừa phì đại để chuẩn bị cho hoạt động tiết sữa, tương tự như vậy đối với các tế bào cơ trơn của tử cung. Ở gan, nếu một phần gan bị cắt bỏ, phần còn lại sẽ tăng sản nhằm bù đắp lại số tế bào gan đã mất, còn gọi là tăng sản bù trừ (Hình 3).
Hình 3: Ảnh chụp CT ở một người trước khi hiến tặng thuỳ phải gan (A); chỉ 1 tuần sau phẫu thuật, thuỳ trái gan đã to hẳn ra do hoạt động tăng sản bù trừ (B). Vi thể mô gan bình thường ít thấy hình ảnh phân bào (C); còn mô gan tăng sản bù trừ thì có tỉ lệ phân bào cao (D).
Tăng sản bệnh lý:
Hầu hết đều do sự kích thích quá mức của một hormôn đặc hiệu. Tăng sản bệnh lý khác với sự tăng sinh của các tế bào u ở chỗ nó sẽ biến mất khi không còn kích thích của hormôn. Thí dụ như tình trạng tăng sản nội mạc tử cung gây ra bởi sự gia tăng estrogen, khi lượng estrogen trở về bình thường, tình trạng tăng sản nội mạc sẽ biến mất. Tuy nhiên, tăng sản bệnh lý vẫn là một mảnh đất mầu mỡ cho sự phát triển của ung thư, thí dụ tình trạng tăng sản nội mạc tử cung không kiểm soát được có thể dẫn đến carcinôm tuyến nội mạc (Hình 4).
Tăng sản có thể diễn ra đồng đều hoặc không đồng đều cho tất cả các tế bào trong cùng một mô. Trường hợp tăng sản không đồng đều, chỉ xảy ra ở một số nhóm tế bào, sẽ tạo thành các cục tăng sản; do đó kiểu tăng sản này được gọi là tăng sản dạng cục, thường thấy ở tuyến tiền liệt, tuyến giáp, tuyến vú, lớp cơ trơn thân tử cung.
Hình 4: Nội mạc tử cung: bình thường (A); tăng sản bệnh lý (B); carcinôm tuyến nội mạc (C)
TEO ĐÉT (atrophy)
Là hiện tượng giảm kích thước và thể tích tế bào do các thành phần cấu tạo của nó đều bị giảm số lượng. Dưới KHVĐT, người ta thấy có sự gia tăng số lượng túi tự thực và không bào tự thực trong bào tương. Mô hoặc cơ quan sẽ teo nhỏ lại khi có nhiều tế bào bị teo đét. Các nguyên nhân gây teo đét tế bào gồm có: sự giảm yêu cầu chức năng đối với tế bào và mô, mất phân bố thần kinh, giảm tưới máu nuôi, suy dinh dưỡng, mất sự kích thích của hormôn đặc hiệu, sự già nua. Teo đét được phân thành 2 loại: teo đét sinh lý và teo đét bệnh lý.
Teo đét sinh lý:
Tử cung nhỏ lại sau sinh.
Các cơ vân ở người già bị teo lại do sự giảm hoạt động.
Các tuyến sinh dục của người già bị teo lại do mất các kích thích hormôn.
Teo đét bệnh lý:
Teo cơ do bệnh bại liệt làm tổn thương các nơron vận động (Hình 5).
Teo cơ do chi bị gãy xương phải bó bột bất động.
Sự teo dần bộ não do bệnh xơ vữa động mạch làm giảm lượng máu nuôi.
Cần phân biệt sự teo đét tế bào với hiện tượng thoái triển (involution) của một số cơ quan, xảy ra trong quá trình phát triển tự nhiên của cơ thể. Trong hiện tượng này, có sự giảm số lượng tế bào bằng cơ chế tự hủy tế bào (apoptosis), kết quả cơ quan bị teo nhỏ lại; thí dụ như sự thoái triển của tuyến ức ở tuổi thiếu niên. Trong sự teo nhỏ các cơ quan sinh dục ở người già, thực ra có sự phối hợp của cả 2 hiện tượng: teo đét tế bào và thoái triển.
Hình 5: Teo cơ cẳng chân phải do bệnh bại liệt (A); Tế bào cơ vân bình thường (B); Tế bào cơ vân teo đét.
