Tổng Quan Thị Trường Nguyên Phụ Liệu 6 Tháng đầu Năm 2021

Thị trường bông

Tương quan cung cầu, giá bông

So với dự kiến tháng 5/2021 thì trong báo cáo mới nhất của Bộ Nông Nghiệp Mỹ, sản lượng toàn cầu dự kiến trong vụ 2021/22 được điều chỉnh giảm nhẹ 0,1 triệu tấn bông và lượng tiêu thụ toàn cầu được điều chỉnh tăng nhẹ 0,3 triệu tấn. Những điều chỉnh cung cầu đã làm cho lượng tồn kho cuối kỳ vụ 2021/22 giảm 0,4 triệu tấn, còn 19,4 triệu tấn. Nếu bỏ qua giai đoạn Trung Quốc dự trữ bông tồn kho từ vụ 2012/13 đến vụ 2015/16 thì lượng tồn kho cuối vụ 2021/22 đang cao ở mức thứ 3 trong lịch sử.

B1: Bảng cân đối tồn kho bông thế giới (ĐV: triệu tấn)

Chỉ tiêu 2018/19 (5) 2019/2020 (4) 2020/21 (3) Ước T5-2021/22 (2) Ước T6-2021/22 (1) (3)/(4) (1)/(3)
Số dư đầu kỳ 17.7 17.4 21.3 20.3 20.3 22.4% -4.7%
Sản xuất 25.8 26.4 24.7 26.0 25.9 -6.4% 4.9%
Tiêu thụ 26.2 22.4 25.7 26.4 26.7 14.7% 3.9%
Nhập khẩu 9.2 8.9 10.3 9.9 10.1 15.7% -1.9%
Xuất khẩu 9.0 9.0 10.3 9.9 10.1 14.4% -1.9%
Số dư cuối kỳ 17.4 21.3 20.3 19.8 19.4 -4.7% -4.4%

C1: Sản lượng bông toàn cầu (ĐV: triệu tấn)

C2: Tiêu thụ bông toàn cầu (ĐV: triệu tấn)

 (Nguồn: Bộ nông nghiệp Mỹ)

Xét ở phạm vi quốc gia, so với mùa vụ 2020/21, Trung Quốc có sự thay đổi vụ 2021/22 đáng kể nhất với sản lượng giảm 0,4 triệu tấn và tiêu thụ tăng 0,2 triệu tấn. Sở dĩ có sự thay đổi này là do tình hình thời tiết xấu ở Tân Cương đã làm giảm năng suất gieo trồng bông, trong khi đó Trung Quốc lại đang tăng công suất sản xuất hàng dệt may nhằm đón đầu kinh tế thế giới hồi phục nhờ tiêm chủng vắc xin Covid-19 trên diện rộng. Tuy nhiên, Trung Quốc hiện vẫn chưa có ý định tăng cường nhập khẩu bông khi mà vẫn duy trì hạn ngạch nhập khẩu ở mức thấp trong năm 2021. Điều này dự kiến sẽ làm giảm tồn kho cuối kỳ của Trung Quốc từ 8,5 triệu tấn vụ 2020/21 xuống còn 7,7 triệu tấn trong vụ 2021/22.

C3: Xuất khẩu bông toàn cầu (ĐV: Triệu tấn)

C4: Nhập khẩu bông toàn cầu (ĐV: triệu tấn)

(Nguồn: Bộ nông nghiệp Mỹ)

Sản lượng bông vụ 2021/22 dự kiến tăng mạnh ở Mỹ và Brazil, tăng nhẹ ở Ấn Độ, Pakistan và các nước khác. Lượng tiêu thụ dự kiến vụ 2021/22 tăng ở hầu hết các quốc gia. Giao dịch thương mại toàn cầu dự kiến giảm so với mùa vụ trước từ 10,3 triệu tấn xuống còn 10,1 triệu tấn. Xuất khẩu bông của Mỹ, Brazil dự kiến giảm do những quan ngại về tình hình vận chuyển từ các nước này. Trong khi đó xuất khẩu bông của Úc tăng mạnh gấp 2,3 lần do sản lượng sản xuất tăng cao. Việt Nam sẽ tăng nhập khẩu bông vụ này lên 0,1 triệu tấn, ngược lại Bangladesh giảm lượng nhập khẩu 0,1 triệu tấn.

