Tổng Quan Chung Về Học Viện An Ninh Nhân Dân, 75 Năm Xây Dựng ...
Có thể bạn quan tâm
I. GIỚI THIỆU CHUNG
Học viện An ninh nhân dân (ANND) ngày nay là cơ sở đào tạo đầu tiên của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam (CAND), được thành lập ngày 25 tháng 6 năm 1946 với tên gọi Trường Huấn luyện Công an. Trải qua các giai đoạn với nhiều tên gọi khác nhau, song với tên gọi thân thương, gần gũi - Trường C500 - Ngôi trường danh tiếng đã khắc sâu trong tâm trí của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, giảng viên, công nhân viên và học viên đã từng học tập, công tác tại Trường.
Học viện ANND trực thuộc Bộ Công an, là cơ sở giáo dục đại học công lập trong hệ thống giáo dục quốc dân, đào tạo đa ngành, có nhiệm vụ đào tạo cán bộ có trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và nâng cao. Từ đào tạo một ngành nghiệp vụ, đến nay Học viện đã tổ chức tuyển sinh, đào tạo 53 khoá đại học hệ chính quy và 128 khoá đại học thuộc các loại hình đào tạo khác với 66.287 học viên; 29 khoá đào tạo trình độ thạc sĩ với 3.740 học viên; 25 khoá đào tạo trình độ tiến sĩ với 530 nghiên cứu sinh. Học viện đã, đang ngày càng mở rộng, phát triển, hoàn thiện đào tạo theo hướng đa ngành và chuyên sâu với 10 ngành, 12 chuyên ngành ở trình độ đại học; 04 ngành, chuyên ngành ở trình độ thạc sĩ; 02 ngành, chuyên ngành ở trình độ tiến sĩ. Bên cạnh những ngành, chuyên ngành nghiệp vụ truyền thống, Học viện còn là một trong ba đơn vị của lực lượng CAND được đào tạo trình độ Cao cấp lý luận chính trị.
Trong quá trình phát triển, Học viện không chỉ cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Công an mà còn đào tạo, bồi dưỡng hàng ngàn cán bộ cho lực lượng An ninh quân đội, Bộ đội Biên phòng và các lực lượng thuộc khối nội chính như: Tòa án, Viện Kiểm sát, Hải quan, Kiểm lâm, Cảnh sát biển… góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong các giai đoạn Cách mạng, đảm bảo an ninh tại các vùng trọng điểm, chiến lược của Tổ quốc. Đặc biệt, Học viện còn đào tạo cán bộ cho Bộ Công an nước Cộng hoà Dân chủ nhân dân Lào, Bộ Nội vụ Vương quốc Campuchia, góp phần thắt chặt tình hữu nghị, hợp tác quốc tế.
Bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, Học viện là đơn vị duy nhất được Bộ Công an giao nhiệm vụ tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chỉ huy cấp cao là Cục trưởng, Giám đốc trong CAND; là nơi đào tạo hàng trăm khoá học ngắn hạn với hàng vạn cán bộ công an chi viện cho hai cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ, chi viện cho các chiến trường B, C, K, góp phần quan trọng trực tiếp vào thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; là đơn vị chủ lực đào tạo cán bộ công an tham gia chiến đấu bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ kháng chiến chống Đế quốc Mỹ, bảo vệ an ninh quốc gia trong thời kỳ đất nước thống nhất, đổi mới và hội nhập quốc tế;
Với vai trò là trung tâm nghiên cứu khoa học hàng đầu của ngành Công an, Học viện giữ vai trò nòng cốt cho sự phát triển hệ thống của lý luận nghiệp vụ An ninh. Hiện nay, với nguồn nhân lực chất lượng cao trong hệ thống giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học của ngành Công an, với 03 Nhà giáo Nhân dân, 07 Nhà giáo Ưu tú, 05 Giáo sư, 24 Phó Giáo sư, 136Tiến sĩ, 386Thạc sĩ, 247 đại học, Học viện đã chủ trì thực hiện nghiên cứu hàng ngàn công trình khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp cơ sở, chuyên đề lý luận cấp Tiểu ban, Hội đồng và xây dựng, hoàn thiện hệ thống giáo trình, tài liệu dạy học ở các trình độ.
