Tổng Bàn Về Các Kích Cỡ Bàn Phím Cơ: Từ Kinh điển đến độc Lạ Hiếm ...

Trờ lại thập niên 90, lúc đó mình vẫn còn nhỏ, và tất cả những gì mình thấy, từ bàn phím màng tới bàn phím cơ, hầu như chỉ có một cỡ duy nhất, đó là size đầy đủ với 104 hoặc 105 phím. Có rất ít các  mẫu bàn phím có kích thước nhỏ hơn như vậy, và nếu có thì trông chúng cũng khá dị, kiểu vừa nhìn là đã nghĩ: chắc dùng hơi khó đây.

Nhưng từ những năm 2000, thị trường bàn phím trở nên rầm rộ, bàn phím cơ dần trở nên phổ biến và thông dụng hơn, mở rộng ra nhiều đối tượng người dùng hơn, thì các nhà sản xuất cũng linh hoạt hơn khi nghiên cứu và tạo ra hàng loạt các bàn phím cơ với nhiều kích cỡ đa dạng phong phú hơn trước kia rất nhiều: fullsize, tenkeyless, mini, super mini…

Tất nhiên mỗi kích cỡ như vậy đều có đặc điểm, ưu điểm và nhược điểm riêng, và tại bài viết này banphimco sẽ chỉ điểm hết cho anh em để giúp mọi người chọn được kích cỡ phù hợp nhất cho mình.

1/ Full-size (100%)

Bàn phím đầy đủ này là kinh điển mọi thời đại đều có, và là layout kích cỡ có mặt sớm nhất trong lịch sử bàn phím nói chung. Các bàn phím cơ fulsize có thể có 104, 105 hoặc thậm chí là 108 phím, tùy theo bố cục mà nó đang dùng: ANSI (USA), ISO (EU) hay JIS (Japan) (các bố cục này lại là một câu chuyện khác, tách riêng khỏi phạm vi bài viết này).

Cách bố trí phím chuẩn mực của các bàn phím cơ Fullsize là: các ký tự, số và cụm điều hướng được dàn trên bàn phím theo chiều ngang, hàng phím chức năng Fn kết hợp với các số được dàn trên cùng.

Các bàn phím cơ fullsize dùng rất thoải mái, dễ dàng và thân thiện, không gặp bất kỳ khó khăn nào khi bấm phím vì nó đã quá quen thuộc với tất cả mọi người rồi. Nhược điểm duy nhất là khá to nên cần nhiều không gian trên bàn làm việc hơn.

Vài cái tên gợi ý cho dòng bàn phím cơ Fullsize:

Filco Majestouch-2 Topre Realforce 104/105 Ducky Shine 6 RGB

2/ 1800-Compact

Đây là phiên bản gọn gàng của bàn phím cơ fullsize kể trên. Nó vẫn có đầy đủ số lượng phím với cùng cách bố trí layout như trên, nhưng thiết kế của các phím với khoảng cách giữa được tinh chỉnh lại để tổng thể gọn gàng, thanh mảnh hơn. Cũng có một vài thay đổi nhỏ về vị trí phím nhưng cũng không quá nhiều để có thể làm cho người dùng thấy khác lạ. Ví dụ như cụm phím điều hướng có thể xê dịch một chút để nằm dưới phím Enter…

Kết quả là cho ra một dòng bàn phím cơ có đầy đủ các phím cơ bản, nhưng được điều chỉnh lại vị trí và khoảng cách một chút xíu để xinh đẹp và duyên dáng hơn. Có thể ban đầu dùng thấy hơi lạ nhưng sẽ quen rất nhanh chóng và thấy bình thường như cỡ fullsize đang dùng trước đây.

3/ Tenkeyless (TKL, 87%, 80%)

Hiện nay đây là cách bố trí bàn phím cơ thuộc dạng nhỏ gọn nhưng đầy đủ và phổ biến nhất trong tất cả các nhóm khách hàng. Đa số các hãng bàn phím cơ lớn nhỏ đều có các model vừa fullsize vừa TKL như Filco, Corsair, Razer, CoolerMaster, Realforce, Ducky, Das keyboard… Đây là bố cục bàn phím fullsize TRỪ ĐI CỤM PHÍM SỐ BÊN TAY PHẢI. Và chỉ có 87-88 phím tổng cộng và thường có kích cỡ 80% so với bản fullsize.

Kích cỡ TKL này rất phổ biến, có thể nói là ngang ngửa với Fullsize. Vì thiết kế của chúng thường rất đẹp, kiểu dáng tinh tế gọn gàng thanh lịch, và không tốn thời gian làm quen. Cá nhân mình chuyển từ fullsize qua TKL mà chỉ gõ vài dòng đã thấy bình thuờng, nói chung không có gì lấn cấn cả.

Ưu điểm của cỡ TKL tất nhiên là kích thước nhỏ hơn, ít chiếm chỗ không gian làm việc hơn, thiết kế vì thế trông cũng thanh tao hơn, trọng lượng giảm dễ di chuyển và mang vác khi cần. Và cuối cùng là số phím ít hơn nên dùng ít switch hơn, về nguyên tắc sẽ giảm được chi phí hơn so với cỡ fullsize một chút.

Một số gợi ý bàn phím cơ TKL phổ biến chất lượng tốt:

Filco Majestouch-2 TKL Topre Realforce 87/88

4/ Cỡ 75%

Cỡ 75% là tên gọi chung cho các bàn phím có kích thước bằng 70-75% so với bàn phím cơ chuẩn fullsize. Cỡ này chính là cỡ fullsize bỏ đi cụm phím số bên phải, tinh chỉnh lại khoảng cách phím một chút nhưng vẫn giữ lại dãy Fn trên đầu.

