Tổng Kết Phần Văn Học - Củng Cố Kiến Thức
Có thể bạn quan tâm
1. Văn học Việt Nam gồm hai bộ phận lớn là văn học dân gian và văn học viết.
Hai bộ phận đều mang những đặc điểm truyền thống của văn học Việt Nam (tinh thần yêu nước chống xâm lược, tinh thần nhân văn, đề cao đạo lí, nhân nghĩa). Tuy nhiên hai bộ phận cũng có những đặc trưng riêng.
2. Văn học dân gian.
a). Đặc trưng cơ bản của văn học dân gian, thể loại.
- Đặc trưng:
+ Ra đời từ rất sớm, khi con người chưa có chữ viết. Là tiếng nói tình cảm, kết tinh trí tuệ chung của nhân dân được truyền từ đời này sang đời khác.
+ Mang tính tập thể, tính truyền miệng, tính thực hành.
+ Là cuốn “Bách khoa toàn thư” của cuộc sống lao động và tình cảm của nhân dân, có giá trị nhiều mặt.
+ Là một bộ phận quan trọng của nền văn học dân tộc, là cơ sở, nền tảng cho văn học viết hình thành và phát triển.
- Thể loại:
Các thể loại chính gồm thần thoại, sử thi, truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện cười, tục ngữ, câu đố, ca dao, truyện thơ... các loại hình diễn xướng như chèo, tuồng, dân ca...
b). Phân tích một số tác phẩm hoặc đoạn trích để minh họa các đặc điểm, nội dung và nghệ thuật của sử thi, truyền thhuyết, cổ tích, truyện thơ, truyện cười, ca dao, tục ngữ.
c). Kể lại một số truyện dân gian, đọc một số câu ca dao, tục ngữ.
3. Văn học viết Việt Nam gồm: Văn học từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX (văn học trung đại) và văn học từ đầu thế kỉ XX đến nay (văn học hiện đại).
a). Những nội dung lớn của văn học Việt Nam trong quá trình phát triển.
- Văn học viết ra đời khi đã có chữ viết, được lưu giữ bằng văn tự (chữ viết).
- Là những sáng tác của cá nhân nên mang dấu ấn phong cách của từng tác giả.
- Tuy ra đời muộn (khoảng thế kỷ X), song văn học viết trở thành bộ phận văn học chủ đạo, giữ vị trí thống trị trong nền văn học nước nhà.
b). Văn học viết Việt Nam phát triển trong sự ảnh hưởng qua lại với các yếu tố truyền thống dân tộc, tiếp biến văn học nước ngoài như thế nào? Nêu một số hiện tượng văn học để chứng minh.
- Văn học viết Việt Nam được xây dựng trên nền tảng của văn học và văn hóa dân gian Việt Nam. Các tác phẩm Quốc âm thi tập, Truyện Kiều, thơ Nôm... đều có yếu tố của tục ngữ, ca dao; Truyền kì mạn lục mang nhiều yếu tố của truyền thuyết, cổ tích thần kì...
- Văn học Việt Nam chịu ảnh hưởng trực tiếp văn học và văn hóa Trung Hoa. Phần lớn sáng tác thời phong kiến đều được viết bằng chữ Hán, theo các thể loại của văn học Hán như thơ Đường, tiểu thuyết chương hồi; các thể cáo, hịch, phú, ngâm khúc, kí sự... Các tác phẩm chữ Nôm cũng chịu ảnh hưởng về thể loại của văn học Trung Quốc như thơ Nôm Đường luật của Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan...
- Trong thời kì chuyển từ văn học cổ điển sang văn học hiện đại, văn học viết Việt Nam còn chịu ảnh hưởng của văn học phương Tây (văn học Pháp). Trong các sáng tác của các nhà thơ đã phá bỏ thể thơ Đường luật, đưa thơ tự do và các thể thơ phương Tây vào, tạo ra các thể loại thơ mới, với cách cảm thụ mới. Các tiểu thuyết, truyện ngắn, phóng sự... của Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Ngô Tất Tố... đều viết theo phong cách của văn học phương Tây.
c). Sự khác nhau giữa văn học trung đại và văn học hiện đại về ngôn ngữ và hệ thống thể loại?