Trải qua 78 năm xây dựng và phát triển, Học viện đã được Đảng, Nhà nước, nhân dân ghi nhận đánh giá cao thông qua đội ngũ cán bộ được đào tạo tại Học viện, trong đó có nhiều cựu học viên đã nỗ lực phấn đấu đạt nhiều thành tích trong công tác, chiến đấu được bổ nhiệm, giữ các trọng trách của Đảng, Nhà nước và ngành Công an; hàng trăm cựu học viên đã được Nhà nước phong quân hàm cấp Tướng, danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Từ một Trường Huấn luyện Công an, đến nay Học viện ANND đã vươn lên trở thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm của ngành Công an; là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học uy tín của cả nước; đối tác, mạng lưới và quan hệ đối ngoại của Học viện phát triển cả về quy mô và số lượng, đa dạng về loại hình, tính đến thời điểm hiện tại, Học viện có mạng lưới và quan hệ đối ngoại lên đến con số 14 nước, bao gồm: Lào, Campuchia, Liên bang Nga, Mỹ, New Zealand, Úc, Singapore, Đức, Bangladesh, Bungari, Mông Cổ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Israel với 23 đối tác song phương (là các cơ sở giáo dục đại học và các tổ chức hợp tác thuộc các nước); là đầu mối chủ chốt trong Bộ Công an tổ chức các hoạt động hợp tác đào tạo, trao đổi học thuật, nghiên cứu khoa học với các hiệp hội quốc tế như: ASEANPOL, INTERPOL; là thành viên thứ 53 của Hiệp hội các trường đào tạo cảnh sát quốc tế (INTERPA).
Phát huy truyền thống đơn vị 2 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Học viện đã và đang không ngừng nỗ lực phấn đấu, đổi mới toàn diện mọi mặt công tác để xây dựng Học viện ANND trở thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia vào năm 2025, khẳng định chất lượng đầu ra đạt chuẩn quốc tế và khu vực, đáp ứng mục tiêu đào tạo lực lượng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, xứng đáng với niềm tin, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an và của nhân dân.
II. TÊN TRƯỜNG QUA CÁC THỜI KỲ
STT | Tên gọi | Cơ quan quyết định | Nơi đóng quân |
1 | Truờng Huấn luyện Công an (1946-1949) | Nghị định số 215/NV-P2 của Bộ Nội vụ ngày 25/6/1946 | Số 15, phố Trần Bình Trọng, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội. Sau chuyển đến tỉnh Thái Nguyên, tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Yên Bái, tỉnh Tuyên Quang |
2 | Trường Công an Trung cấp (1949-1953) | Nghị định số 385/NV-P2 của Bộ Nội vụ ngày 31/12/1949 | Khu vực Mỏ Giát, cầu Bì, xã Tú Thịnh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang (nay là thôn Tân Thái, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) |
3 | Trường Công an Trung ương (1953-1974) | Nghị định số 74/NĐ-CA của Thứ trưởng Bộ Công an ngày 13/5/1953 | Thôn Phai Cống, xã Xuân Quang, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang. Năm 1954 chuyển về Thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Đông (nay quận Hà Đông, thành phố Hà Nội) |
4 | Trường Sỹ quan An ninh (1974-1981) | Quyết định số 2359/TCCB của Bộ trưởng Bộ Công an ngày 30/12/1974 | Quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội |
5 | Trường Đại học An ninh nhân dân (1981-2001) | Quyết định số 13/QĐ-BNV của Bộ trưởng Bộ Nội vụ ngày 18/6/1981 | Quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội |
6 | Học viện An ninh nhân dân (2001 - nay) | Quyết định số 967/2001/QĐ-BCA (X13) của Bộ trưởng Bộ Công anngày 02/10/2001 | Số 125 Trần Phú, phường Văn Quán, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội (địa điểm hiện nay) |
III. SỰ QUAN TÂM CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH, CỦA LÃNH ĐẠO ĐẢNG, NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI SỰ NGHIỆP GIÁO DỤC ĐÀO TẠO
CỦA NHÀ TRƯỜNG
Trong 78 năm qua, Học viện ANND luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo Bộ Công an
