Tổng Cục Thủy Sản > Giới Thiệu > Quá Trình Phát Triển
Có thể bạn quan tâm
1. Quá trình phát triển
Giai đoạn 1954 - 1960
Giai đoạn 1960 - 1980
Giai đoạn 1981 đến nay
2. Phát triển theo hướng công nghiệp hóa hiện đại hóa
Về khai thác hải sản
Về nuôi trồng thuỷ sản
Về chế biến xuất khẩu
Về ứng dụng khoa học công nghệ
Về công tác quản lý
3. Chặng đường phát triển của ngành thủy sản
4. Thành tích và khen thưởng
Trong hơn 10 năm trở lại đây, ngành Thủy sản đã có những bước phát triển nhanh và ổn định, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng của nền kinh tế quốc dân. Tỷ trọng của thủy sản trong khối nông, lâm và ngư nghiệp và trong nền kinh tế quốc dân tăng dần qua các năm. Ngành thủy sản đã trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp nông thôn, tham gia xoá đói giảm nghèo, cải thiện cuộc sống của cộng đồng cư dân không chỉ vùng nông thôn ven biển, mà cả ở các vùng núi, trung du và Tây nguyên. Sự hiện diện dân sự của tàu thuyền khai thác hải sản trên biển đã đóng góp vào việc giữ gìn an ninh, bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc.
1. Quá trình phát triển
Dẫu ra đời từ rất sớm, nghề cá Việt Nam cho đến những năm giữa thế kỷ trước vẫn mang đậm dấu ấn của một loại hình hoạt động kinh tế tự nhiên, tự cấp, tự túc, trình độ sản xuất còn lạc hậu, thủ công. Hoạt động nghề cá chỉ được xem như một nghề phụ trong sản xuất nông nghiệp.
Từ sau những năm 1950, đánh giá được vị trí ngày càng đáng kể và sự đóng góp mà nghề cá có thể mang lại cho nền kinh tế quốc dân, cùng với quá trình khôi phục và phát triển kinh tế ở miền Bắc, Đảng và Nhà nước ta đã bắt đầu quan tâm phát triển nghề cá và hình thành các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, đánh dấu. một cách nhìn nhận mới đối với nghề cá. Từ đó, ngành Thuỷ sản đã dần hình thành và phát triển như một ngành kinh tế - kỹ thuật có vai trò và đóng góp ngày càng lớn cho đất nước. Quá trình phát triển có thể phân chia một cách tương đối thành 3 giai đoạn chính:
Giai đoạn 1954 - 1960: kinh tế thuỷ sản bắt đầu được chăm lo phát triển để manh nha một ngành kinh tế kỹ thuật. Đây là thời kỳ khôi phục và phát triển kinh tế ở miền Bắc. Trong thời kỳ này, với sự giúp đỡ của các nước XHCN, các tổ chức nghề cá công nghiệp như các tập đoàn đánh cá với đoàn tàu đánh cá Hạ Long, Việt - Đức, Việt - Trung, nhà máy cá hộp Hạ Long được hình thành. Đặc biệt, phong trào hợp tác hoá được triển khai rộng khắp trong nghề cá.
Giai đoạn 1960 - 1980: ngành Thuỷ sản có những giai đoạn phát triển khác nhau gắn với diễn biến của lịch sử đất nước.
- Những năm 1960 - 1975, đánh dấu bằng việc thành lập Tổng cục Thủy sản năm 1960. Đây là thời điểm ra đời của ngành Thủy sản Việt Nam như một chỉnh thể ngành kinh tế-kỹ thuật của đất nước. Tuy nhiên, đây là giai đoạn đất nước có chiến tranh, cán bộ và ngư dân ngành thuỷ sản “vững tay lưới, chắc tay súng”, hăng hái thi đua lao động sản xuất với tinh thần “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, cùng cả nước thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược “Xây dựng CNXH ở miền Bắc và đánh thắng giặc Mỹ, giải phóng miền Nam”. Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển có công sức lớn của ngư dân.
- Những năm 1976 – 1980, đất nước thống nhất, ngành Thủy sản bước sang giai đoạn phát triển mới trên phạm vi cả nước. Tầm cao mới của ngành được đánh dấu bằng việc thành lập Bộ Hải sản năm 1976. Thực hiện 10 năm Di chúc Bác Hồ, ngành đã phát động thành công phong trào “Ao cá Bác Hồ” rộng khắp trong cả nước, đem lại tác dụng rất lớn.
Do hậu quả nặng nề của chiến tranh, nền kinh tế đất nước đang trong giai đoạn phục hồi. Mặt khác, cơ chế quản lý lúc này chưa phù hợp, tiêu thụ theo cách giao nộp sản phẩm, đánh giá kết quả theo khối lượng hàng hoá, không chú trọng giá trị sản phẩm. Điều này đã làm giảm động lực thúc đẩy sản xuất thủy sản, kinh tế thủy sản sa sút nghiêm trọng vào cuối những năm 1970.
