Tông Huấn Amoris Laetitia – Niềm Vui Của ... - Giáo Phận Vĩnh Long
Có thể bạn quan tâm
AMORIS LAETITIA
NIỀM VUI CỦA TÌNH YÊU
Tông huấn hậu Thượng Hội đồngvề Tình Yêu Trong Gia Đình
của Đức Thánh Cha PHANXICÔ
gửi các Giám mục,các linh mục và các phó tế,các người sống đời thánh hiến,các cặp vợ chồng kitô hữuvà tất cả mọi tín hữu giáo dân
NHỮNG CHỮ VIẾT TẮT
AAS Acta Apostolicae Sedis. Các văn kiện chính thức của Tông Tòa.
AD Ad Gentes. Sắc lệnh về Hoạt động Truyền giáo của Giáo hội Đến với muôn dân của CĐ Vatican II (7.12.1965)
DCE Deus Caritas Est. Thông điệp của ĐGH Bênêđictô XVI, (25.12. 2005)
EG Evangelii Gaudium. Tông huấn hậu THĐ Niềm vui Tin mừng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, (24.11.2013)
FC Familiaris Consortio. Tông huấn hậu THĐ Các Bổn phận của Gia đình của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, (22.11.1981)
GL Bộ Giáo Luật Giáo hội Latinh 1983
GLĐP Bộ Giáo Luật Giáo hội Đông Phương
GLĐT (Thánh Bộ) Giáo Lí Đức Tin
GLHTCG Giáo lí Hội thánh Công Giáo 1992
GS Gaudium et Spes. Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội Vui mừng và Hi vọng của CĐ Vatican II (7.12.1965)
HĐGM Hội Đồng Giám mục
HG Huấn Giáo ngày thứ Tư hằng tuần của Đức Giáo hoàng
HV Humanae Vitae. Thông điệp Sự Sống Con Người của Chân phước Giáo hoàng Phaolô VI (25.7.1968)
MV Misericordiae Vultus. Tông sắc Dung Mạo của Lòng Thương Xót của ĐGH Phanxicô (11.4.2015)
RF Relatio Finalis. Phúc trình chung kết của THĐGM tại Đại Hội Thường lệ lần XIV (24.10.2015)
RS Relatio Synodi. Phúc trình của THĐGM tại Đại Hội Ngoại thường lần III (18.10.2014)
ST Summa Theologiae. Tổng Luận Thần Học của Thánh Tôma Aquinô.
Th Tông huấn
Thđ Thông điệp
THĐGM Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới
TT Tòa Thánh
Mục lục
CHƯƠNG I - DƯỚI ÁNH SÁNG LỜI CHÚA
Bạn và hiền thê của bạn
Bầy con của bạn như những cây ô-liu mơn mởn
Một con đường đau khổ và đẫm máu
Công khó tay bạn làm ra
Dịu dàng vòng tay ôm ấp
CHƯƠNG II - THỰC TRẠNG VÀ NHỮNG THÁCH ĐỐ CỦA GIA ĐÌNH
Thực trạng của gia đình
Một số thách đố
CHƯƠNG III - NHÌN NGẮM ĐỨC GIÊSU: ƠN GỌI GIA ĐÌNH
Đức Giêsu phục hồi và hoàn thành kế hoạch của Thiên Chúa
Gia đình trong các văn kiện của Giáo Hội
Bí tích Hôn Phối
Hạt giống của Lời và những hoàn cảnh bất toàn
Thông truyền sự sống và nuôi dạy con cái
Gia đình và Hội thánh
CHƯƠNG IV - TÌNH YÊU TRONG HÔN NHÂN
Tình yêu hằng ngày của chúng ta
Tình yêu thương thì nhẫn nhục
Nhân hậu
Chữa lành ghen tương
Không vênh vang, không tự đắc
Không khiếm nhã
Quảng đại (Không tìm tư lợi)
Không nóng giận không nuôi hận thù
Dung thứ
Vui với người khác
Tha thứ tất cả
Tin tưởng
Hi vọng
Chịu đựng tất cả
Lớn lên trong tình bác ái phu phụ
Chia sẻ mọi sự suốt cuộc đời
Niềm vui và vẻ đẹp
Kết hôn vì tình yêu
Một tình yêu tự biểu lộ và tăng trưởng
Đối thoại
Tình yêu đam mê
Thế giới cảm xúc
Thiên Chúa yêu thích niềm vui của con cái Ngài
Chiều kích dục tình của tình yêu
Bạo lực và thao túng