- Văn học trung đại (thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX):
+ Chữ Hán là chữ viết chính thức; sử dụng nhiều điển cố, điển tích theo lối ước lệ, tượng trưng, thường xuyên sử dụng lối văn biền ngẫu trong diễn đạt.
+ Lấy các thể loại trong văn học Hán làm cơ bản: Thơ Đường luật, tiểu thuyết chương hồi, cáo, hịch...
- Văn học hiện đại từ đầu thế kỉ XX:
+ Viết bằng chữ quốc ngữ, lối diễn đạt trong sáng, giàu hình ảnh.
+ Xóa bỏ dần thơ Đường luật, thay bằng các thể thơ tự do; bỏ tiểu thuyết chương hồi, thay bằng tiểu thuyết hiện đại; bỏ các thể cáo, hịch, chiếu, chỉ dụ, văn tế, chuyển thành các dạng văn xuôi; các thể loại truyện ngắn, truyện vừa, kí, phóng sự, tùy bút ra đời và chiếm ưu thế...
4. Khái quát văn học viết Việt Nam.
a). Văn học viết Việt Nam (từ thế kỉ X - hết thế kỉ XIX) gồm những thành phần nào? Phát triển qua mấy giai đoạn? Những đặc điểm lớn về nội dung và nghệ thuật của văn học trung đại Việt Nam?
- Các thành phần của văn học viết trung đại Việt Nam gồm văn học viết bằng chữ Hán và văn học viết bằng chữ Nôm.
- Quá trình phát triển gồm 4 giai đoạn:
+ Từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIV.
+ Từ thế kỉ XV đến hết thế kỉ XVII.
+ Từ thế kỉ XVIII đến nửa đầu thế kỉ XIX.
+ Nửa cuối thế kỉ XIX.
- Những đặc điểm lớn về nội dung: Chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa nhân đạo, cảm hứng thế sự.
- Những đặc điểm lớn về nghệ thuật: Tính quy phạm (và sự phá vỡ tính quy phạm); khuynh hướng trang nhã (và xu hướng bình dị); tiếp thu và dân tộc hóa tinh hoa văn học nước ngoài.
b). Thống kê những thể loại đã học. Đặc điểm chủ yếu của một số thể loại tiêu biểu như chiếu, cáo, phú, thơ Đường luật, thơ Nôm Đường luật, ngâm khúc, hát nói.
- Các thể loại văn học trung đại:
+ Thơ Đường luật chữ Hán (Thuật hoài - Phạm Ngũ Lão).
+ Thơ Nôm Đường luật (Nhàn - Nguyễn Bỉnh Khiêm).
+ Thơ Nôm Đường luật sáng tạo: Thất ngôn xen lục ngôn (Cảnh ngày hè - Nguyễn Trãi).
+ Phú (Bạch Đằng giang phú - Trương Hán Siêu).
+ Cáo (Bình Ngô đại cáo - Nguyễn Trãi).
+ Tựa (tự) (Trích diễm thi tập - Hoàng Đức Lương).
+ Sử kí (Đại Việt sử kí toàn thư - Ngô Sĩ Liên).
+ Truyện truyền kì (Chinh phụ ngâm - Đặng Trần Côn).
+ Thơ Nôm lục bát, thơ Nôm song thất lục bát (bản dịch Chinh phụ ngâm).
- Đặc điểm chủ yếu:
+ Chiếu: Văn bản do nhà vua ban lệnh cho quần thần hoặc toàn thiên hạ yêu cầu thực hiện một công việc có ý nghĩa chính trị - xã hội.
+ Cáo: Văn bản của nhà vua nhằm tuyên bố trước nhân dân một vấn đề nào đó.
+ Phú: Văn viết theo luật riêng, thường có vần, nhịp và đối, dùng để miêu tả, ngâm, vịnh cảnh đẹp, nhân đó mà ca ngợi hay ngụ ý một vấn đề có tính xã hội hoặc triết lí.