Giai đoạn 1981 đến nay: Năm 1981, Bộ Hải sản được tổ chức lại thành Bộ Thủy sản, ngành Thủy sản bước vào giai đoạn phát triển toàn diện cả về khai thác, nuôi trồng, hậu cần dịch vụ, chế biến và xuất khẩu, đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất, mở rộng hợp tác quốc tế để giữ vững nhịp độ tăng trưởng.
Năm 1981, trước những khó khăn, thách thức sau thời kỳ sa sút, sự ra đời của Công ty xuất nhập khẩu thuỷ sản Seaprdex Việt Nam, được Nhà nước cho phép áp dụng thử nghiệm cơ chế “tự cân đối, tự trạng trải”, mà thực chất là chú trọng nâng cao giá trị của sản phẩm làm ra nhằm tạo nguồn đầu tư để tái sản xuất mở rộng, đã tạo nguồn động lực mới cho sự phát triển. Ngành thuỷ sản có thể được coi là một ngành đi tiên phong trong quá trình đổi mới, chuyển hướng sang nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN ở nước ta. Việc áp dụng thành công cơ chế mới gắn sản xuất với thị trường đã tạo ra bước ngoặt quyết định cho sự phát triển của kinh tế thuỷ sản, mở đường cho sự tăng trưởng liên tục của ngành trong suốt hơn 27 năm qua.
Qua thành công bước đầu của cơ chế mới, năm 1993, Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ 5 khoá VII đã xác định xây dựng thuỷ sản thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Phát huy các nguồn lực, đổi mới để phát triển, trong xu thế mở cửa và hội nhập đất nước, ngành Thủy sản luôn coi xuất khẩu là động lực và ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực này. Thế mạnh của nghề cá nhân dân được phát triển mạnh qua các mô hình kinh tế ngoài quốc doanh, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư để phát triển. Việc ngành thuỷ sản chú trọng đầu tư ngày một nhiều hơn và đúng hướng đã hình thành tiền đề quan trọng cho sự phát triển kinh tế thuỷ sản, tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, tạo ra nhiều việc làm và tăng thu nhập cho lao động nghề cá cả nước, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước.
Trong chiến lược phát triển của ngành, các lĩnh vực khai thác và nuôi trồng thuỷ sản được định hướng phát triển phục vụ xuất khẩu. Ngược lại, thành công trong chế biến, xuất khẩu đã trở thành động lực thúc đẩy khai thác và nuôi trồng thủy sản phát triển.
Ngành Thủy sản đã chủ động đi trước trong hội nhập quốc tế, đẩy mạnh việc áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất, gắn sản xuất nguyên liệu với chế biến, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Từ giữa những năm 1990, ngành đã tập trung đổi mới phương thức quản lý chất lượng và an toàn sản phẩm, tiếp cận và từng bước đáp ứng những đòi hỏi cao nhất về lĩnh vực này của các thị trường lớn, nhờ đó sản phẩm thủy sản của Việt Nam đã tạo được uy tín và đứng vững trên các thị trường thuỷ sản lớn nhất trên thế giới. Từ các giải pháp đúng đắn đó, trong những năm cuối thế kỳ 20 và đầu thế kỷ 21, ngành thuỷ sản đã thu được những kết quả quan trọng.
Số liệu kết quả sản xuất, kinh doanh thủy sản 2000 - 2009
Năm | Tổng sản lượng thủy sản tấn | Sản lượng khai thác hải sản tấn | Sản lượng nuôi thủy sản tấn | Giá trị xuất khẩu 1.000 USD | Tổng số tàu thuyền chiếc | Diện tích mặt nước NTTS ha |
1990 | 1.019.000 | 709.000 | 234.700 | 205.000 | 72.723 | 491.723 |
1991 | 1.062.163 | 714.253 | 241.000 | 262.234 | 72.043 | 489.833 |
1992 | 1.097.830 | 746.570 | 238.200 | 305.630 | 83.972 | 577.538 |
1993 | 1.116.169 | 793.324 | 242.000 | 368.435 | 93.147 | 600.000 |
1994 | 1.211.496 | 878.474 | 158.400 | 458.200 | 93.672 | 576.000 |
1995 | 1.344.140 | 928.860 | 210.300 | 550.100 | 95.700 | 581.000 |
1996 | 1.373.500 | 962.500 | 191.700 | 670.000 | 97.700 | 585.000 |
1997 | 1.570.000 | 1.062.000 | 263.900 | 776.000 | 71.500 | 600.000 |
1998 | 1.668.530 | 1.130.660 | 336.100 | 858.600 | 71.799 | 626.330 |
1999 | 1.827.310 | 1.212.800 | 403.100 | 971.120 | 73.397 | 630.000 |
2000 | 2.003.000 | 1.280.590 | 481.800 | 1.478.609 | 79.768 | 652.000 |
2001 | 2.226.900 | 1.347.800 | 635.500 | 1.777.485 | 78.978 | 887.500 |
2002 | 2.410.900 | 1.434.800 | 749.100 | 2.014.000 | 81.800 | 955.000 |
2003 | 2.536.361 | 1.426.200 | 901.100 | 2.199.577 | 83.122 | 902.229 |
2004 | 3.073.600 | 1.716.900 | 1.150.100 | 2.400.781 | 85.430 | 902.900 |
2005 | 3.432.800 | 1.798.600 | 1.437.400 | 2.738.726 | 90.880 | 959.900 |
2006 | 3.695.927 | 1.798.800 | 1.694.300 | 3.357.960 | Chua XD | 1.050.000 |
2007 | 4.149.000 | 1.876.000 | 1.942.000 | 3.752.000 | 85.758 | 1.065.000 |
2008 | 4.582.000 | 1.937.000 | 2.449.000 | 4.509.418 | 123.000 | 1.052.600 |
2009 | 4.846.000 | 2.068.000 | 2.569.000 | 4.251.313 | 130.000 | 1.044.700 |
Nguồn : Bộ Thủy sản trước đây và Bộ NN & PTNT hiện nay, Tổng cục Thống kê
Tổng sản lượng thủy sản đã lần lượt vượt qua ngưỡng 1 triệu tấn vào năm 1990, đứng vào hàng ngũ những nước có sản lượng khai thác hải sản trên 1 triệu tấn kể từ năm 1997, đạt 2 triệu tấn vào năm 2000, 3 triệu tấn vào năm 2004 và qua mốc 4 triệu tấn vào năm 2007.
