Tổng Hợp Báo Chí, Internet Phản ánh Về Bắc Giang Ngày 30/10/2019
Có thể bạn quan tâm
I. Tin tức phản ánh về Bắc Giang qua báo trung ương
1. Qua Báo in
> Báo Nhân dân (số 23389, ngày 30.10.2019): Cần quyết liệt xóa bỏ lò gạch, lò vôi thủ công.
Ngày 22-8-2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1469/QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 1469). Theo đó, các tỉnh, thành phố xây dựng và ban hành lộ trình chấm dứt hoạt động các loại lò gạch, lò vôi thủ công và các giải pháp thay thế. Tuy nhiên, nhiều địa phương chưa thực hiện quyết liệt lộ trình nói trên.
Ðơn của người dân tại thôn Trại Cá, xã Vũ Xá, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang gửi về tòa soạn phản ánh: Hiện nay, trên địa bàn huyện Lục Nam tồn tại 15 lò gạch thủ công đang hoạt động với công suất lớn. Phần lớn các lò gạch này xuống cấp, không bảo đảm an toàn. Nhiều công nhân làm việc trong điều kiện thiếu trang thiết bị bảo hộ lao động trong môi trường độc hại, không có hợp đồng lao động và bảo hiểm xã hội. Từ nguồn tin này, chúng tôi có buổi làm việc với Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Nam (Bắc Giang) Giáp Văn Ơn. Ðồng chí Giáp Văn Ơn thừa nhận: Công tác kiểm tra, chỉ đạo dừng hoạt động sản xuất gạch lò gạch thủ công cấp xã còn gặp nhiều khó khăn. Khi đoàn kiểm tra đến thì các lò gạch thủ công đã dừng hoạt động, chỉ sản xuất gạch phơ và tập kết nguyên liệu. Sau khi đoàn kiểm tra ra về thì các lò gạch thủ công hoạt động trở lại. Công tác tuyên truyền, ký cam kết, thống kê số lượng, quy mô, công suất, số lao động của UBND các xã đối với các chủ lò gạch thủ công còn hạn chế. Một số chủ lò gạch thủ công chưa quan tâm phối hợp trong quá trình thực hiện, chưa ký cam kết ngừng sản xuất, nung đốt gạch.
Ðề cập số cơ sở sản xuất đang sử dụng lò vòng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang Vũ Văn Tưởng cho biết: Trong 50 cơ sở sản xuất gạch lò thủ công đang hoạt động, có 15 cơ sở chưa có các thủ tục pháp lý về đất đai theo quy định, 31 cơ sở chưa được cấp giấy phép khai thác khoáng sản. Toàn bộ 50 cơ sở đều có hoạt động thu mua đất làm nguyên liệu sản xuất gạch của các tổ chức, cá nhân chưa được cấp phép khai thác và không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của nguyên liệu và chưa kê khai nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định. Về môi trường, 50 cơ sở không lập, phê duyệt Kế hoạch quản lý môi trường, kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường. 41 cơ sở thực hiện không đúng và đầy đủ một trong các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường; chưa xây dựng hoàn thiện hệ thống thu gom, thoát nước mưa chảy tràn chung quanh mặt bằng, hệ thống xử lý khí thải. Thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính đối với bảy cơ sở với tổng số tiền phạt 380 triệu đồng.
2. Qua Internet
> dulich.petrotimes.vn: Bắc Giang công nhận hai Điểm du lịch mới.
UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành quyết định về việc công nhận Điểm du lịch - Khu di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám (huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang) từ ngày 9/10/2019 và Chùa Vĩnh Nghiêm từ ngày 20/9/2019.
Chùa Vĩnh Nghiêm với vai trò là chốn tổ của thiền phái Trúc Lâm, chùa được xây dựng với các khối kiến trúc chính gồm Cổng tam quan, Toà tiền đường, Thiêu hương, Thượng điện, Nhà tổ đệ nhất, Gác chuông, Nhà tổ đệ nhị, Hai dãy hành lang đông tây, Khu vườn tháp.