Hôn nhân và trinh khiết
Sự biến đổi của tình yêu
CHƯƠNG V - TÌNH YÊU TRỞ NÊN PHONG NHIÊU
Tiếp đón một sự sống mới
Yêu thương chờ đợi trong lúc mang thai
Tình yêu của người mẹ và của người cha
Mở rộng sự phong nhiêu
Phân định nhiệm thể
Đời sống gia đình theo nghĩa rộng
Con cái
Người cao niên
Anh chị em
Một trái tim lớn
CHƯƠNG VI - MỘT SỐ VIỄN ẢNH MỤC VỤ
Loan báo Tin mừng gia đình ngày nay
Hướng dẫn những người đính hôn trong hành trình chuẩn bị hôn nhân
Việc chuẩn bị cử hành hôn lễ
Đồng hành trong những năm đầu đời hôn nhân
Một số nguồn lực
Soi sáng những khủng hoảng, những âu lo và khó khăn
Thách đố của những cuộc khủng hoảng
Những vết thương cũ
Đồng hành sau khi đổ vỡ và li dị
Một số hoàn cảnh phức tạp
Khi cái chết gây đau thương
CHƯƠNG VII - CỦNG CỐ VIỆC GIÁO DỤC CON CÁI
Con cái của chúng ta đang ở đâu?
Huấn luyện đạo đức cho con cái
Việc sửa phạt có giá trị kích hoạt
Thực tiễn trong kiên nhẫn
Đời sống gia đình như một khung cảnh giáo dục
Cần có giáo dục giới tính
Thông truyền đức tin
CHƯƠNG VIII - VIỆC ĐỒNG HÀNH, PHÂN ĐỊNH VÀ HỘI NHẬP NHỮNG HOÀN CẢNH CHÔNG CHÊNH
Tiệm tiến trong mục vụ
Phân định những hoàn cảnh “bất qui tắc”
Những hoàn cảnh giảm khinh trong việc phân định mục vụ
Luật lệ và sự phân định
Tâm tư của lòng thương xót trong mục vụ
CHƯƠNG IX - LINH ĐẠO HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH
Một linh đạo hiệp thông siêu nhiên
Họp nhau cùng cầu nguyện trong ánh sáng Phục sinh
Linh đạo của tình yêu tự do và độc hữu
Một linh đạo chăm sóc, an ủi và khích lệ
Lời cầu nguyện với Thánh Gia
1. NIỀM VUI của TÌNH YÊU trong đời sống của các gia đình cũng là niềm vui của Hội thánh. Như các nghị phụ trong Thượng Hội đồng đã ghi nhận, mặc dầu vẫn có nhiều dấu chỉ cho thấy có khủng hoảng trong đời sống hôn nhân, “khát vọng có được một mái ấm gia đình vẫn còn rất mạnh mẽ, đặc biệt nơi những người trẻ, và vẫn đang là cảm hứng của Hội thánh”[1]. Như một đáp ứng cho khát vọng này, “loan báo Kitô giáo về gia đình đích thực là một tin vui”[2].
2. Hành trình của Thượng Hội đồng đã giúp phác họa lại hoàn cảnh các gia đình trong thế giới hiện nay, giúp chúng ta có cái nhìn rộng lớn hơn và ý thức mới mẻ hơn về tầm quan trọng của hôn nhân và gia đình. Đồng thời, tính phức tạp của các đề tài được đề cập đến cho chúng ta thấy cần phải tiếp tục đào sâu thêm cách tự do một số vấn đề liên quan đến đạo lý, luân lý, linh đạo và mục vụ. Những suy tư của các mục tử và các nhà thần học, nếu trung thành với Hội thánh, trung thực, thực tiễn và sáng tạo, sẽ giúp chúng ta thấy được vấn đề cách rõ ràng hơn. Những tranh cãi trên các phương tiện truyền thông hay trên các sách báo và ngay cả giữa các thừa tác viên của Hội thánh, đi từ ước muốn quá cao muốn thay đổi mọi sự mà không có suy tư đầy đủ, hoặc thiếu nền tảng, đến thái độ tham vọng, muốn giải quyết tất cả mọi sự bằng cách áp dụng những quy tắc chung hoặc bằng cách rút ra những kết luận không thích đáng từ một số suy tư thần học cá biệt.