CHUYỂN SẢN (metaplasia)
Đối với một số loại thay đổi của môi trường xung quanh, tế bào chỉ có thể thích nghi tốt bằng cách thay đổi hướng biệt hoá, gọi là chuyển sản. Đây là hiện tượng chuyển dạng từ 1 loại mô đã biệt hoá thành 1 mô biệt hoá khác nhưng vẫn cùng loại (cùng là biểu mô hay trung mô). Chuyển sản là 1 tổn thương có tính khả hồi.
Thí dụ:
Ở người nghiện thuốc, biểu mô trụ giả tầng của khí phế quản thích nghi với sự kích thích kéo dài của khói thuốc bằng cách chuyển dạng thành biểu mô lát tầng, gọi là chuyển sản gai của biểu mô hô hấp.
Ở cổ tử cung của người phụ nữ trưởng thành, phần biểu mô trụ đơn tiết nhầy của cổ trong thường bị lộn ra ngoài, gọi là tình trạng lộ tuyến cổ tử cung; để thích nghi với môi trường acid trong âm đạo, biểu mô trụ đơn cổ trong sẽ chuyển thành biểu mô lát tầng giống biểu mô cổ ngoài cổ tử cung, gọi là hiện tượng chuyển sản gai. (Hình 6)
Hình 6: Lộ tuyến cổ trong cổ trong cổ tử cung ( mũi tên, A); Biểu mô trụ đơn cổ trong bình thường (B); bắt đầu chuyển sản thành 2 lớp (C); nhiều lớp (D); cuối cùng trở nên biểu mô lát tầng giống giống cổ ngoài (E).
Biểu mô chuyển tiếp của bàng quang chuyển sản thành biểu mô lát tầng do bị kích thích kéo dài bởi sỏi bàng quang hoặc nhiễm trùng.
Biểu mô lát tầng ở đoạn dưới thực quản chuyển thành biểu mô trụ đơn tiết nhầy để thích ứng với axit có trong dịch vị trào ngược lên thực quản.
Biểu mô trụ đơn tiết nhầy của bề mặt niêm mạc dạ dày chuyển thành biểu mô có tề bào hình đài tiết nhầy giống biểu mô ruột, do viêm mãn tính
Mô sợi có thể chuyển sản thành mô sụn hoặc mô xương sau 1 chấn thương (Hình 7).
Hình 7: Mô sợi sau chấn thương (A); các bè xương (mũi tên) do mô sợi chuyển sản tạo ra.
NGHỊCH SẢN (dysplasia)
Nghịch sản là 1 rối loạn của sự tăng sinh tế bào, dẫn đến sự thay đổi hình dạng, kích thước của tế bào cũng như cách tổ chức sắp xếp của chúng trong một mô. Nghịch sản thực chất không phải là 1 đáp ứng thích nghi, nhưng do có mối liên quan mật thiết với tăng sản nên vẫn được đề cập tại đây.
Nghịch sản xảy ra chủ yếu ở các biểu mô (thường là 1 biểu mô đã bị chuyển sản) do tác động kéo dài của 1 kích thích. Các tế bào nghịch sản có kích thước to nhỏ không đều, nhân tăng sắc và cũng có kích thước to nhỏ không đều, tỉ lệ nhân/ bào tương tăng, tỉ lệ phân bào tăng nhưng không có phân bào bất thường, định hướng sắp xếp của các lớp tế bào trong mô bị rối loạn. Đối với biểu mô lát tầng, tùy theo các hình ảnh biến đổi nói trên còn giới hạn ở 1/3 dưới, 1/3 giữa hoặc đã lên đến 1/3 trên của chiều dày biểu mô, phân biệt ra 3 mức độ nghịch sản: nhẹ, vừa và nặng. Khi hình ảnh biến đổi đã chiếm toàn bộ chiều dày biểu mô, kể cả lớp bề mặt thì tổn thương khi đó được gọi là carcinôm tại chỗ. Như vậy nghịch sản được xem là tổn thương tiền ung thư vì nghịch sản nặng có thể chuyển thành ung thư; tuy nhiên nó vẫn còn là một tổn thương khả hồi vì biểu mô nghịch sản ở mức độ nhẹ và vừa có thể trở lại bình thường khi không còn tác nhân kích thích (Hình 8).
Hình 8: Biểu mô lát tầng bình thường (A); bị nghịch sản nhẹ (B); nghịch sản vừa (C); nghịch sản nặng (D).