Học viện vinh dự được 8 lần Bác Hồ về thăm và làm việc
STT | Thời gian | Sự kiện | Nơi đóng quân |
1 | 23/10/1946 | Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm lớp Huấn luyện Công an trung cấp (khoá II), Trường Huấn luyện Công an | Số 15 phố Trần Bình Trọng, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội |
2 | 28/4/1950 | Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với Lớp Tổng phản công I, (lớp huấn luyện Công an trung cấp khoá VII), Trường Công an trung cấp | Khu vực Mỏ Giát, Cầu Bì, xã Tú Thịnh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang (nay là thôn Tân Thái, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) |
3 | 01/1951 | Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với Lớp Tổng phản công II, (lớp huấn luyện Công an trung cấp khoá VIII), Trường Công an trung cấp | Thôn Vĩnh Khoái, xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang (nay thuộc thôn Khuôn Khoai xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang) |
4 | 12/01/1958 | Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Trường nói chuyện với Hội nghị cán bộ tham gia chống hạn của tỉnh Hà Đông tổ chức tại Trường Công an Trung ương | Thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Đông (nay là quận Hà Đông, thành phố Hà Nội) |
5 | 28/01/1958 | Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Trường và nói chuyện với lớp Nghiên cứu I và Bổ túc VI, Trường Công an Trung ương | Thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Đông (nay là quận Hà Đông, thành phố Hà Nội) |
6 | 16/ 5/1959 | Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Trường và nói chuyện với Lớp chỉnh huấn khoá II (Công an nhân dân vũ trang) do Bộ Công an tổ chức tại Trường Công an Trung ương | Thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Đông (nay là quận Hà Đông, thành phố Hà Nội) |
7 | 15/01/1960 | Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Trường và nói chuyện với Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 14 của Bộ Công an tổ chức tại Trường Công an Trung ương | Nay là quận Hà Đông, thành phố Hà Nội |
8 | 29/4/1963 | Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Trường và nói chuyện với Hội nghị cán bộ ngành Công an học tập ba chuyên đề do Bộ Công an tổ chức tại Trường Công an Trung ương | Nay là quận Hà Đông, thành phố Hà Nội |
Trong giai đoạn 2010 đến nay, Học viện đã vinh dự được đón các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước tới thăm và làm việc
- Ngày 11/11/2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới dự Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống và trao Huân chương Sao vàng - phần thưởng cao quý nhất của Đảng, Nhà nước trao tặng cho Học viện;
- Ngày 19/02/2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới thăm và chúc Tết cán bộ, giảng viên, công nhân viên và học viên Học viện nhân dịp năm mới Giáp Ngọ 2014;
- Ngày 17/10/2014, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới thăm và dự Lễ Khai giảng năm học mới 2014 - 2015 của Học viện;
- Ngày 29/6/2015, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tới dự Lễ kỷ niệm 69 năm Ngày truyền thống và trao tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước cho Học viện;
- Ngày 24/6/2016, Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới dự Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống và trao Huân chương Quân công hạng Nhất cho Học viện;
- Ngày 18/11/2016, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân tới dự Lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2016 tại Học viện.
- Ngày 25/10/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới dự Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống, trao Huân chương Chiến công hạng Nhất cho Học viện và dự Lễ Khai giảng năm học mới 2021 - 2022.
