Tông Chỉ Của Pháp Môn Niệm Phật

Sự Trọng Yếu của Pháp môn Niệm Phật

Sự trong yếu của Pháp môn niệm Phật được đức Thích Ca huyền ký trong Kinh Vô Lượng Thọ và Kinh Đại Tập. Theo Kinh Vô Lượng Thọ, đức Thích Tôn dạy: “Đời tương lai kinh đạo diệt hết; ta dùng lòng từ bi thương xót, riêng lưu trụ kinh này trong khoảng một trăm năm. Nếu chúng sanh nào gặp kinh này, tùy ý sở nguyện, đều được đắc độ.” Còn trong Kinh Đại Tập, đức Thế Tôn bảo: “Trong đời mạt pháp, ức ức người tu hành, ít có kẻ nào đắc đạo, chỉ nương theo pháp môn Niệm Phật mà thoát luân hồi.” 

Tổ Ấn Quang bảo: “Thời mạt pháp đời nay, chúng sanh nghiệp nặng tâm tạp. Nếu ngoài môn Niệm Phật mà tu các pháp khác, nơi phần gieo trí huệ phước đức căn lành thì có, nơi phần liễu thoát luân hồi trong hiện thế thì không. Tuy có một vài vị cao đức hiện những kỳ tích phi thường, song đó đều là những bậc Bồ Tát nương theo bản nguyện mà làm mô phạm để dẫn dắt chúng sanh đời mạt pháp, như trong Kinh Lăng Nghiêm đã nói.

Nhưng các vị ấy cũng chỉ vừa theo trình độ chúng sanh mà thị hiện ngộ đạo chớ không phải chứng đạo. Chỉ riêng pháp môn Tịnh Độ, tuy ít người tu chứng được Niệm Phật Tam Muội như khi xưa, nhưng có thể nương theo nguyện lực của mình và bản nguyện của Phật A Di Đà, mà đới nghiệp vãng sanh về cõi Tây Phương Cực Lạc. Khi về cõi ấy rồi thì không còn luân hồi, không bị thối chuyển, lần lần tu tập cho đến lúc chứng quả Vô Sanh.”

*

Những lời huyền ký như trên cho chúng ta thấy pháp môn Niệm Phật rất hợp với nhân duyên thời tiết, và trình độ căn cơ chúng sanh đời nay. Vì thế đức Như Lai mới dùng nguyện lực bi mẫn lưu trụ Kinh Vô Lượng Thọ để khuyến hóa về môn Niệm Phật. Lại, chư Bồ Tát, Tổ Sư cũng khởi lòng hoằng nguyện thương xót, tùy theo thời cơ, chỉ dạy pháp môn Tịnh Độ để cứu vớt chúng sanh. Do những sức nguyện ấy, mà môn Tịnh Độ được phổ cập trong phần đông quần chúng.

Pháp Nhiên Thượng Nhân bảo: “Đời mạt pháp hiện nay là đời ác ngũ trược, tất cả chúng sinh đều không tự lượng sức mình. Nếu luận về chân như thực tướng, đệ nhất nghĩa không của Đại thừa, bọn họ đều chưa từng để tâm đến; còn nếu luận về sự kiến đế tu đạo, nhẫn đến chứng quả A na hàm, A la hán; đoạn trừ năm phiền não lợi sử, năm phiền não độn sử… thì tất cả người xuất gia, tại gia đều không có phần.

Giả sử có được quả báo trời người, đều là do sự hành trì ngũ giới thập thiện chiêu cảm, thế nhưng ít có người trì giới đến chỗ viên mãn; còn nếu luận về sự làm ác tạo nghiệp, thì thế lực chẳng khác gì mưa to gió lớn.

*

Bởi lý do này, chư Phật đều đại từ đại bi, khuyên nhắc chúng sinh vãng sinh Tịnh Độ. Cho dù cả đời tạo ác, chỉ cần chuyên tâm tinh tấn, thường thường Niệm Phật, thì tất cả chướng ngại, tự nhiên sẽ được tiêu trừ, quyết định sẽ được vãng sinh. Tại sao mọi người không chịu suy ngẫm, mà phát tâm cầu vãng sinh! 

