Toner Có Thực Sự Cần Thiết Không? - Little London

“Toner có thực sự cần thiết không?” có lẽ là một trong các chủ đề gây nhiều tranh cãi. Về lý thì toner KHÔNG cần thiết, nhưng nếu sử dụng đúng sản phẩm, đúng loại da và điều kiện da và đúng cách toner thực sự hiệu quả trong chu trình chăm sóc da cá nhân. Để trả lời cho câu hỏi “tại sao”, mình xin phép được bắt đầu bằng những gì cơ bản nhất, “toner là gì?”

Toner là một kem dưỡng lỏng, mỏng nhẹ, là sản phẩm điển hình như bước làm sạch thứ cấp để loại bỏ lớp trang điểm, bụi bẩn còn sót lại sau bước rửa mặt hoặc loại bỏ bã nhờn tiết ra từ da mặt để chuẩn bị cho các bước dưỡng da tiếp theo (Draelos, 2017).

Chính vì toner là dưỡng lỏng (liquid lotion) nên mình mới nói, về lý thì tăng cường dưỡng không cần toner. Nhưng nếu chuyện đơn giản thế thì lại không có gì để tranh cãi.

Từ định nghĩ này, mình có thể phân tích được các luận điểm được mọi người đưa ra trong quá trình tranh luận.

Đầu tiên – Toner chỉ là một sản phẩm làm sạch. Vậy dùng toner như một bước làm sạch thì có được không – CÓ. Còn nếu các bước làm sạch của bạn tốt rồi bạn có cần toner nữa không – KHÔNG. Làm sao để thiết kế các bước làm sạch hiệu quả - đó lại là một câu hỏi khó khác (dùng tẩy trang với hạt micellar hay dùng phương pháp double-cleansing etc).

Tiếp đến – Toner hỗ trợ loại bỏ bã nhờn tiết ra từ da. Vậy toner CÓ hiệu quả với da dầu và da mụn, vì cần tăng cường làm sạch hơn, đặc biệt đối với toner có chứa AHA/BHA. Đối với da khô bạn có thể sử dụng toner cấp ẩm hoặc tăng cường ở bước serum và kem dưỡng.

Còn lại vấn đề tranh cãi nhiều nhất có lẽ là toner có cân bằng pH của da không? Vấn đề này lại không trực tiếp vào toner mà là bước làm sạch trước đó, không chỉ lấy đi bụi bẩn mà còn thay đổi độ pH trên da của bạn. Vậy thì vẫn như cũ, nếu bạn thiết kế được các bước làm sạch không gây khô da (thay đổi độ pH trên da) thì bạn KHÔNG cần toner. Chỉ có điều Lambers et al. (2006) không chỉ nhấn mạnh là hầu hết các sản phẩm làm sạch đều có ảnh hưởng sâu sắc đến độ pH cả bề mặt da, vì đến ngay cả việc sử dụng nước máy thông thường ở châu Âu (pH khoảng 8.0) cũng sẽ làm tăng độ pH của da từ dưới 5.0 lên 6.0. Dù có đồng ý là các bước làm sạch trước đấy có thay đổi độ pH của da thì nhiều bạn sẽ phản biện rằng – da có cơ chế tự cân bằng độ pH. Điều này đúng, mình chỉ muốn nói thêm là thời gian cần để da làm được điều này là 15-30', nếu bạn nào chờ đợi được thì KHÔNG cần toner. Còn lại thì cứ CÓ cho toner nhé.

Giờ đến toner hỗ trợ da chuẩn bị cho các bước dưỡng tiếp theo. Điều này cũng liên quan trực tiếp đến độ pH của da – thường ở mức dưới 5.0. Bằng việc đo các thông số lý sinh (biophysical parameters) của lớp rào chắn (barrier function), độ ẩm (moisturization) và quy mô (scaling) (không biết mình dịch có đúng không nữa), nghiên cứu nhìn chung cũng đồng ý rằng da với độ pH axit (4.0 – 4.5) sẽ có độ bám dính tốt hơn đối với mỹ phẩm, khi so sánh với da có độ pH kiềm (8.0 – 9.0). Nếu bạn thấy KHÔNG cần toner mà các bước dưỡng da tiếp theo vẫn chuẩn thì có thể da bạnn sau khi rửa mặt, pH nằm ở mức 5.0 – 8.0, ảnh hưởng của việc cân bằng độ pH trên da không rõ ràng. CÓ sử dụng toner chắc sẽ hiệu quả hơn. Nhưng chỉ đảm bảo da ẩm thì nước thôi cũng làm được điều này, nên KHÔNG phải nếu không có toner thì các bước dưỡng da sau đó sẽ kém hiệu quả. Bạn có thể sử dụng xịt khoáng hay toner dạng xịt thay thế.

Vấn đề cuối cùng là toner có se lỗ chân lông không? Cái này lại là một câu chuyện dài, lần tới mình sẽ nghiên cứu và lên bài cho mọi người nha.

PS) Mình không có chuyên muôn là da liễu, lại càng không phải là bác sĩ. Nội dung mình viết đều là tìm hiểu của cá nhân mình trên phương diện là người tiêu dùng cũng giống như các bạn. Nếu có sai sót gì, bạn có thể để lại feedback mình sẽ nghiên cứu và chỉnh sửa nha.

Reference

Draelos, Z.D., 2017. Astringents, masks, and ancillary skin care products. Textbook of Cosmetic Dermatology, p.194.

Lambers, H., Piessens, S., Bloem, A., Pronk, H. and Finkel, P., 2006. Natural skin surface pH is on average below 5, which is beneficial for its resident flora. International journal of cosmetic science, 28(5), pp.359-370.

 

 

Từ khóa » Không Sử Dụng Toner Có được Không