Tổng Kết 20 Năm Triển Khai Chính Sách Tín Dụng ưu đãi đối Với Người ...

Toàn cảnh Hội nghị.

 

Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Thành Luân - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hóa, thành viên ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Thanh Hóa; Đào Văn Giáp - Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Thanh Hóa; Trương Bá Duyên - Phó Bí thư Thường trực Thị ủy; Mai Sỹ Lân - Ủy viên Ban Thường vụ Thị ủy, Phó Chủ tịch UBND thị xã, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH thị xã; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, ban ngành, hội đoàn thể thị xã, lãnh đạo và cán bộ Ngân hàng chính sách xã hội thị xã; các đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND, Chủ tịch Hội nông dân, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, Bí thư đoàn thanh niên các xã, phường.

Đồng chí Mai Sỹ Lân - Ủy viên Ban Thường vụ Thị ủy, Phó Chủ tịch UBND thị xã, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH và đồng chí Bùi Huy Hạnh - Giám đốc NHCSXH thị xã - Đồng chủ trì Hội nghị.

Đồng chí Mai Sỹ Lân - Ủy viên Ban Thường vụ Thị ủy, Phó Chủ tịch UBND thị xã, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH và đồng chí Bùi Huy Hạnh - Giám đốc NHCSXH thị xã - Đồng chủ trì Hội nghị.

 

Theo báo cáo tại hội nghị: Sau gần 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn) đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã được giải ngân kịp thời đến các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn.

Tính đến ngày 30/6/2022, tổng dư nợ ủy thác cho vay qua 04 tổ chức chính trị - xã hội của Phòng giao dịch NHCSXH thị xã Nghi Sơn là 698,6 tỷ đồng, các Hội đoàn thể nhận ủy thác trên địa bàn thị xã đang quản lý và triển khai thực hiện 16 chương trình tín dụng chính sách, thông qua 90 tổ chức Hội đoàn thể cấp xã, 384Tổ TK&VV, 13.765 khách hàng vay, chiếm tỷ trọng 99,6% trên tổng dư nợ tín dụng chính sách đang triển khai trên địa bàn thị xã; Nợ quá hạn và nợ khoanh là 465 triệu đồng (chiếm tỷ lệ 0,06% tổng dư nợ nhận ủy thác), trong đó: nợ quá hạn là 275,5 triệu đồng (tỷ lệ 0,04%), nợ khoanh là 189,4 triệu đồng (tỷ lệ 0,027%). Hàng năm, chất lượng tín dụng chính sách ủy thác qua Hội đoàn thể không ngừng được củng cố và nâng cao.

Thông qua phương thức cho vay ủy thác, tổ chức Hội đoàn thể có điều kiện thu hút thêm hội viên, nâng cao chất lượng hoạt động phong trào, góp phần củng cố hệ thống chính trị tại cơ sở. Đồng thời, hội các cấp có điều kiện thực hiện lồng ghép hiệu quả chương trình tín dụng chính sách với các chương trình khuyến nông, khuyến ngư, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất góp phần nâng cao hiệu quả vốn tín dụng chính sách.

Đến nay, trên địa bàn thị xã có 31 điểm giao dịch xã, phường của NHCSXH đặt tại trụ sở UBND của 31 xã, phường. Các điểm giao dịch xã được tổ chức giao dịch vào ngày cố định hàng tháng, là nơi Ngân hàng, Tổ TK&VV, các tổ chức hội, chính quyền địa phương và nhân dân cùng thực hiện quyền và nghĩa vụ trong triển khai cho vay các chương trình tín dụng chính sách tại địa phương.