Tây Phương Yếu Quyết nói: Đức Thích Ca khai sáng Phật giáo, hoằng dương lợi ích chúng sinh, tùy nơi chốn mà xiển dương giáo nghĩa, rưới nước pháp mầu, làm cho chúng sinh được độ hóa, chứng ngộ ba Thừa, đối với những người ít phước mỏng duyên, thì khuyên họ vãng sinh Tịnh Độ. Người tu Tịnh Độ phải chuyên niệm A Di Đà, tất cả những thiện căn, đều phải hồi hướng về Tịnh Độ.

Bổn nguyện của Đức A Di Đà là thệ độ tất cả chúng sinh cõi Ta Bà, từ người chuyên tâm tu tập cả đời, nhẫn đến người lúc lâm chung chỉ niệm mười danh hiệu, đều được quyết định vãng sinh Tịnh Độ….Do vì sinh vào đời tượng pháp, cách xa đời Phật, nếu tu hạnh của Tam Thừa, khó mà khế ngộ. Hai cõi trời người xao động bất an,  Nếu như kiến giải mê ám, công hạnh nông cạn, e rằng sẽ bị đọa lạc ba đường ác, bởi thế, phải nên lìa bỏ Ta Bà, cầu sinh Tịnh Độ.”

Pháp Môn Niệm Phật Thù Thắng, Dễ Tu

Niệm Phật là thắng hơn các công hạnh khác. Vì sao? Danh hiệu là chỗ quy tụ của muôn vạn công đức. Ví như Đức Phật A Di Đà đầy đủ tất cả công đức bên trong: Như bốn trí, ba thân, mười lực, bốn vô sở úy, v.v…Đồng thời Ngài cũng đầy đủ các công đức bên ngoài:  Như tướng hảo, quang minh, thuyết pháp, lợi sanh, v.v… Tất cả công đức này được bao quát trong danh hiệu A Di Đà Phật. Cho nên công đức của danh hiệu là thù thắng, còn các công hạnh khác thì không như thế. Mỗi công hạnh chỉ có một phần công đức, cho nên gọi là kém cỏi.

Ví như trên thế gian, tên gọi nhà là chỉ chung cho tất cả vật dụng như xà nhà, cột nhà, kèo nhà, mái nhà, v.v… Còn những tên gọi: Xà, cột, kèo, mái, v.v…không thể chỉ chung cho tất cả những vật dụng trong nhà. Do vì công đức của danh hiệu Phật vượt hơn tất cả công đức khác, cho nên bỏ liệt lấy thắng: Nghĩa là lấy chuyên xưng danh hiệu Phật làm bổn nguyện cho sự vãng sinh.

*

Kế đến, khó, dễ! Niệm Phật dễ tu tập, còn các công hạnh khác khó tu tập. Bởi thế Vãng Sinh Lễ Tán nói: Hỏi: Tại sao không dạy tu quán mà chỉ dạy chuyên xưng danh hiệu. Đây là có ý gì? Đáp: Đây là vì nghiệp chướng của chúng sinh quá sâu nặng; cảnh quán quá vi tế, mà tâm quán lại thô thiển; vọng tưởng phù động cho nên tu quán khó thành. Bởi thế Đức Như Lai thương xót, chỉ khuyên chúng sinh chuyên xưng danh hiệu. Chính vì xưng danh dễ dàng, cho nên niệm Phật tương tục, ắt được vãng sinh!

Lại nữa, Vãng Sinh Yếu Tập có nói: “Hỏi: Tất cả nghiệp lành đều có lợi ích, đều được vãng sinh. Vì sao chỉ khuyên xưng danh hiệu Phật? Đáp: Hiện nay chỉ khuyến khích Niệm Phật. Việc này không phải là bài xích các công hạnh khác, mà chỉ là: Pháp tu niệm Phật, bất luận nam, nữ, sang, hèn; bất luận lúc đi, đứng, nằm, ngồi; bất luận thời gian, nơi chốn, cảnh duyên, tu tập đều dễ dàng. Nhẫn đến khi lâm chung, nguyện cầu vãng sinh, không có pháp tu nào tiện lợi hơn pháp Niệm Phật!”.