3. Khi nhắc lại “thời gian thì quan trọng hơn không gian”, tôi muốn khẳng định lại rằng không phải tất cả mọi tranh luận về đạo lý, luân lý hay mục vụ cần phải được giải quyết bằng can thiệp của Huấn quyền. Dĩ nhiên, trong Hội thánh cần một sự hiệp nhất về đạo lý và về thực hành, nhưng điều đó không ngăn cản việc có những giải thích khác nhau về một số khía cạnh của đạo lý hay một số những hệ luận nảy sinh từ đó. Sẽ là như thế cho đến khi Thần Khí dẫn đưa chúng ta đến chân lý toàn vẹn (cf. Ga 16,13), tức là, khi Ngài đưa chúng ta đi vào trọn vẹn trong mầu nhiệm Chúa Kitô và khi chúng ta có thể thấy được tất cả mọi sự bằng cái nhìn của chính Chúa Kitô. Ngoài ra, trong mỗi xứ sở hay vùng miền, vẫn có thể tìm ra được những giải đáp thích hợp hơn với văn hóa của họ, quan tâm hơn đến các truyền thống và các thách thức mang tính địa phương. Bởi vì “các nền văn hóa rất khác nhau và mỗi nguyên lý chung […] cần phải được thích nghi với từng nền văn hóa, nếu muốn được tuân giữ và áp dụng”[3].
4. Dù sao, tôi vẫn phải nói rằng tiến trình Thượng Hội đồng cho thấy đã mang một vẻ đẹp rất hùng vĩ và nhiều khai sáng. Tôi cảm ơn tất cả mọi đóng góp đã giúp tôi xem xét những vấn đề của các gia đình trên thế giới trong tầm vóc bao quát nhất. Các tham luận của các Nghị phụ mà tôi đã chăm chú lắng nghe, đối với tôi, nói chung là một viên ngọc quí đa diện, tạo nên từ nhiều nỗi bận tâm chính đáng cũng như từ những vấn nạn trung thực và chân thành. Vì thế, tôi nghĩ là thích hợp để biên soạn một Tông huấn hậu Thượng Hội đồng nhằm thâu gom lại những đóng góp của hai Thượng Hội đồng vừa qua về gia đình, và bổ sung thêm những nhận xét khác nữa có thể định hướng suy tư, đối thoại và thực hành mục vụ, và đồng thời góp phần động viên, cổ vũ và giúp đỡ các gia đình trong nỗ lực dấn thân cũng như trong những khó khăn của họ.
5. Tông huấn này mang một ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh Năm Thánh Lòng Thương Xót. Trước tiên, bởi vì tôi coi Tông huấn này như một đề nghị cổ vũ các gia đình Kitô hữu hãy biết quí trọng các ân huệ hôn nhân và gia đình, duy trì một tình yêu mạnh mẽ và đong đầy các giá trị như lòng quảng đại, sự dấn thân, trung tín và kiên nhẫn. Thứ đến, bởi vì Tông huấn này muốn khích lệ mọi người hãy là một dấu chỉ của lòng thương xót và gần gũi ở những nơi mà cuộc sống gia đình chưa được trọn vẹn hay còn thiếu vắng bình an và niềm vui.
6. Để triển khai bản văn, tôi sẽ bắt đầu với một chương dẫn nhập được gợi hứng từ Thánh Kinh, để mang một cung giọng phù hợp. Từ đó, tôi sẽ xem xét hoàn cảnh hiện nay của các gia đình nhằm bám sát thực tế. Tiếp đến, tôi sẽ nhắc lại một số yếu tố cốt yếu theo giáo huấn của Hội thánh về hôn nhân và gia đình, từ đó triển khai hai chương trung tâm, dành để nói về tình yêu. Để tiếp tục, tôi sẽ nêu rõ một số đường lối mục vụ hướng chúng ta đến việc xây dựng gia đình bền vững và phong nhiêu theo kế hoạch của Thiên Chúa, và tôi sẽ dành một chương nói về việc giáo dục con cái. Cuối cùng, tôi sẽ đưa ra lời mời gọi thực thi lòng thương xót và phân định mục vụ khi đối diện với những hoàn cảnh không đáp ứng đầy đủ những gì Chúa đề nghị, và sau cùng tôi sẽ đưa ra vài nét phác họa về linh đạo gia đình.
