Tổng Hợp Thông Tin - Cách Trồng Chăm Sóc Cây Sanh | Canh Điền

Cây sanh là cây cảnh thuộc nhóm thân gỗ, riêng cây sanh lá móng đặc biệt rất hiếm thấy trong tự nhiên. Chỉ có một số nhà vườn chơi cây cảnh là có đủ bộ sưu tập các loại sanh cảnh bonsai này, cũng vì thế mà giá bán của cây này cũng lên đến hàng trăm triệu đồng.

Mục lục ẩn I. Tổng quan về cây II. Đặc điểm về cây III. Công dụng và ý nghĩa của cây 1. Ý nghĩa 2. Tác dụng III. Cách trồng và chăm sóc cây Sanh 1. Cách trồng cây 2. Chăm sóc cây

I. Tổng quan về cây

Tên thường gọi:Cây Sanh
Tên gọi khác:Cây Gừa Tàu
Tên khoa học:Ficus benjamina L
Họ thực vật:Moraceae (họ Dâu tằm)
Nguồn gốc xuất xứ:Cây Sanh thường được tìm thấy ở các nước châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á
Nơi sống:Cây thường sống ở những nơi ẩm ướt như: Bờ sông, suối, cạnh khe nước..
Tuổi thọ:Cây sống rất lâu năm có thể lên đến trăm năm tuổi
Phân bố:Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Việt Nam…
Các loại cây:Có 3 loại cây chính: Cây sanh lá móng (sanh công chúa): Là loại cây quý, hiếm thấy, cành dẻo dai nhất trong 2 loại cây còn lại Cây sanh Nam Điền: Lá tù hơn, lá cong ít Cây sanh quê (sanh ta): Lá to, cành giòn
Tìm hiểu về cây Sanh
Cây sanh là cây cảnh thuộc nhóm thân gỗ

Dưới đây là mô tả về đặc điểm, tác dụng, cách trồng chăm sóc cây sanh lá móng (sanh công chúa).

II. Đặc điểm về cây

  • Hình dáng bên ngoài: Cây sanh lá móng là cây thân gỗ, vỏ màu xám trắng sần sùi đối với cây non, cây cổ thụ nhiều gân guốc vỏ màu đỏ đồng.
  • Kích thước: Cây sanh lá móng ngoài tự nhiên có thể cao tới 20 – 30m, đối với cây sanh bonsai hãm chiều cao khoảng 2 – 4m.
  • Cành: Cây sanh lá móng phân chia cành nhánh nhiều, cành mọc ngang, mềm dẻo, dai nhất trong các loại cây sanh nên dễ uốn nắn, có thể bẻ cong mà không gãy. Trên thân cây có gân guốc gồ ghề, cành chính, nhánh thường có các u bướu nổi to, sần sùi do cây có sức sinh trưởng mạnh.
  • Lá: Lá cây sanh có hình trái xoan thuôn dài, chóp nhọn, hai mặt lá đều nhẵn bóng và nhìn rõ được các đường gân lá. Riêng sanh lá móng có đặc điểm đặc biệt hơn các loại sanh khác là: Lá luôn cong như mũi hài thời vua chúa nếu như lật úp lá xuống. Hai mép lá thường uốn cong gần như chạm vào nhau, lá non màu trắng vàng rất mỏng có thể nhìn xuyên thấu từ trước ra sau, lá già màu xanh đậm, dày, chóp lá nhọn và cong như móng vuốt. Dăm lá rất dày nên tạo tán xum xuê, lá sanh thường nhỏ hơn lá cây si.
  • Rễ: Cây Sanh nói chung có rất nhiều rễ phụ mọc ra từ thân và các cành lớn buông xuống đất để lấy dinh dưỡng và nước giúp nuôi cây. Rễ này thường sinh trưởng mạnh trong mùa mưa, nhờ đặc điểm này mà các nhà chơi cây cảnh tận dụng để uốn nắn bộ rễ để tạo cây bonsai có hình dáng vô cùng đẹp mắt.
  • Hoa: Rất hiếm khi thấy cây sanh cổ thụ nở hoa.
  • Quả: Quả Sanh ra theo cặp hoặc cặp lẻ ở kẽ lá của các cành non và cành già. Quả có hình cầu, khi còn non quả màu xanh khi già chín chuyển màu vàng cam và có lớp lông tơ màu trắng mịn bao phủ.

III. Công dụng và ý nghĩa của cây

1. Ý nghĩa

Theo quan niệm của người Việt, bất cứ cây cảnh nào cũng đều có ý nghĩa riêng biệt của nó, cây sinh trưởng càng nhanh thì chồi lộc càng nhiều. Cành lá xum xuê bao nhiêu thì sẽ phát tài, phát lộc bấy nhiêu. Do đó trồng cây sanh trong nhà sẽ giữ nhà cửa luôn yên ấm, mát mẻ, tràn đầy hòa khí, mang lại thêm tiền tài cho gia chủ.