Ngoài những nét kiến trúc độc đáo, chùa Vĩnh Nghiêm còn lưu giữ hơn 3000 mộc bản khắc chữ Hán và Nôm gồm các bộ kinh sách đạo Phật, sự nghiệp của các vị cao tăng và nhiều sách hướng dẫn chữa bệnh bằng các bài thuốc dân gian… Những bản mộc bản này được lưu giữ cẩn thận, chữ rất sắc nét, có giá trị nghệ thuật vô giá. Năm 2012, mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương thuộc chương trình Ký ức thế giới.
Quần thể khu di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám nằm tại thị trấn Cầu Gồ, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang. Nơi đây ghi đậm cuộc khởi nghĩa Yên Thế do người anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám lãnh đạo nhân dân đứng lên dựng cờ khởi nghĩa chống lại thực dân Pháp xâm lược kéo dài gần 30 năm, từ năm 1884 đến năm 1913. Đây là cuộc khởi nghĩa nông dân lớn nhất và kéo dài nhất của dân tộc ta vào cuối thế kỉ 19 đầu thế kỉ 20 trước khi có Đảng lãnh đạo.
Đến với Khu di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám, du khách có thể thăm 9 di tích gồm Đồn Phồn Xương, Đền Thề, Đồn Hố Chuối, Chùa Lèo, Đồn Hom, Đình Dĩnh Thép, Đền Cầu Khoai, Chùa Thông và Động Thiên Thai. Các di tích này phản ánh quá trình xây dựng lực lượng và chiến đấu anh dũng của nghĩa quân Yên Thế trong thời kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Đồng thời giáo dục tới thế hệ trẻ tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc mà cuộc khởi nghĩa đã để lại.
> doanhnghiepvn.vn: Lục Ngạn, Bắc Giang: HTX phát triển, tạo đột phá nông thôn mới.
Sự phát triển vượt bậc của các HTX đang trở thành chìa khóa thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế, xã hội, tạo chuyển biến trong nông thôn mới, nâng cao đời sống cho người dân trên địa bàn huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.
Lục Ngạn hiện có hơn 100 HTX tham gia các hoạt động chủ yếu ở lĩnh vực nông, lâm nghiệp; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tín dụng, vệ sinh môi trường, quản lý đất khai thác chợ… Các HTX đang là điểm tựa cho gần 2.700 thành viên, với tổng số vốn đăng ký hơn 230 tỷ đồng…
Kết quả, Sau 10 năm xây dựng NTM, kinh tế - xã hội huyện không ngừng được nâng lên, an ninh - quốc phòng ổn định. Đời sống của người dân nông thôn từng bước được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ 43,96% (năm 2010) xuống còn 10,55% (năm 2018). Tính đến thời điểm này, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt trên 99,02%; số hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh đạt trên 93,5%...
Bình quân tiêu chí của cả huyện đạt 13,1 tiêu chí/xã. Đến hết năm 2019 toàn huyện có 4 thôn đạt chuẩn thôn NTM. Năm 2020, huyện dự kiến xây dựng 3 thôn đạt NTM kiểu mẫu gồm thôn Lâm Trường (xã Nghĩa Hồ), thôn Muối (xã Giáp Sơn) và thôn Bồng 1 (xã Thanh Hải); xây dựng các xã Biển Động, Biên Sơn, Phượng Sơn, Đồng Cốc đạt chuẩn NTM.
> doanhnghiepvn.vn: Bắc Giang: Đẩy mạnh giảm nghèo bền vững ở huyện Sơn Động.
Với sự hỗ trợ đắc lực từ Nhà nước trong Chương trình giảm nghèo 30a, những năm gần đây, bộ mặt nông thôn huyện Sơn Động (Bắc Giang) đã có những thay đổi tích cực. Đời sống người dân dần được nâng cao.
Sơn Động là huyện vùng cao duy nhất của tỉnh với khoảng 7,3 vạn người, gồm 14 dân tộc anh em sinh sống, trong đó có 47,2% dân số là đồng bào các dân tộc thiểu số như: Dao, Tày, Nùng, Sán Chí, Cao Lan... 19/23 xã, thị trấn thuộc diện đặc biệt khó khăn. Đặc biệt, địa hình đồi núi và bị chia cắt bởi các con sông nên điều kiện kinh tế của huyện còn nhiều khó khăn.
