Tổng Quan Ung Thư Vòm Họng | BvNTP

1. Ung thư vòm họng là gì ?

Ung thư vòm họng (Nasophanryngeal Carcinoma – NPC) là bệnh lý ác tính các tế bào niêm mạc và dưới niêm mạc vùng vòm mũi họng. Bệnh đứng đầu trong các ung thư vùng đầu cổ và hàng thứ 5 trong các bệnh ung thư nói chung. Ung thư vòm họng (UTVH) có tiên lượng tốt nếu được phát hiện sớm, điều trị đúng và kịp thời. Tuy nhiên, ngay cả ở giai đoạn muộn thì việc điều trị cũng đưa lại kết quả khả quan trong việc nâng cao chất lượng và kéo dài thời gian sống ở người bệnh. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng đỉnh cao ở khoảng 40-60 tuổi.

Trên thế giới hình thành ba khu vực địa lý, ở đó tỉ lệ mắc bệnh hoàn toàn khác nhau:

– Khu vực có nguy cơ mắc cao: bao gồm miền Nam Trung Quốc và các nước vùng Đông nam châu Á

– Khu vực có nguy cơ trung bình và ngày càng có xu hướng tăng lên: bao gồm các nước ở vùng bắc Phi

– Khu vực có nguy cơ thấp: bao gồm các nước châu Âu, châu Mỹ.

2. Nguyên nhân gây ung thư vòm họng

2.1. Ung thư vòm họng do virus

Qua nhiều nghiên cứu thấy bệnh này có liên quan đến virus Epstein – Barr (EBV). Xét nghiệm kháng thể chống virus EBV cao ở một số bệnh nhân UTVH loại biểu mô không biệt hoá.

2.2. Yếu tố di truyền

Nhiều trường hợp UTVH được phát hiện trong một gia đình. Tỉ lệ tăng cao của kháng nguyên HLA-A2 ở vị trí thứ nhất và sự thiếu hụt ở vị trí thứ hai của kháng nguyên HLA-Bw46 hình như tạo điều kiện thuận lợi cho sự xuất hiện UTVMH.

2.3. Môi trường

Hoa kiều di tản sang Mỹ ít bị UTVH hơn ở trong nước làm cho người ta nghĩ tới vai trò của môi trường tác động vào bệnh này. Tổn thương chức năng tế bào lympho T kèm theo nhiễm EBV mạn tính là hai yếu tố nguy cơ cao đã được xác định.

2.4. Thức ăn và cách chế biến

Thức ăn chế biến qua các khâu lên men như rượu, bia, cá muối, dưa khú, nước mắm có chứa nhiều chất Nitrosamin có liên quan đến một số loại ung thư của đường tiêu hoá và UTVH.

2.5. Tuổi và giới

Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi từ 5 đến 85 tuổi, tuy nhiên lứa tuổi hay gặp nhất từ 40 – 60 chiếm tỉ lệ 50 – 70%. Bệnh gặp ở cả hai giới, tuy nhiên hay gặp ở nam hơn (tỉ lệ nam/nữ = 2,5/1)

3. Triệu chứng ung thư vòm họng

Giai đoạn đầu: Các triệu chứng của bệnh rất mơ hồ, kín đáo và dễ chẩn đoán nhầm sang các bệnh khác; khi các triệu chứng đã rõ ràng thì bệnh đã ở giai đoạn muộn.

– Giai đoạn sớm:Người bệnh thường có những biểu hiện như nhức đầu (lan tỏa, âm ỉ, thường ở một bên), ù tai (đa số một bên, ù như tiếng ve kêu), ngạt mũi một bên lúc nặng lúc nhẹ, đôi khi xì ra máu mũi.

– Giai đoạn muộn: Lúc này khối u phát triển tăng dần về kích thước, xâm lấn ra xung quanh nên bệnh nhân nhức đầu liên tục có lúc dữ dội, có điểm đau khu trú; ù tai tăng, nghe kém, giảm thính lực, có thể điếc; ngạt mũi liên tục, kèm chảy máu mũi, không đáp ứng với điều trị thông thường.

Khi soi vòm họng ta sẽ thấy: khối u có thể nằm ở trần vòm hoặc ở thành bên hoặc lan rộng. Giai đoạn muộn có thể gặp u đẩy lồi nhãn cầu, lan xuống họng miệng hoặc sùi ra ống tai ngoài. Qua nội soi tai mũi họng tiến hành sinh thiết u làm chẩn đoán mô bệnh học.

Khám các dây thần kinh sọ: các dây số III, IV, V, VI hay bị tổn thương sớm và ở giai đoạn muộn có thể tổn thương nhiều dây thần kinh.