7. Do hoa trái phong phú của hai năm suy tư với hai Thượng Hội đồng, Tông huấn này sẽ đề cập đến nhiều đề tài khác nhau, với những cách thức khác nhau. Điều đó giải thích độ dài như phải có của Tông huấn. Vì thế, tôi không khuyến khích người ta đọc Tông huấn này một cách vội vàng và hời hợt. Tông huấn này sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cho các gia đình cũng như cho các tác viên mục vụ gia đình, nếu được đào sâu từng phần một cách kiên nhẫn, hay nếu người ta tìm trong đó những điều mình cần cho từng hoàn cảnh cụ thể. Chẳng hạn, có thể các cặp vợ chồng sẽ quan tâm nhiều hơn các chương bốn và năm, còn các tác viên mục vụ quan tâm hơn đến chương sáu và mọi người đều cảm thấy chương tám thật là một thách đố đối với mình. Tôi hi vọng rằng, qua việc đọc Tông huấn này, mỗi người sẽ cảm thấy mình được mời gọi yêu mến chăm sóc đời sống gia đình, bởi lẽ các gia đình “không phải là một vấn đề, mà trước tiên là một cơ hội”[4].
CHƯƠNG I - DƯỚI ÁNH SÁNG LỜI CHÚA8.Thánh Kinh nói nhiều về các gia đình, các thế hệ, các câu chuyện tình và những khủng hoảng gia đình, từ trang đầu, ngay khi bước vào khung cảnh gia đình của Ađam và Eva, cùng với gánh nặng của bạo lực, có cả sức mạnh của sự sống vẫn tiếp (cf. St 4), cho đến trang cuối nơi xuất hiện tiệc cưới của Hôn thê và Con chiên (Kh 21,2.9). Đức Giêsu mô tả hai ngôi nhà, một xây trên đá và một xây trên cát (cf. Mt 7,24-27), tượng trưng cho bao tình huống gia đình, tạo nên bởi tự do của các thành viên sống trong đó, vì như một thi sĩ kia đã viết: “mỗi ngôi nhà đều là một trụ đèn”[5]. Giờ đây, theo sự dẫn dắt của tác giả thánh vịnh, chúng ta hãy bước vào một trong những ngôi nhà này qua một khúc hát mà ngày nay vẫn còn vang lên trong phụng vụ lễ cưới của Do Thái cũng như Kitô giáo:
“Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ Chúa,Ăn ở theo đường lối của NgườiCông khó tay bạn làm, bạn được an hưởng,Bạn quả là lắm phúc nhiều may.
Hiền thê bạn trong cửa trong nhàKhác nào cây nho đầy hoa trái;Và bầy con tựa những cây ô-liu mơn mởn,xúm xít tại bàn ăn.
Đó chính là phúc lộc Chúa dành cho kẻ kính sợ Người.
Xin Chúa từ Sion xuống cho bạn muôn vàn ơn phúc.Ước chi trong suốt cả cuộc đờiBạn được thấy Giêrusalem phồn thịnh,được sống lâu bên đàn con cháu.
Nguyện chúc Israel vui hưởng thái bình!” (Tv 128,1-6).
Bạn và hiền thê của bạn
9. Vì thế, chúng ta hãy bước qua ngưỡng cửa ngôi nhà bình yên này, với cả gia đình cùng đang ngồi quanh bàn tiệc. Ở trung tâm bàn tiệc, chúng ta thấy đôi vợ chồng là cha và mẹ, với cả câu chuyện tình yêu của họ. Nơi họ thể hiện ý định thuở ban đầu chính Đức Kitô đã mạnh mẽ gợi lên: “Các ông đã không đọc thấy điều này sao: ‘Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hóa đã làm ra con người có nam có nữ’?” (Mt 19, 4). Và Người nhắc lại lệnh truyền của sách Sáng Thế: “Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt” (St 2,24).