+ Thơ Đường luật có niêm luật khắt khe, có nhiều loại: Thất ngôn, ngũ ngôn, thơ tháp tự... nhưng phổ biến nhất là thơ thất ngôn bát cú.
+ Thơ Nôm Đường luật: Thơ do người Việt vận dụng thơ Đường, sáng tác bằng chữ Nôm.
+ Ngâm khúc: Thơ dài (gần giống trường ca), có cốt truyện nhưng không thành truyện, thể hiện một nỗi niềm tâm sự của tác giả, thông qua một hình tượng văn học.
+ Hát nói: Thể loại dùng trong sân khấu (chèo), được diễn xuất bằng cách đọc (nói) có nhạc điệu, ngữ điệu nhưng không phải ngâm hay hát.
c). Một số tác giả, tác phẩm chủ yếu:
- Phạm Ngũ Lão - Thuật hoài (thể hiện khát vọng lập công vì nước trả nợ nam nhi).
- Nguyễn Trãi - Bình Ngô đại cáo (thay mặt Lê Lợi viết bài cáo, tuyên bố đại thắng quân Minh - một áng "thiên cổ hùng văn").
- Trương Hán Siêu - Bạch Đằng giang phú (hoài niệm về lịch sử oanh liệt, qua đó thể hiện tình yêu đất nước, niềm tự hào dân tộc...).
- Nguyễn Bỉnh Khiêm – Nhàn (thể hiện thú nhàn, quan niệm sống của người ẩn sĩ).
- Nguyễn Du - Độc Tiểu Thanh kí (nỗi đau trước số phận kẻ tài hoa bị vùi dập).
- Ngô Sĩ Liên - Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn (trích Đại Việt sử kí toàn thư), nội dung ca ngợi Trần Hưng Đạo văn võ toàn tài, trung quân ái quốc.
5. Hai nội dung lớn của văn học trung đại Việt Nam là chủ nghĩa yêu nước và nhân đạo.
a). Phân tích nội dung của chủ nghĩa yêu nước thể hiện qua các tác phẩm:
Chủ nghĩa yêu nước thời Lý - Trần gắn liền với tư tưởng trung quân ái quốc. Biểu hiện chủ yếu trên các phương diện:
- Ý thức độc lập, tự chủ, tự cường, tự tôn dân tộc (Sông núi nước Nam, Phú sông Bạch Đằng, Bình Ngô đại cáo).
- Lòng căm thù giặc, tinh thần quyết chiến quyết thắng kẻ thù xâm lược (Tỏ lòng, Bình Ngô đại cáo, Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn...).
- Tự hào trước chiến công thời đại, trước truyền thông lịch sử (Phú sông Bạch Đằng, Bình Ngô đại cáo...).
Ca ngợi và ghi nhớ công ơn những người đã hi sinh vì tổ quốc (Phú sông Bạch Đằng).
- Yêu thiên nhiên, cảnh đẹp đất nước (Cảnh ngày hè).
b). Chủ nghĩa nhân đạo.
Chủ nghĩa nhân đạo trong văn thơ trung đại thể hiện ở một số phương diện chính:
- Lòng thương cảm đối với số phận con người (Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm).
- Lên án, tố cáo những thế lực tàn bạo, chà đạp lên con người (Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, Chuyện chức phán sự đền Tản Viên...).
- Khẳng định, đề cao con người trên các mặt phẩm chất, tài năng, khái vọng chân chính... (Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm).
- Đề cao quan hệ đạo đức, đạo lí tốt đẹp giữa người với người… (Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm).
6. Phần văn học nước ngoài.
a). So sánh sự giống và khác nhau giữa sử thi Đăm Săn (Việt Nam) với Ô-đi-xê (Hi Lạp), Ra-ma-ya-na (Ấn Độ).
- Đăm Săn (Chiến thắng Mtao Mxây):
+ Đề tài: Chiến tranh mở rộng bộ lạc, bộ tộc.
+ Chủ đề: Ca ngợi người tù trưởng anh hùng.
+ Đặc điểm hình tượng: Người anh hùng có sức mạnh phi thường.
+ Vai trò của yếu tố kì ảo: Có yếu tố thần linh (Ông trời) phù trợ.
