Tổng Phân Tích Tế Bào Máu Ngoại Vi Là Gì?

1. Tổng phân tích tế bào máu ngoại vi là gì?

Tổng phân tích tế bào máu ngoại vi hay xét nghiệm công thức máu toàn bộ (CBC) là một xét nghiệm máu thường quy được sử dụng rất nhiều trong y khoa để đo các thành phần và đặc điểm của máu, bao gồm tế bào hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu. Xét nghiệm này giúp phát hiện bất thường về tế bào máu, đánh giá tình trạng thiếu máu, nhiễm trùng và rối loạn đông máu. Trước đây công thức máu được thực hiện bằng dụng cụ đếm tay để xác định số lượng từng loại tế bào máu. Hiện nay, xét nghiệm này đã trở nên đơn giản hơn nhờ máy đếm laser tự động.

Xét nghiệm công thức máu toàn bộ bằng máy đếm laser

2. Khi nào cần thực hiện tổng phân tích tế bào máu ngoại vi?

Tổng phân tích tế bào máu ngoại vi thường được thực hiện cùng với xét nghiệm khác để:

- Đánh giá sức khỏe tổng thể: Xét nghiệm công thức máu được đưa vào gói khám sức khỏe tổng quát để kiểm tra sức khỏe định kỳ.

- Chẩn đoán bệnh lý: Tìm kiếm nguyên nhân gây ra các triệu chứng bệnh lý thực thể.

- Theo dõi một số tình trạng bệnh lý: Theo dõi tình trạng và tiến triển của một số bệnh lý đã được chẩn đoán có ảnh hưởng đến tế bào máu.

- Theo dõi quá trình điều trị bệnh: Đánh giá hiệu quả điều trị và ảnh hưởng của thuốc đến tế bào máu.

3. Các chỉ số tế bào máu trong tổng phân tích tế bào máu ngoại vi

Một số chỉ số tế bào máu được xác định qua tổng phân tích tế bào máu ngoại vi là:

Hồng cầu

- Số lượng hồng cầu trong một thể tích máu (RBC).

- Nồng độ huyết sắc tố (hemoglobin) trong máu (HGB).

- Dung tích hồng cầu (HCT).

- Các chỉ số hồng cầu: Thể tích trung bình hồng cầu (MCV), nồng độ hemoglobin trung bình trong một thể tích máu (MCHC), lượng hemoglobin trung bình trong một hồng cầu (MCH), độ phân bố hồng cầu (RDW).

Các chỉ số trên cho biết tình trạng hồng cầu của một người, chẩn đoán và đánh giá mức độ thiếu máu, gợi ý bệnh lý thiếu máu và nguyên nhân gây thiếu máu. Bạch cầu

- Số lượng bạch cầu trong một thể tích máu (WBC).

- Công thức bạch cầu: bạch cầu trung tính (NEUT), bạch cầu lympho (LYM), bạch cầu mono (MONO), bạch cầu đa nhân ưa axit (EOS), bạch cầu đa nhân ưa kiềm (BASO).

Các chỉ số bạch cầu gợi ý một số bệnh như: bệnh bạch cầu (leukemia), ung thư hạch bạch huyết (lymphoma), nhiễm khuẩn, nhiễm ký sinh trùng, nhiễm nấm, bệnh tăng sinh hạch bạch huyết khác…

Tiểu cầu

-Số lượng tiểu cầu trong một thể tích máu (PLT).

-Thể tích trung bình của tiểu cầu (MPV).

Rối loạn tiểu cầu gợi ý đến tình trạng rối loạn tăng sinh tủy, rối loạn đông máu, giảm tiểu cầu do nhiễm trùng hay nguyên nhân khác.

Ngoài ra, các chỉ số hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu còn gợi ý một số bệnh lý khác về gan, thận, suy giáp…

4. Kết quả tổng phân tích tế bào máu ngoại vi bình thường là gì?

Các thành phần của máu

Máu bình thường là khi máu chứa đủ số lượng các tế bào hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu và các tế bào này có hình dạng bình thường. Máu bất thường là khi tế bào trong máu có kích thước, hình dạng, màu sắc hoặc số lượng bất thường.

Phạm vi chỉ số bình thường của công thức máu có thể khác nhau tùy theo phương pháp phân tích mẫu máu ở mỗi phòng xét nghiệm, theo lứa tuổi, giới tính, chủng tộc. Ví dụ như kết quả công thức máu bình thường ở người trưởng thành tại Việt Nam là:

- Số lượng hồng cầu: 3.8-5.5 T/L

- Hemoglobin: 120-175 g/L

- Hematocrit: 0.35-0.53 L/L

- Số lượng bạch cầu: 4-10 G/L

- Số lượng tiểu cầu: 150-450 G/L

Công thức máu chỉ giúp định hướng, gợi ý về bệnh lý hoặc nguyên nhân gây bệnh. Chỉ riêng công thức máu không thể đưa ra chẩn đoán xác định. Do đó, kết quả xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu ngoại vi phải do bác sĩ thực hiện và phân tích dựa trên việc tổng hợp các kết quả xét nghiệm khác.

5. Tổng phân tích tế bào máu ngoại vi được thực hiện như thế nào?

Xét nghiệm công thức máu toàn bộ là một xét nghiệm đơn giản, dễ thực hiện. Mẫu máu được lấy từ tĩnh mạch cánh tay hoặc bàn tay, sau đó được phân tích tại phòng thí nghiệm. Kết quả thường được trả trong vòng 2 giờ sau khi lấy máu.

Bệnh nhân không cần nhịn ăn nếu chỉ thực hiện riêng xét nghiệm này. Nếu xét nghiệm công thức máu được thực hiện chung với các xét nghiệm sinh hóa hoặc miễn dịch khác thì cần nhịn ăn theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

Từ khóa » Chỉ Số Gr Trong Máu