Tổng quan về giá

Giá bông đầu năm 2021 tăng mạnh do nhu cầu tăng ở các nước sản xuất sợi sau khi kinh tế toàn cầu có dấu hiệu phục hồi và mức tồn kho sợi bắt đầu cạn kiệt. Trong tháng 3, giá bông giảm 15% do những căng thẳng giữa Trung Quốc và các nhãn hàng may mặc liên quan đến việc sử dụng bông Tân Cương. Đến tháng 4, giá bông phục hồi mạnh có thể một phần do tình trạng khủng hoảng dịch bệnh Covid-19 tại Ấn Độ, tình hình thiếu hụt bông tại Pakistan. Tháng 5 giá giảm và phục hồi nhẹ vào tháng 6.

C5: Giá bông trên thị trường quốc tế

(Nguồn: Emergingtextile.com)

Báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ đã cho thấy mức chênh lệch giữa sản lượng và tiêu thụ vụ 2021/22 được thu hẹp so với vụ trước, đồng thời giao thương giảm nhẹ. Vì vậy, nhiều khả năng giá bông sẽ được điều chỉnh giảm trong ngắn hạn.

Thực tế nhiều năm qua cho thấy, tình hình thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có tác động mạnh đến giá bông. Theo thỏa thuận giai đoạn một giữa Mỹ và Trung Quốc, Trung Quốc đã tăng cường nhập khẩu bông Mỹ trong năm 2020 và tiếp tục trong năm 2021. Xét theo tình hình cung cầu hiện tại thì khả năng cao Trung Quốc sẽ phải tăng cường nhập khẩu bông để bù đắp cho lượng bông tồn kho cuối kỳ bị suy giảm. Tuy nhiên, những bước tiếp theo của thỏa thuận chưa có gì rõ ràng, không có gì chắc chắn một thỏa thuận tiếp theo liệu có được ký kết vào cuối năm hay không.

Bông là mặt hàng có tính chất đầu cơ cao nên giá cả thường xuyên biến động. Nhà đầu tư rất khó để đưa ra xu hướng chính xác cho ngắn hạn. Nhưng xét về dài hạn, kỳ vọng về sự phục hồi kinh tế sau khi tiêm vắc xin Covid-19 mở rộng sẽ là nhân tố hỗ trợ giá bông duy trì trên mức 2 USD/kg cho những tháng cuối năm 2021.

Tình hình nhập khẩu bông của Việt Nam

Khối lượng bông nhập khẩu vào Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 20121 ước đạt 886 nghìn tấn, trị giá 1.596 triệu USD, đơn giá bình quân 1.800 USD/tấn; tăng 13,5% về lượng, 26,5% về trị giá và 11,4% về đơn giá so với cùng kỳ. Sản lượng nhập khẩu của các công ty FDI như Texhong, Brotex, Kyungbang, Tainan, Huafu thường xuyên duy trì trên mức 50% tổng sản lượng nhập khẩu bông của Việt Nam. Mỹ vẫn là nước dẫn đầu xuất khẩu bông vào Việt Nam, tiếp theo là Brazil và Ấn Độ. Sunray, Bros, Paul Reinhart, Louis Dreyfus, Olam, Viterra là những nhà cung cấp lớn, chiếm trên 50% sản lượng bông nhập khẩu của Việt Nam.

C6: Giá bông nhập khẩu bình quân các tháng của Việt Nam (ĐV: USD/tấn)

(Nguồn: Tổng hợp từ Hải quan Việt Nam)

Thị trường xơ

Giá xơ tại các nước tăng cao trong tháng 1, tháng 2/2021. Tại Trung Quốc, giá xơ giảm nhẹ vào tháng 3 và gần như đi ngang trong quý 2/2021. Giá xơ polyester đạt đỉnh vào 26/2 ở mức 1,24 USD/kg, tăng 39% so với hồi đầu năm, trong khi giá sợi filament chỉ tăng khoảng 18%. Trong khi đó, giá xơ tiếp tục tăng trong tháng 3 tại Ấn Độ và Pakistan, trong khi giảm nhẹ trong tháng 4 và đi ngang trong tháng 5 và tháng 6/2021.

C7: Giá xơ PSF tại một số thị trường

                                                                                                                      (Nguồn: Emergingtextile.com)

Giá xơ polyester tăng hồi đầu năm nhờ nhu cầu cao và giá nguyên liệu PTA & MEG tăng cao do việc thắt chặt nguồn cung ở Viễn Đông. Tuy nhiên, từ tháng 3 đến nay, do ảnh hưởng của khủng hoảng dịch bệnh Covid-19 ở Ấn Độ và Pakistan khiến sản xuất sợi giảm, làm giảm nhu cầu về xơ. Tuy nhiên, hiện nay giá dầu đang tăng cao, tất yếu sẽ kéo theo giá PTA và MEG sẽ tăng trong thời gian tới. Mặt khác, nhu cầu dệt may trên thế giới cũng đang hồi phục nhờ việc tiêm vắc xin Covid-19 đang được triển khai ở diện rộng trên toàn thế giới, dự kiến giá xơ sẽ tăng trong quý 3/2021.