- Ô-đi-xê (Uy-lít-xơ trở về):
+ Đề tài: Ngày hội ngộ sau hai mươi năm xa cách do chiến trành và lưu lac.
+ Chủ đề: Ca ngợi sự thông minh, lòng chung thủy của người vợ Pê-lê-nốp.
+ Đặc điểm hình tượng: Nhân vật có mâu thuẫn nội tâm, nhưng nổi bật là lòng chung thủy và sự thông minh.
+ Vai trò của yếu tố kì ảo: Có thần linh nhưng không xuất hiện trực tiếp.
- Ra-ma-ya-na (Ra-ma buộc tội):
+ Đề tài: Danh dự và tình yêu.
+ Chủ đề: Đề cao danh dự con người.
+ Đặc điểm hình tượng: Nhân vật có vẻ đẹp rực rỡ vì lòng tự trọng.
+ Vai trò của yếu tố kì ảo: Thần lửa phù trợ.
b). Những đặc sắc của thơ Đường về nội dung và hình thức. So sánh thơ Đường với thơ Hai-cư.
- Thơ Đường:
+ Nội dung: Quan tâm đến hai đề tài chính là thiên nhiên và thế sự, qua đó bộc lộ tư tưởng nhân đạo, tư tưởng trung quân ái quốc, cùng với những tấm lòng vì nước vì dân...
+ Hình thức nghệ thuật: Thơ Đường có những quy định nghiêm ngặt về niêm, luật; nghệ thuật đối được đẩy lên mức độ cao nhất; từng là mẫu mực cho thơ phương Đông trong nhiều thế kỉ.
- Thơ Hai-cư:
+ Nội dung: Chỉ ghi lại một cảnh, vật đơn sơ, nhưng qua đó gợi cho người đọc liên tưởng, suy tư để tìm thấy một triết lí...
+ Hình thức nghệ thuật: Thơ Hai-cư dùng rất ít ngôn từ (khoảng 17 chữ), không tả mà chỉ gợi, dựa trên các phạm trù thẩm mĩ như: Vắng lặng, đơn sơ, u huyền, mềm mại, nhẹ nhàng... (thấm đẫm chất thiền tông).
c). Qua đoạn trích từ Tam quốc diễn nghĩa, nhận xét về lối kể chuyện và khắc họa tính cách nhân vật của tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc.
- Nghệ thuật kể chuyện hấp dẫn, giàu kịch tính.
+ Giả sử màn đoàn viên giữa hai anh em Quan Công - Trương Phi trong đoạn trích Hồi trống cổ thành diễn ra phẳng lặng thì không có chuyện gì để kể.
+ Với việc xây dựng tình huống hiểu lầm, cá tính nóng nảy và ương bướng của Trương Phi và quan trọng hơn, tình cảm giữa những anh hùng trượng nghĩa, cho nên kịch tính của màn đoàn viên vừa hài hước vừa xúc động, hấp dẫn người đọc.
- Nghệ thuật xây dựng nhân vật của Tam quốc diễn nghĩa cũng mang đậm tính cổ điển, tính cách các nhân vật thường được đẩy tới những thái cực, với các mặt tương phản rõ rệt. Chính vì vậy, cá tính của Trương Phi, Vân Trường đều được khắc họa rất nổi bật.
7. Phần lí luận văn học.
a). Những tiêu chí chủ yếu của văn bản văn học là gì?
- Văn bản phản ánh và khám phá cuộc sống, bồi dưỡng tư tưởng và tâm hồn, thỏa mãn nhu cầu thẩm mĩ của con người.
- Ngôn từ trong văn bản có nhiều tìm tòi, sáng tạo, có hình tượng mang hàm nghĩa sâu sắc, phong phú.
- Văn bản được viết theo một thể loại nhất định với những quy ước thẩm mĩ riêng: Truyện, thơ, kịch...
b). Nêu những tầng cấu trúc của văn bản văn học:
Văn bản văn học gồm nhiều tầng cấu trúc: Ngôn ngữ, hình tượng, hàm nghĩa (các lớp nghĩa hàm ẩn, đề tài, chủ đề, phong cách nhà văn...).
c). Khái niệm thuộc về nội dung và những khái niệm thuộc về hình thức của văn bản văn học. Cho một ví dụ để làm sáng tỏ.