Khám hệ hạch cổ: thường nổi hạch cổ cùng bên với u nguyên phát, hạch góc hàm tổn thương sớm và hay gặp nhất. Ban đầu hạch nhỏ còn di động, sau hạch to dần, chắc, cố định.

4. Các phương pháp xét nghiệm, chẩn đoán phát hiện bệnh

Khi có các biểu hiện lâm sàng như trên, người bệnh sẽ được chỉ định làm các xét nghiệm cận lâm sàng để chẩn đoán xác định. Các xét nghiệm được chỉ định tuần tự từ đơn giản đến phức tạp, từ rẻ tiền đến đắt tiền tuy nhiên mục đích quan trọng nhất là chẩn đoán chính xác bệnh cũng như phục vụ cho việc lựa chọn phương pháp điều trị hợp lí nhất cho giai đoạn sau này.

4.1. Chẩn đoán tế bào học

+ Quệt tế bào bong ở vòm họng tìm tế bào ung thư.

+ Chọc hút kim nhỏ làm chẩn đoán tế bào ung thư tại hạch cổ.

4.2. Chẩn đoán mô bệnh học: là xét nghiệm bắt buộc phải có để chẩn đoán xác định bệnh

+ Sinh thiết trực tiếp u vòm qua ống soi cứng hoặc mềm.

+ Sinh thiết hạch cổ nếu kết quả MBH u vòm âm tính (chẩn đoán gián tiếp).

4.3. Chẩn đoán hình ảnh

Đây là chẩn đoán quan trọng để đánh giá mức độ lan tràn cũng như giai đoạn bệnh.

+ Chụp X quang tư thế Hirtz, Blondeaux (hiện nay ít làm vì giá trị chẩn đoán không cao).

+ Chụp CT Scan vùng vòm, nền sọ (có mở cửa sổ xương) thấy hình u làm đầy trần và thành vòm, tại cửa sổ xương thấy hình tiêu xương nền sọ nếu có tổn thương xương.

+ Chụp cộng hưởng từ (MRI) vòm và sọ não thấy u vòm xâm lấn ra các phần mềm xung quanh hoặc thấy tổn thương di căn não trên phim chụp sọ.

+ Siêu âm vùng cổ tìm hạch, siêu âm ổ bụng tìm di căn, chụp phổi thẳng tìm di căn.

+ Xạ hình xương với máy SPECT phát hiện di căn ở xương cột sống, xương chậu, xương sườn…

+ Chụp PET/CT cho phép đánh giá chính xác tổn thương tại vòm, hạch, cũng như ổ di căn, tái phát ung thư bằng việc tăng hấp thu FDG. PET/CT cũng được ứng dụng trong việc mô phỏng lập kế hoạch xạ trị.

+ Xét nghiệm miễn dịch tìm virus Epstein Barr như IgA/VCA, IgA/EA, IgG/EBNA… công thức máu, sinh hóa, điện tim…đánh giá tình trạng toàn thân.

5. Nguyên tắc và phương pháp điều trị ung thư vòm họng

5.1. Nguyên tắc chung

Việc quyết định phương án điều trị dựa trên nhiều yếu tố, bao gồm giai đoạn bệnh, týp mô bệnh học, thể trạng chung của người bệnh.

Xạ trị là phương pháp cơ bản, hóa chất và một số phương pháp khác có vai trò bổ trợ trong điều trị UTVMH. Tuy nhiên xu hướng hiện nay là điều trị phối hợp nhiều phương pháp, trong đó phối hợp hóa xạ trị đồng thời mang lại kết quả tốt rõ rệt, nhất là với các ung thư ở giai đoạn toàn phát.

Ngoài những nguyên tắc cơ bản kể trên thì việc chuẩn bị bệnh nhân cũng vô cùng quan trọng. Điều trị ung thư là một điều trị nặng nề, do vậy bệnh nhân cần có một sức khỏe đảm bảo trước các liệu trình điều trị để việc điều trị có thể đạt kết quả tốt nhất. Về chế độ dinh dưỡng: cho bệnh nhân các chế độ ăn đặc biệt, nhiều dinh dưỡng, khẩu phần cân đối. Điều trị các bệnh răng miệng và chăm sóc răng miệng trong quá trình điều trị.Chuẩn bị tốt dụng cụ cố định bệnh nhân để tiến hành xạ trị, tốt nhất dùng mặt nạ nhựa plastic chuyên dụng.

5.2. Phương pháp điều trị

Xạ trị

Xạ trị chiếu ngoài bằng máy gia tốc thẳng theo kỹ thuật thông thường (3D conformal). Nếu có phần mềm chuyên dụng thì tốt nhất nên xạ trị theo kỹ thuật điều biến liều (Intensity-modulated radiation therapy: IRMT) nhằm giảm thiểu các biến chứng của bức xạ.

