[TỔNG HỢP] Thang điểm Hôn Mê Glasgow - Những điều Cần Biết

Trungtamthuoc.com - Thang điểm Glasgow là công cụ rất hữu ích trong việc đánh giá mức độ suy giảm ý thức trong các bệnh nội nhãn và chấn thương cấp tính. Vậy thang điểm Glasgow là gì? Giá trị của nó trong lâm sàng như thế nào? Hãy cùng Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy tìm hiểu thông tin chi tiết trong bài viết này nhé.

1 Thang điểm Glasgow là gì?

Thang điểm Hôn mê Glasgow (GCS) xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1974 tại Đại học Glasgow bởi các giáo sư phẫu thuật khoa thần kinh Graham Teasdale và Bryan Jennett. Glasgow là gì? Thang điểm này được sử dụng để mô tả khách quan mức độ suy giảm ý thức ở tất cả các loại bệnh nội khoa và chấn thương cấp tính. Thang điểm đánh giá bệnh nhân theo ba khía cạnh bao gồm: phản ứng mở mắt, phản ứng bằng lời nói và phản ứng vận động. Các báo cáo chi tiết về từng khía cạnh cung cấp bức tranh rõ ràng nhất, truyền tải được trạng thái ý thức của bệnh nhân mà bất kỳ nhân viên y tế nào cũng cần nắm rõ. Các phát hiện trong mỗi thành phần của thang điểm có thể tổng hợp thành Tổng Điểm Hôn mê Glasgow, mô tả ít chi tiết hơn nhưng có vai trò tóm tắt lại tổng thể của bệnh nhân.

Thang điểm hôn mê Glasgow - công cụ đánh giá mức độ suy giảm ý thức của bệnh nhân

Việc sử dụng Thang điểm GCS đã trở nên phổ biến vào những năm 1980 khi số đầu tiên của Advanced Trauma and Life Support (Chấn thương nâng cao và Hỗ trợ cuộc sống) khuyến nghị sử dụng nó cho tất cả các bệnh nhân chấn thương. Ngoài ra, Liên đoàn các hiệp hội phẫu thuật thần kinh thế giới đã sử dụng thang điểm Glasgow nhằm mục đích phân loại bệnh nhân bị xuất huyết dưới nhện vào năm 1988. Kể từ đó, thang điểm hôn mê Glasgow và tổng điểm của nó đã được kết hợp trong nhiều hướng dẫn lâm sàng và hệ thống tính điểm cho các nạn nhân chấn thương hoặc bệnh hiểm nghèo. Những bệnh nhân này bao gồm bệnh nhân ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ em chưa biết nói. Thang điểm hôn mê Glasgow là một thành phần bắt buộc của Yếu tố dữ liệu chung NIH cho các nghiên cứu về chấn thương đầu và được sử dụng ở hơn 75 quốc gia[1].

2 Thang điểm Glasgow được tính như thế nào?

Cách tính thang điểm Glasgow như nào? Thang điểm hôn mê Glasgow chia thành ba thông số với điểm cao nhất cho phản ứng mắt tốt nhất (E), phản ứng bằng lời nói tốt nhất (V) và phản ứng vận động tốt nhất (M). Các mức độ phản ứng trong các thành phần của Thang điểm hôn mê Glasgow được cho điểm từ 1 (không có phản ứng) cho đến giá trị bình thường là 4 (Phản ứng mở mắt), 5 (Phản ứng bằng lời nói) và 6 (Phản ứng vận động). Thang điểm Glasgow ở người lớn được trình bày chi tiết trong Bảng 1.

Bảng 1. Thang điểm hôn mê Glasgow chi tiết
Phản ứng mở mắtĐiểm sốPhản ứng bằng lời nóiĐiểm sốPhản ứng vận độngĐiểm số
Không mở mắt1Không nói được1Không có phản ứng1
Mở mắt vì bị đau2Phát ra âm thanh vô nghĩa2Duỗi đến khi đau2
Mở mắt khi được gọi3Phát ra từ không liên quan3Đau bất thường khi gấp3
Mở mắt một cách tự nhiên4Lời nói bình thường, không định hướng4Cảm nhận nhưng không xác định được vị trí đau4
Lời nói bình thường, có định hướng5Cảm nhận, xác định được vị trí đau5
Thực hiện đúng mệnh lệnh6

Như vậy, tổng điểm có giá trị thấp nhất là 3, cao nhất là 15. Kết quả có thể được biểu diễn bằng tổng điểm hoặc điểm các phần riêng lẻ. Ví dụ: điểm 10 có thể được biểu thị là GCS10 = E3V4M3.