Thị trường sợi

Có thể thấy rằng thị trường sợi 6 tháng đầu năm 2021 diễn biến hết sức đặc biệt, là sự bù đắp cho những suy giảm trong một thời gian dài trước đó. Tồn kho sợi ở Trung Quốc và các nước sản xuất dệt may đã cạn kiệt, cùng với lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm có nguồn gốc từ bông Tân Cương của Mỹ đã tác động mạnh đến chuỗi cung cầu sợi, khiến nhu cầu sợi tăng cao. Từ đầu năm đến giữa tháng 3, giá sợi cotton có mức tăng mạnh nhất 18%, tiếp đến là sợi poly-visco tăng 16%, sợi poly và sợi pha poly-cotton chỉ tăng 2%. Giá sợi cotton trong quý 2 chững lại, mặc dù vẫn tốt hơn so với giá sợi pha và sợi poly. Được hưởng lợi từ việc giá sợi tăng cao và giá bông đầu vào thấp trước đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất sợi đã bắt đầu có lãi sau hai năm kinh doanh ảm đạm. Tuy nhiên, sau 6 tháng đầu năm giá sợi tăng cao thì thị trường đang dần tìm lại điểm cân bằng, giá sợi bắt đầu chững lại.

 C8: Giá sợi cotton trên thị trường quốc tế

C9: Giá sợi poly trên thị trường quốc tế

                                                                                                                   (Nguồn: Emergingtextile.com)

Tình hình xuất khẩu xơ, sợi của Việt Nam

            Xuất khẩu xơ sợi của Việt Nam 5 tháng đầu năm 2021 đạt 818 nghìn tấn, trị giá 2.168 triệu USD, tăng 136% về lượng và 160,5% về trị giá. Đơn giá xuất khẩu trung bình tháng 5 tăng 19% so với hồi đầu năm 2021 và tăng 32% so với cùng kì năm ngoái. Về cơ cấu thị trường theo khối lượng, Trung Quốc là nước nhập khẩu chính của Việt Nam (54,4%), tiếp đến là Hàn Quốc (9,2%), Mỹ (4,8%), Đài Loan (3,1%), Nhật Bản, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia chiếm thị phần từ 1-2%. Trung Quốc hiện đang chiếm khoảng 60% cầu về sợi của thế giới và có thể còn tăng trong thời gian tới do chuỗi dệt may của Ấn Độ đang bị đứt gãy do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Mặc dù vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức như sự biến động của giá nguyên phụ liệu, nhu cầu sợi trồi sụt, giá cước vận chuyển tăng cao, nhiều thị trường bị phong tỏa do dịch bệnh Covid-19 nhưng rõ ràng, thị trường sợi nửa đầu năm 2021 vẫn duy trì được đà tăng mạnh mẽ từ cuối năm 2020, mang đến biên lợi nhuận cao cho các doanh nghiệp sản xuất.

B2: Xuất khẩu xơ sợi của Việt Nam 5T/2021

  5T. 2019 (Y3) 5T.2020 (Y2) 5T.2021 (Y1) Y2/Y3 Y1/Y2
KL (nghìn tấn) 668 600 818 89.8% 136.3%
KNXK (triệu USD) 1714 1351 2168 78.8% 160.5%

(Nguồn: Tổng hợp từ Hải quan Việt Nam)

Dự kiến 6 tháng cuối năm 2021, thị trường sợi sẽ có nhiều khó khăn hơn khi đà tăng đang giảm dần. Mặt khác, giá bông trong thời gian qua đã tăng cao lên trên 2 USD/kg, do đó biên lợi nhuận sẽ giảm so với những tháng đầu năm. Hiện nay, các nước đang tăng cường tiêm vắc xin Covid-19 trên diện rộng, vì vậy cầu dệt may có thể hồi phục trong 6 tháng cuối năm, kéo theo nhu cầu sợi có thể tăng trong thời gian tới. Chúng ta có thể lạc quan rằng giá sợi sẽ khó có thể xuống thấp như trong năm 2019, 2020. Các doanh nghiệp sản xuất sợi cần có phương án cân đối các nguồn lực sản xuất, cơ cấu lại mặt hàng, thị trường để có giải pháp tốt nhất cho sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh thị trường nhiều biến động.

Phương Thanh

Từ khóa » Hàng Dệt Bông