Kim ngạch xuất khẩu đã vượt qua mức 500 triệu USD năm 1995, năm 2000 vượt ngưỡng 1 tỷ USD, đạt 2 tỷ USD năm 2002, trên 3 tỷ USD năm 2006 và qua mức 4 tỷ USD, đạt 4,5 tỷ USD năm 2008.
Thực hiện đường lối CNH, HĐH, ngành thủy sản đã triển khai có hiệu quả các Chương trình mục tiêu : Chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản, Chương trình phát triển xuất khẩu thủy sản và Chủ trương phát triển khai thác xa bờ và ổn định khai thác vùng ven bờ. Cơ cấu sản phẩm của kinh tế thuỷ sản được thay đổi mạnh mẽ theo hướng tăng tỷ trọng nuôi trồng, tăng tỷ trọng sản phẩm có giá trị cao, đặc biệt là sản phẩm xuất khẩu. Sự tăng trưởng ổn định của ngành Thủy sản trong giai đoạn này đã giữ vững vị thế của Việt Nam là một cường quốc thủy sản trên thế giới, đứng thứ 12 về sản lượng khai thác thủy sản, thứ 7 về giá trị xuất khẩu thủy sản năm 2007 và thứ 3 về nuôi các loài thủy sản.
2. Phát triển theo hướng công nghiệp hóa hiện đại hóa
Thực tế trước những năm 1970, ngành thuỷ sản, trước hết là lĩnh vực khai thác và chế biến hải sản, đã tiếp cận theo hướng CNH, HĐH thông qua quá trình động cơ hoá tàu cá, ni lon hoá ngư cụ và xây dựng các cơ sở chế biến đông lạnh. Trong quá trình khôi phục và phát triển kinh tế ở miền Bắc, phát triển thuỷ sản đã trở thành nhu cầu. Vào thời kỳ này, các viện, trạm nghiên cứu, trường đại học, trung học Thuỷ sản được thành lập và đi vào hoạt động, công nghiệp thuỷ sản được hình thành bao gồm các tập đoàn đánh cá, nhà máy chế biến cá, cung cấp thực phẩm phục vụ đời sống nhân dân và đáp ứng sự đòi hỏi của cuộc chiến đấu chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đã khởi động, tuy chưa thực sự sâu sắc và toàn diện nhưng kết quả của quá trình đó đã mang lại sự phát triển đáng kể cho nghề cá nước ta trong giai đoạn này.
Từ sau năm 1981, với việc áp dụng cơ chế “tự cân đối, tự trang trải”, thực chất là bước đầu tiếp cận cơ chế thị trường, kết nối các khâu sản xuất - lưu thông - tiêu thụ, hướng tới xuất khẩu, ngành đã có bước tăng trưởng cao và ổn định. Giá trị làm ra của ngành Thuỷ sản chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong khối nông nghiệp và trong nền kinh tế quốc dân.
Về khai thác hải sản
Từ một nghề cá thủ công, quy mô nhỏ, hoạt động ở vùng gần bờ, khai thác hải sản đã chuyển dịch theo hướng trở thành một nghề cá cơ giới, tăng cường khai thác ở vùng biển xa bờ, hướng vào các đối tượng khai thác có giá trị cao và các đối tượng xuất khẩu. Cùng với phát triển khai thác hải sản xa bờ là ổn định khai thác vùng ven bờ, khai thác đi đôi với bảo vệ và phát triển nguồn lợi, môi trường sinh thái.