Chú trọng phát triển sản xuất. Nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi được hỗ trợ đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như: mô hình sản xuất Chè Bát Tiên ở thị trấn Thanh Sơn; ba kích ở xã Bồng Am; măng Bát Độ tại xã An Lập; nuôi lợn rừng ở xã Tuấn Đạo; nuôi ong ở Yên Định đã mang lại giá trị kinh tế tương đối cao cho người dân. Không chỉ được hỗ trợ vốn, người dân còn được cán bộ khuyến nông đến hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi nên họ yên tâm sản xuất…
Để mang lại hiệu quả trong giảm nghèo, hằng năm, các nội dung, danh mục công trình, mô hình sản xuất đầu tư được huyện lựa chọn kỹ, đáp ứng nhu cầu bức thiết trong nhân dân, phát huy hiệu quả thiết thực. Đến nay, đời sống nhân dân được nâng lên, thu nhập gấp 2,5 lần khi bắt đầu thực hiện đề án, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 5%/năm. Hiện tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 35,61%, cận nghèo 21,85% (theo chuẩn mới).
Hiện nay, 100% người nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện được cấp thẻ bảo hiểm y tế; 100% học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo được miễn, giảm học phí. Từ các nguồn vốn, toàn huyện đã có 266 công trình giao thông, thủy lợi, hạ tầng thiết yếu được xây dựng và duy tu…
Hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững, huyện tiếp tục tuyên truyền, làm thay đổi nhận thức để người nghèo tự lực vươn lên; phân bổ hợp lý các nguồn lực trên cơ sở ưu tiên thôn, bản đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. Trong đó, đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với phát triển kinh tế rừng, tập trung sản xuất cây lâm nghiệp, dược liệu với ba sản phẩm mũi nhọn gồm: Ba kích, nấm lim và mật ong rừng.
> anninhthudo.vn: Lợi dụng đêm mưa, khoắng gần 100 chiếc điện thoại di động.
Ngày 29-10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang cho biết, đơn vị đã thực hiện lệnh tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Văn Thanh (SN 1986) trú tại thôn Chùa, xã Lương Phong, huyện Hiệp Hòa, để điều tra về hành vi trộm cắp tài sản.
Trước đó, ngày 9-10, anh H.T.K (SN 1985, trú tại xã Hùng Sơn, huyện Hiệp Hòa) đến cơ quan Công an trình báo về việc, đêm 8, rạng sáng 9-10, kẻ gian đột nhập vào cửa hàng kinh doanh điện thoại của anh lấy đi 91 chiếc điện thoại di động các loại, tổng giá trị hơn 400 triệu đồng.
Xác lập chuyên án đấu tranh, đến ngày 27-10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Hiệp Hòa đã làm rõ và thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối với Nguyễn Văn Thanh. Đối tượng khai nhận, đêm 8-10, lợi dụng trời mưa, và biết cửa hàng kinh doanh điện thoại của anh T. không có người trông coi, Thanh đã đột nhập trộm cắp được gần 100 chiếc điện thoại di dộng.
Sau đó, tên gian này mang số tài sản trên bán cho các cửa hàng mua bán điện thoại tại huyện Sóc Sơn, Đông Anh (TP Hà Nội); huyện Tiên Du, thị xã Từ Sơn, TP Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) và huyện Hiệp Hòa. Toàn bộ số tiền bị Thanh “nướng” vào game và ăn tiêu cá nhân. Theo hồ sơ, Nguyễn Văn Thanh có tiền án về tội các trộm cắp tài sản, đánh bạc.
II. Báo chí của tỉnh
* Theo Báo in:
> Báo Bắc Giang (số 5427, từ ngày 30/10/2019): Xã Trung Sơn (Việt Yên): Chưa được cấp phép xây dựng, doanh nghiệp đã đổ đất, san nền làm cây xăng.
Công dân thôn Dương Huy, xã Trung Sơn, huyện Việt Yên (Bắc Giang) bức xúc phản ánh việc bỗng dưng có doanh nghiệp (DN) từ đâu về đổ đất san nền một phần cánh đồng “bờ xôi ruộng mật” của thôn để xây dựng cây xăng. Trong khi bà con chưa hề được thông tin về dự án này, việc làm của Doanh nghiệp khiến dư luận không đồng tình.