Liều xạ chỉ định theo giai đoạn bệnh. Trung bình liều vào u nguyên phát, hạch phát hiện trên lâm sàng và phim CT là 65-70 Gy, phân liều 2 Gy/ngày, trải liều 6-7 tuần. Liều dự phòng vào hạch cổ đạt 50 Gy. Hiện nay, xu hướng phối hợp hóa xạ trị đồng thời đã góp phần làm giảm một phần liều xạ trị nhưng vẫn đạt hiệu quả điều trị. Ở đây, hóa chất được coi như một yếu tố làm tăng nhạy cảm của tổ chức ung thư với xạ trị.

Hóa trị

Chỉ định phối hợp đồng thời với xạ trị hoặc bổ trợ sau xạ trị cho các giai đoạn III, IV, T3,T4, N2, và một số di căn, tái phát tại chỗ của loại ung thư. Với những trường hợp ung thư vòm mũi họng biểu mô vẩy, không có đột biến gen KRAS ở giai đoạn III, IV có thể phối hợp với thuốc điều trị đích Cetuximab liều 400 mg/m2/tuần đầu tiên, sau đó liều 250 mg/m2, các tuần tiếp theo, trong 6 tuần.

Phẫu thuật

Phẫu thuật được chỉ định để lấy hạch cổ làm chẩn đoán gián tiếp hoặc lấy hạch còn lại sau xạ trị.

Trong trường hợp bệnh nhân có di căn xương, cần điều trị phối hợp với thuốc chống hủy xương, thuốc phóng xạ (P-32…) giảm đau, xạ trị giảm đau xương

Trong trường hợp bệnh nhân có di căn não, cần điều trị phối hợp với thuốc chống phù não, xạ trị toàn não hoặc xạ phẫu bằng dao gamma quay.

6. Tiên lượng

Tỉ lệ sống thêm 5 năm sau điều trị đạt 80-90% ở giai đoạn I và II, 30-40% ở giai đoạn III, 15 % ở giai đoạn IV. Tuy nhiên, 90-97% bệnh nhân ở Việt Nam phát hiện bệnh ở giai đoạn III và IV.

7. Chăm sóc sau khi điều trị ung thư vòm họng

Hiện nay, các bác sĩ và bệnh viện không đưa ra một vài chế vận động và làm việc đặc biệt cho người bệnh ung thư vòm họng. Tuy nhiên, sau khi điều trị ung thư vòm họng, bệnh nhân nên hoạt động thể lực nhẹ nhàng vừa sức để được thoải mái. Thực hiện tập há miệng và xoa bóp vùng cổ hàng ngày để phòng, giảm các ảnh hưởng của xạ trị.

8. Ăn uống với bệnh nhân ung thư vòm họng

Với bệnh nhân ung thư vòm họng, người bệnh không cần thực hiện chế độ ăn đặc biệt nhưng nên chú ý một số điều như sau:

– Bệnh nhân nên ăn thức ăn lỏng để dễ nuốt và không bị nghẹn trong quá trình ăn uống.

– Chế độ ăn với bệnh nhân ung thư vòm họng nên đầy đủ và cân đối chất dinh dưỡng.

– Đặc biết, bệnh nhân ung thư vòm họng nên vệ sinh miệng, họng tốt hàng ngày.

9. Phương pháp phòng chống bệnh hiệu quả

Việc chưa xác định cụ thể tác nhân chính gây ra căn bệnh này đang khiến việc phòng ngừa ung thư vòm họng gặp khá nhiều khó khăn. Tuy vậy, có một số giải pháp đểcó thể ngăn chặn ung thư nói chung và ung thư vòm họng nói riêng như:

– Ăn uống điều độ, lựa chọn những thực phẩm sạch, an toàn. Chế biến thức ăn khoa học, hạn chế các món ăn như dưa muối, đồ nướng, chiên đi chiên lại nhiều lần…

– Tuyệt đố không sử dụng thuốc lá, thuốc lào…hạn chế sử dụng các chất kích thích có hại để bảo vệ bản thân và cả người xung quanh

– Sinh hoạt tình dục an toàn, cân nhắc chuyện “yêu” bằng miệng với đối tác.

– Tạo môi trường sống lành mạnh, trong sạch, hạn chế ô nhiễm…

– Thăm khám sức khỏe định kỳ 3-6 tháng/lần để kịp thời phát hiện các dấu hiệu bệnh và được sự tư vấn của các bác sĩ.

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

facebook.com/BVNTP

youtube.com/bvntp

Từ khóa » Hình Vòm Họng