Từ năm 1991 tới nay, số lượng tàu thuyền máy tăng nhanh, số thuyền thủ công giảm dần. Số tàu thuyền có công suất trên 90CV tăng khá nhanh, nhất là từ sau năm 1997, khi có Chủ trương phát triển khai thác xa bờ và ổn định khai thác vùng ven bờ, thời điểm bắt đầu triển khai chương trình vay vốn tín dụng đầu tư đóng tàu đánh bắt xa bờ. Tỷ trọng tàu thuyền công suất lớn trên 90 CV tăng đáng kể 15,8% năm 2007 so với 1,4 % năm 1997. Đến năm 2008 có trên 17.000 tàu công suất trên 90 CV. Tỷ trọng sản phẩm khai thác xa bờ đã tăng nhanh, chiếm khoảng 40 % tổng sản lượng khai thác hải sản.
Hệ thống hậu cần dịch vụ tuyến khơi xa, tuyến đảo, tuyến ven bờ gắn với các trung tâm dịch vụ nghề cá đã bước đầu được hình thành. Thực hiện chủ trương “tổ chức lại sản xuất” của ngành, nhiều mô hình tổ, đội, hợp tác sản xuất đạt hiệu quả cao đã xuất hiện nhằm tổ chức dịch vụ hậu cần trên biển, hỗ trợ nhau trong hoạt động sản xuất và tìm kiếm cứu nạn khi gặp rủi ro. Sự hiện diện dân sự của lực lượng tàu thuyền và ngư dân trên các vùng biển đã góp phần giữ vững chủ quyền, an ninh vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Công tác quản lý hoạt động khai thác thủy sản được chú trọng, bao gồm các hoạt động quản lý phương tiện, quản lý nghề nghiệp, quản lý lao động và công tác tuần tra kiểm soát, giám sát hoạt động khai thác thủy sản để ngư thực hiện đúng các qui định của pháp luật khi tham gia sản xuất trên biển.
Trong năm 2008, trước tình hình giá xăng dầu thế giới và trong nước có biến động liên tục tăng mạnh, ngư dân là những người bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là đối với tàu hoạt động khai thác xa bờ. Tình hình này đã ảnh hưởng đến sự phát triển của nghề khai thác thủy sản, không đảm bảo sản lượng cho hoạt động chế biến, sinh kế và đời sống của cư dân ven biển gặp khó khăn. Để góp phần ổn định đời sống, an sinh xã hội, duy trì sự phát triển của nghề khai thác hải sản, Chính phủ đã kịp thời có chính sách hỗ trợ môt phần xăng dầu cho ngư dân khi tham gia khai thác trên biển trong năm 2008 Quyết định 289/QĐ-TTg, ngày 18/3/2008. Nhờ chính sách hỗ trợ này, mặc dù chỉ được hỗ trợ một phần xăng dầu cho chuyến biển, nhưng hầu hết ngư dân phấn khởi và tiếp tục đi biển, hoạt động khai thác hải sản từng bước được khôi phục trở lại. Số tàu nằm bờ đã giảm. Thông qua hỗ trợ này, cơ quan quản lý nghề cá đã có cơ hội nắm được số lượng tàu thuyền khai thác, tạo tiền đề cho việc cải thiện công tác thông tin quản lý tàu cá cho những năm tiếp theo.
Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 137/2007/QĐ-TTg, ngày 21/8/2007, phê duyệt Đề án tổ chức thông tin phục vụ công tác phòng chống thiên tai trên biển. Thực hiện Đề án này, hiện nay, dự án "Xây dựng hệ thống thông tin quản lý nghề cá trên biển" đã bắt đầu triển khai giai đoạn 1 2009 nhằm cung cấp thông tin tổng hợp về thời tiết, khí tượng hải văn, hải dương học,.. và tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý, các chủ doanh nghiệp khai thác nắm bắt thông tin hoạt động của tàu cá trên biển để có biện pháp xử lý kịp thời, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện hoạt động trên biển. Giai đoạn 2 của dự án 2010 - 2012 sẽ hướng tới xây dựng và đưa vào khai thác hệ thống giám sát tàu vị trí tàu thuyền trên biển trên cơ sở úng dụng công nghệ vệ tinh, hoàn thiện hệ thống thông tin hai chiều giữa tàu và bờ và xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin phục vụ công tác dự báo ngư trường, khí tượng hải văn nghề cá.
Về nuôi trồng thuỷ sản
Từ chỗ là một nghề sản xuất phụ, mang tính chất tự cấp tự túc, nuôi trồng thủy sản đã trở thành một ngành sản xuất hàng hoá tập trung với trình độ kỹ thuật tiên tiến, phát triển ở tất cả các thuỷ vực nước ngọt, nước lợ, nước mặn theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường, hài hoá với các ngành kinh tế khác.
Diện tích nuôi trồng thủy sản tăng đều đặn qua từng năm từ năm 1981 tới nay. Từ 230 nghìn ha năm 1981, đến nay diện tích nuôi đã đạt hơn 1 triệu ha.