Ngày 25/10, phóng viên có mặt tại thôn Dương Huy thấy khu đất rộng khoảng 1.000 m2 thuộc cánh đồng Mầu đã được san nền bằng phẳng xây tường bao 3 phía, xung quanh vẫn là ruộng canh tác. Ông Nguyễn Viết Trang, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Sơn cho biết: Đây là những thửa ruộng được một công dân thôn Minh Sơn (cùng xã Trung Sơn) mua của một số hộ thôn Dương Huy, sau đó chuyển nhượng lại cho Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hoàng Thịnh (gọi tắt là Công ty Hoàng Thịnh, trụ sở tại thị trấn Bích Động, huyện Việt Yên). Khu vực này từ năm 2017 đã được UBND tỉnh quy hoạch là đất công trình năng lượng (xây dựng cửa hàng xăng dầu).
Tháng 8/2019, UBND tỉnh có Quyết định số 583/QĐ-UBND đồng ý cho Công ty Hoàng Thịnh thuê 1.182,4 m2 đất tại thôn Dương Huy để xây dựng cửa hàng xăng dầu. Ngày 21/8, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với cơ quan liên quan, chính quyền địa phương tiến hành giao đất trên thực địa tại cánh đồng Mầu, thôn Dương Huy cho Công ty Hoàng Thịnh. Đáng chú ý, dù chưa hoàn tất các thủ tục về thuê đất, lập quy hoạch chi tiết, lấy ý kiến cộng đồng dân cư và chưa được cơ quan chuyên môn cấp phép xây dựng nhưng đầu tháng 9 vừa qua, Công ty Hoàng Thịnh đã tiến hành đổ đất, san nền, xây tường bao trên phần diện tích đất tại cánh đồng Mầu nhận chuyển nhượng của người dân trước đó. Hoạt động của DN không chỉ khiến người dân mà cả lãnh đạo Đảng ủy xã cũng bất ngờ vì chưa hề biết thông tin về dự án này.
Theo quyết định trên, địa điểm thực hiện dự án là địa bàn thôn Dương Huy, xã Trung Sơn. Diện tích cửa hàng khoảng 1.000 m2. Tổng vốn đầu tư hơn 2,76 tỷ đồng, quy mô kinh doanh 1.200 m3 xăng/năm và 1.300 m3 dầu/năm. Trước phản ứng của người dân, cuối tháng 9 vừa qua, DN Hoàng Thịnh mới gửi thông báo nhờ chính quyền địa phương niêm yết xin ý kiến nhân dân về việc lập quy hoạch chi tiết cửa hàng xăng dầu tại thôn Dương Huy.
* Theo baobacgiang.com.vn:
> Bắc Giang: Yêu cầu không làm kỷ yếu, logo, in sách làm quà tặng khi kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống.
Thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 21-12-2012 của Ban Bí thư T.Ư Đảng về đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và thiết thực học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh, Thường trực Tỉnh ủy Bắc Giang yêu cầu:
Từ ngày 23-10-2019, khi tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống, các ngành, địa phương, cơ quan trong hệ thống chính trị của tỉnh không làm kỷ yếu, logo, in sách làm quà tặng gây lãng phí. Đồng thời thực hiện nghiêm Nghị định số 111/2018/NĐ-CP ngày 31-8-2018 của Chính phủ quy định về ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng của các bộ, ngành, địa phương.
> Lục Ngạn: Giá bưởi da xanh tăng cao.
Theo một số nhà vườn trên địa bàn huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), hiện giá bán bưởi da xanh tại vườn ngày 29-10 dao động từ 38 - 41 nghìn đồng/kg (quả nặng hơn 1,2 kg trở lên), tăng 15-17 nghìn đồng/kg so với đầu vụ, 5 - 7 nghìn đồng/kg so với một tuần trước.
Năm nay, toàn huyện có 537 ha bưởi da xanh, sản lượng ước đạt 2,6 nghìn tấn. Bưởi da xanh được trồng tập trung tại các xã như: Thanh Hải, Hồng Giang, Trù Hựu, Tân Quang, Quý Sơn, Tân Mộc và Giáp Sơn…
Đến thời điểm này, bà con trong huyện Lục Ngạn đã thu hoạch được 70% sản lượng bưởi da xanh. Hầu hết sản phẩm được các thương nhân đặt hàng, thu mua tại vườn để chuyển đi các tỉnh, TP như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và đưa vào hệ thống siêu thị BigC, Co.opmart... Nhiều hộ dân trong huyện có thu nhập hàng trăm triệu đồng từ cây trồng này.