10. Hai chương đầu hùng tráng của sách Sáng Thế cống hiến cho chúng ta hình ảnh cặp vợ chồng nhân loại trong thực tại nền tảng sâu xa nhất của nó. Bản văn khởi đầu ấy của Thánh Kinh đã lóe sáng lên một số khẳng định quan trọng. Khẳng định đầu tiên, đã được Đức Giêsu trích dẫn cách tổng hợp, tuyên bố: “Thiên Chúa đã sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” (St 1,27). Thật đáng ngạc nhiên, hạn từ “hình ảnh Thiên Chúa” chiếm vị trí song song diễn giải bởi hạn từ cặp đôi “nam và nữ”. Phải chăng điều đó có nghĩa chính Thiên Chúa cũng có phái tính, hay Ngài cũng có một người bạn đời thần linh, như một số tôn giáo cổ xưa vẫn chủ trương? Dĩ nhiên là không, bởi vì chúng ta biết rõ Thánh Kinh đã bác bỏ những tín ngưỡng tôn thờ ngẫu tượng được phổ biến giữa những người Canaan ở Đất Thánh. Người ta bảo vệ tính siêu việt của Thiên Chúa, nhưng vì Thiên Chúa đồng thời cũng là Đấng Tạo Hóa, nên đặc tính phong nhiêu của đôi vợ chồng nhân loại là “hình ảnh” sống động và hữu hiệu, dấu chỉ hữu hình của hành vi sáng tạo.
11. Đôi vợ chồng yêu thương và sinh sản đích thực là “tác phẩm điêu khắc” sống động (không phải ngẫu tượng điêu khắc bằng đá hay bằng vàng mà Thập giới cấm ngặt), có thể biểu tỏ được Thiên Chúa Đấng sáng tạo và cứu độ. Vì thế, tình yêu phong nhiêu mới có thể trở thành biểu tượng cho những thực tại thâm sâu bên trong Thiên Chúa (cf. St 1,28; 9,7; 17,2-5.16; 28,3; 35,11; 48,3-5). Đó là lí do giải thích tại sao trình thuật sách Sáng Thế này, theo cái gọi là “truyền thống tư tế”, được đan dệt nên bởi những tầng lớp phả hệ khác nhau (cf. St 4,17-22.25-26; 5; 10; 11,10-32; 25,1-4.12-17.19-26; 36): bởi vì khả năng sinh sản của đôi vợ chồng nhân loại là con đường mà lịch sử cứu độ diễn tiến. Dưới ánh sáng này, mối quan hệ phong nhiêu của đôi vợ chồng trở thành một hình ảnh để khám phá ra và diễn tả mầu nhiệm Thiên Chúa, nền tảng trong cái nhìn Kitô giáo về Mầu nhiệm Thiên Chúa-Ba Ngôi, chiêm ngắm Thiên Chúa như là Cha, Con và Thánh Thần Tình Yêu. Thiên Chúa-Ba Ngôi là mầu nhiệm hiệp thông tình yêu, và gia đình là phản ảnh sống động của mầu nhiệm hiệp thông ấy. Những lời sau đây của thánh Gioan-Phaolô II soi sáng cho chúng ta: “Thiên Chúa trong mầu nhiệm thẳm sâu nhất của Ngài không đơn độc nhưng là một gia đình vì lẽ Thiên Chúa trong Ngài có Cha, có Con và có Yếu tính của gia đình, tức là Tình Yêu. Trong gia đình thần linh, tình yêu này chính là Chúa Thánh Thần”[6]. Như thế, gia đình không là điều gì xa lạ gì với chính yếu tính thần linh[7]. Khía cạnh tam vị này nơi cặp vợ chồng có một hình ảnh mới mẻ trong thần học của Phaolô khi thánh Tông đồ đặt gia đình trong tương quan với “mầu nhiệm” kết hợp giữa Chúa Kitô và Hội thánh (cf. Ep 5,21-33).