Khi tỷ trọng diện tích nuôi mặn, lợ tăng lên, nhất là nuôi tôm, thì sản lượng nuôi, đặc biệt sản lượng nuôi đưa vào xuất khẩu, đã tăng nhanh chóng và hiệu quả kinh tế có bước nhảy vọt. Từ những năm 1990, tôm nuôi cho xuất khẩu là mũi đột phá quan trọng. Bên cạnh đó, đối tượng nuôi khác cũng ngày càng đa dạng hơn cả ở nước ngọt, nước lợ và nuôi biển. Từ năm 2000, cá tra, basa đã trở thành đối tượng nuôi nước ngọt quan trọng, là mặt hàng xuất khẩu chủ lực thứ hai sau tôm. Đến năm 2008, tôm và cá tra, basa là hai mặt hàng thủy sản xuất khẩu chính, đạt kim ngạch xuất khẩu tương ứng là 1,5 tỷ USD và 1,4 tỷ USD.
Nuôi trồng thuỷ sản đang từng bước trở thành một trong những ngành sản xuất hàng hoá chủ lực, phát triển rộng khắp và có vị trí quan trọng và đang hướng đến xây dựng các vùng sản xuất tập trung. Các đối tượng có giá trị cao có khả năng xuất khẩu đã được tập trung đầu tư, khuyến khích phát triển, hiệu quả tốt. Phát huy được tiềm năng tự nhiên, nguồn vốn và sự năng động sáng tạo trong doanh nghiệp và ngư dân, nuôi trồng thủy sản đang góp phần hết sức quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp cũng như thực hiện xoá đói giảm nghèo ở các vùng miền của đất nước.
Về chế biến xuất khẩu
Đây là lĩnh vực phát triển rất nhanh và đã tiếp cận với trình độ công nghệ và quản lý tiên tiến của khu vực và thế giới trong một số lĩnh vực chế biến thuỷ sản. Sản phẩm thuỷ sản xuất khẩu đảm bảo chất lượng và có tính cạnh tranh, tạo dựng được uy tín trên thị trường thế giới. Các cơ sở sản xuất không ngừng được gia tăng, đầu tư, đổi mới.
Năm 1995, Việt Nam gia nhập các nước ASEAN và ngành thuỷ sản Việt Nam trở thành thành viên của tổ chức nghề cá Đông Nam Á SEAFDEC, cùng với việc mở rộng thị trường xuất khẩu đã tạo điều kiện cho ngành công nghiệp chế biến thuỷ sản có chiều hướng phát triển tốt. Chất lượng sản phẩm thuỷ sản không ngừng được nâng cao do các cơ sở chế biến ngày càng hiện đại, công nghiệp tiên tiến, quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế.
Đến năm 2008, đã có 544 doanh nghiệp chế biến thủy sản quy mô công nghiệp, trong đó 410 cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản đạt tiêu chuẩn ngành về điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, 414 doanh nghiệp đã áp dụng các quy phạm GMP, SSOP, HACCP, ISO 14001..., đạt tiêu chuẩn sản xuất sạch hơn, được phép xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên bang Nga,... Từ 18 doanh nghiệp năm 1999, đến nay đã có 269 doanh nghiệp chế biến được cấp phép xuất khẩu vào thị trường EU.
Bên cạnh các doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thuỷ sản của tư nhân phát triển mạnh trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế tư nhân đã có giá trị kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản hàng đầu, một số doanh nghiệp chế biến xuất khẩu đã có kim ngạch xuất khẩu trên dưới 100 triệu USD mỗi năm. Sản phẩm thủy sản của Việt Nam đã có mặt và đứng vững trên 140 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường quan trọng như EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nga.
Về ứng dụng khoa học công nghệ
Trong sự phát triển nhanh của ngành Thủy sản trong chặng đường phát triển, KHCN thủy sản đã có những đóng góp quan trọng nhằm tăng năng suất lao động và hiệu quả kinh tế, nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xoá đói giảm nghèo.
Về khai thác thủy sản, đã có nhiều nghiên cứu điều tra, đánh giá nguồn lợi, các yếu tố hải dương liên quan đến nghề cá ven bờ và một phần xa bờ, tạo cơ sở điều chỉnh cơ cấu sản lượng khai thác, xác định vùng cấm và hạn chế đánh bắt nhằm sử dụng bền vững nguồn lợi hải sản. Bước đầu xây dựng được dự báo khai thác nguồn lợi hải sản giúp ngư dân nâng cao hiệu quả sản xuất.