> Giá gỗ giảm, các chủ rừng, cơ sở sản xuất gặp khó.
Theo thông tin từ các chủ rừng, cơ sở sản xuất, chế biến gỗ, thời gian gần đây giá gỗ nguyên liệu rừng trồng, gỗ qua chế biến trên địa bàn tỉnh Bắc Giang liên tục ở mức thấp.
Cụ thể, giá gỗ keo và bạch đàn tròn đều thấp hơn so với tháng trước từ 100 nghìn đến 200 nghìn đồng/m3. Trong đó, gỗ keo tròn giá 810 nghìn đồng/m3; bạch đàn giá từ 1 đến 1,1 triệu đồng/m3.
Việc giá gỗ xuống thấp khiến nhiều cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh thu nhập giảm đáng kể. Tìm hiểu, được biết, nguyên nhân giá gỗ nguyên liệu giảm là do thị trường xuất khẩu đang gặp khó khăn. Cụ thể, phía Trung Quốc hạn chế nhập gỗ nguyên liệu từ Việt Nam, các nhà sản xuất gỗ của Trung Quốc không xuất khẩu được các sản phẩm gỗ chế biến sang thị trường chính là Mỹ do lệnh cấm vận của nước này.
Bắc Giang hiện có 771 cơ sở chế biến gỗ. Trong đó, có 61 cơ sở chế biến, sản xuất các sản phẩm từ gỗ xuất khẩu. Dự kiến, năm 2019 gỗ xuất khẩu của Bắc Giang đạt giá trị khoảng 2 nghìn tỷ đồng…
Theo Chi cục Kiểm lâm Bắc Giang, mỗi tháng toàn tỉnh khai thác gần 750ha rừng trồng, tương ứng với hơn 63 nghìn m3 gỗ nguyên liệu. Do đó, nếu giá gỗ tiếp tục xuống thấp thì người trồng rừng và các cơ sở chế biến gỗ sẽ gặp nhiều khó khăn.
Thực tế này đòi hỏi ngành chức năng, các chủ rừng, doanh nghiệp chế biến gỗ trong tỉnh cần có kế hoạch, phương án sản xuất phù hợp, hạn chế tác động tiêu cực từ các doanh nghiệp nước ngoài.
> Phát hiện nhiều đối tượng sử dụng ma túy tại quán karaoke Sunny Club ở Bắc Giang.
Công an huyện Lạng Giang (tỉnh Bắc Giang) vừa ra quyết định xử phạt hành chính đối với cơ sở kinh doanh karaoke Sunny Club ở thôn Tân Văn, xã Tân Dĩnh (Lạng Giang) do vi phạm hoạt động quá giờ quy định.
Trước đó, khoảng 1 giờ 40 phút, ngày 27-10, tổ công tác của Công an huyện Lạng Giang tiến hành kiểm tra hành chính cơ sở này do hoạt động quá giờ quy định.
Tại thời điểm trên, trong quán karaoke có khoảng 20 người ở trong và ngoài các phòng hát. Quá trình kiểm tra, tổ công tác phát hiện tại 2 phòng hát mở nhạc lớn và có nhiều thanh niên nam, nữ có biểu hiện "phê" ma túy. Qua kiểm tra nhanh bằng que thử nước tiểu có 10 trường hợp dương tính với ma túy.
Đại diện cơ sở là Nguyễn Văn Hoàn (SN 1984) ở thôn Tân Văn 3, xã Tân Dĩnh. Công an huyện đã lập biên bản, ra quyết định xử phạt hành chính đối với chủ cơ sở và người sử dụng ma túy.
Trước đó, Karaoke Sunny Club từng bị Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an tỉnh) phát hiện có đối tượng tàng trữ, sử dụng ma túy tại cơ sở và hoạt động kinh doanh quá giờ quy định.