IV. HIỆU TRƯỞNG NHÀ TRƯỜNG, GIÁM ĐỐC HỌC VIỆN QUA CÁC THỜI KỲ
Stt | Họ và tên | Thời gian giữ chức vụ | |
Từ năm | Đến năm | ||
1 | Đ/c Lê Giản, Hiệu trưởng (1913-2003) | 1946 | 1953 |
2 | Đ/c Trần Quốc Hoàn, Hiệu trưởng (1916-1986) | 1953 | 1962 |
3 | Đ/c Phạm Văn Nghi, Hiệu trưởng (1909-1983) | 1962 | 1974 |
4 | Đ/c Hoàng Mai, Hiệu trưởng (1922-2004) | 1974 | 1978 |
5 | Đ/c Phạm Tâm Long, Hiệu trưởng (1928 - 2020) | 1978 | 1981 |
6 | Đ/c Quách Văn Hựu, Hiệu trưởng (1927-2004) | 1981 | 1992 |
7 | Đ/c Phạm Gia Trúc, Hiệu trưởng | 1992 | 1999 |
8 | Đ/c Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc (1947 - 2012) | 1999 | 2007 |
9 | Đ/c Nguyễn Ngọc Thái, Giám đốc (1953 -2009) | 2007 | 2009 |
10 | Đ/c Phan Đức Dư, Giám đốc | 2010 | 2012 |
11 | Đ/c Nguyễn Văn Ngọc, Giám đốc | 2012 | 2018 |
12 | Đ/c Lê Văn Thắng, Giám đốc | 2018 | 2023 |
13 | Đ/c Trịnh Ngọc Quyên, Giám đốc | 2023 | đến nay |
Liên tục 16 năm, từ 1946 đến 1962, người đứng đầu ngành Công an trực tiếp làm Hiệu trưởng Nhà Trường: Đồng chí Lê Giản - Tổng Giám đốc Nha Công an Trung ương (1946 - 1952) và đồng chí Trần Quốc Hoàn - Bộ trưởng Bộ Công an (1952 - 1962)
V. BAN GIÁM ĐỐC HỌC VIỆN AN NINH NHÂN DÂN HIỆN NAY
Stt | Họ tên | Chức vụ | Học hàm, học vị | Năm đảm nhiệm |
1 | Thiếu tướng Trịnh Ngọc Quyên | Bí thư Đảng ủy, Giám đốc | PGS.TS | 2023 |
2 | Thiếu tướng Trần Anh Vũ | Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc | PGS.TS | 2020 |
3 | Thiếu tướng Trần Kim Hải | Phó Giám đốc | TS | 2020 |
4 | Đại tá Nguyễn Trường Thọ | Phó Giám đốc | GS.TS | 2020 |
5 | Đại tá Nguyễn Văn Thiết | Phó Giám đốc | TS | 2022 |
VI. CÁC PHẦN THƯỞNG CAO QUÝ CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC TRAO TẶNG HỌC VIỆN AN NINH NHÂN DÂN
Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, Học viện ANND đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương, danh hiệu cao quý
Stt | Năm | Phần thưởng |
1 | 1975 | Huân chương Chiến công hạng Nhì |
2 | 1985 | Huân chương Quân công hạng Nhì |
3 | 1989 | Huân chương Độc lập hạng Nhì |
4 | 1996 | Huân chương Hồ Chí Minh và Huân chương Quân công hạng Nhì |
5 | 1998 | Huân chương Lao động hạng Nhất của nước CHDCND Lào |
6 | 2001 | Danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới”; Huân chương Chiến công hạng Ba; Huân chương Lao động hạng Ba |
7 | 2005 | Huân chương Hữu nghị của nước CHDCND Lào |
8 | 2006 | Huân chương Hồ Chí Minh (lần thứ hai) |
9 | 2010 | Huân chương Lao động hạng Ba |
10 | 2011 | Huân chương Sao vàng |
11 | 2015 | Danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước” |
12 | 2016 | Huân chương Quân công hạng Nhất |
13 | 2021 | Huân chương Chiến công hạng Nhất |
14 | 2023 | Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba |
VII. HỢP TÁC ĐÀO TẠO
Trong 78 năm xây dựng và phát triển, Học viện An ninh nhân dân đã khẳng định uy tín, chất lượng và vị thế trong hệ thống các cơ sở giáo dục đại học trong Công an nhân dân nói riêng và trong hệ thống giáo dục quốc dân nói chung.