Trên cơ sở kết hợp giữa nghiên cứu ứng dụng với tổng kết thực tế sản xuất và nhập công nghệ, ngành đã áp dụng rộng rãi, có hiệu quả một số công nghệ khai thác mới nhằm tăng sản lượng hải sản khai thác hải sản như lưới rê 3 lớp khai thác tôm, mực nang; lưới rê thu cải tiến; kỹ thuật sử dụng lưới chụp mực khai thác mực ống,.. Một số sản phẩm trang bị cho tàu cá và các thiết bị khác trong lĩnh vực nghề cá được nghiên cứu sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả nghề khai thác hải sản như sử dụng máy dò cá trong đánh cá kết hợp ánh sáng, kỹ thuật bảo quản thuỷ sản bằng đá vẩy sản xuất từ nước biển trên các tàu đánh cá xa bờ,…
Về nuôi trồng thuỷ sản, các nghiên cứu KHCN đã giúp ngành chủ động được công nghệ sản xuất giống và con giống, nuôi thương phẩm nhiều đối tượng có giá trị kinh tế cao, tạo ra bước ngoặt lớn cho nghề nuôi thuỷ sản ở nước ta, nhất là nghề nuôi tôm sú, cá tra, cá basa xuất khẩu như mô hình nuôi tôm sú công nghiệp quy mô nông hộ; công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm tôm sú, tôm chân trắng, tôm rảo, tôm nương, tôm he Nhật bản và tôm càng xanh, cá song, cá giò, cá hồng Mỹ, cá chẽm, cua biển, ghẹ xanh, ốc hương, bào ngư, … Một số công nghệ sản xuất giống thuỷ sản đã tiếp cận hoặc vượt trình độ trong khu vực như công nghệ sản xuất giống cua biển, ốc hương… Nuôi trồng thuỷ sản phát triển đã góp phần tạo nguồn nguyên liệu ổn định cho công nghiệp chế biến xuất khẩu, tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu chung của sản xuất thuỷ sản, cung cấp thực phẩm trong nước, đồng thời đóng góp tích cực vào chương trình xoá đói, giảm nghèo.
Về chế biến xuất khẩu thuỷ sản, nghiên cứu KHCN đã giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến công nghệ bảo quản sau thu hoạch, công nghệ chế biến một số sản phẩm thuỷ sản từ các loài cá tạp có chất lượng, cải tiến và đa dạng hoá công nghệ và sản phẩm truyền thống… Nhờ đổi mới thiết bị công nghệ, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản đã tạo ra nhiều sản phẩm mới có giá trị, đa dạng sản phẩm, nâng cáo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng sức cạnh tranh của hàng thuỷ sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Đến nay ngành thuỷ sản đã có 269 doanh nghiệp chế biến thuỷ sản xuất khẩu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu trực tiếp vào EU và 410/544 cơ sở chế biến thuỷ sản đạt tiêu chuẩn ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Về công tác quản lý
Phát huy các nguồn lực, đổi mới để phát triển, trong xu thế mở cửa và hội nhập đất nước, ngành đã khẳng định, lấy xuất khẩu là động lực và ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực này. Nhờ đó, thế mạnh của nghề cá nhân dân được phát triển mạnh qua các mô hình kinh tế ngoài quốc doanh, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư để phát triển. Việc ngành thuỷ sản chú trọng đầu tư ngày một nhiều hơn và đúng hướng đã hình thành tiền đề quan trọng cho sự phát triển kinh tế thuỷ sản, tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực khai thác và nuôi trồng thuỷ sản được định hướng phát triển phục vụ xuất khẩu đã tạo ra nhiều việc làm và tăng thu nhập cho lao động nghề cá cả nước, góp phần gia tăng giá trị xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Ngành đã chủ động đi trước trong hội nhập quốc tế, đẩy mạnh việc áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất, gắn sản xuất nguyên liệu với chế biến, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, từ đầu những năm 1990 đã tập trung đổi mới phương thức quản lý chất lượng và an toàn sản phẩm, tiếp cận để đáp ứng những đòi hỏi cao nhất về lĩnh vực này của các thị trường lớn, nhờ đó nhanh chóng thiết lập và đứng vững trên các thị trường thuỷ sản lớn nhất thế giới. Khoa học công nghệ và công tác khuyến ngư ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh của ngành. Năng lực nghiên cứu khoa học tiếp tục được tăng cường thông qua việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng và hệ thống thiết bị phục vụ nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực. Các cơ quan quản lý đã trưởng thành, có nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lý ngành. Những chính sách quản lý, kế hoạch phát triển quan trọng được ban hành nhằm khai thác các tiềm năng phát triển; Tạo điều kiện, ủng hộ và khuyến khích nhân rộng các mô hình sản xuất giống sạch bệnh; Áp dụng công nghệ nuôi trồng thủy sản bảo đảm các yêu cầu về an toàn vệ sinh, không làm hại môi trường; Triển khai các mô hình tổ chức sản xuất khai thác hải sản hướng đến hiệu quả, gắn khai thác với dịch vụ hậu cần; Các mô hình chế biến xuất khẩu thủy sản gắn kết với tổ chức vùng sản xuất và cung cấp nguyên liệu từ nuôi trồng trong điều kiện phải thích ứng với giá nhiên liệu tăng mạnh, nguồn lợi gần bờ khó khăn, đối phó với thiên tai, thời tiết thất thường ... Ngành Thủy sản đã tăng cường công tác quản lý theo chuỗi sản xuất, quản lý chất lượng, an toàn sản phẩm ngay từ những khâu đầu của quá trình sản xuất trong lĩnh vực khai thác, nuôi trồng thủy sản đến khâu chế biến và tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo yêu cầu của các nước nhập khẩu và bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng nội địa, thực hiện quản lý "từ ao nuôi đến bàn ăn". Cùng với các giải pháp về cải cách hành chính, tổ chức sản xuất trong các lĩnh vực hoạt động thủy sản, ngành đã triển khai đưa vào áp dụng tiêu chuẩn vùng nuôi an toàn, mô hình nuôi sạch và hướng dẫn người nuôi thực hiện quản lý chất lượng sản phẩm, tăng cường kiểm tra chất lượng giống, thức ăn, thuốc phòng trị bệnh cho tôm, cá nhằm nâng cao chất lượng xuất khẩu và uy tín của sản phẩm thủy sản Việt Nam trên thị trường thủy sản quốc tế.
