Tổng Hợp Thông Tin Chi Tiết Về Cây Bạch Thiên Hương | Canh Điền

Nghe tên gọi Bạch Thiên Hương tưởng như lạ mà lại hóa quen thuộc và gần gũi. Nếu ai đã biết đến cây dành dành thì sẽ hiểu được tường tận về nó. Cây không chỉ cho hoa đẹp để ngắm mà các bộ phận của cây còn có công dụng chữa bệnh rất hiệu quả. Bài viết sau đây sẽ cung cấp cho bạn những thông tin bổ ích về cây nhé.

Mục lục ẩn I. Giới thiệu về cây Bạch thiên hương II. Đặc điểm của cây Bạch thiên hương III. Ý nghĩa và tác dụng của cây Bạch thiên hương 1. Ý nghĩa 2. Tác dụng IV. Cách trồng và chăm sóc cây Bạch thiên hương 1. Cách trồng cây 2. Cách chăm sóc Một số câu hỏi thường gặp về cây Bạch Thiên Hương

I. Giới thiệu về cây Bạch thiên hương

  • Tên thường gọi: Cây bạch thiên hương
  • Tên gọi khác: Cây lý thiên hương, cây dành dành, cây lài lá lớn
  • Tên khoa học: Gardenia Jasminoides Ellis
  • Họ thực vật: Thuộc họ Cà phê – Rubiaceae
  • Nơi sống: Cây thường mọc hoang ở những nơi gần nước như: Bờ ao, bờ ruộng, bờ suối…
  • Nguồn gốc xuất xứ: Cây có nguồn gốc từ Châu Á
  • Phân bố: Cây được trồng rộng rãi ở nhiều nước như Triều Tiên, Hàn Quốc, Nhật Bản hay Trung Quốc. Ở Việt Nam cây được trồng phổ biến ở miền Bắc để làm cây cảnh, làm thuốc.
  • Tuổi thọ: Sống lâu năm
  • Màu sắc của hoa: Màu trắng khi nở rộ và chuyển màu vàng nhạt khi sắp tàn.
  • Thời gian nở hoa: Cây ra hoa vào khoảng tháng 3 – 5 hàng năm
Cây Bạch Thiên Hương
Bạch Thiên Hương có hoa màu trắng khi nở rộ và chuyển màu vàng nhạt khi sắp tàn.

II. Đặc điểm của cây Bạch thiên hương

  • Hình dáng bên ngoài: Cây bạch thiên hương là cây thân gỗ nhỏ thường mọc đơn, vỏ cây màu xám trắng, cành lá tươi tốt xum xuê.
  • Kích thước: Cây trưởng thành có chiều cao khoảng 2 – 4m.
  • Lá: Lá cây bạch thiên hương thường mọc đối, đôi khi mọc vòng với đặc trưng là 3 lá xung quanh cành. Lá có hình trái xoan xanh đậm nhưng to bản, lá dày, mặt trên lá nhẵn bóng, có thể thấy các đường gân lá rất rõ ràng, cuống lá ngắn. Cây thường xanh quanh năm và chỉ rụng những lá đã già úa.
  • Hoa: Hoa bạch thiên hương là loại hoa to thường nở đơn độc ở đầu cành, hoa có màu trắng ngà khi nở rộ và chuyển màu vàng nhạt khi sắp tàn. Hoa có hai loại là hoa đơn và kép, loại kép có nhiều cánh gần giống hoa hồng trông rất đẹp mắt. Hoa đơn chỉ có khoảng 5 – 8 cánh xòe ra như hoa cam hoặc hoa chanh với nhụy hoa màu vàng ở tâm. Hoa thường nở rải rác từ mùa xuân đến mùa hè trong năm.
  • Quả: Quả cây bạch thiên hương khi nhỏ màu xanh lục, khi to chín có hình trứng màu vàng đỏ có các cạnh lồi trên vỏ. Bên trong quả thường chứa rất nhiều hạt nhỏ. Các hạt này có công dụng rất tốt mà trong đông y còn gọi là Chi tử.

III. Ý nghĩa và tác dụng của cây Bạch thiên hương

1. Ý nghĩa

Màu trắng tinh khôi của hoa bạch thiên hương luôn tượng trưng cho sự trong trắng, nguyên vẹn, thuần khiết của tâm hồn con người về tình bạn, tình yêu. Có lẽ đây là lý do vì sao loài hoa này thường được sử dụng để làm hoa cưới. Và mong muốn rằng tình yêu sẽ luôn nảy nảy nở một cách thuần khiết nhất, cuộc sống luôn vui tươi, hạnh phúc sẽ trọn vẹn và luôn tràn ngập tiếng cười.

