Tổng Hợp đặc Sản Tiền Giang: Tất Cả 16 đặc Sản Nổi Tiếng Của Tiền ...

Tất cả 16 đặc sản Tiền Giang được tổng hợp hết trong bài viết sẽ giúp bạn cảm nhận được hết nét đẹp trong văn hóa ẩm thực và con người Tiền Giang.

Xưa nay nhắc đến Tiền Giang người liền nghĩ ngay đến vùng đất có nhiều Hoàng Hậu nhất xứ Nam Kỳ. Nơi đây thu hút du khách với các di tích lịch sử cùng những loại hình du lịch đậm chất miệt vườn. Tiền Giang còn mang nhiều thú vị khi dành tặng du khách nhiều món ăn hấp dẫn, đặc trưng của riêng vùng đất này. Mục lục

  1. Hủ tiếu Mỹ Tho
  2. Vú sữa Lò Rèn
  3. Bún gỏi già
  4. Ốc gạo Tân Phong
  5. Bánh giá chợ Giồng
  6. Bánh bèo chợ Hàng Bông
  7. Chuối quết dừa
  8. Chả nướng chợ Gạo
  9. Sam biển Gò Công
  10. Mắm tôm Gò Công
  11. Mận Trung Lương
  12. Cá lóc nướng trui
  13. Chè Sơn Qui
  14. Nhãn Nhị Quý
  15. Mắm còng Gò Công
  16. Cháo cá lóc rau đắng
  1. Hủ tiếu Mỹ Tho

Tổng hợp tất cả đặc sản Tiền Giang: Hủ tiếu Mỹ Tho - VietFlavour.Com

Hủ tiếu Mỹ Tho có từ thời Mỹ Tho Đại Phố vào thế kỷ XVII. Món ăn tiêu biểu cho ẩm thực ba miền này hấp dẫn đến nỗi ai đi ngang qua đều phải ghé thưởng thức một lần cho biết.

Những sợi hủ tiếu tuy bé nhỏ mỏng mang ấy lại mới chính là bí quyết thu hút của món đặc sản này. Hủ tiếu Mỹ Tho có sợi nhỏ, dai, không mặn, không bị chua nên khi đem xào hay làm món nước đều hấp dẫn. Từ những hạt gạo Gò Cát phải qua quá trình ngâm, phơi công phu mới có được những sợi hủ tiếu dai ngon đến mọi người.

Hủ tiếu Mỹ Tho ngon nhờ nước lèo trong veo cùng các thứ ăn kèm: tôm, mực, thịt, giá…. Ngoài món nước, hủ tiếu Mỹ Tho cũng có thể ăn ở dạng khô.

Tiếng thơm hủ tiếu Mỹ Tho ngày nay dường như ai cũng biết đến, người Mỹ Tho cũng đang cố gắng từng ngày để danh tiếng món ngon này còn mãi với thời gian.

  1. Vú sữa Lò Rèn

Vũ sữa Lò Rèn Tiền Giang là đặc sản vú sữa nổi tiếng nhất cả nước - VietFlavour.Com

Vùng đất được sông Tiền bồi đắp nên cây ngon trái ngọt nhiều không sao kể hết. Như ở Vĩnh Kim có vú sữa Lò Rèn mà nhắc đến ai cũng phát thèm.

Có rất nhiều giai thoại về vú sữa Lò Rèn tuy nhiên không thể phủ nhận mối duyên nợ của chúng với vùng đất Vĩnh Kim. Bởi lẽ chỉ có ở Vĩnh Kim vú sữa mới cho trái ngọt và thơm nhất. Những trái vú sữa căng bóng, trắng xanh phơn phớt hồng. Từng dòng sữa mát như sữa mẹ làm bao người cứ xao xuyến khi thưởng thức.

Tùy sở thích mà người ta thưởng thức vú sữa theo nhiều cách khác nhau. Nhưng dù thưởng thức theo cách nào người ta vẫn cảm nhận được vị ngọt đặc trưng mà chỉ trái ngọt này mới có.