Cùng với sự hình thành và phát triển của các cơ quan quản lý nhà nước của ngành Thủy sản, các hội nghề nghiệp của những người làm nghề cá đã được ra đời, tập hợp, động viên lực lượng lao động thuộc mọi lĩnh vực hoạt động thủy sản đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng liên tục của ngành. Vai trò nòng cốt, xung kích của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu, các mối liên kết cộng đồng và sự hình thành các Hội, Hiệp hội như là sự tất yếu của quá trình hội nhập và là động lực trực tiếp thúc đẩy quá trình tổ chức lại sản xuất của ngành.
Đánh giá vai trò kinh tế biển trong sự phát triển của đất nước, Hội nghị lần thứ 4 BCH TƯ Đảng khóa X đã có Nghị quyết về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, khẳng định vị trí, vai trò rất quan trọng của biển đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mục tiêu tổng quát của Chiến lược biển là “Đến năm 2020, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện dại hóa đất nước giàu, mạnh”, trong đó “Phấn đấu đến năm 2020, kinh tế trên biển và ven biển đóng góp khoảng 53 - 55% tổng GDP của cả nước”. Về định hướng chiến lược phát triển kinh té-xã hội, Nghị quyết nhấn mạnh, khai thác và chế biến hải sản là một trong những ngành góp phần đột phá về kinh tế biển, ven biển nhằm nâng cao đời sống dân cư vùng ven biển, trên các đảo và những người hoạt động trên biển. Đồng thời, tăng cường khả năng quốc phòng, an ninh trên biển, khả năng tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và phòng chống thiên tai.
Trong quá trình phát triển của mình, ngành Thủy sản không chỉ khẳng định là một ngành kinh tế biển truyền thống, mà còn từng bước phát triển thành một ngành kinh tế sản xuất hàng hóa lớn và đi đầu trong hội nhập kinh tế quốc tế và cũng là lĩnh vực kinh tế có đóng góp quan trọng cho bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm quốc gia, góp phần xóa đói giảm nghèo và góp phần gìn giữ an ninh quốc phòng trên biển, đảo.
3. Chặng đường phát triển của ngành thủy sản
- Từ sau năm 1954, xác định được khả năng đóng góp mà nghề cá có thể mang lại cho nền kinh tế quốc dân, cùng với quá trình khôi phục và bước đầu phát triển kinh tế ở miền Bắc, Đảng và Nhà nước ta đã chú trọng phát triển nghề cá.
Vụ Ngư nghiệp thuộc Bộ Nông Lâm đã được thành lập. Đây là cơ quan quản lý nhà nước đầu tiên của nghề cá miền Bắc, đánh dấu cách nhìn nhận mới đối với nghề cá nước ta.
- Cuối tháng 3, đầu tháng 4 năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm các làng cá và bà con ngư dân ở các đảo Tuần Châu, Cát Bà,… Tại đây, Người đã dạy : “Biển bạc của ta do dân ta làm chủ”. Để ghi nhớ sự kiện lịch sử này, ngày 1 tháng 4 hàng năm được những người làm nghề cá nước ta chọn là Ngày hội truyền thống của ngành Thủy sản.
Ngày 18/3/1995, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định chính thức về việc tổ chức Ngày hội truyền thống của ngành Thủy sản vào ngày Một tháng Tư hàng năm.
- Ngày 25/4/1960, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tổ chức lại Bộ Nông lâm thành 4 tổ chức mới là Bộ Nông nghiệp, Bộ Nông trường quốc doanh, Tổng cục Lâm nghiệp và Tổng cục Thủy sản. Đồng chí Lê Duy Trinh được cử làm Tổng cục trưởng đầu tiên của Tổng cục Thủy sản.
- Ngày 5/10/1961, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Công hoà ban hành Nghị định 150/CP hoặc 156/CP quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tổng cục Thủy sản. Đây là thời điểm ra đời của ngành Thủy sản Việt Nam như một ngành kinh tế - kỹ thuật của đất nước.
- Năm 1976, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, Bộ Hải sản được thành lập.
- Năm 1981, Bộ Thủy sản được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Bộ Hải sản, dánh dấu bước phát triển toàn diện của ngành Thủy sản trên các lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, dịch vụ hậu cần nghề cá, chế biến và xuất nhập khẩu.
- Năm 1989, Hiệp hội nuôi tôm xuất khẩu, tiền thân của Hội Nuôi trồng thủy sản, đưựoc thành lập.