Đối với thử nghiệm phản ứng mở mắt, việc mở mắt tự nhiên cho thấy hoạt động của hệ thống kích hoạt lưới lọc não bộ. Phát hiện này không nhất thiết có nghĩa là bệnh nhân nhận thức được xung quanh hoặc những gì đang xảy ra, nhưng nó chứng tỏ rằng bệnh nhân đang ở trong trạng thái kích thích. Một bệnh nhân mở mắt để đáp ứng với giọng nói của nhân viên y tế có thể là phản ứng với kích thích của âm thanh, không nhất thiết phải theo lệnh mở mắt. Nếu không chắc chắn, người khám có thể sử dụng các đồ vật tạo ra âm thanh khác nhau (ví dụ: chuông, còi) để gợi ra phản ứng thích hợp.

Thử nghiệm thứ hai liên quan đến phản ứng vận động; bệnh nhân được cho điểm 6 nếu thực hiện hành động theo mệnh lệnh. Các lệnh đưa ra cho bệnh nhân phải đơn giản, chẳng hạn như “Di chuyển cánh tay của bạn”. Không nên yêu cầu người bệnh siết chặt tay người khám, người khám bệnh cũng không nên đặt vật gì đó vào tay người bệnh rồi yêu cầu người bệnh nắm lấy. Hành động này có thể gây ra phản xạ nắm bắt chứ không phải phản ứng đối với lệnh. Nếu bệnh nhân không có hành động gì đáp lại mệnh lệnh thì người khám nên kích thích bằng cách gây đau. Kích thích không được áp dụng lên mặt, vì kích thích gây đau ở vùng mặt có thể làm cho mắt nhắm chặt lại như một phản ứng bảo vệ. Các cách kích thích gây đau được trình bày ở Hình 1. Nếu bệnh nhân cử động một chi hoặc cố gắng gỡ bàn tay của người gây đau, có nghĩa là xác định được vị trí đau, cho điểm 5; nếu bệnh nhân rút khỏi kích thích đau nhanh chóng thì cho điểm 4. Điểm 3 và điểm 2 tương ứng với trạng thái đau khi gấp hoặc duỗi, được mô tả trong Hình 2.

Hình 1. Các cách kích thích gây đau ​
Hình 2. Trạng thái đau khi gấp (ảnh trên) và đau khi duỗi (ảnh dưới)

Thử nghiệm thứ 3 là phản ứng bằng lời nói với những câu hỏi đơn giản như “bạn đang ở đâu?” được đưa ra. Bệnh nhân nhận định được, trả lời bình thường cho điểm 5; bệnh nhân nói bình thường nhưng không định hướng được, còn lúng túng cho điểm 4. Bệnh nhân có biểu hiện nói không phù hợp, không thể duy trì cuộc trò chuyện với người khám cho điểm 3; chỉ có giọng rên rỉ hoặc tạo ra những âm thanh khó hiểu sẽ cho điểm 2. Và đương nhiên, không nói được sẽ cho điểm 1[2].

3 Ứng dụng Thang điểm Hôn mê Glasgow trong Nhi khoa

Thang điểm Hôn mê Glasgow có thể được sử dụng cho trẻ em trên 5 tuổi mà không cần sửa đổi. Tuy nhiên, đối với trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 5 tuổi không có khả năng cung cấp các phản ứng bằng lời nói cần thiết để đánh giá định hướng của chúng hoặc tuân theo các mệnh lệnh để đánh giá phản ứng vận động của chúng. Kể từ khi Thang điểm Glasgow trẻ em ban đầu được mô tả ở Adelaide, đã có một số sửa đổi khác nhau, mặc dù chưa có sửa đổi nào được chấp nhận để sử dụng rộng rãi. Bản sửa đổi dưới đây lấy từ Mạng lưới Nghiên cứu Ứng dụng Chăm sóc Cấp cứu Nhi khoa.