Hợp tác đào tạo với vai trò là một bộ phận cấu thành của nền giáo dục hiện đại, bên cạnh việc phát huy tốt mối quan hệ phối hợp, liên kết tổ chức đào tạo với Công an các đơn vị, địa phương, Học viện luôn chú trọng mở rộng quan hệ hợp tác, liên kết với các cơ sở đào tạo trong và ngoài ngành Công an; đồng thời, duy trì và thực hiện có hiệu quả việc trao đổi hợp tác, gửi cán bộ, học viên đào tạo tại các cơ sở đào tạo đại học khác như: Học viện Quân y, Học viện Kỹ thuật Mật mã, Đại học Bách khoa Hà Nội.
Đối với lĩnh vực hợp tác quốc tế: Học viện có mạng lưới hợp tác quốc tế sâu rộng, đồng thời xây dựng môi trường quốc tế hoá cao, luôn chú trọng các đối tác truyền thống, Học viện đã tăng cường mở rộng hợp tác với các cơ sở giáo dục đại học uy tín trên thế giới và các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực an ninh, cảnh sát, nâng cao khả năng sáng tạo và phát triển bền vững của Học viện.
Chương trình hợp tác với các cơ sở giáo dục đại học quốc tế sẽ được mở rộng, đa dạng hóa phù hợp với điều kiện thực tế, thế mạnh và đặc thù đào tạo của Học viện. Trong đó, Học viện hướng tới những hoạt động hợp tác, trao đổi nghiên cứu học thuật, trao đổi giảng viên và học viên với các cơ sở giáo dục đại học có chuyên ngành đào tạo về nghiên cứu những vấn đề an ninh, tội phạm học, công nghệ thông tin, luật: Học viện An ninh Liên Bang Nga (FSB), Học viện FBI Hoa Kỳ, Đại học Cảnh sát quốc gia Hàn Quốc…
Thúc đẩy tạo mối liên kết, hợp tác với các tổ chức quốc tế như: Hiệp hội các cơ sở đào tạo an ninh, cảnh sát quốc tế (Interpa), lực lượng cảnh sát các nước Đông Nam Á (ASEANPOL), lực lượng cảnh sát Liên Hợp Quốc (UNPOL), Cơ quan Điều tra Liên Bang Hoa Kỳ (FBI), lực lượng Cảnh sát Liên Bang Úc (AFP), trung tâm phòng chống tội phạm xuyên quốc gia Việt - Úc (JTCC). Thông qua các mối quan hệ hợp tác, Học viện phối hợp với đối tác tổ chức các hội thảo trao đổi kinh nghiệm thực tiễn, các khóa học bồi dưỡng ngắn hạn cho giảng viên, học viên của Học viện cũng như cán bộ Công an các đơn vị, địa phương.
Qua hoạt động mở rộng hợp tác với các cơ sở giáo dục đại học uy tín trên thế giới và các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực an ninh, cảnh sát sẽ khẳng định vị thế của Học viện và nâng tầm phát triển của Học viện ra khu vực và thế giới.
VIII. CƠ SỞ VẬT CHẤT
Học viện An ninh nhân dân có trụ sở tại địa chỉ 125 Trần Phú, phường Văn Quán, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội với diện tích là 13 ha gồm các khu nhà hành chính, hệ thống giảng đường, thư viện, khu giáo dục thể chất - huấn luyện nghiệp vụ, khu ký túc xá. Cụ thể: có 93 phòng học lý thuyết với quy mô từ 15 đến 200 chỗ ngồi được trang bị các phương tiện giảng dạy hiện đại; 09 phòng học thông minh đa phương tiện đồng bộ phù hợp với chương trình đào tạo Học viện đang áp dụng; hệ thống Thư viện hiện đại với hơn 17.000 đầu sách, được trang bị thiết bị hạ tầng thông tin đồng bộ, có hệ thống phòng đọc, phòng tra cứu Internet và thư viện điện tử với hơn 3.000 đầu sách tài liệu điện tử, nhiều cơ sở dữ liệu giáo trình, tài liệu, máy chủ và máy trạm khai thác dữ liệu trực tuyến trên Internet.