  1. Bún gỏi già

Bún gỏi già Tiền Giang - VietFlavour.Com

Tên gọi bún gỏi già đến nay vẫn là một tranh cãi. Tuy nhiên sức hấp dẫn của món này quả thật rất khó cưỡng.

Thành phần của bún gỏi già cũng tương tự như bún mắm, bún nước lèo nhưng đặc biệt ở chỗ nước lèo đậm đà tương xay, mắm và nước me chín. Bún gỏi già ăn kèm rau và mắm nêm có pha khóm. Tô bún gỏi già hòa trộn giữa các vị béo, chua, mặn, ngọt và mùi rau thơm phảng phất.

Bún gỏi là một món ăn điển hình cho ẩm thực miền tây với những nguyên liệu đậm chất miệt vườn. Tô bún tuy mộc mạc dân dã nhưng lại trở thành món ăn để nhớ để thương của du khách khi ghé thăm Tiền Giang.

  1. Ốc gạo Tân Phong

Ốc gạo xào sả ớt ngon nhức nách

Cù lao Tân Phong bốn bề sông nước lại được phù sa bồi đắp nên cá tôm luôn đầy ắp. Không thể đếm hết tất cả các món hải sản nhưng đến Tân Phong mà không ăn ốc gạo thì quả là thiếu sót lớn. Ngày xưa người ta thường đổi ốc lấy gạo nên có tên ốc gạo từ khi đó.

Ốc gạo to nhất vào khoảng tháng Năm âm lịch. Vào mùa ốc gạo ghe tàu tấp nập bên bờ Tân Phong tiếng cười nói rôm rã làm rộn ràng của một góc sông.

Ốc gạo sau khi làm sạch cát có thể chế biến thành nhiều món khác nhau. Từ đem xào tỏi ớt, trộn gỏi bưởi, cháy tỏi đến tiềm thuốc Bắc hay đơn giản là luộc chấm nước mắm. Dù chế biến theo cách nào thì ốc gạo Tân Phong cũng ngon, giòn, thơm lừng, hấp dẫn du khách.

  1. Bánh giá chợ Giồng

Tổng hợp tất cả đặc sản Tiền Giang: Bánh giá chợ Giống - VietFlavour.Com

Chợ Giồng hay chợ Vĩnh Kim có một món ăn ngon đến nỗi đi cả vào thơ ca.

“Anh ơi về tới Gò Công

Nhớ mua bánh giá chợ Giồng tặng em”

Có thể nói bánh giá chợ Giồng chưa ngon đến nỗi xếp vào hàng cao lương mỹ vị nhưng nếu cho đây là một món đậm đà tình quê thì không món nào sánh bằng.

Ngày xưa bánh giá thường có nhân tôm đất bạc, giá bọc bên ngoài là lớp da bánh vàng giòn bắt mắt. Bánh giá xưa gói trong lớp lá chuối khô vậy mà về đến nhà vẫn giòn rụm. Bánh giá ngày nay được thêm óc heo, gan heo… dù hương vị khác đi ít nhiều nhưng người ta vẫn rủ nhau về chợ Giồng để thòm thèm rồi mua ngay vài chiếc ăn cho đã bụng.

  1. Bánh bèo chợ Hàng Bông

Bánh bèo chén

Bánh bèo là món ăn mà nghe đến tên đã thấy đặc sệt mùi Nam Bộ. Ghé chỗ nào miền Tây cũng có thể ăn được món bánh bèo thân thương này. Còn khi ghé Mỹ Tho đừng quên dạo qua chợ Hàng Bông để thưởng thức món bánh danh tiếng này nhé.

Bánh bèo chợ hàng Bông có hai loại nhân mặn và nhân ngọt. Dĩ nhiên cách ăn của hai loại cũng khác hẳn nhau. Nếu như bánh bèo nhân ngọt có đậu xanh đánh phủ trên mặt là nước cốt dừa và mè rang. Thì bánh bèo mặn có phần đặc sắc hơn với bì, cà rốt, tôm khô, củ cải ăn kèm nước mắm chua ngọt.