Bổn Nguyện Vãng Sanh Tịnh Độ

Nên biết, công hạnh Niệm Phật dễ dàng, cho nên ai cũng có thể tu tập; còn các công hạnh khác khó, không chắc ai cũng tu tập được. Đức Phật A Di Đà muốn cho tất cả chúng sinh được bình đẳng vãng sinh. Cho nên Ngài mới dùng bỏ khó lấy dễ làm bổn nguyện!

Nếu dùng đúc tượng lập chùa làm bổn nguyện, thì những người bần cùng khốn khổ ắt sẽ tuyệt phận. Tại sao? Bởi thế gian người giàu thì ít mà kẻ nghèo lại rất nhiều.

Nếu dùng trí tuệ tài cao làm bổn nguyện, thì những người ngu độn, thiếu trí tuệ ắt sẽ tuyệt phận. Tại sao? Bởi thế gian người trí thì ít mà kẻ ngu lại rất nhiều.

Nếu dùng học rộng nghe nhiều làm bổn nguyện, thì những người ít học ít nghe sẽ tuyệt phận. Tại sao? Bởi thế gian người học rộng thì ít mà kẻ ít học lại rất nhiều.

Nếu dùng nghiêm trì giới luật làm bổn nguyện, thì những người phá giới hoặc không có giới sẽ tuyệt phận. Tại sao? Bởi thế gian người trì giới thì ít mà kẻ phá giới lại rất nhiều.

*

Còn những công hạnh khác, chuẩn theo đây sẽ rõ. Nên biết, nếu dùng những công hạnh trên làm bổn nguyện, thì sẽ rất ít người được vãng sinh.

Tỳ kheo Pháp Tạng ( tiền thân của Đức A Di Đà) do lòng từ bi bình đẳng; vì muốn độ thoát tất cả chúng sinh, quyết chắc sẽ không dùng các công hạnh như xây chùa lập tháp, v.v…, làm bổn nguyện. Ngài chỉ dùng một hạnh xưng danh niệm Phật làm công hạnh vãng sinh. Điều này, ngài Pháp Chiếu trong quyển Ngũ Hội Pháp Sự Tán có nói:

Phật ấy, đời trước lập thệ lớn,

Nghe tên, tưởng nhớ, đều đến rước,

Không phân nghèo khó, hoặc giàu sang,

Không phân kẻ ngu, người trí tuệ,

Không phân học rộng, hoặc trì giới,

Không phân phá giới, tội chướng sâu,

Chỉ cần hồi tâm, siêng niệm Phật,

Có thể làm đá hóa ra vàng!

Pháp Môn Niệm Phật: Người Niệm Phật Được Hào Quang Thâu Nhiếp 

Ánh sáng của Đức A Di Đà không chiếu hành giả khác, mà chỉ thâu nhiếp hành giả Niệm Phật.

Quán Vô Lượng Thọ Kinh nói: Đức Phật Vô Lượng Thọ có tám vạn bốn ngàn tướng, mỗi tướng có tám vạn bốn ngàn vẻ đẹp, trong mỗi vẻ đẹp có tám vạn bốn ngàn tia sáng, mỗi tia sáng đều chiếu khắp mười phương thế giới, thâu nhiếp tất cả chúng sinh Niệm Phật.

Quán Kinh Sớ nói: Từ câu “Đức Phật Vô Lượng Thọ”, đến câu “thâu nhiếp tất cả”, chánh thức nói rõ sự quán sát các tướng riêng biệt của thân Phật A Di Đà. Ánh sáng này làm lợi ích cho người hữu duyên, chia làm năm phần: (1) nói rõ bao nhiêu tướng. (2) nói rõ bao nhiêu vẻ đẹp. (3) nói rõ bao nhiêu ánh sáng. (4) nói rõ ánh sáng chiếu bao xa. (5) nói rõ chỗ mà ánh sáng chiếu đến đều được lợi ích.

*

Hỏi: Tu đầy đủ các công hạnh, chỉ cần hồi hướng đều được vãng sinh. Nhưng tại sao ánh sáng của Phật chiếu khắp, lại chỉ thâu nhiếp những người niệm Phật? Nghĩa này như thế nào?