Thí dụ trong trường hợp cổ tử cung bị viêm nhiễm kéo dài, biểu mô trụ đơn của cổ trong chuyển sản thành biểu mô lát tầng. Nếu viêm nhiễm tiếp tục gia tăng, biểu mô lát tầng này có thể bị nghịch sản từ nhẹ đến nặng; nếu nghịch sản nặng kéo dài mà không được điều trị thì có thể chuyển thành carcinôm tại chỗ và tiếp sau đó là carcinôm tế bào gai xâm lấn.
Ứ ĐỌNG NỘI BÀO (INTRACELLULAR ACCUMULATION)
Là hiện tượng ứ đọng bên trong tế bào 1 sản phẩm chuyển hoá bình thường hoặc bất thường. Tùy theo mức độ ứ đọng, hoạt động của tế bào có thể bị rối loạn từ ít đến nhiều hoặc trầm trọng đến mức gây chết tế bào.
Ứ ĐỌNG NƯỚC
Là hiện tượng ứ đọng nước trong tế bào, chủ yếu gặp ở tế bào ống thận, gan, tim.
Nguyên nhân: các tình trạng thiếu máu, thiếu oxy, ngộ độc (Chloroform, tetrachlorur carbon...), nhiễm trùng... làm giảm sự sản xuất ATP tại ty thể. Do thiếu hụt ATP, hoạt động của bơm Na+/ K+ - ATPase ở màng tế bào bị rối loạn, dẫn đến ứ đọng natri trong tế bào, kết quả nước bị kéo vào làm trương giãn các bào quan và toàn bộ tế bào.
Hình thái tổn thương:
Đại thể: các tạng ứ nước bị trương to tăng trọng lượng, vỏ bọc căng, mầu sắc lợt lạt.
Vi thể: tùy theo mức độ ứ đọng nước, có thể thấy hình ảnh:
Trương đục tế bào (cloudy swelling): do ứ nước mức độ trung bình, tế bào trương to, bào tương dạng hạt, bắt mầu kém, nhân còn ở giữa tế bào. Ở giai đoạn này, tổn thương còn khả hồi.
Thoái hoá nước (hydropic degeneration): do ứ nước trầm trọng, tế bào trương to, bào tương bị choán bởi các không bào lớn không mầu mà bản chất là các túi lưới nội bào bị trương to, nhân bị đẩy lệch ra ngoại vi. Tế bào có thể vỡ, chết (Hình 9).
Hình 9: Tế bào gan bình thường (A); Trương đục tế bào gan (B); Thoái hóa nước tế bào gan (C)
Ứ ĐỌNG LIPID
Ứ đọng triglycerid (ứ đọng mỡ):
Thường gặp ở gan vì chuyển hoá mỡ được thực hiện chủ yếu tại đây, cũng có thể gặp ở các tạng khác như tim, thận, cơ.
Nguyên nhân gây ứ đọng mỡ đa dạng và khác nhau tùy cơ quan. Gan thường bị ứ đọng mỡ chủ yếu là do ngộ độc rượu, hoặc do suy dinh dưỡng. Tim bị ứ đọng mỡ do thiếu oxy mãn, do độc tố của vi khuẩn như trong trong bệnh viêm cơ tim do vi khuẩn bệnh bạch hầu.
Hình thái tổn thương:
Đại thể: tạng bị ứ đọng mỡ to ra, mầu vàng.
Vi thể: tuỳ mức độ ứ đọng, trong bào tương chứa nhiều không bào nhỏ không mầu hoặc một không bào lớn duy nhất, đẩy nhân lệch ra ngoại vi. Nếu ứ đọng quá nặng, tế bào bị hoại tử (Hình 10).
Hình 10: Gan bình thường (A); Gan ứ đọng mỡ (B); tế bào gan chứa một giọt mỡ lớn trong bào tương làm nhân bị đẩy lệch (C); giọt mỡ bắt mầu đỏ với phẩm nhuộm Oil Red O (D)
Cần phân biệt tổn thương ứ đọng mỡ với sự xâm nhập mỡ vào mô đệm (stromal infiltration of fat) tức là sự xâm nhập của các tế bào mỡ trưởng thành vào trong mô liên kết của các tạng (thường nhất là tim và tụy tạng), xảy ra trong quá trình lão hoá. Sự xâm nhập này không gây ảnh hưởng gì đến hoạt động bình thường của tạng bị xâm nhập.