Thưởng thức bánh bèo phải ăn từng chén ít ít mới ngon. Mà cũng không dùng đũa hay muỗng đâu, người Mỹ Tho đưa cho bạn thanh tre vót sẵn đậm chất miệt vườn luôn nhé.

  1. Chuối quết dừa

Chuối quết dừa - Đặc sản dân quê miền Tây

Nói về ẩm thực miền Tây người ta không khỏi khâm phục những người dân chất phác biết tận dụng tất cả mọi nguyên liệu để tạo thành món ăn độc đáo. Chuối quết dừa Tiền Giang là một trong những món ăn như vậy.

Đừng nghĩ nguyên liệu đơn giản thì món ăn thiếu đi sự tinh tế, khéo léo nhé. Chuối quết dừa phải được lựa chọn kỹ càng từng trái chuối xanh no tròn, căng vỏ. Dừa phải là loại dừa rám có lớp cơm dày và mọng nước. Những miếng chuối chín trộn đều với dừa sợi rồi quết nhuyễn trong cối. Đến khi mật chuối tứa ra bao lại thành khối kết dính là đã có thể thưởng thức được.

Chuối quết dừa có thể ăn trực tiếp hoặc cuốn cùng rau sống chấm nước mắm chua ngọt. Và dù thưởng thức bằng cách nào thì người ta cũng không thể quên được hương vị món ăn “lạ lùng” mà ngon hết cỡ này.

  1. Chả nướng chợ Gạo

Chả nướng

Chả nướng là món ăn độc đáo xuất hiện trong các dịp giỗ chạp hoặc lễ tết ở Chợ Gạo.

Nguyên liệu làm chả nướng chẳng khác chả trứng vịt hấp là bao. Thường là thịt nạc vai và trứng vịt. Dù mang tiếng là nướng nhưng chả được đặt trong nồi gang chứ không nướng trực tiếp. Để giữ nguyên vị người ta nướng trên than hồng khoảng nửa tiếng khi mặt chả khô và ánh vàng là được. Chả nướng có mùi thơm của trứng nướng, ngọt béo của thịt heo.

Chả nướng Chợ Gạo ăn kèm rau sống, bánh tráng và nước mắm pha chua ngọt. Cuốn chả nướng đầy màu sắc khiến người ta không thể nào cầm lòng được.

  1. Sam biển Gò Công

Sam biển Gò Công ngon nức tiếng Tiền Giang - VietFlavour.Com

Người dân xứ biển Gò Công vẫn tự hào vì nguồn hải sản dồi dào mà biển cả ban tặng. Trong đó sam biển được xem như hải sản quý mà ai đến Tiền Giang cũng muốn thưởng thức món ăn này.

Đặt chân đến xứ sở này bạn sẽ không khỏi hoa mắt vì sự sáng tạo trong ẩm thực. Chỉ mỗi loài sam thôi mà dân Gò Công có thể mang ra xào miến, súp sam, chân sam xào chua ngọt, trứng sam chiên giòn…. Loài sinh vật biển thích đi có đôi có cặp khi chế biến cũng đòi hỏi người đầu bếp phải thật khéo léo. Để giữ thịt sam tươi nguyên họ phải cắt tiết sam thành tia.

Sam biển Gò Công thường bắt cặp và trôi về phía biển Tân Thành, Vàm Láng vào mùa gió chướng. Nếu có dịp ghé Gò Công vào mùa này bạn đừng bỏ lỡ cơ hội thưởng thức nhé.

  1. Mắm tôm Gò Công

Tổng hợp đặc sản An Giang: Mắm ruốc Châu Đốc - Vietflavour

Người ta nói tôm bạc đất ở Gò Công nhiều vô số kể có lẽ vì thế mà người Gò Công đã bỏ công chế biến ra biết bao món ăn hấp dẫn từ nguyên liệu này.

