TỔNG QUAN - ĐẢNG UỶ - UBND THỊ TRẤN BA TRI

1. Vị trí địa lý

Nằm ở trung tâm Cù lao Bảo – Thị trấn Ba Tri ngày nay là một phần đất của làng An Bình Đông xưa, được nhiều người biết đến với truyền thống yêu nước và văn hóa lâu đời: phía Bắc giáp xã An Bình Tây và Phú Lễ, phía Đông giáp xã Vĩnh Hòa, phía Nam giáp xã Vĩnh An và phía Tây giáp xã An Đức.

2. Lịch sử hình thành

Theo tài liệu gia phả của dòng họ Thái để lại, đời Lê Cảnh Hưng thứ ba, năm 1742, Thái Hữu Xưa người ở phủ Tư Nghĩa (Quãng Ngãi) đến Ba Tri sinh sống, lúc bấy giờ dân cư còn rất ít chưa thành lập được một làng, Thái Hữu Xưa đứng ra xin lập trại và được cử giữ chức Cai Trại. Dần dần đất đai trồng trọt được mở rộng, dân cư phát triển, đến năm 1759 có lệnh cho lập làng, Thái Hữu Xưa xin đặt tên là làng An Bình Đông – tiền thân thị trấn Ba Tri ngày nay.

Sau khi xâm chiếm ba tỉnh miền Tây Nam kỳ (1867), thực dân Pháp lập Sở Tham biện Bến Tre. Năm 1876, Pháp lập hạt Bến Tre. Năm 1900 hạt Bến Tre được đổi thành tỉnh Bến Tre, gồm 4 quận: Sóc Sãi, Ba Tri, Mỏ Cày và Thạnh Phú. Làng An Bình Đông thuộc tổng Bảo An, quận Ba Tri.

Ngày 01-01-1927 theo đệ trình của Đốc phủ sứ Thái Hữu Võ ở làng An Bình Đông và Đốc phủ sứ Lê Ngọc Chương ở làng Vĩnh Đức Tây, chính quyền Pháp cho sáp nhập hai làng Vĩnh Đức Tây và An Bình Đông thành làng An Đức (gồm xã An Đức và Thị trấn Ba Tri ngày nay) thuộc tổng Bảo An, quận Ba Tri.

Năm 1945 chính quyền cách mạng Ba Tri cho tách 2 ấp An Thạnh và An Hòa để thành lập thị trấn Ba Tri (dưới thời ngụy quyền Sài Gòn, An Đức và Thị Trấn vẫn là 01 xã gọi là An Đức).

Đến năm 1985, để mở rộng thị trấn Ba Tri, theo đề nghị của Huyện và Tỉnh, Hội đồng Bộ trưởng có Quyết định số 119/HĐBT ngày 16-4-1985 cho tách ấp An Hội của xã An Đức nhập vào Thị Trấn. Từ đó đến nay, Thị trấn Ba Tri có 06 khu phố và 01 ấp (ấp An Hội). Với diện tích là 580,9 ha, đến ngày 20-01-2016 Bộ xây dựng có quyết định số 65/QĐ-BXD về việc công nhận thị trấn Ba Tri mở rộng đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV với tổng diện tích là 753,7 ha (bao gồm diện tích Thị trấn hiện tại 580,9 ha và phần mở rộng 172,8 ha), với dân số hiện có hơn 13 ngàn người (nếu tính dân cư theo diện tích mở rộng có gần 20 ngàn người).

3. Thành tựu về kinh tế – xã hội

Kinh tế chủ yếu và là thế mạnh của Thị trấn là thương mại, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp và một bộ phận nhỏ làm nông nghiệp.

Hiện có 2.335 cơ sở sản xuất kinh doanh và 72 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 02 doanh nghiệp với 100% vốn đầu tư nước ngoài là Công ty Tỷ Thành và Công ty JSB giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động tại chổ và nhiều nơi khác.

Có đầy đủ hệ thống trường học, bệnh viên, ngân hàng, khu vui chơi giải trí, sân vận động, nhà thiếu nhi, khu đô thị, điện, nước… phục vụ tốt nhu cầu sinh sống cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân trên địa bàn.

Năm 2020 thu nhập bình quân 53 triệu đồng/người/năm.

4. Tiềm năng & định hướng phát triển

Thị trấn Ba Tri là đơn vị hành chính rất quan trọng của Huyện Ba Tri và tỉnh Bến Tre, nằm ở vị trí trung tâm của cù lao Bảo, Thị trấn có một địa thế quan trọng về quốc phòng an ninh và phát triển kinh tế – xã hội của vùng cù lao Bảo và cả vùng duyên hải tỉnh Bến Tre. Đồng thời, đây còn là vùng kinh tế năng động và tiềm năng kinh tế biển to lớn, có tuyến giao thông đường thủy thuận lợi từ thành phố Bến Tre đến các vùng kinh tế trọng điểm đều đi qua thị trấn Ba Tri. Hiện nay, với nhiều dự án đã và đang được triển khai xây dựng (Khu đô thị Việt Sinh An Bình; Công ty TNHH giày da Tỷ Thành, Cụm công nghiệp An Đức, Nhà Máy nước ngọt Tân Mỹ, Ba Lai…) đã giúp thu nhập của người dân Thị trấn ngày càng được nâng cao, tốc độ đô thị hóa nhanh; với nhiều lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên đây là một trong những yếu tố quan trọng thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế trong tương lai cả trước mắt và lâu dài…

Từ khóa » Cù Lao Bảo Ba Tri