IX. SỨ MẠNG, TẦM NHÌN, MỤC TIÊU, GIÁ TRỊ VĂN HÓA VÀ TRIẾT LÝ GIÁO DỤC, ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN
Xây dựng và phát triển Học viện ANND trong giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng 2030 thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho lực lượng CAND đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp bảo vệ ANQG và đảm bảo TTATXH trong bối cảnh Cách mạnh công nghiệp 4.0, góp phần vào sự nghiệp xây dựng lực lượng CAND cách mạng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại vào năm 2030, Học viện đang tiếp tục phấn đấu với các định hướng phát triển trọng tâm sau:
1. Sứ mạng
Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, tiên phong trong nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, xây dựng và phát triển lý luận khoa học an ninh; làm nòng cốt cho sự phát triển của hệ thống các cơ sở giáo dục trong Công an nhân dân; tham mưu chiến lược về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và xây dựng lực lượng Công an nhân dân.
2. Tầm nhìn
Xây dựng Học viện An ninh nhân dân đến năm 2030, tầm nhìn 2045 trở thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia, có uy tín trong khu vực và quốc tế; cung cấp nguồn nhân lực và các sản phẩm khoa học chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và xây dựng lực lượng Công an nhân dân.
3. Mục tiêu
Xây dựng Học viện An ninh nhân dân đến năm 2030 trở thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia theo tiêu chuẩn quốc tế, được xếp hạng trong số 100 trường đại học tốt nhất khu vực ASEAN.
4. Giá trị văn hóa
Truyền thống - Kỷ cương - Chất lượng - Đổi mới - Phát triển.
5. Triết lý giáo dục
Bản lĩnh vững vàng, tư duy sắc bén, tầm nhìn rộng mở, vì nước quên thân, vì dân phục vụ.
6. Về đào tạo và bồi dưỡng
- Học viện tiên phong đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực tài năng, chất lượng cao, đổi mới sáng tạo trong quản lý đạt chất lượng tốt đáp ứng yêu cầu của Bộ Công an, đặc biệt là yêu cầu nhân lực cho cuộc Cách mạng 4.0 và bối cảnh chuyển đổi số;
- Tiếp tục đổi mới mục tiêu, chương trình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với yêu cầu của xã hội và đáp ứng kiểm định chất lượng giáo dục quốc tế; rà soát, điều chỉnh chuẩn đầu ra các ngành, chuyên ngành đào tạo ở các trình độ theo hướng cập nhật, bổ sung những kiến thức, kỹ năng mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn chiến đấu của lực lượng Công an. Chương trình đào tạo trình độ đại học đổi mới theo hướng điều chỉnh lại cấu trúc, phân bổ các khối kiến thức cho phù hợp với tình hình thực tiễn, đáp ứng yêu cầu công tác Công an trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 nói chung và yêu cầu chuyển đổi số nói riêng;
- Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Công an các đơn vị, địa phương sơ kết, rà soát, đánh giá về ngành, chuyên ngành đào tạo để có đẩy đủ các căn cứ lý luận, thực tiễn, từ đó chủ động tham mưu, đề xuất với lãnh đạo Bộ Công an về điều chỉnh ngành, chuyên ngành hiện đang đào tạo;
- Đề xuất mở chuyên ngành mới đáp ứng phát triển của lý luận và đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn công tác Công an, phù hợp với yêu cầu sử dụng cán bộ của ngành Công an trong tình hình mới.
7. Về khảo thí, kiểm định và đối sánh chất lượng đào tạo
- Học viện thực hiện tốt công tác khảo thí và đảm bảo chất lượng giáo dục đại học theo quy định;
- Xây dựng quy trình quản lý thi, đánh giá chất lượng giáo dục đại học thông qua hoạt động chuyển đổi số đạt chuẩn khu vực và quốc tế;
- Xây dựng bộ tiêu chuẩn và các tiêu chí của mô hình đại học thông minh theo hướng tiếp cận đảm bảo chất lượng giáo dục và xếp hạng đại học, đối sánh với các trường đại học tiên tiến trên thế giới.