Tại các điểm giao dịch cố định, hàng tháng NHCSXH thị xã thực hiện giải ngân, thu nợ trực tiếp đến từng người vay, công khai các chế độ, chính sách tín dụng ưu đãi, công khai danh sách hộ gia đình được giải ngân và dư nợ từng chương trình vay, treo hòm thư góp ý, thông báo các quy định mới, lãi suất, mức vay của các chương trình tín dụng qua bảng thông tin tín dụng chính sách giúp cho người dân hiểu rõ các quy định và nâng cao hiểu biết về từng chương trình tín dụng ưu đãi, đồng thời, để nhân dân kiểm tra, giám sát việc giải ngân cho vay ngay tại điểm giao dịch. Hoạt động theo mô hình tại các Điểm giao dịch xã của NHCSXH đã tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính, tín dụng chính sách xã hội đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, tiết giảm chi phí, thời gian đi lại giao dịch của người vay, đảm bảo hoạt động tín dụng chính sách xã hội dân chủ, công khai với cách thức “giao dịch tại nhà, giải ngân, thu nợ tại xã”. Điểm giao dịch xã là một bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính và là một đặc thù, sáng tạo, riêng có của NHCSXH, giúp chuyển tải vốn tín dụng chính sách kịp thời, hiệu quả đến đúng đối tượng thụ hưởng, đã và đang phát huy hiệu quả rất tích cực trong hoạt động của NHCSXH trong 20 năm qua.

Từ năm 2003 đến nay, trên địa bàn thị xã đã thành lập được gần 500 Tổ TK&VV. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động các Tổ TK&VV thường xuyên được củng cố, kiện toàn nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo các quy định chung và phù hợp với tình hình thực tiễn.

Đến 30/6/2022, toàn thị xã có 384 tổ TK&VV, dưới sự quản lý trực tiếp của Hội đoàn thể nhận ủy thác, hoạt động ủy nhiệm của các Tổ TK&VV đã dần đi vào ổn định, chất lượng ngày càng được nâng cao, đạt được mục đích, yêu cầu, mục tiêu mà phương thức uỷ thác từng phần đặt ra. Qua kết quả rà soát, đánh giá xếp loại Tổ TK&VV, toàn thị xã có 380/384 tổ xếp loại tốt và khá (chiếm tỷ lệ 98,9%), 04/384 tổ xếp loại trung bình (tỷ lệ 1,04%), không có tổ xếp loại yếu. Trong 20 năm qua, Tổ TK&VV đã phát huy vai trò quan trọng trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội, là cầu nối giữa Ngân hàng với người vay vốn, góp phần chuyển tải kịp thời nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến với các đối tượng thụ hưởng, đảm bảo công khai, dân chủ, tạo ra hiệu quả kinh tế, chính trị, xã hội.

Kể từ khi thành lập đến nay, Phòng giao dịch NHCSXH thị xã đã tổ chức tốt việc tiếp nhận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi nhận bàn giao từ Ngân hàng Nông nghiệp &PTNT, Kho bạc Nhà nước chuyển sang, nguồn vốn do Trung ương và tỉnh chuyển về, nguồn vốn ủy thác từ Ngân sách thị xã chuyển sang, đồng thời tập trung huy động nguồn vốn từ tiền gửi của các tổ chức, cá nhân, các khoản tiền tạm thời nhàn rỗi nhân dân trên địa bàn đáp ứng cơ bản nhu cầu vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.

Đến 30/6/2022, tổng nguồn vốn quản lý và huy động đạt 700,3 tỷ đồng, tăng 673,3 tỷ đồng, gấp 25,94 lần so với năm 2003, bình quân mỗi năm tăng 12,4%. Trong đó:

Nguồn vốn Trung ương chuyển về: 473,5 tỷ đồng, tăng 446,5 tỷ đồng, gấp 17,5 lần so với năm 2003, chiếm 67,6% trong tổng nguồn vốn.