Đáp: Ở đây có ba nghĩa:

a/ Duyên thân thiết: Chúng sinh khởi tâm tu hành; miệng thường niệm Phật, Phật ắt nghe thấy; thân thường lạy Phật, Phật ắt nhìn thấy; tâm thường nhớ Phật, Phật ắt biết rõ. Chúng sinh nhớ Phật, niệm Phật, Phật cũng nhớ chúng sinh, niệm chúng sinh. Ba nghiệp của đôi bên thường không xa lìa nhau, cho nên gọi là duyên thân thiết.

b/ Duyên gần: Chúng sinh xưng niệm danh hiệu Phật, Phật tức thời cảm ứng, hiện ra trước mắt họ; cho nên gọi là duyên gần.

c/ Duyên tăng thượng: Chúng sinh xưng niệm danh hiệu Phật, tức là có thể trừ diệt nhiều kiếp tội chướng; đến lúc lâm chung, Phật và thánh chúng, tự nhiên đến nghinh tiếp. Do vậy, những tà nghiệp trói buộc không thể làm chướng ngại sự vãng sinh, cho nên gọi là duyên tăng thượng.

*

Các công hạnh khác, tuy cũng gọi là thiện, nhưng nếu so với Niệm Phật, thì hoàn toàn không so sánh được. Cho nên trong các kinh điển, chỗ nào cũng tán thán công đức Niệm Phật. Chẳng hạn như kinh Vô Lượng Thọ, trong bốn mươi tám nguyện, chỉ nói rõ: “Chuyên niệm danh hiệu A Di Đà mà được vãng sinh Cực Lạc”. Lại như trong kinh A Di Đà: Một ngày cho đến bảy ngày, chuyên niệm danh hiệu A Di Đà được vãng sinh Cực Lạc. Hơn nữa, hằng sa chư Phật ở mười phương thế giới chứng minh sự chân thực của bổn nguyện của Phật A Di Đà.

Phần định thiện và tán thiện trong kinh này, cũng chỉ nêu rõ sự chuyên niệm danh hiệu Phật A Di Đà được vãng sinh Cực Lạc; những trường hợp này không phải duy nhất. Đến đây đã nói xong về Niệm Phật Tam Muội.

Quán Niệm Pháp Môn nói: Như phần trước nói về ánh sáng của thân, tướng, v.v.. Mỗi một tia sáng chiếu khắp mười phương thế giới; thế nhưng tâm quang của Đức A Di Đà thường soi chiếu những chúng sinh chuyên niệm danh hiệu của Ngài, nhiếp hộ không rời; hoàn toàn không nói đến sự soi chiếu nhiếp hộ các chúng sinh tu các tạp hạnh khác.

*

Hỏi: Ánh sáng của Phật chỉ chiếu người niệm Phật mà không chiếu người tu hạnh khác là có ý gì?

Đáp: Có hai nghĩa: (1) Ba duyên: Duyên thân thiết, duyên gần, duyên tăng thượng, vừa đề cập ở trên. (2) Bổn nguyện: Các công hạnh khác không phải là bổn nguyện, cho nên không soi chiếu nhiếp hộ. Niệm Phật là bổn nguyện, cho nên soi chiếu nhiếp hộ. Bởi thế, Hòa thượng Thiện Đạo trong Lục Thời Lễ Tán có nói:

Thân sắc Di Đà như kim sơn

Tướng hảo quang minh chiếu mười phương

Riêng người Niệm Phật được soi nhiếp

Nên biết Bổn nguyện rất kiên cường.

Lại nữa, trong đoạn kinh đã dẫn nói: “Các hạnh lành khác, tuy gọi là thiện, nếu so với Niệm Phật thì hoàn toàn không so sánh được”. Ý nghĩa ở đây là muốn so sánh các công hạnh của môn Tịnh Độ. Niệm Phật là diệu hạnh được chọn còn các hạnh khác là thô hạnh bị bỏ; cho nên nói“hoàn toàn không thể so sánh. Hơn nữa, Niệm Phật là hạnh bổn nguyện còn các hạnh khác không phải; cho nên nói hoàn toàn không thể so sánh.

( Pháp môn niệm Phật – Theo Tuyển Trạch Bổn Nguyện Niệm Phật)

Tuệ Tâm 2019.

Từ khóa » Tông Chỉ Pháp Môn Tịnh độ