TỔNG QUAN VỀ BẢO HIỂM TIỀN GỬI

* Lịch sử ra đời Bảo hiểm tiền gửi

Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) trên thế giới đã có lịch sử hoạt động 86 năm. Mỹ là quốc gia đầu tiên hình thành hệ thống bảo hiểm tiền gửi vào năm 1934. Hiện tại, trên thế giới có khoảng 143 quốc gia và vùng lãnh thổ đã thành lập hệ thống BHTG công khai.

BHTG là một cam kết công khai của tổ chức BHTG về việc sẽ hoàn trả một phần hoặc toàn bộ tiền gửi (bao gồm cả gốc và lãi) cho người gửi tiền khi tổ chức tham gia BHTG bị mất khả năng thanh toán hoặc chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật.

Mục đích của hoạt động BHTG là thực hiện chính sách công, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền; góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, đảm bảo sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng; tăng cường niềm tin công chúng, góp phần giảm thiểu đột biến rút tiền gửi, góp phần tạo cơ chế chính thức để xử lý các tổ chức tài chính gặp sự cố và tham gia quá trình xử lý khủng hoảng tài chính; giảm thiểu gánh nặng tài chính cho người đóng thuế (ngân sách nhà nước) trong trường hợp có ngân hàng đổ bể.

* Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam

BHTG Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 218/1999/QĐ-TTg, ngày 09/11/1999 của Thủ tướng Chính phủ, hoạt động theo Nghị định 89/1999/NĐ-CP. Năm 2012, hoạt động BHTG Việt Nam được luật hoá bằng Luật Bảo hiểm tiền gửi số 06/2012/QH13 ngày 18/6/2012

BHTG Việt Nam là tổ chức tài chính Nhà nước hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, thực hiện chính sách BHTG góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng bảo đảm sự phát triển an toàn lành mạnh của hoạt động ngân hàng.

Hiện nay, BHTG Việt Nam có mạng lưới hoạt động gồm: Trụ sở chính tại Thủ đô Hà Nội và 8 chi nhánh tại các khu vực kinh tế trọng điểm, gồm:

  1. Chi nhánh tại thành phố Hà Nội;

(2) Chi nhánh tại thành phố Hồ Chí Minh;

(3) Chi nhánh tại thành phố (TP) Đà Nẵng;

(4) Chi nhánh khu vực Đông Bắc bộ tại TP. Hải Phòng;

(5) Chi nhánh khu vực Tây Bắc Bộ tại TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ;

(6) Chi nhánh khu vực Bắc Trung bộ tại TP. Vinh, tỉnh Nghệ An;

(7) Chi nhánh khu vực Đồng bằng sông Cửu long tại TP. Cần Thơ;

(8) Chi nhánh khu vực Nam Trung bộ & Tây nguyên tại TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Tính đến ngày 30/6/2020, có 1.282 tổ chức tham gia BHTG, bao gồm: 95 ngân hàng và Chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 01 ngân hàng Hợp tác xã và 1.182 QTDND, 04 Tổ chức tài chính vi mô.

* Vai trò của BHTG Việt Nam

- Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền tại các tổ chức có tham gia BHTG, có hạn chế về mặt thông tin đối với hoạt động của các tổ chức nhận tiền gửi.

 - Góp phần đảm bảo hệ thống tài chính ngân hàng hoạt động lành mạnh, ổn định và ngăn chặn đổ vỡ ngân hàng thông qua các hoạt động nghiệp vụ.

 - Góp phần xây dựng thị trường tài chính lành mạnh, có tính cạnh tranh bình đẳng giữa các tổ chức tài chính với quy mô và loại hình khác nhau.

- Giảm thiểu gánh nặng cho Chính phủ trong trường hợp xử lý đổ vỡ của tổ chức tín dụng; giảm gánh nặng cho người dân đóng thuế trong trường hợp ngân hàng đổ bể (Nhà nước không phải sử dụng ngân sách để xử lý đổ vỡ của các tổ chức tín dụng).

* Nội dung hoạt động, nhiệm vụ và quyền hạn của BHTG Việt Nam

(1) Cấp, cấp lại và thu hồi Chứng nhận tham gia BHTG;

(2) Tính và thu phí BHTG đối với tổ chức tham gia BHTG theo quy định của Luật BHTG và các văn bản pháp luật có liên quan;

(3) Chi trả và ủy quyền chi trả tiền bảo hiểm cho người được BHTG theo quy định của Luật BHTG và các văn bản pháp luật có liên quan;

(4) Theo dõi, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về BHTG; kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam xử lý hành vi vi phạm quy định của pháp luật về BHTG;

(5) Tổng hợp, phân tích và xử lý thông tin về tổ chức tham gia BHTG nhằm phát hiện và kiến nghị NHNN Việt Nam xử lý kịp thời những vi phạm quy định về an toàn hoạt động ngân hàng, rủi ro gây mất an toàn trong hệ thống ngân hàng;