12. Nhưng Đức Giêsu, khi nói về hôn nhân, còn gợi cho chúng ta một trang khác của sách Sáng Thế, chương 2, qua đó hé lộ cho thấy một chân dung tuyệt vời với những chi tiết rạng rỡ của cặp vợ chồng. Trong số đó chúng ta chỉ chọn hai chi tiết mà thôi. Chi tiết thứ nhất, đó là nỗi ưu tư của người đàn ông đi tìm cho mình “một trợ tá tương xứng” (St 2,18-20), khả dĩ lấp đầy được nỗi cô đơn bức bối mà sự gần gũi của các loài vật và mọi thụ tạo cũng không khỏa lấp được. Nguyên ngữ tiếng Hipri gợi lên một cuộc gặp gỡ trực tiếp, như là “mặt đối mặt” – mắt nhìn mắt – trong một cuộc đối thoại thinh lặng, bởi vì trong tình yêu sự thinh lặng thường diễn tả nhiều hơn lời nói. Đó là sự gặp gỡ một khuôn mặt, một “đối tác” phản chiếu tình yêu Thiên Chúa và là “thiện ích đệ nhất, là có được một trợ tá tương xứng, và trụ cột để tựa nương”, như một hiền triết trong Thánh Kinh đã nói (Hc 36,24). Hoặc như cô dâu trong sách Diễm ca đã thốt lên một lời tuyên xưng diệu kỳ về tình yêu và về ân huệ người ta trao ban cho nhau: “Người tôi yêu thuộc trọn về tôi và tôi thuộc trọn về chàng […] Tôi thuộc trọn về người tôi yêu, người tôi yêu thuộc trọn về tôi!” (Dc 2,16; 6,3).
13. Từ cuộc gặp gỡ chữa lành được nỗi cô đơn này, phát sinh sự sống mới và gia đình. Và sau đây là chi tiết thứ hai mà chúng ta có thể ghi nhận: Ađam, vốn cũng là con người của mọi thời đại và của tất cả mọi vùng miền trên hành tinh này của chúng ta, cùng với vợ mình, khai sinh một gia đình mới, như Đức Giêsu đã nhắc lại bằng cách trích dẫn sách Sáng thế: “Người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt” (Mt 19,5; cf. St 2,24). Động từ “gắn bó”, trong nguyên ngữ Hipri, chỉ một sự hòa điệu sâu xa, một sự gắn bó cả về thể xác lẫn tâm hồn đến độ nó được dùng để diễn tả sự kết hiệp với Thiên Chúa: “Trót cả tâm tình, con cùng Ngài gắn bó” (Tv 63,9), như tác giả thánh vịnh vẫn hát. Sự kết hợp hôn nhân như vậy gợi lên không chỉ trong chiều kích tính dục và thân xác mà còn cả trong sự trao hiến tình yêu tự nguyện. Kết quả của sự kết hợp này là “trở thành một xương một thịt”, hoặc bằng việc hai thân xác gắn chặt với nhau, hoặc bằng sự kết hợp giữa hai con tim và đời sống và, có lẽ, nơi đứa con được sinh ra từ cả hai sẽ mang trong mình “cốt nhục” của cả cha lẫn mẹ, không chỉ về di truyền học mà cả về tâm linh nữa.
1254 09-05-2021Từ khóa » Tóm Tắt Tông Huấn Niềm Vui Của Tình Yêu
-
Tóm Tắt Tông Huấn Niềm Vui Tình Yêu Của Đức Giáo Hoàng ...
-
Tông Huấn Amoris Laetitia – Niềm Vui Của Tình Yêu
-
Tóm Lược Tông Huấn Amoris Laetitia – Niềm Vui Yêu Thương
-
Tổng Quan Và Nhận Định Về Tông Huấn Amoris Laetitia (Niềm Vui ...
-
Bản Tóm Lược Tông Huấn Hậu Thượng HĐGM: Amoris Laetitia (Niềm ...
-
Giới Thiệu Tông Huấn “Niềm Vui Của Tình Yêu”, Bản Việt Ngữ
-
Tóm Tắt, Bình Luận Tông Huấn "Niềm Vui Tình Yêu"
-
Tóm Tắt Tông Huấn Niềm Vui Của Tin Mừng
-
Tóm Lược Tông Huấn Niềm Vui Của Tình Yêu (Amoris Laetitia) _ NĐT
-
Tóm Tắt Tông Huấn Christus Vivit – Đức Kitô Sống
-
TÓM TẮT TÔNG HUẤN GAUDETE ET EXSULTARE
-
Tóm Tắt “Christus Vivit”, Tông Huấn Hậu Thượng Hội đồng Về Tuổi Trẻ ...