2. Tác dụng

Cây sanh được trồng trong chậu chủ yếu để làm cảnh, cây sanh bonsai thường được đặt ở những nơi như: Sân biệt thự, lối ra vào nhà ở, sảnh công ty hoặc cây sanh bonsai mini cũng được đặt trong phòng khách. Vừa tạo không gian xanh trong nhà lại vừa có tác dụng hút bụi bặm trong nhà.

Ngoài ra, cây sanh còn được trồng ngoài tự nhiên để tạo bóng mát, cây có thể trồng ở công viên, ven đường phố, khu đô thị, khu chung cư, sân vườn…để tạo bóng mát trong những ngày nắng nóng.

Công dụng của cây Sanh
Cây được trồng để làm cảnh, tạo bóng mát

III. Cách trồng và chăm sóc cây Sanh

1. Cách trồng cây

  • Cách nhân giống và chọn giống

Cây sanh được nhân giống bằng phương pháp hữu tính (gieo hạt) và phương pháp vô tính (giâm cành, chiết cành nhưng ít dùng).

Chọn giống cây sanh có thân mập, không bị trầy xước, bộ rễ chùm khỏe mạnh, lá xanh bóng, không bị nấm hoặc ghẻ hại cây. Sau đây là hướng dẫn cách trồng, chăm sóc cây sanh con từ phương pháp gieo hạt trong khay đá hoặc khay bê tông.

  • Đất trồng và cách trồng

Cây sanh không kén chọn đất, trồng được ở cả những nơi đất cát và đá sỏi nghèo dinh dưỡng. Nếu trồng cây bonsai nên chọn đất thịt đỏ hoặc đất đen nhiều mùn hoặc pha chút cát đều được.

Cho đất vào khay hình chữ nhật hoặc khay tròn tùy ý khoảng ⅓ khay, rắc phân chuồng hoặc phân vi sinh đều được sau đó phủ một lớp đất lên mặt khay. Rồi cuốc hố nhỏ phù hợp với kích thước bầu cây, đặt cây sanh giống và vùi đất chặt, để giữ cây không bị đổ ngã nên cắm cọc tre cố định cây lại.

2. Chăm sóc cây

Sau khi trồng cây sanh cần tưới luôn để giữ ẩm được lâu, cây sanh là cây ưa nước nên những ngày sau đó phải tưới liên tục. Nếu ngày thời tiết ẩm, độ ẩm không khí cao nên dừng tưới.

Khi cây sanh non ra lớp chồi mầm đầu tiên, dùng các loại phân bón lá hoặc phân vi lượng pha với nước sạch tưới vào gốc phun lên lá, giúp cây đủ dinh dưỡng nuôi mầm.

Khi cây ra cần bón thêm các loại phân NPK bón rễ để bộ rễ khỏe, khi cây trưởng thành có thể dùng đạm thực vật như: bột đậu tương nghiền nhỏ rắc xuống đất cho rễ cây hút dần. Khi tán lá rộng, rễ cây mọc nhiều là lúc các nghệ nhân bắt đầu tạo kiểu, uốn nắn thành cây bonsai.

Trong quá trình tạo nghệ thuật bonsai, phải tiến hành làm rất nhiều kỹ thuật có thể kể ra một số kỹ thuật như sau: Kỹ thuật tạo rễ sanh ôm lấy đá, kỹ thuật tạo cho cây già đi so với tuổi của cây làm cho cây nhiều gân guốc xù xì. Các việc này tiến hành rất phức tạp và người chơi cây ít khi tiết lộ.

Cần thường xuyên cắt bỏ các dăm lá nhỏ không đủ ánh sáng, nhặt bỏ những lá già vàng úa tránh để thối trên tán cây và bấm ngọn bằng không để chồi mọc lởm chởm. Cây càng già nhu cầu tưới nước càng nhiều nhưng chỉ tưới dạng phun sương.

Cây sanh rất ít khi bị sâu bệnh xâm nhập bởi những người yêu cây cảnh thường chăm sóc rất tốt cho cây “cưng” của mình.

Cây sanh lá móng là cây dễ trồng nhưng để chăm sóc cây được tốt và tạo kiểu cho cây bonsai thì không hề dễ dàng,hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại cây sanh, nếu bạn yêu cây hãy tham khảo kỹ bài viết và lựa chọn đúng loại sanh lá móng nhé.

5/5 - (3 bình chọn)

Từ khóa » Cây Xanh Rễ Gì