Nguồn vốn huy động tại địa phương được trung ương cấp bù lãi suất đạt 204,7 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 29,2% trên tổng nguồn vốn, tăng 204,7 tỷ đồng so với năm 2003. Cụ thể: Nguồn vốn huy động của các tổ chức, cá nhân: 158,7 tỷ đồng, tăng 158,7 tỷ đồng so với năm 2003 (trong đó huy động tiền gửi tại điểm giao dịch xã triển khai từ tháng 10/2016 đạt 46,3 tỷ đồng); Nguồn  từ tiền gửi tiết kiệm thông qua Tổ TK&VV được thực hiện từ năm 2009, đến nay đạt: 46 tỷ đồng, với 100% số Tổ TK&VV tham gia huy động tiền gửi tiết kiệm, tỷ lệ hộ vay tham gia tiền gửi đạt 98%

Nguồn vốn nhận ủy thác đầu tư tại địa phương: 22,2 tỷ đồng, tăng 22,2 tỷ đồng so với năm 2003, chiếm 3,17% trong tổng nguồn vốn. Cụ thể: Nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách tỉnh: 17,4 tỷ đồng, tăng 17,4 tỷ đồng so với năm 2003; Nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách thị xã: 4,8 tỷ đồng, tăng 4,8 tỷ đồng so với năm 2003.

Nguồn vốn tại NHCSXH thị xã đã không ngừng tăng trưởng, tốc độ tăng trưởng bình quân qua mỗi năm là 12,4%, phù hợp với tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng, đáp ứng cơ bản nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn. Đặc biệt từ khi có Chỉ thị 40/CT-TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 40/CT-TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ và sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương, sau 20 năm hoạt động, NHCSXH thị xã đã được UBND thị xã quan tâm bổ sung nguồn vốn từ ngân sách ủy thác cho NHCSXH để cho vay hộ nghèo, các đối tượng chính sách khác trên địa bàn là 4.797 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,68%/tổng nguồn vốn, nhờ đó nhân dân được tiếp cận nguồn vốn sớm ngay từ đầu năm để đưa vào sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả thiết thực cho gia đình và xã hội.

Về kết quả thực hiện cho vay các chương trình tín dụng chính sách, từ 02 chương trình tín dụng nhận bàn giao (cho vay Hộ nghèo và cho vay Giải quyết việc làm) đến nay, trên địa bàn thị xã đang triển khai thực hiện 16 chương trình tín dụng chính sách, theo dõi và quản lý trên 13.792 khách hàng vay vốn. Tổng doanh số cho vay trong 20 năm đạt 2.154,6 tỷ đồng, bình quân giải ngân 107,7 tỷ đồng/năm, với 122.896 lượt khách hàng được vay vốn, trong đó có trên 68,8 ngàn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay vốn; Tổng doanh số thu nợ trong 20 năm đạt 1.533,7 tỷ đồng, bình quân thu nợ 76,7 tỷ đồng/năm, chiếm 5% tổng doanh số thu nợ, góp phần tạo lập nguồn vốn để cho vay quay vòng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; Tổng dư nợ cho vay trên địa bàn thị xã đến 30/6/2022 đạt 700,3 tỷ đồng, tăng 673,3 tỷ đồng, gấp 25,94 lần so với năm 2003, tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm là 12,4%, trong 05 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm là 9,2%. Dư nợ bình quân đạt 50,79 triệu đồng/khách hàng, tăng 48,09 triệu đồng so với năm 2003.

Thông qua các chương trình, nguồn vốn tín dụng, trong 20 năm qua, đã có trên 122.896 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH, trong đó có trên 68,8 ngàn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống và thoát nghèo bền vững,qua đó góp phần giúp cho trên 11.100 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; Từ nguồn vốn của Trung ương và nguồn ngân sách địa phương đã thu hút tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho trên 16.300 lao động; giúp chotrên 9.500 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, không để học sinh, sinh viên nào phải bỏ học vì khó khăn về tài chính; xây dựng và cải tạo gần 16.304 công trình nước sạch và công trình vệ sinh môi trường nông thôn; Hỗ trợ xây dựng 1.429 ngôi nhà cho hộ nghèo, 26 ngôi nhà cho công nhân, người có công với cách mạng và cán bộ công chức, viên chức có thu nhập thấp..., đặc biệt từ cuối tháng 4/2022 cho đến nay, thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP về triển khai gói hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19, đã có 542 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để mua máy tính và thiết bị học tập học trực tuyến, 05 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập được vay vốn để mua sắm bổ sung trang thiết bị nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, giải quyết cho trên 84 lao động được vay vốn giải quyết việc làm. Có thể khẳng định, từ nguồn vốn cho vay các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn thị xã trong 20 năm qua đã và đang phát huy hiệu quả, giúp nhiều hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện phát triển sản xuất vươn lên thoát nghèo bền vững, tạo điều kiện cho nhiều hộ gia đình ở khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch và công trình vệ sinh hợp vệ sinh, nhiều học sinh, sinh viên thuộc gia đình hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp.... các nguồn vốn vay chính sách ưu đãi đã góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu về giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội và ổn định chính trị, phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn thị xã.