- Năm 1990, ngành Thủy sản được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh.
- Năm 1992, thành lập Hội Nghề cá Việt Nam VINAFA
- Tháng 10/1992, thành lập Công đoàn Thủy sản Việt Nam
- Năm 1993, Hội nghị BCH TW Đảng lần thứ 5 khoá VII xác định “Xây dựng Thủy sản thành ngành kinh tế mũi nhọn”
- Tháng 12/1996, thành lập Quỹ nhân đạo Nghề cá Việt Nam
- Năm 1998, thành lập Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam VASEP
- Nghị quyết 03/BCT ngày 6/5/1993 và Chỉ thị 20 CT/TW ngày 22/9/1997 đã mở hướng phát triển ba chương trình kinh tế lớn của ngành Thủy sản
- Ngày 13 – 14/7/2000, Đại hội Thi đua toàn ngành Thủy sản tiến tới Đại hội Thi đua toàn quốc lần thứ VI 21 – 25/11/2000. 10 đơn vị Anh hùng, 3 cá nhân Anh hùng và 12 Chiến sĩ thi đua toàn quốc ngành thủy sản được tuyên dương đã tham dự Đại hội
- Luật Thủy sản được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam Kỳ họp thứ 4, Khoá XI 21/10 – 26/11/2003 thông qua ngày 26/11/2003 và ngày 20/12/2003, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam ký Lệnh công bố. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2004.
- Tháng 4/2007, ngành Thủy sản được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng.
- Tháng 8/2007, Bộ Thủy sản hợp nhất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới. Ngày 03/01/2008, Chính phủ ban hành Nghị định số 01/2008/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới.
- Tháng 3/2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 75/2009/NÐ-CP, ngày 10/9/2009, của Chính phủ sửa đổi Điều 3 Nghị định số 01/2008/NĐ-CP, ngày 03/01/2008, của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Theo đó, Tổng cục Thủy sản trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được thành lập theo Quyết định số 05/2010/QÐ-TTg, ngày 25/01/2010, của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thuỷ sản trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
4. Thành tích và khen thưởng
Trong quá trình xây dựng và phát triển đến nay, bên cạnh phần thưởng cao quý do Nhà nước trao tặng : Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, ngành Thuỷ sản đã được Nhà nước đánh giá, ghi nhận thành tích và khen thưởng dưới nhiều hình thức.
Từ kháng chiến chống Mỹ cứu nước và thời kỳ khôi phục kinh tế ở miền Bắc cho đến khi cả nước thống nhất, xây dựng và phát triển kinh tế trong hoà bình, bước vào thời kỳ đổi mới đến nay, ngành thủy sản đã có
- 13 tập thể và 9 cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lao động;
- 17 cá nhân được phong tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc, 5 Nhà giáo ưu tú, hàng trăm Chiến sĩ thi đua ngành; hàng trăm tập thể, cá nhân được tặng Huân chương Lao động; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; hàng ngàn tập thể và cá nhân được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Thủy sản; hàng vạn cá nhân được tặng thưởng Huy chương ”Vì sự nghiệp phát triển Nghề cá”.
- Ngành đã có 01 Giải thưởng Hồ Chí Minh; 2 Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ trao cho các công trình nghiên cứu khoa học của ngành; 10 Giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ khác.
- Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngành Thủy sản có 3.435 cá nhân được nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến các loại.
Trung tâm Thông tin Thủy sản
Từ khóa » Thủy Sản Phát Triển Mạnh Trong Những Năm Gần đây
-
Ở Nước Ta Những Năm Gần đây, Ngành Thủy Sản Phát Triển Mạnh Do ...
-
Phát Triển Ngành Thủy Sản Việt Nam Thích ứng Với Tình Hình Mới
-
Tại Sao Trong Những Năm Gần đây, Ngành Thủy Sản Nước Ta Phát ...
-
Ở Nước Ta Những Năm Gần đây, Ngành Thủy Sản Phát Triển Mạnh Do ...
-
Ngành Thủy Sản Nước Ta Những Năm Gần đây Có Bước Phát Triển đột ...
-
Ở Nước Ta Những Năm Gần đây, Ngành Thủy Sản ... - Cungthi.online
-
Hướng Tới Nuôi Trồng Thủy Sản Bền Vững - Báo điện Tử Chính Phủ
-
Nguyên Nhân Nào Dưới đây Khiến Cho Ngành Nuôi Trồng Thủy Sản đang
-
Tổng Quan Ngành Thủy Sản Việt Nam - Vasep
-
Quảng Ninh Phát Triển Bền Vững Ngành Thủy Sản
-
Nông Nghiệp Và Thủy Sản | Open Development Vietnam
-
Giải Pháp Bảo Vệ Môi Trường Trong Nuôi Trồng Thủy Sản ở ĐBSCL
-
Địa Lý 12 Bài 24: Vấn đề Phát Triển Ngành Thủy Sản Và Lâm Nghiệp
-
Vì Sao Ngành Thuỷ Sản Phát Triển Mạnh ở Nước Ta? - MTrend