Tổng Quan Về Bệnh Loét Dạ Dày | TCI Hospital

Bệnh loét dạ dày là bệnh lý khá thường gặp trong xã hội hiện đại. Bệnh có thể do nhiều nguyên nhân gây ra và không phải ai cũng biết rõ về các nguyên nhân này. Vậy viêm loét dạ dày nguy hiểm ra sao, cách điều trị như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu.

Menu xem nhanh:

Toggle
  • 1. Bệnh loét dạ dày là gì ?
    • 1.1  Loét dạ dày cấp tính
    • 1.2 Loét dạ dày mạn tính
  • 2. Nguyên nhân gây bệnh
    • 2.1 Vi khuẩn HP (Tên đầy đủ là Helicobacter pylori)
    • 2.2 Do tác dụng phụ của thuốc
    • 2.3 Căng thẳng cũng gây bệnh loét dạ dày
    • 2.4 Thói quen sinh hoạt, ăn uống không hợp lý
  • 3. Triệu chứng bệnh loét dạ dày
  • 4. Cách chẩn đoán bệnh loét dạ dày
    • 4.1 Nội soi hệ tiêu hóa
    • 4.2 Xét nghiệm máu, phân để xác định vi khuẩn HP
  • 5. Biến chứng khi bệnh tiến triển sang giai đoạn nặng
    • 5.1 Xuất huyết hệ tiêu hóa do bệnh loét dạ dày
    • 5.2 Thủng dạ dày
    • 5.3 Tắc đường ra của dạ dày
    • 5.4 Ung thư dạ dày
  • 6. Các biện pháp trị bệnh hiệu quả nhất
    • 6.1 Điều trị bệnh loét dạ dày bằng thuốc
    • 6.2 Phẫu thuật
  • 7. Những điều lưu ý khi bị bệnh
    • 7.1 Chế độ ăn uống khi bị bệnh loét dạ dày
    • 7.2 Lưu ý trong thói quen sinh hoạt lành mạnh hằng ngày

1. Bệnh loét dạ dày là gì ?

Bệnh viêm loét dạ dày là khi niêm mạc dạ dày bị bào mòn và xuất hiện vết loét. Vết loét có thể có kích thước từ vài mm đến vài cm. Bệnh có thể xuất hiện ở nhiều lứa tuổi, trong đó người già chiếm tỷ lệ lớn. Loét dạ dày thường chia thành 2 giai đoạn.

1.1  Loét dạ dày cấp tính

Triệu chứng ở giai đoạn này thường xuất hiện đột ngột và diễn tiến trong thời gian ngắn. Nếu phát hiện ra bệnh trong thời gian này thì việc điều trị sẽ vô cùng đơn giản. Tuy nhiên đa số người bệnh thường nhầm lẫn triệu chứng với đau bụng thông thường nên chủ quan không đi khám khiến bệnh tiến triển nặng hơn.

1.2 Loét dạ dày mạn tính

Giai đoạn cấp tính nếu không được điều trị sẽ gây sưng viêm kéo dài và chuyển sang mạn tính. Khi này các tổn thương đã lan rộng và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Việc điều trị trong giai đoạn này sẽ gặp nhiều khó khăn, tốn kém.

Bệnh loét dạ dày được chia thành 2 giai đoạn

Bệnh loét dạ dày được chia thành 2 giai đoạn: Viêm loét cấp tính và viêm loét mạn tính.

2. Nguyên nhân gây bệnh

Viêm loét dạ dày là bệnh lý khá thường gặp trong xã hội hiện đại. Bệnh dạ dày có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Đôi khi lý do gây bệnh lại xuất phát từ các thói quen xấu của người bệnh.

2.1 Vi khuẩn HP (Tên đầy đủ là Helicobacter pylori)

Vi khuẩn sau khi xâm nhập vào cơ thể sẽ sinh sống và phát triển tại lớp nhầy niêm mạc dạ dày. Khuẩn HP bắt đầu tiết ra độc tố làm mất khả năng chống lại acid của niêm mạc. Đây là nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh viêm dạ dày mạn tính.

2.2 Do tác dụng phụ của thuốc

Các thuốc kháng viêm, giảm đau khi dùng trong thời gian dài sẽ ức chế chất bảo vệ niêm mạc dạ dày. Khi rào bảo vệ niêm mạc dạ dày sẽ gây ra viêm loét dạ dày.