- Các khái niệm thuộc nội dung của văn bản văn học:
+ Đề tài: Phạm vi hiện thực cuộc sống mà tác phẩm đề cập (ví dụ đề tài nông thôn, thành thị...).
+ Chủ đề (tư tưởng - chủ đề) là vấn đề mà tác phẩm trực tiếp đặt ra trong tác phẩm, ví dụ bài thơ Cảnh ngày hè của Nguyễn Trãi có chủ đề là "ca ngợi cuộc sống thái bình".
+ Cảm hứng chủ đạo là cảm hứng xuyên suốt bài thơ. Ví dụ bài Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão có cảm hứng chủ đạo là "khát vọng lập công vì nước, trả nợ tang bồng".
- Những khái niệm thuộc hình thức:
+ Ngôn từ: Bao gồm các đơn vị, âm thanh, từ, ngữ và câu. Ý nghĩa do các đơn vị ngôn từ trực tiếp biểu thị hay gợi ra là chất liệu quan trọng nhất để xây dựng hình tượng trong tác phẩm.
+ Kết cấu: Là mối quan hệ giữa các yếu tố cấu thành tác phẩm, các yếu tố đó thường được sắp xếp một cách nghệ thuật. Ví dụ các bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật thường kết cấu theo mẫu: Đề - Thực - Luận - Kết.
+ Thể loại: Là những thể thức sáng tạo mang những đặc điểm riêng của mỗi loại. Ví dụ thể thơ thất ngôn Đường luật, thể lục bát, thể phú, hịch, cáo... Tác phẩm Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi thuộc thể cáo, bài Bạch Đằng giang phú của Trương Hán Siêu thuộc thể phú.
d). Quan hệ giữa nội dung và hình thức của văn bản văn học. Cho một số ví dụ.
Nội dung và hình thức của văn bản văn học có quan hệ gắn bó hữu cơ. Khi nói ngôn từ là lớp vỏ của tác phẩm, thuộc hình thức, nhưng ý nghĩa của nó, tất cả những nội dung hàm ẩn đều do ngôn từ gợi nên; do đó khó có thể tách bạch hình thức, nội dung của tác phẩm văn học.
Từ khóa » Bài Thơ Nôm đường Luật Lớp 10
-
Học Tốt Ngữ Văn - Sách Giải Văn - Soạn Văn Lớp 10 Bài Tổng Kết ...
-
Dạy đọc Hiểu Thơ Nôm Đường Luật Trong Chương Trình Ngữ Văn Lớp 10
-
Soạn Văn 10: Tổng Kết Phần Văn Học
-
3 Thơ Nôm Đường Luật - Tài Liệu Text - 123doc
-
Thơ Lớp 10 Hay Nhất ❤️ Tuyển Tập Bài Thơ Lớp Mười - SCR.VN
-
Thơ Nôm Đường Luật.pdf (.docx) | Tải Miễn Phí
-
Chuyên đề: " Hướng Dẫn Học Sinh Khai Thác Văn Bản Thơ Nôm ...
-
[PDF] 108 - Thơ Nôm đường Luật - Thể Loại Văn Học Việt Nam được Tiếp Biến ...
-
THƠ NÔM ĐƯỜNG LUẬT (Một Thể Thơ Sáng... - Quà Tặng Văn Học
-
Dạy Học Các Bài Thơ Nôm đường Luật Trong Sách Giáo Khoa Ngữ Văn ...
-
Thơ Trong Sách Ngữ Văn 10 | .vn
-
Soạn Bài Tri Thức Ngữ Văn Lớp 10 Trang 43 Tập 1 - Cánh Diều
-
Khái Quát Văn Học Việt Nam Từ Thế Kỉ X đến Hết Thế Kỉ XIX - SureTEST
-
Soạn Bài Nói Và Nghe Trình Bày Báo Cáo Kết Quả Nghiên Cứu ...