Ứ đọng cholesterol và cholesterol ester hoá:
Bình thường, cholesterol được vận chuyển từ gan đến tế bào sẽ được sử dụng hết để tổng hợp các cấu trúc màng nên không bị ứ lại trong bào tương. Trong một số bệnh lý như bệnh xơ vữa động mạch, bệnh tăng cholesterol máu có tính chất gia đình; cholesterol và cholesterol ester hoá bị ứ đọng trong các đại thực bào dưới dạng những không bào rất nhỏ, làm cho đại thực bào có hình ảnh bọt bào (foam cell). Các bọt bào này có thể tập trung nhiều trong mô liên kết của da, tạo thành các đám sùi mềm mầu vàng gọi là u vàng (xanthoma) (Hình 11).
Hình 11: U vàng ở mí mắt trên (A); Các bọt bào ứ đọng cholesterol
Ứ đọng lipid phức tạp:
Gặp trong 1 số rối loạn chuyển hoá bẩm sinh gọi chung là các bệnh tích tiêu thể (lysosomal storage disease); lipid bị ứ đọng trong các tiêu thể do tiêu thể bị thiếu hụt enzym thủy phân tương ứng.
Thí dụ: trong bệnh GAUCHER, có sự thiếu hụt enzym glucocerebrosidase làm glucocerebroside bị ứ lại trong tiêu thể của các đại thực bào. Các đại thực bào này còn được gọi là tế bào Gaucher, có kích thước lớn (100mcm), bào tương có dạng sợi.
Trong bệnh NIEMANN - PICK, có sự thiếu hụt enzym sphingomyelinase làm sphingomyelin bị ứ lại trong tiêu thể của các đại thực bào. Các đại thực bào này có kích thước lớn, có dạng tế bào bọt do bào tương chứa đầy những không bào nhỏ.
Ứ ĐỌNG GLUCID
Ứ đọng glycogen:
Gặp trong các rối loạn chuyển hoá glucoz như bệnh tiểu đường hoặc các bệnh tích glycogen (glycogen storage disease).
Trong bệnh tiểu đường, glucoz thoát vào ống thận gần sẽ được các tế bào biểu mô ống thận cố tái hấp thu cho hết. Kết quả là glucoz bị ứ đọng trong bào tương dưới dạng glycogen, tạo thành các không bào nhỏ khó thấy, nhiều khi phải nhuộm đặc biệt (PAS, Carmin de Best ) mới phát hiện được (Hình 12).
Hình 12: Ứ đọng glycogen trong tế bào biểu mô ống thận khó thấy với nhuộm thông thường (A); thấy rõ khi nhuộm với phẩm nhuộm Carmin de Best
Trong bệnh tích glycogen (bệnh Von Gierke, bệnh Mc Ardle, bệnh Pompe, v.v.), có sự thiếu hụt một trong các enzym liên quan đến quá trình tổng hợp hoặc giáng hoá glycogen, kết quả là glycogen bị ứ lại trong bào tương hoặc trong tiêu thể của các tế bào gan, thận, cơ tim... làm tăng kích thước và rối loạn hoạt động các cơ quan.
Ứ đọng mucopolysaccharide:
Bệnh tích mucopolysaccharide (mucopolysaccharidoses) là một nhóm bệnh rối loạn chuyển hoá bẩm sinh gây ra sự thiếu hụt 1 trong các enzym cần cho sự giáng hoá các mucopolysaccharide như heparan sulfate, keratan sulfate, chondroitin sulfate, dermatan sulfate. Kết quả là các mucopolysaccharide bị ứ lại trong tiêu thể của các đại thực bào, tế bào cơ trơn, tế bào nội mô, nguyên bào sợi trong khắp cơ thể.
Ứ ĐỌNG PROTEIN
Đặc trưng bởi sự xuất hiện trong bào tương các thể vùi hình tròn đồng nhất vô định hình, trong như kính, bắt mầu phẩm nhuộm acid, gọi là các thể vùi hyalin (Hình 13).
3 cơ chế gây ứ đọng protein nội bào:
Nhập bào quá mức: thí dụ trong các bệnh cầu thận làm thoát protein huyết tương vào dịch lọc cầu thận, các tế bào ống thận cố gắng tái hấp thu tối đa, kết quả bào tương chứa nhiều thể vùi hyalin trong tế bào.
Xuất bào quá chậm: thí dụ trong bệnh đa u tủy, các tương bào có trong bào tương các thể vùi hyalin hình tròn (thể RUSSEL), tương ứng với lưới nội bào chứa đầy globulin miễn dịch mà lẽ ra phải được xuất bào.