2.3 Căng thẳng cũng gây bệnh loét dạ dày

Các trạng thái căng thẳng, buồn phiền, giận dữ sẽ gây mất cân bằng chức năng dạ dày làm tăng tiết dịch vị. Khi này lớp niêm mạc bảo vệ dạ dày bị tổn thương.

2.4 Thói quen sinh hoạt, ăn uống không hợp lý

Ăn uống không đúng giờ, bỏ bữa, ăn quá no khiến dạ dày phải hoạt động thất thường. Uống nhiều rượu cũng khiến dạ dày phải co bóp mạnh gây tăng tiết dịch vị gây ra các vết viêm loét.

Một số nguyên nhân khác như: Các bệnh tự miễn, nhiễm hóa chất hoặc các bệnh gây ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa.

3. Triệu chứng bệnh loét dạ dày

Khi dạ dày gặp vấn đề thường sẽ xuất hiện một số triệu chứng đặc trưng như:

– Đau vùng thượng vị: Đây là dấu hiệu dễ nhận biết nhất của bệnh dạ dày. Cơn đau thường âm ỉ hoặc kéo dài từng cơn dữ dội. Người bệnh thường cảm thấy đau và lúc đói hoặc ban đêm trong vài phút hoặc vài tiếng.

– Ợ chua, ợ rát, ợ hơi, buồn nôn gây khó chịu ở dạ dày

– Mất ngủ thường xuyên do các cơn đau gây ra

– Rối loạn tiêu hóa: Xuất hiện tiêu chảy và táo bón xen kẽ do hệ tiêu hóa không ổn định

Đau vùng thượng vị là dấu hiệu loét dạ dày dễ nhận biết

Đau vùng thượng vị là dấu hiệu nhận biết viêm loét dạ dày điển hình nhất.

4. Cách chẩn đoán bệnh loét dạ dày

Bước đầu tiên, bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng và hỏi về các triệu chứng cũng như bệnh sử của bệnh nhân. Tiếp theo đó để xác định chính xác tình trạng bệnh cần thực hiện thêm một số biện pháp.

4.1 Nội soi hệ tiêu hóa

Phương pháp nội soi sẽ giúp bác sĩ quan sát chi tiết và rõ ràng về tình trạng của các ổ loét. Căn cứ vào hình ảnh sẽ giúp tiên lượng khả năng điều trị. Những ổ loét đơn giản có thể điều trị bằng thuốc. Đối với các ở loét lồi lõm, xơ chai sẽ cần sinh thiết bờ ổ loét để chẩn đoán ung thư dạ dày sớm.

4.2 Xét nghiệm máu, phân để xác định vi khuẩn HP

Có tới 90% các ca viêm loét dạ dày có nguyên nhân từ vi khuẩn HP. Mẫu phân và máu của người bệnh sẽ được mang đi phân tích. Từ kết quả nhận được sẽ giúp đánh giá nồng độ các enzym niêm mạc dạ dày và tình trạng hồng cầu có trong phân.

5. Biến chứng khi bệnh tiến triển sang giai đoạn nặng

Loét dạ dày nếu phát hiện sớm thì không quá nguy hiểm đối với sức khỏe. Tuy nhiên nếu bệnh không được điều trị triệt để và kéo dài sẽ gây ra nhiều biến chứng.

5.1 Xuất huyết hệ tiêu hóa do bệnh loét dạ dày

Biến chứng thường gặp nhất khi bị loét dạ dày là xuất huyết tiêu hóa. Người bệnh sẽ nôn hoặc đi ngoài ra máu. Nếu bệnh nhân không được cấp cứu kịp thời sẽ dẫn tới mất máu, sốc, ngất.

5.2 Thủng dạ dày

Các ổ loét sẽ bào mòn vào tế bào gây thủng dạ dày. Người bệnh sẽ gặp cơn đau dữ dội, cơ thành bụng cứng như gỗ, âm thanh nhu động ruột giảm hoặc mất.