2. Tác dụng

  • Tác dụng trong trang trí, làm cảnh

Bạch thiên hương là cây không chỉ đẹp ở màu sắc và cấu tạo của hoa mà còn đẹp đến cả hình dáng của cây và lá. Dáng cây nhỏ nhắn, thanh mảnh không khoe sắc rực rỡ nhưng vẫn toát lên vẻ đẹp thanh thoát, kín đáo và trang nghiêm.

Cây có thể trồng ở mọi nơi từ nhà ở, trường học, bệnh viện thậm chí những nơi trang nghiêm như: Đình chùa, miếu mạo, đền thờ phật hoặc các vị thần. Để thể hiện lòng thành kính, tôn kính đối với những người đã khuất.

Đối với nhà ở có không gian chật hẹp, có thể trồng cây bạch thiên hương trong chậu trang trí ở ban công, hành lang hoặc hiên nhà. Hương thơm của hoa nồng nàn lan tỏa khắp nơi cũng giúp làm vơi đi sự mệt nhọc, căng thẳng. Sắc xanh của lá cũng làm cho ngôi nhà dịu mát, không khí trong lành, cải thiện sức khỏe cho các thành viên trong gia đình, trong đó có trẻ em và người cao tuổi.

  • Tác dụng chữa bệnh

Cây bạch thiên hương cũng là vị thuốc bắc khá hay và mỗi bộ phận đều có công dụng riêng:

Lá bạch thiên hương có chứa các hợp chất có tác dụng trị nấm da, thường dùng lá tươi để đun đặc lấy nước tắm.

Quả bạch thiên hương có vị đắng, tính hàn nên có tác dụng thanh nhiệt, tả hỏa, tiêu viêm, lợi tiểu, cầm máu… Thường dùng trong các trường hợp: Chảy máu cam, đại tiện ra máu, chữa mụn nhọt, tiểu tiện ít…

Hạt bạch thiên hương có tên gọi đông y là (Chi tử) là vị thuốc có tác dụng chữa sốt cao kèm theo mất nước, mê sảng. Thường dùng phối hợp với hạt muồng (Thảo quyết minh), lá tre hoặc lá vầu để sắc nước uống hoặc đun nước tắm xông hơi để giải cảm.

  • Tác dụng khác

Hoa bạch thiên hương thường dùng để kết thành những bó hoa cưới hoặc để thắp lên bàn thờ tổ tiên vào các ngày rằm, ngày tết. Có lẽ cũng bởi màu sắc hoa tinh khiết, trong trắng và mang tính trọn vẹn nên quả cũng được dùng khá nhiều trong nghệ thuật ẩm thực.

Quả bạch thiên hương khi chín có màu vàng đỏ được dùng để đun lấy nước ngâm gạo nấu xôi cho màu sắc của xôi được đẹp tự nhiên. Đặc biệt là không độc hại, hơn nữa quả cũng là một nguyên liệu để làm bánh xu xê (phu thê) dùng trong các lễ ăn hỏi, lễ cưới của người Việt.

IV. Cách trồng và chăm sóc cây Bạch thiên hương

1. Cách trồng cây

  • Nhân giống và chọn giống

Cây bạch thiên hương là cây ưa sáng, ưa ẩm nhưng cây chịu hạn khá tốt, cây dễ trồng và chăm sóc nhưng lại khó trong việc ươm hạt bởi hạt thường khó nảy mầm. Nên chủ yếu nhân giống bằng cách chiết cành.

Chọn cây bạch thiên hương to khỏe, không sâu bệnh, độ tuổi từ 4 tuổi trở lên, có nhiều cành lá. Chọn cành để chiết chỉ to khoảng ngón tay út đến ngón tay cái tương đương với đường kính khoảng 1 – 1,5cm. Cành chiết phải là cành gốc, không nên chiết cành ngọn vì khi phát triển cây sẽ cao vượt quá tầm kiểm soát.

Sau khi chiết cành khoảng 1 – 1,5 tháng là cành bạch thiên hương ra rễ, tiêu chuẩn cho một cành khỏe đẹp là: Lá xanh tốt, không bị gân xanh lá vàng, rễ ra khoảng 3 rễ trở lên màu trắng hoặc vàng là đạt tiêu chuẩn.