Tổn thương bộ xương tế bào: thí dụ trong ngộ độc rượu, tế bào gan chứa những thể vùi hyalin (thể MALLORY) do các siêu sợi trung gian cytokeratin kết tụ với ubiquitin nhau tạo thành.
Hình 13: Biểu mô ống thận bình thường (A); Biểu mô ứ đọng thể vùi hyalin (B)
Ứ ĐỌNG SẮC TỐ
Sắc tố bị ứ đọng trong tế bào có thể có nguồn gốc ngoại sinh hoặc nội sinh.
Ngoại sinh: thí dụ ứ đọng bụi than trong các đại thực bào phế nang (công nhân mỏ than), ứ đọng mực xâm trong các đại thực bào của lớp bì (vết xâm). Sự ứ đọng các sắc tố này không kích thích phản ứng viêm.
Nội sinh: là các sắc tố do chính tế bào tổng hợp, thí dụ như :
Hình 14: Tế bào gan ứ đọng các sắc tố đều có mầu nâu khi nhuộm thông thường (A, C, E); nhuộm đặc biệt để phân biệt là lipofuscin (bắt mầu đen với Fontana, B), hemosiderin (mầu xanh dương với Perls, D) và bilirubin (mầu xanh lá với Fouchet, F)
LIPOFUSCIN: ứ đọng trong tế bào gan, tim của người già hoặc người bị đói ăn lâu ngày. Dưới KHVĐT, các hạt lipofuscine tương ứng với các thể cặn bã của không bào tự thực.
MELANIN: là một sắc tố bình thường có trong các hắc bào ở lớp đáy của biểu bì. Trong các bướu lành hoặc ác xuất phát từ hắc bào, có sự ứ đọng sắc tố này bên trong bào tương.
HEMOSIDERIN: sắc tố chứa sắt được tạo thành do sự giáng hoá các phân tử hemoglobin của hồng cầu già, bình thường vẫn thấy trong bào tương của các đại thực bào ở lách. Hemosiderin bị ứ đọng trong các đại thực bào phế nang ở những người suy tim, trong các tế bào nhu mô gan, thận, tim ở những người bị bệnh ứ sắt (hemosiderosis).
BILIRUBINE: cũng được tạo thành từ sự giáng hoá hemoglobine, bị ứ đọng trong tế bào gan do các bệnh lý gây tắc mật.
Các sắc tố trên đều bắt mầu nâu khi nhuộm thông thường (Hematoxylin-Eosin); để phân biệt, có thể dùng các phương pháp nhuộm đặc biệt như Perls (nhuộm xanh dương hemosiderin), Fouchet (nhuộm xanh lá cây bilirubin), Fontana (nhuộm đen melanin và lipofuscin), PAS (nhuộm đỏ lipofuscin) (Hình 14).
Xem tiếp: Tổn thương cơ bản của tế bào và mô (P2)
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh
facebook.com/BVNTP
youtube.com/bvntp
Từ khóa » Sự Xuất Bào Thường Xảy Ra ở Loại Tế Bào Nào
-
Xuất Bào – Wikipedia Tiếng Việt
-
Nhập Bào Và Xuất Bào | SGK Sinh Lớp 10
-
Sự Xuất Bào Thường Xảy Ra ở Loại Tế Bào Nào A.lông Hút B. BẠCH ...
-
Các Thành Phần Tế Bào Của Hệ Thống Miễn Dịch - Cẩm Nang MSD
-
Các Bước Của Exocytosis
-
Bệnh Học Tế Bào
-
[PDF] Câu Hỏi ôn Tập Bài 11: Vận Chuyển Các Chất Qua Màng Sinh Chất
-
Tổn Thương Cơ Bản Của Tế Bào Và Mô - Health Việt Nam
-
Hạch Bạch Huyết: Cấu Trúc, Chức Năng Và Bệnh Lý Thường Gặp
-
[PPT] VẬN CHUYỂN VẬT CHẤT QUA MÀNG TẾ BÀO
-
Tế Bào Ung Thư Hình Thành, Phát Triển Và Lan Rộng Như Thế Nào?
-
[PDF] TÀI LIỆU ÔN TẬP THI TUYỂN VIÊN CHỨC Y TẾ 2019
-
Thiếu Máu: Nguyên Nhân, Dấu Hiệu Và Cách Phòng Ngừa
-
Quá Trình Phát Sinh Ung Thư Liên Quan Tới Dinh Dưỡng Và Hoạt động ...