* Chương trình thời sự tối ngày 29/10/2019 của Đài PT-TH Bắc Giang có những thông tin đáng chú ý sau:
> Tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu là hoạt động được tỉnh Bắc Giang quan tâm nhằm chọn ra những sản phẩm đặc trưng, nổi bật của từng địa phương, để từ đó định hướng nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, đây cũng là cơ hội để người nông dân thay đổi tư duy, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Thay vì làm thủ công như trước thì giờ đây, việc sản xuất bánh đa nem Thổ Hà của Hợp tác xã bánh đa nem mì Thổ Hà đã được thay thế bằng dây chuyền tráng bánh tự động. Điều này không chỉ góp phần giảm thiểu nhân công mà còn nâng cao năng suất và chất lượng của sản phẩm. Hiện nay, trung bình 1 ngày, Hợp tác xã xuất bán ra thị trường trên 6 vạn bánh đa nem, chủ yếu là các tỉnh phía bắc và thành phố Hà Nội, trong đó có cả siêu thị Big C. Đây cũng chính là một trong những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2019 của huyện Việt Yên. Hiện nay, toàn xã Vân Hà đang có trên 300 hộ gia đình duy trì nghề sản xuất bánh đa nem. Các hợp tác xã cũng được thành lập tại địa phương này để thuận lợi cho việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm… Năm 2019, tỉnh Bắc Giang công nhận 22 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của 10 huyện, thành phố, thông qua đó, góp phần định hướng người dân bằng những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, phù hợp với từng địa phương, tuy nhiên để những sản phẩm này có chỗ đứng trên thị trường, cần định hướng người dân tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao vào sản xuất để cung ứng ra thị trường những sản phẩm chất lượng nhất.
> Thực hiện chương trình phúc lợi đoàn viên do Tổng liên đoàn lao động Việt Nam phát động, thời gian qua, các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh đã có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trong chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích cho người lao động. Đặc biệt, nhằm phục vụ thiết thực nhu cầu của đoàn viên công đoàn, nhiều siêu thị công đoàn đã ra đời ngay tại các khu công nghiệp, khu chế xuất góp phần giúp công nhân lao động tiết kiệm thời gian mua sắm, mua sản phẩm chất lượng với giá thấp hơn trên thị trường.
Để mua các mặt hàng thiết yếu hàng ngày, công nhân tại Tổng công ty may Bắc Giang LGG sẽ không cần phải đi xa vì chỉ cần ra ngay cổng nơi làm việc là đã có thể mua được thứ họ cần. Các mặt hàng tại siêu thị rất đa dạng, từ đồ gia dụng đến thực phẩm, người mua có thể tiết kiệm thời gian mua sắm. Đi vào hoạt động từ tháng 9 năm nay, mô hình siêu thị công đoàn của Tổng công ty may Bắc Giang LGG đang hoạt động hiệu quả, thu hút hàng trăm lượt người mua sắm mỗi ngày. Tại đây, công nhân lao động của công ty được mua hàng với giá thấp hơn ngoài thị trường từ 10 – 20%. Ngoài việc đảm bảo chất lượng, giúp công nhân tiết kiệm thời gian, tại siêu thị còn triển khai phần mềm nội bộ tại nhà tiện lợi nhằm phục vụ công nhân mua sắm online… Mô hình siêu thị đã giúp cho công nhân tránh được việc mua phải hàng giả, bảo đảm cho công nhân được sử dụng những sản phẩm có chất lượng.
Từ khóa » Chủ Lò Gạch 99 Là Ai
-
ChủLòGạch99 đã đòi Lại Ngôi Vương Từ Tay ﻲQµañgﻲ - Gunny
-
Chủ Lò Gạch 99 Xuất Hiện :3 Gunny:... | Facebook
-
Chủ Lò Gạch Gunny Là Ai - Học Tốt
-
Chủ Lò Gạch 99 Trong Gunny - Tử Vi Khoa Học
-
Chủ Lò Gạch 99 Là Ai - Toàn Thua
-
So Sánh Thời PeMy Và Chủ Lò Gạch Xem - Đức Anh Gunny - YouTube
-
Chủ Lò Gạch 99 Nhanh Chóng Cướp Lại Ngôi Tóp - 4rKingGame.Com
-
Người đàn ông "đốt" 1,6 Tỉ đồng Cho Chơi Game - Fanboy Tag
-
Gunny Origin | Chia Sẻ Ký ức Gunny 13 Năm
-
Đóng Cửa 99 Lò Gạch ở Quận 9 - PLO
-
Quyết định 2409/QĐ-UBND 2016 Mức Hỗ Trợ Tháo Dỡ Lò Gạch Thủ ...