5.3 Tắc đường ra của dạ dày

Dạ dày bị tắc có thể do vết loét, sẹo, co thắt. Các triệu chứng gồm buồn nôn nhiều lần, thường xảy ra vào cuối ngày, sau bữa ăn tối vài tiếng đồng hồ. Bệnh nhân sẽ bị đầy bụng, chán ăn.

5.4 Ung thư dạ dày

Bệnh nhân bị loét dạ dày do nhiễm khuẩn HP sẽ có nguy cơ cao bị ung thư dạ dày. Đây là biến chứng vô cùng nguy hiểm và khả năng điều trị thành công rất thấp.

Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm

Viêm loét dạ dày nếu không được điều trị tốt có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

6. Các biện pháp trị bệnh hiệu quả nhất

Ngay khi phát hiện có dấu hiệu của bệnh loét dạ dày bạn cần thăm khám và tiến hành điều trị sớm. Bệnh được chữa càng sớm thì cơ hội khỏi bệnh sẽ càng cao.

6.1 Điều trị bệnh loét dạ dày bằng thuốc

– Sử dụng các thuốc kháng sinh có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn HP

– Thuốc làm giảm mức độ acid trong dạ dày

– Thuốc giúp làm tăng khả năng bảo vệ niêm mạc

6.2 Phẫu thuật

Hiện nay phương pháp điều trị bằng thuốc khá hiệu quả nên số bệnh nhân cần phẫu thuật giảm đáng kể. Tuy nhiên đối với một số trường hợp phức tạp như: Thủng, tắc nghẽn, chảy máu không thể kiểm soát vẫn cần phải can thiệp phẫu thuật. Sau phẫu thuật có đến 30% bệnh nhân có triệu chứng: Tiêu hóa kém, hội chứng dạ dày rỗng nhanh chóng, thiếu máu,…Vì vậy chỉ khi thực sự cần thiết mới nên sử dụng đến thủ thuật xâm lấn.

Bên cạnh 2 phương pháp cơ bản trên còn có một số biện pháp hỗ trợ điều trị bệnh như:

– Dừng các loại thuốc giảm đau, chống viêm để ổn định lượng enzym trong dạ dày

– Ăn uống điều độ, đủ bữa, hạn chế các thực phẩm không có lợi cho dạ dày

– Xây dựng nếp sinh hoạt khoa học để cơ thể được nghỉ ngơi đúng lúc.

7. Những điều lưu ý khi bị bệnh

Song song với việc điều trị bằng thuốc thì chế độ ăn uống và sinh hoạt cũng sẽ hỗ trợ khá nhiều trong việc điều trị.

7.1 Chế độ ăn uống khi bị bệnh loét dạ dày

– Ăn nhiều rau quả, trái cây để bổ sung vitamin và các chất oxy hóa có khả năng chống viêm

– Chất xơ hòa tan (trong đậu Hà Lan, yến mạch, táo,…) giúp làm chậm lại quá trình phát triển của vết loét

– Lợi khuẩn (Probiotics) giúp cải thiện triệu chứng khó tiêu, tác dụng phụ của thuốc

– Kẽm: Chất này giúp duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh và chữa lành vết thương. Bạn có thể bổ sung kẽm khi ăn: Hàu, thịt bò, các loại đậu,…

– Selenium: Đây là chất có tác dụng giảm nhiễm  trùng và thúc đẩy cơ thể chữa lành. Selen thường có trong các loại cá biển và ngũ cốc nguyên hạt.

7.2 Lưu ý trong thói quen sinh hoạt lành mạnh hằng ngày

Ngoài chế độ ăn uống, việc hình thành thói quen tốt cũng rất quan trọng

– Bỏ thuốc lá, rượu bia

– Hạn chế sử dụng các thuốc kháng viêm, giảm đau gây tác dụng phụ cho dạ dày

– Luôn rửa tay bằng xà phòng sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh

– Luôn ăn thức ăn được nấu chín

– Giữ tinh thần vui vẻ, lạc quan

Nếu bị bệnh loét dạ dày bạn không nên quá lo lắng, với sự hiện đại của y tế hiện nay có thể giúp điều trị bệnh dễ dàng. Tuy nhiên bạn nên chữa bệnh càng sớm càng tốt để tránh chuyển sang giai đoạn mạn tính.

Từ khóa » Tìm Hiểu Loét Dạ Dày