Đặc điểm chính của kích cỡ này: bản chất nó là TKL nhưng đã đươc thu nhỏ phím và chỉnh lại khoảng cách giữa các phím để toàn bàn phím nhỏ nhất có thể. Chính vì vậy nên ưu điểm là gọn nhỏ, tinh tế, nhưng khuyết điểm là khó bấm hơn chút và khó tìm keycap thay thế.

Gợi ý một số model bàn phím cơ 75%:

Matias Mini Quiet Pro Matias Mini Laptop Pro

5/ Cỡ 60%

Đây là kích cỡ phổ biến đứng hàng thứ 3 sau fullsize và TKL. Nó lược bỏ đi phần cụm phím số bên tay phải, bỏ luôn cụm điều hướng gần đó, bỏ luôn hàng Fn phía trên. Các chức năng bị thiếu này có thể thực hiện được thông qua tổ hợp phím Fn + một phím nào đó theo hướng dẫn của từng nhà sản xuất.

Kết quả là mang lại một cấu trúc bàn phím cực kỳ thon gọn, tinh tế và rất hiện đại.

Bàn phím cơ Filco Majestouch Minila-R Convertible Matte Black | Phong Cách Xanh

Trông bề ngoài siêu di động và thoải mái, rất phù hợp với các không gian tiết kiệm hay những người thường xuyên di chuyển. Nhược điểm là tốn kha khá thời gian để làm quen với layout và cách dùng các phím tắt.

6/ Cỡ 40%

Cỡ này được xem là bố cục nhỏ nhất và có độ phổ biến cũng kha khá trên thị trường. Thật ra nó xuất hiện nhiều hơn ở các bàn phím tự ráp, custom. Cỡ này bàn phím cơ chỉ còn lại các phím ký tự và modifiers. Còn lại tất cả hầu như đều bị lược bỏ. Người dùng cần rất nhiều tổ hợp phím khác nhau để thay thế cho các tính năng đã mất.

Thường khi nhìn thấy các bàn phím cơ này qua hình ảnh hay ngoài thực tế, bạn sẽ phải trầm trồ ngạc nhiên và đầy phấn khích. Đa phần chúng có vẻ ngoài quá sức là dễ thương luôn ấy, chưa kể vì thường là dạng custom tự ráp, tự thiết kế nên hầu hết đều có phối màu, phối sắc độc đáo, retro thì cực retro, ngọt ngào thì cực ngọt ngào. Nói chung chỉ cần nhìn thôi đã thấy mê mẩn, đúng nghĩa là những tác phẩm nghệ thuật cực đỉnh.

Ưu điểm thì khỏi nói cũng biết: đẹp, gọn, siêu nhỏ, siêu tiện lợi khi mang theo bên mình mỗi ngày. Nhược điểm là thời gian làm quen hơi bị lâu nhé, để thành thục các lớp phím chức năng thật sự là một thử thách với nhiều người. Và thêm nữa bàn phím cỡ nào rất khó tìm thấy trên thị trường, chỉ có thể order tại các kênh phân phối bàn phím custom hoặc là tự làm thôi 🙂

7/ Tenkeypad

Đây là bàn phím số chuyên dùng nhập liệu, chỉ có phím số và một số phím điều chỉnh, tính toán căn bản, thường có 21 phím tổng cộng. Kích cỡ thì cực kỳ gọn, có thể cầm vừa trong bàn tay.

Nhiều người chọn dùng Tenkeypad kết hợp với bàn phím Tenkeyless để có được bộ bàn phím trọn vẹn các phím mà phần cụm số lại hoàn toàn linh động vị trí, có thể thay đổi di dời bất cứ khi nào muốn. Số đông còn lại dùng tenkeypad cho việc nhập liệu chuyên dụng của mình, các công việc như kiểm toán, kế toán, chỉ đơn thuần làm việc nhiều với các con số và phép tính. Thương hiệu điển hình cho dòng tenkeypad này là Filco (Nhật Bản).

8/ Cỡ 5%

Đây thật ra không thể gọi là một bàn phím cơ đúng nghĩa được. Mà chúng chỉ là công cụ phím để test chức năng hoặc cài đặt thử phím macro cho các bàn phím cơ chính thôi. Hoặc cũng có thể kết hợp dùng kèm với bàn phím cơ chính và đóng vai trò là cụm phím macro chuyên dụng để chơi game cũng là một cách dùng phổ biến.

Muốn chọn bàn phím siêu lược giản này anh em có thể tham khảo Falcon-8 DIY Programmable 8-Key Pad – with MX Clear, White, Red, Blue, Brown, Black

9/ Cỡ Binary Keyboard

Đây cũng không phải là một dạng bàn phím hoàn chỉnh, nhưng bố cục bàn phím nhị phân này cũng có khá nhiều ứng dụng thú vị. Bàn phím nhị phân là sáng tạo của /u/duckythescientist trên Reddit. Nó chỉ có 3 nút: One. Zero và Enter. Khi nhập biểu diễn nhị phân của ASCII hoặc Unicode thì sẽ nhận về ký tự tương ứng với số lần bấm nút.

Không chắc nó có làm nên chuyện không nhưng hẳn là một trong các bố cục thú vị và gây ấn tượng mạnh khi ra mắt.

Và mình hy vọng bài tổng hợp này giúp anh em có thêm vài ý tưởng khi tìm chọn một chiếc bàn phím cơ thật sự phù hợp với mình, ít nhất là ở khía cạnh kích cỡ.

Từ khóa » Full Size Bàn Phím