Mắm tôm chà Gò Công được cho là món mắm cao cấp vì chỉ toàn thịt tôm. Những con tôm còn tươi rói nhảy tanh tách được tẩm ướp công phu rồi phơi nắng. Sau đó đem chà xát để thu được phần thịt tôm đỏ au và phải mất 3 – 4 kg tôm tươi mới được 1 kg mắm. Dân Gò Công nói hôm nào mà nắng ráo hảnh là vui lắm vì không phải nhấp nhổm thăm chừng. Phơi đủ nắng thau mắm dậy màu hồng hây hẩy như má thiếu nữ đường thì.

Mắm tôm chà ăn với thịt luộc, bún, bánh tráng vào rau là đúng bài nhất. Mắm tôm Gò Công có hương thơm nồng, hăng hăng mùi nắng gió và vị ngọt từ thịt tôm lan tỏa dần trong miệng thực khách.

  1. Mận Trung Lương

Tổng hợp tất cả 16 đặc sản Tiền Giang: Mận Trung Lương - VietFlavour.Com

Không biết mận hồng đào ở Trung Lương có từ khi nào nhưng hình ảnh thân thuộc này gắn bó bới biết bao thế hệ bao ngần ấy năm.

Chỉ mỗi tên gọi thôi đã gợi lên được màu sắc của mận khi chín. Cái màu hồng nhạt ưng ửng, trái to bè ngang, tuy ít nước mà ngọt đậm đà là loại hồng đào sọc. Còn loại hồng đào đá thì da hồng hơn, vỏ cứng hơn khi chín lắc nghe hạt lốc cốc bên trong.

Ăn mận Trung Lương đúng chất dân dã là phải dùng hai bàn tay ốp mận cho tách ra làm hai. Rồi mặc cho phần nước ngọt vấy ra cứ bỏ vào miệng thưởng thức cho thỏa lòng.

Ngày nay dù có nhiều giống mận được lai tạo nhưng cái hồn quê như mận hồng đào Trung Lương chưa chắc gì sánh bằng.

  1. Cá lóc nướng trui

Cá lóc nướng trui - Đặc sản miền Tây - Vietflavour

Cá lóc nướng trui là đặc sản có mặt ở hầu hết các tỉnh miền Tây. Về Tiền Giang cũng không ngoại lệ khi bạn được nhấm nháp thứ thịt cá ngon lành này vào bất cứ mùa nào.

Cá lóc thường được chọn khoảng 1kg trở lại. Rồi xiên một nhánh cây tươi cắm thẳng cá xuống đất. Cứ thế vùi vào rơm và phải đốt thật khéo sao cho song một đợt thì cá cũng vừa chín. Thịt cá trắng bày ra trên lá chuối xanh thật kích thích vị giác người đối diện.

Cá lóc ăn kèm mắm me hoặc mắm nêm rồi kẹp vào vài lá rau cùng bún là đảm bảo không ai có thể “phụ” món ăn miệt vườn này.

  1. Chè Sơn Qui

Chè là món ăn vặt rất đỗi phổ biến với mọi người dân Việt Nam

Phàm là dân Gò Công thì không ai là không biết đến cầu Sơn Qui. Cây cầu nằm nép mình bên dòng sông xanh ngát vì lục bình.

Nơi đây thân thuộc với nhiều thế hệ học trò với món chè bên phía chân cầu. Chè Sơn Qui là món ăn mà người ta vẫn gọi là thứ “của một đồng, công một nén”.

Chè Sơn Qui chế biến rất cầu kỳ, tinh tế từ khâu lựa chọn nguyên liệu đến lúc xếp lớp vào ly. Điểm thu hút của chè là những viên bột trong veo bọc lấy đậu phộng rang bên trong. Món chè thêm ngon miệng khi phảng phất mùi lá dứa, vị ngọt thanh của đường và bùi bùi của đậu.