  • Đất trồng

Đất trồng cây bạch thiên hương có thể là đất nâu đen, đất phù sa màu mỡ. Thậm chí trồng được cả trên đất khô cằn nghèo dinh dưỡng nhưng phải có chế độ chăm sóc đặc biệt thì cây mới sinh trưởng tốt. Nên tránh trồng trên đất thường xuyên bị úng nước.

Sau khi chọn được cành bạch thiên hương đẹp có thể đem trồng ngay hoặc có thể ươm thêm vào túi bầu hoặc khay chậu cho bộ rễ khỏe, ra nhiều rễ tơ, đợi cho cành có kích thước to hơn rồi mới đem trồng nơi đất mới.

Nếu trồng trong chậu cảnh, nên dùng đất bùn ao để bôi bọc quanh bầu chiết hoặc dùng đất phù sa có trộn thêm vỏ trấu hoặc xơ dừa. Để giúp giữ ẩm khi thời tiết nắng nóng dài ngày cũng như làm tơi và thoáng đất khi mưa dầm, khó thoát nước.

2. Cách chăm sóc

Sau khi trồng khoảng 7 – 10 ngày, để cành bạch thiên hương sinh trưởng tốt nên dùng các loại phân bón lá hoặc bón rễ tưới vào gốc để cây hấp thụ dinh dưỡng tối đa. Loại phân có thể dùng là: Siêu Lân đóng lọ 1 lít hoặc đóng gói, Siêu Bo, phân vi lượng đóng gói 1kg. Nên tưới kép ít nhất từ 2 lần, mỗi lần cách nhau 7 – 10 ngày mới có tác dụng tốt.

Vào mùa đông khi nhiệt độ xuống dưới 10 độ, nên có biện pháp che chắn cho cây bạch thiên hương cẩn thận, cây chỉ sống thích hợp ở nhiệt độ từ 15 – 37 độ.

Nước sạch cũng là điều kiện cần để cho cây bạch thiên hương phát triển, mỗi ngày nên tưới ít nhất một lần vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Ngoàira, cũng có thể tưới thêm nước vo gạo cũng là nguồn nước sạch.

Về phân bón, ngoài việc tưới phân bón lá, bón rễ bằng nước ra có thể bón thêm bằng phân hạt chậm tan. Loại phân này nên vùi đất để tránh bốc hơi khi nắng hoặc rửa trôi khi mưa. Thường bón vào thời điểm trước khi ra hoa và trước khi kết quả để hoa bung nở đều và tránh rụng quả non.

Khi cây trưởng thành, sau mỗi vụ thu quả cần cắt tỉa cành lá sao cho hợp lý kết hợp với phân bón để bắt đầu vụ mới.

Cây bạch thiên hương không có nhiều sâu bệnh hại cây, cũng khá dễ chăm sóc, không quá cầu kỳ về phân bón. Chỉ cần nắm được một số yêu cầu về kỹ thuật trồng như ở trên đây là bạn đã có một chậu hoa đẹp mỹ mãn rồi!

Một số câu hỏi thường gặp về cây Bạch Thiên Hương

  • Cây Bạch Thiên Hương là gì?

Cây Bạch Thiên Hương hay còn gọi là Cây lý thiên hương, cây dành dành, cây lài lá lớn. Là cây thân gỗ nhỏ thường mọc đơn, vỏ cây màu xám trắng, cành lá tươi tốt xum xuê. Kh trưởng thành, cây có chiều cao khoảng 2 – 4m.

  • Tác dụng của cây Bạch Thiên Hương

Bạch thiên hương có tác dụng làm cảnh và chữa bệnh. Đây là cây đẹp về màu sắc, cấu tạo của hoa cũng như đẹp đến cả hình dáng của cây và lá. Dáng cây nhỏ nhắn, thanh mảnh không khoe sắc rực rỡ nhưng vẫn toát lên vẻ đẹp thanh thoát, kín đáo và trang nghiêm.

  • Trồng và chăm sóc cây Bạch Thiên Hương có khó không?

Cây bạch thiên hương là cây ưa sáng, ưa ẩm nhưng cây chịu hạn khá tốt, cây dễ trồng và chăm sóc.

4.5/5 - (8 bình chọn)

Từ khóa » Cây Bạch Lan Hương