Vốn tín dụng chính sách đã góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững; góp phần nâng mức thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn thị xã đến cuối năm 2021 lên 50 triệu đồng/người/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 16,8% năm 2003 xuống còn 1,58%  năm 2021 (theo tiêu chí giai đoạn 2022-2025); giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện tự lực vươn lên, tạo việc làm, nâng cao đời sống, thu nhập, nâng cao trình độ dân trí, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn, xây dựng nông thôn mới, góp phần thay đổi cơ bản nhận thức từ việc cấp không, cho không sang vay vốn có hoàn trả, nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc sử dụng vốn.

Với những kết quả mà các chương trình tín dụng chính sách xã hội mang lại trên địa bàn thị xã 20 năm qua, cùng với sự quan tâm, ghi nhận, đánh giá cao của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và Nhân dân về hiệu quả tín dụng chính sách xã hội đã tác động tích cực đến nhiều mặt của đời sống, kinh tế, xã hội, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, ...là những minh chứng rõ nét để khẳng định sự phù hợp giữa chủ trương chính sách tín dụng ưu đãi với thực tiễn kinh tế -xã hội và nhu cầu vay vốn của Nhân dân nhất là hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; ghi nhận vai trò của tín dụng chính sách có tác động tích cực, góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã đề ra, tập trung phát triển nguồn lực, đảm bảo an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, ổn định an ninh chính trị và trật tự xã hội trên địa bàn thị xã; qua đó thúc đẩy sự vào cuộc, tham gia của các cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc chỉ đạo toàn diện hoạt động tín dụng chính sách tại cơ sở, số lượng, chất lượng và hiệu quả đầu tư tín dụng chính sách trên địa bàn thị xã ngày càng được mở rộng và nâng lên.

Đồng chí Trương Bá Duyên - Phó Bí thư Thường trực Thị ủy phát biểu chị đạo Hội nghị.

 

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thành Luân - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hóa, thành viên ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Thanh Hóa và đồng chí Trương Bá Duyên - Phó Bí thư Thường trực Thị ủy đánh giá cao những kết quả mà Phòng giao dịch NHCSXH thị xã đã đạt được sau 20 năm thực hiện Nghị định số 78 của Chính phủ, công tác tín dụng chính sách thực hiện tại thị xã Nghi Sơn đạt được rất đáng khích lệ, tập trung nguồn lực lớn, tạo bước đột phá trong công tác giảm nghèo, chất lượng và hiệu quả vốn tín dụng chính sách được nâng cao, huy động được lực lượng toàn xã hội tham gia vào sự nghiệp giảm nghèo, hạn chế nạn cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, góp phần quan trọng phát triển kinh tế xã hội, thực sự là một trong những “điểm sáng” và là một “trụ cột” không thể thay thế trong hệ thống các chính sách giảm nghèo trong giai đoạn hiện nay.

Thay mặt Ban Thường vụ Thị ủy, tôi xin ghi nhận và nhiệt liệt biểu dương những kết quả đạt được trong 20 năm thực hiện Nghị định số 78 của Chính phủ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể thị xã Nghi Sơn nói chung và Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH thị xã, đội ngũ cán bộ Ngân hàng CSXH thị xã nói riêng.