Bảng 2. Thang điểm Glasgow trong Nhi khoa
Trẻ em dưới 2 tuổiTrẻ em trên 2 tuổiĐiểm sốTrẻ em dưới 2 tuổiTrẻ em trên 2 tuổiĐiểm số
Phản ứng mở mắt Khó chịu, khóc vì đauLúng túng, không định hướng được 4
Không mở mắt Không mở mắt1Phát ra âm thanh đáp lại người nói chuyện đối diện (hóng chuyện)Lời nói bình thường, có định hướng5
Mở mắt vì bị đauMở mắt vì bị đau2Phản ứng vận động
Mở mắt khi được gọiMở mắt khi được gọi3Không có phản ứngKhông có phản ứng1
Mở mắt tự nhiênMở mắt tự nhiên4Duỗi bất thường đến đauDuỗi bất thường đến đau2
Phản ứng bằng lời nói Bụng gập bất thường khi bị đauBụng gập bất thường khi bị đau3
Không phản ứng gìKhông phản ứng gì1Né tránh kích thích đauNé tránh kích thích đau4
Tiếng rên rỉ đáp lại kích thích đauPhát ra âm thanh vô nghĩa2Né tránh khi chạm vàoXác định được vị trí đau5
Tiếng kêu đáp lại kích thích đauPhát ra từ đơn vô nghĩa 3Di chuyển tự nhiên, có mục đíchThực hiện theo lệnh6

Như vậy, đối với trẻ sơ sinh và trẻ dưới 5 tuổi có 2 cách tính cho thang điểm Glasgow. Tổng điểm vẫn thấp nhất là 3, cao nhất là 15, chỉ khác ở nội dung các đáp ứng.

4 Giá trị của thang điểm Glasgow trong lâm sàng

4.1 Giá trị trong tiên lượng

Kết quả thu được của thang điểm Glasgow được dùng để đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh. Ví dụ, đánh giá thang điểm Glasgow trong chấn thương sọ não dựa trên tổng điểm: 13-15 điểm: mức độ nhẹ; 9-12 điểm: mức độ trung bình; từ 8 điểm trở xuống: mức độ nghiêm trọng[3]. Những thay đổi trong phản ứng vận động là yếu tố chủ yếu ở những bệnh nhân bị suy giảm nghiêm trọng hơn, trong khi ánh mắt và lời nói hữu ích hơn ở mức độ bệnh ít nghiêm trọng hơn. Do đó, ở từng bệnh nhân, các phát hiện lâm sàng trong ba thành phần phải được báo cáo riêng biệt. Tổng điểm thông báo một chỉ số tổng thể tóm tắt hữu ích nhưng sẽ bị bỏ sót thông tin quan trọng.

Tuy nhiên, mặc dù đây là một trong những yếu tố để đưa ra tiên lượng lâm sàng mạnh mẽ nhất, không nên sử dụng kết quả của thang điểm Glasgow hoặc bất kỳ điểm riêng lẻ nào để dự đoán kết quả của từng bệnh nhân. Bời vì điểm số có thể bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố, bao gồm chẩn đoán và nguyên nhân chấn thương, chấn thương ngoài sọ (nếu có) hay các yếu tố liên quan đến bệnh nhân như tuổi tác và các chỉ số lâm sàng khác (như rối loạn chức năng đồng tử và kết quả hình ảnh).

4.2 Giá trị trong điều trị, xử trí

Đánh giá khả năng đáp ứng bằng Thang điểm Hôn mê Glasgow được sử dụng rộng rãi để hướng dẫn xử trí sớm bệnh nhân bị chấn thương đầu hoặc các loại chấn thương não cấp tính khác. Đối với bệnh nhân suy giảm nặng, các xử trí bao gồm xử trí cấp cứu như cố định đường thở và cắt lọc để xác định việc chuyển tuyến cho bệnh nhân. Đối với những bệnh nhân ít bị suy giảm có thể được xử trí nhẹ nhàng hơn, bao gồm định hình thần kinh, nhập viện để theo dõi hoặc xuất viện.

Kết quả của thang điểm Glasgow có thể được dùng để xử trí cấp cứu cho bệnh nhân

Đánh giá theo thang điểm hôn mê Glasgow cũng rất quan trọng trong việc theo dõi diễn biến lâm sàng của bệnh nhân và hướng dẫn các thay đổi trong xử trí. Tổng điểm dưới 5 có liên quan đến 80% khả năng ở trạng thái thực vật kéo dài hoặc tử vong; tổng điểm lớn hơn 11 có liên quan đến 90% cơ hội phục hồi[4].