8. Về khoa học và công nghệ
- Phát triển Viện nghiên cứu và các nhóm nghiên cứu khoa học mạnh, đủ năng lực đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ khoa học công nghệ;
- Quản lý, triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ khoa học, trong đó tập trung nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu, hướng tới các công bố khoa học đạt chuẩn quốc tế, với nhiều bài báo khoa học được đăng trên các nhóm Khoa học SCI (Science Citation Index), nhóm Khoa học Xã hội SSCI (Social Sciences Citation Index); các tạp chí, nhà xuất bản Quốc tế nằm trong danh mục xét chọn của Viện Thông tin khoa học ISI, Hoa Kỳ (Institute for Scientific Information); Scopus - Nhà xuất bản Elsevier, Hà Lan;
- Phát triển các sản phẩm khoa học công nghệ mang tính ứng dụng cao. Các công trình nghiên cứu có giá trị khoa học góp phần gia tăng tiềm lực khoa học và công nghệ của Học viện. Đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển các phần mềm phục vụ yêu cầu chuyển đổi số, đáp ứng cuộc Cách mạng 4.0 cho Học viện, Ngành và xã hội.
9. Về nguồn nhân lực và quản trị đại học
- Hoàn thiện bộ máy tổ chức tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả;
- Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao với quy mô và cơ cấu phù hợp, trong đó tập trung xây dựng quy hoạch dự kiến phân bổ cử đi đào tạo, bồi dưỡng từng năm và quy hoạch xây dựng, phát triển đội ngũ Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, ưu tiên quan tâm tạo điều kiện cho giảng viên trẻ đi học tập nâng cao trình độ; phát triển đội ngũ cán bộ chuyên trách nghiên cứu khoa học góp phần hoàn thiện hệ thống lý luận nghiệp vụ An ninh về bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội và xây dựng lực lượng CAND trong tình hình mới;
- Thực hiện mục tiêu đến năm 2025, Học viện có khoảng 300 cán bộ, giảng viên có trình độ tiến sĩ và tỷ lệ giảng viên có chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư không thấp hơn 20% tổng số giảng viên cơ hữu có trình độ Tiến sĩ của Học viện; 90% giảng viên nghiệp vụ đã qua công tác thực tiễn nhằm kết hợp tốt giữa giảng dạy lý luận với thực hành nghề nghiệp cho học viên; 100% giảng viên được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ sư phạm; 100% giảng viên tốt nghiệp các trường ngoài Ngành được trang bị kiến thức nghiệp vụ Công an theo đúng tiêu chuẩn, chức danh quy định; 80% cán bộ, giảng viên đạt chứng chỉ CNTT cơ bản, chứng chỉ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc và tương đương;
- Xây dựng và hoàn thiện hệ thống quản trị hiện đại, đổi mới, sáng tạo trong công cuộc chuyển đổi số trên mọi mặt công tác hoạt động của Học viện;
- Đảm bảo và nâng cao đời sống cho cán bộ, giảng viên, công nhân viên Học viện.
10. Về hợp tác quốc tế
- Xây dựng và mở rộng mạng lưới hợp tác quốc tế về đào tạo, nghiên cứu khoa học với các cơ sở giáo dục đại học uy tín trên thế giới. Trong đó, chú trọng thúc đẩy tạo mối liên kết, hợp tác với các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực an ninh, cảnh sát để hướng tới trao đổi nghiên cứu học thuật, trao đổi giảng viên và học viên với các cơ sở giáo dục đại học có chuyên ngành đào tạo về nghiên cứu những vấn đề an ninh, tội phạm học, an ninh mạng, công nghệ thông tin, luật, đồng thời khẳng định vị thế và nâng tầm phát triển của Học viện trong khu vực và trên thế giới;
- Xây dựng môi trường quốc tế hoá, nâng cao khả năng sáng tạo trong giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên và học viên.