Bây giờ hương vị chè có thể đã thay đổi ít nhiều vì yêu cầu thực khách. Tuy nhiên hình ảnh những quá chè nép mình dưới chân cầu Sơn Qui luôn là nỗi nhớ quay quắt của biết bao người trót mê món chè trứ danh này.

  1. Nhãn Nhị Quý

Nhãn là đặc sản của nhiều tỉnh thành khắp cả nước - VietFlavour.com

Đến Cai Lậy vào tháng 7 – 8 âm lịch lòng dạ ai cũng nao nao vì mùi nhãn chín ngọt như mật nơi đầu mũi.

Nhắc đến Cai Lậy và nhãn làm người ta liên tưởng đến ngay vùng Nhị Quý. Nơi đây có đến 4 giống nhãn rất được lòng mọi người: nhãn da bò, nhãn tiêu, nhãn xuồng cơm vàng và nhãn long.

Mỗi loại lại có một hương vị khác nhau để chiều lòng du khách. Nhãn Nhị Quý khi chín có quả to, hạt nhỏ, vỏ mỏng và thịt có màu vàng sẫm (trừ nhãn long). Mùi thơm cũng sự ngọt ngào vốn có làm ai cũng mê đắm.

Nhãn cũng là thứ dễ bảo quản nên bạn có thể mua vài chùm về làm quà. Bên cạnh đó mật ong hoa nhãn cũng là thứ quà không thể bỏ qua khi ghé vùng đất này.

  1. Mắm còng Gò Công

Tổng hợp 12 đặc sản Long An: Mắm còng Cần Giuộc - VietFlavour.com

Ở xứ rẫy Gò Công thì không ai là không biết đến còng. Thứ sinh vật tựa cua nhưng bé hơn bội phần, chân trong lêu hêu mà không bao giờ ngã.

Hồi trước còng ở Gò Công nhiều vô số kể. Bà con thường bắt về kho mặn hay rim ăn cơm. Gặp bữa đầy xô thì bắt đầu nghĩ đến việc giữ ăn lâu hơn là làm mắm. Mắm còng thường có hai loại là nguyên con và còng quết. Mắm còng quết muốn ngon khi ăn phải pha chế thêm mới ra được hương vị hấp dẫn nhất.

Nếu ai đã từng thưởng thức mắm còng thì cũng không lạ gì khi nghe nói món này từng được tiến vua nhờ công bà Từ Dụ. Mắm còng ngon không chỉ nhờ nguyên liệu mà còn vì cái chân chất, sự hết lòng vì món ăn của người dân quê Gò Công đã bỏ ra trong từng hũ mắm.

  1. Cháo cá lóc rau đắng

Cháo cá lóc rau đắng là món ăn dân dã rất đỗi thân thương của người miền Tây Nam Bộ - VietFlavour.Com

Cá lóc ở Miền Tây có ở khắp nơi mà mùa nào cũng có. Ngoài chế biến món ăn cơm thì món cháo cá lóc rau đắng cũng là thứ không thể bỏ qua khi ghé Tiền Giang.

Cháo cá lóc thường ăn kèm rau đắng mà phải là đắng đất. Thứ rau dân dã này chỉ ra quanh vườn dạo vài bước là có thể hái được. Gạo nấu cháo được rang lên, nước nấu thì có thêm tôm khô, nấm và thịt heo cho phong phú và ngọt nước.

Cá lóc vừa chín thì vớt ra, điểm xuyến đầu hành và rau thơm. Trước mặt là tô cháo nghi ngút khói cùng dĩa cá nằm im mời gọi thì đố thực khách nào có đủ cương quyết mà từ chối món ăn này.

Hình ảnh: Internet

Nếu bạn biết thêm các món đặc sản của Tiền Giang nào chưa được liệt kê trong bài viết. Xin vui lòng chia sẻ cho mọi người được biết thêm tại phần bình luận bên dưới nhé!

Từ khóa » Gò Công Tây Có đặc Sản Gì