(6) Tiếp nhận và hỗ trợ theo nguyên tắc có hoàn trả từ ngân sách nhà nước theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ hoặc vay của các TCTD, tổ chức khác có bảo lãnh của Chính phủ trong trường hợp nguồn vốn của BHTGVN tạm thời không đủ để chi trả tiền bảo hiểm; tiếp nhận nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài để tăng cường năng lực hoạt động;

(7) Quản lý, sử dụng và bảo toàn nguồn vốn BHTG. Được mua trái phiếu Chính phủ; tín phiếu NHNN và gửi tiền tại NHNN Việt Nam;

(8) Tham gia vào quá trình kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tham gia BHTG theo quy định của NHNN Việt Nam; tham gia quản lý, thanh lý tài sản của tổ chức tham gia BHTG theo quy định của Chính phủ;

(9) Tổ chức tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHTG; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về BHTG; nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ và phương pháp quản lý phù hợp với yêu cầu phát triển của tổ chức BHTG;

( 10) Cho vay đặc biệt đối với các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt theo quy định của Luật 17/2017/QH14 sửa đổi bổ sung một số điều Luật các TCTD và Thông tư số 01/2018/TT-NHNN ngày 26/01/2018 của NHNN VN;

(11) Xây dựng Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi để Ngân hàng Nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện;

(12) Kiến nghị, đề xuất với NHNN và các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung các chủ trương, chính sách về BHTG; ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, đình chỉ việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động BHTG;

(13) Cung cấp thông tin cho NHNN và tiếp cận thông tin của NHNN thực hiện theo Điều 8, Điều 9, Điều 10 Nghị định số 68/2013/NĐ-CP;

(14) Yêu cầu tổ chức tham gia BHTG cung cấp thông tin về tiền gửi được bảo hiểm theo định kỳ hay đột xuất;

(15) Bảo đảm bí mật số liệu tiền gửi và tài liệu liên quan đến BHTG của tổ chức tham gia BHTG theo quy định của pháp luật;

(16) Thực hiện các cam kết đối với tổ chức tham gia BHTG và các cam kết khác thuộc trách nhiệm của BHTG Việt Nam;

(17) Đổi mới, hiện đại hóa công nghệ và phương thức quản lý phù hợp với yêu cầu phát triển của BHTG Việt Nam;

(18) Thực hiện nghĩa vụ đối với người Lao động theo quy định của pháp luật; Tuyển chọn, thuê mướn, bố trí, sử dụng, đào tạo nguồn nhân lực, lựa chọn hình thức trả lương, thưởng theo quy định của pháp luật;

(19) Tiếp nhận, quản lý và sử dụng đúng mục đích vốn điều lệ; nguồn vốn được bổ sung; đất đai và các nguồn lực khác do Nhà nước giao theo quy định của pháp luật;

(20) Chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp, cầm cố tài sản thuộc quyền quản lý theo quy định pháp luật;

(21) Hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước nhằm tăng cường năng lực hoạt động của BHTG Việt Nam và của tổ chức tham gia BHTG;

(22) Chịu sự kiểm tra, thanh tra, giám sát của NHNN và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

(23) Thực hiện các hoạt động nghiệp vụ, nhiệm vụ và quyền hạn khác khi được Thủ tướng chính phủ hoặc Thống đốc NHNN giao.

* Hạn mức trả tiền bảo hiểm

Hạn mức trả tiền bảo hiểm ? là số tiền tối đa BHTG Việt Nam trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một người tại một tổ chức tham gia BHTG;

Luật BHTG quy định Thủ tướng quy định hạn mức chi trả tiền bảo hiểm theo đề nghị của NHNN Việt Nam trong từng thời kỳ.

Hạn mức trả tiền bảo hiểm hiện nay là 75 triệu đồng;

* Phí bảo hiểm tiền gửi

Luật BHTG quy định Tổ chức tín dụng như: Ngân hàng thương mại, QTDND, Công ty tài chính, Chi nhánh Ngân hàng nước ngoài được nhận tiền tiền gửi của cá nhân phải nộp phí BHTG gửi bắt buộc cho tổ chức BHTG; Tỷ lệ phí hiện tại: 0,15% số dư bình quân của các loại tiền gửi được bảo hiểm; Người gửi tiền không phải đóng bất cứ loại phí nào khi gửi tiền.

- Luật BHTG đã có điều khoản cho phép áp dụng phí theo rủi ro: Thủ tướng quy định khung phí BHTG, NHNN quy định mức phí cụ thể trên cơ sở kết quả đánh giá và phân loại các tổ chức tham gia BHTG.

(Phòng Tổng hợp, Nhân sự & Kiểm soát nội bộ – NHNN Chi nhánh Thanh Hoá thực hiện)

Từ khóa » Phí Bhtg Là Gì