11. Về quản lý và giáo dục học viên
- Tích cực nghiên cứu, tham mưu, đề xuất và hoàn thiện hệ thống thể chế về công tác quản lý, giáo dục học viên, đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực tế;
- Đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý, giáo dục học viên trong bối cảnh chuyển đổi số;
- Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học viên.
12. Về cơ sở vật chất
- Hoàn thiện cơ sở vật chất của Học viện đáp ứng nhiệm vụ và quy mô đào tạo theo yêu cầu xây dựng lực lượng CAND Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Trong đó, chú trọng xây dựng Thư viện Trung tâm theo hướng hiện đại hóa, đảm bảo đủ số lượng và đạt chuẩn chất lượng; nâng cấp thiết bị máy móc và mở rộng diện tích xưởng in đảm bảo đủ điều kiện kỹ thuật in giáo trình, tài liệu dạy học của trường trọng điểm để hướng tới thành lập Nhà xuất bản của Học viện đảm bảo in ấn, xuất bản giáo trình, tài liệu phục vụ kịp thời yêu cầu nghiên cứu, giảng dạy, học tập của cán bộ, giảng viên, học viên;
- Tăng cường đầu tư mua sắm vật tư y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, giảng viên, công nhân viên và học viên, đặc biệt góp phần đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đảm bảo an toàn và hiệu quả;
- Xây dựng hạ tầng kỹ thuật đảm bảo phục vụ công cuộc chuyển đổi số.
13. Về xây dựng Học viện số
- Thực hiện chuyển đổi số toàn diện trên tất cả các mặt công tác của Học viện. Trong đó, tập trung vận hành thống nhất và đồng bộ hệ thống dữ liệu số - thông tin số - tri thức số dùng chung, liên thông phục vụ nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và đổi mới hoạt động giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học;
- Xây dựng thành công Học viện số định hướng đổi mới sáng tạo, phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực đáp ứng hội nhập quốc tế và xếp hạng đại học theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế.
Qua 78 năm xây dựng và phát triển, Học viện An ninh nhân dân đang tích cực đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tiên tiến, hiện đại để phấn đấu sớm xây dựng Học viện trở thành cơ sở giáo dục trọng điểm quốc gia vào năm 2025, xứng đáng là cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học hàng đầu của ngành Công an, có uy tín và danh tiếng trong xã hội, ngang tầm với các trường tiên tiến trong khu vực và trên thế giới./.
Ban Biên Tập Cổng Thông tin điện tử.
Từ khóa » Trình Bày Hệ Thống Nhà Trường Công An Nhân Dân
-
Trình Bày Hệ Thống Nhà Trường Công An Nhân Dân (GDQP 12)
-
Trình Bày Hệ Thống Nhà Trường Quân đội Nhân Dân (GDQP 12)
-
Trình Bày Hệ Thống Nhà Trường Công An Nhân Dân - Haylamdo
-
Trình Bày Hệ Thống Nhà Trường Công An Nhân Dân
-
Trình Bày Hệ Thống Nhà Trường Công An Nhân Dân (GDQP 12)
-
AN 12 Bài 4: Nhà Trường Quân đội, Công An Và Tuyển Sinh đào Tạo
-
Trình Bày Hệ Thống Nhà Trường Quân đội Nhân Dân Câu Hỏi 1079111
-
Trình Bày Hệ Thống Nhà Trường Quân đội Nhân Dân - MTrend
-
Giáo Dục Quốc Phòng Lớp 12 Bài 4: Nhà Trường Quân đội, Công An ...
-
Câu 3: Trang 42 Sgk GDQP-AN Lớp 12
-
Xây Dựng Mô Hình Nhà Trường Thông Minh Trong Công An Nhân Dân ...
-
[Sách Giải] Giáo Dục Quốc Phòng Lớp 12 Bài 4: Nhà Trường Quân đội ...