Để tiếp tục triển khai hiệu quả công tác tín dụng chính sách ưu đãi đối với người nghèo và đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78 trong thời gian tới, đồng chí Trương Bá Duyên - Phó Bí thư Thường trực Thị ủy đề nghị Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH thị xã cùng các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ thị xã đến cơ sở cần bám sát những mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã Nghi Sơn lần thứ 26, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra; đồng thời, có giải pháp đồng bộ phát huy những thành tựu đạt được, khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập, trong đó cần tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, văn bản lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về tín dụng chính sách xã hội; Kế hoạch hành động số 39-KH/HU ngày 13/8/2021 của Ban Thường vụ Thị ủy về thực hiện kết luận số 06-Kl/TW của Ban Bí thư (khóa 13) về việc tiếp tục thực hiện chỉ thi số 40-CT/TW của Ban Bí thư (khóa 11) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn thị xã Nghi Sơn, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong quá trình thực hiện.

Hai là, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần nâng cao hơn nữa vai trò trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai hoạt động tín dụng chính sách xã hội; cần xác định nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ thường xuyên của các cấp ủy, các ngành, cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu. Xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm (2021-2025) và chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm (2021-2030); góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã Nghi Sơn lần thứ 26, nhiệm kỳ 2020-2025.

Ba là, thực hiện tốt các chủ trương xã hội hoá nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội để chung tay tạo lập nguồn vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn ưu đãi, phục vụ sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện đời sống, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. UBND thị xã chỉ đạo các ngành liên quan xây dựng phương án tập trung các nguồn vốn có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước trên địa bàn vào một đầu mối NHCSXH và tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách ủy thác cho NHCSXH để cho vay các chương trình, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác về hỗ trợ việc làm, ... Tạo điều kiện cho NHCSXH thị xã mở rộng việc huy động nguồn lực từ các cá nhân, tổ chức và các nguồn vốn hợp pháp khác để mở rộng nguồn vốn cho vay.

Bốn là, MTTQ, các đoàn thể thị xã nâng cao trách nhiệm trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp nhân dân. Tích cực phối hợp với NHCSXH và cấp ủy, chính quyền nâng cao chất lượng tín dụng, đôn đốc thu hồi hiệu quả đối với các hộ vay vốn, thực hiện bình xét cho vay đúng quy định, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của Tổ tiết kiệm & vay vốn, hộ vay, hướng dẫn người vay sử dụng vốn có hiệu quả.

Năm là, Ban đại diện Hội đồng quản trị, NHCSXH thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy để đảm bảo triển khai các chương trình tín dụng được giao, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách; tích cực huy động các nguồn vốn nhà rỗi từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân để bổ sung nguồn vốn tín dụng chính sách, quản lý và sử dụng hiệu quả. Chú trọng bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, phát huy hiệu quả hoạt động tại các điểm giao dịch xã, phường nhằm từng bước nâng cao chất lượng tín dụng, tạo điều kiện cho các đối tượng chính sách xã hội tiếp cận nguồn vốn vay hiệu quả. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, tạo thuận lợi cho nhân dân tham gia kiểm tra, giám sát; thường xuyên báo cáo kết quả hoạt động cho cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp để lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời.

Sáu là, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và đoàn thể từ thị xã đến cơ sở tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với việc thực hiện công tác tín dụng chính sách xã hội; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những sai phạm trong thực hiện công tác này. Định kỳ thực hiện sơ kết, tổng kết việc triển khai thực hiện để rút ra những bài học kinh nghiệm, phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế; đồng thời gắn trách nhiệm của tập thể cấp ủy, chính quyền trong thực hiện công tác này với việc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại tập thể, cá nhân hàng năm, xem đây là cơ sở để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội.

Các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc được nhận khen thưởng tại Hội nghị tổng kết 20 năm.

 

Tại Hội nghị tổng kết, Tổng giám đốc NHCSXH đã khen thưởng cho 03 tập thể và 07 cá nhân. UBND thị xã đã khen thưởng cho 09 tập thể và 25 cá nhân có thành tích trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn./.

 

 

Từ khóa » Thay Thế Nghị định 78/2002/nđ-cp