Ở cả bệnh nhi, Thang điểm hôn mê Glasgow là một dấu hiệu chính xác cho chấn thương sọ não quan trọng về mặt lâm sàng (tức là chấn thương cần can thiệp phẫu thuật thần kinh, đặt nội khí quản trong hơn 24 giờ, nhập viện hơn hai đêm hoặc gây tử vong).

Thang điểm Hôn mê Glasgow đã được đưa vào nhiều hướng dẫn và điểm đánh giá, bao gồm các hướng dẫn về chấn thương, Tổ chức Chấn thương Não, hệ thống chấm điểm chăm sóc đặc biệt (APACHE II, SOFA) và Hỗ trợ Đời sống Tim mạch Nâng cao.

5 Thang điểm Glasgow có sự sai lệch là do đâu?

Đôi khi, kết quả của thang điểm Glasgow có thể không hoàn toàn chính xác, dẫn đến việc đánh giá tình trạng của bệnh nhân không được toàn diện và khách quan. Đó là các trường hợp không áp dụng thang điểm Glasgow. Các nguyên nhân có thể dẫn đến sự sai lệch này bao gồm[5]:

5.1 Các yếu tố sẵn có

Các yếu tố này ảnh hưởng trực tiếp đến việc bệnh nhân phản ứng như thế nào với mệnh lệnh/lời nói của người khám, bao gồm:

  • Rào cản ngôn ngữ.
  • Thiểu năng trí tuệ hoặc thần kinh.
  • Mất thính giác hoặc mất khả năng nói.

5.2 Ảnh hưởng của điều trị hiện tại

  • Cơ thể (ví dụ: đặt nội khí quản): Nếu một bệnh nhân được đặt nội khí quản và không thể nói được, họ chỉ được đánh giá dựa trên phản ứng vận động và mở mắt và hậu tố T được thêm vào điểm của họ để biểu thị đặt nội khí quản.
  • Dược lý (ví dụ, an thần) hoặc liệt: Nếu có thể, bác sĩ lâm sàng nên lấy số điểm trước khi gây mê cho bệnh nhân.

5.3 Ảnh hưởng của chấn thương hoặc tổn thương khác

Các tổn thương ảnh hưởng đến hoạt động chức năng của mắt hay thần kinh cũng khiến việc đánh giá thang điểm Glasgow không chính xác, bao gồm:

  • Gãy xương quỹ đạo (xương hốc mắt) hoặc nứt sọ.
  • Tổn thương tủy sống.
  • Bệnh não thiếu máu cục bộ thiếu oxy sau khi tiếp xúc với lạnh.

Có những trường hợp không thể đạt được Thang điểm Hôn mê Glasgow mặc dù đã nỗ lực khắc phục các vấn đề được liệt kê ở trên. Khi không đủ các điểm thành phần sẽ không tính điểm Glasgow vì kết quả không chính xác với tình trạng bệnh nhân sẽ dẫn đến xử trí sai, có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Tài liệu tham khảo

  1. ^ Tác giả Shobhit Jain, Lindsay M. Iverson (Ngày đăng 20 tháng 6 năm 2021). Glasgow Coma Scale, NCBI. Truy cập ngày 18 tháng 7 năm 2022
  2. ^ Tác giả David J. Magee (Xuất bản ngày 4 tháng 12 năm 2013). Head and Face, trang 84 đến 147, Orthopedic Physical Assessment. Truy cập ngày 18 tháng 7 năm 2022
  3. ^ Tác giả David W.Wright, Jeffrey J.Bazarian (Xuất bản năm 2018). Chapter 9 - Emergency department evaluation of the concussed athlete, Handbook of Clinical Neurology. Truy cập ngày 18 tháng 7 năm 2022
  4. ^ Tác giả David J. Magee (Xuất bản ngày 4 tháng 12 năm 2013). Head and Face, trang 84 đến 147, Orthopedic Physical Assessment. Truy cập ngày 18 tháng 7 năm 2022
  5. ^ Tác giả Shobhit Jain, Lindsay M. Iverson (Ngày đăng 20 tháng 6 năm 2021). Glasgow Coma Scale, NCBI. Truy cập ngày 18 tháng 7 năm 2022
Nếu phát hiện thông tin nào chưa chính xác, vui lòng báo cáo cho chúng tôi tại đây

Từ khóa » Trình Bày Cách đánh Giá Thang điểm Glasgow