Tổng Quan Về Chạy Thận Nhân Tạo - Bệnh Viện Nguyễn Tri Phương

1. Khi nào cần chạy thận nhân tạo?

Thận là cơ quan quan trọng của cơ thể, có chức năng duy trì cân bằng dịch tổng thể; Điều hòa và lọc khoáng chất từ ​​máu; Lọc chất thải từ thực phẩm, thuốc và các chất độc hại; Tạo ra các hormone giúp sản sinh hồng cầu, tăng cường sức khỏe của xương và điều hòa huyết áp.

Đối với các bệnh nhân bị bệnh suy thận giai đoạn cuối thì thận không thể thực hiện các chức năng tự nhiên của nó một cách đầy đủ, gây tổn hại cho sức khỏe, thậm chí là tử vong. Khi đó, chạy thận nhân tạo là giải pháp giúp bệnh nhân duy trì được cuộc sống và kéo dài thời gian sống.

Vậy chạy thận nhân tạo là gì? Đó là quá trình là thiết lập vòng tuần hoàn ngoài cơ thể có lưu lượng máu từ 200 – 400 ml/phút, thời gian kéo dài từ 4 – 8h. Quá trình này sử dụng máy lọc để “làm sạch” máu thay cho chức năng thận của người bệnh. Sau khi được lọc bỏ các chất cặn bã, máu sẽ đưa trở lại vào cơ thể.

Chạy thận nhân tạo dựa trên các cơ chế sau:

  • Cơ chế siêu lọc: Do áp lực của bơm máu cao hơn áp lực bơm dịch nên áp lực thủy tĩnh của khoang máu sẽ cao hơn áp lực ở khoang dịch, nước từ khoang máu sẽ di chuyển sang khoang dịch và kéo theo các chất hòa tan.
  • Cơ chế khuếch tán riêng phần: Các chất hòa tan như urê, creatinin và các chất có trọng lượng phân tử nhỏ khác có nồng độ cao trong máu sẽ khuếch tán từ máu sang khoang dịch lọc do sự chênh lệch nồng độ.
  • Cơ chế dòng đối lưu: Sau một thời gian khi chất tan ở khoang máu và khoang dịch lọc cân bằng nhau, quá trình khuếch tán sẽ giảm hiệu lực.

Chỉ định chạy thận nhân tạo:

  • Tất cả những người bệnh suy thận giai đoạn cuối phải điều trị thay thế khi khả năng làm việc của thận còn 10-15%, hay mức lọc cầu thận (MLCT) ≤ 15 ml/ phút/ 1.73 m2 .
  • Ở những bệnh nhân có bệnh lý kèm theo là đái tháo đường, có thể chỉ định sớm hơn.
  • Ngoài ra, kỹ thuật thận nhân tạo còn được áp dụng để lọc máu trong các trường hợp khác: Chỉ định lọc máu cấp cứu, ngộ độc,…
  • Lọc máu chu kỳ 1 tuần ≥ 12 giờ (mỗi lần lọc máu ít nhất 4 giờ, tuần 3 lần, cách ngày).

Chạy thận nhân tạo là một quy trình đòi hỏi sự nghiêm ngặt, kéo dài theo suốt cuộc đời, kết hợp với việc dùng thuốc và chế độ ăn uống hợp lý. Do đó, để đảm bảo an toàn và hiệu quả điều trị cao nhất, bệnh nhân cần lựa chọn cơ sở y tế chất lượng, tránh xảy ra các rủi ro biến chứng.

Đối tượng chống chỉ định tuyệt đối chạy thận nhân tạo: Không có đường lấy máu thích hợp.

Đối tượng chống chỉ định tương đối chạy thận nhân: Trụy tim mạch, rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim và bệnh mạch vành, suy tim toàn bộ, rối loạn đông máu và chảy máu. Ngoài ra còn có: Người bệnh đang sốt cao, suy kiệt do ung thư.

2. Quy trình chạy thận nhân tạo

Quy trình chạy thận nhân tạo là quá trình máu được lọc bằng máy chạy thận ngoài cơ thể. Khi lọc máu, máu được rút ra từ mạch máu, sau đó di chuyển qua quả lọc máu. Qủa lọc sẽ có tác dụng làm sạch máu, rồi đưa máu quay trở lại cơ thể bệnh nhân qua mạch máu. Qúa trình này diễn ra ít nhất 4h mỗi lần, ở bệnh nhân nhẹ thì 1 tuần lọc 2 lần, sau đó tăng lên 3 lần/ tuần.

– Theo dõi sau quá trình chạy thận nhân tạo:

Sau khi chạy thận nhân tạo cần phải theo dõi: Huyết áp, mạch ở các tư thế đứng, nằm; Các dấu hiệu của cao hoặc tụt huyết áp; Cân nặng của bệnh nhân,…

Chú ý: Sau khi lọc máu, người bệnh không được ngủ gối đầu tay vì tăng nguy cơ tắc nghẽn, nhiễm trùng do sự phát sinh các cục máu đông.

Các tai biến có thể xảy ra trong và sau khi chạy thận nhân tạo: Tụt huyết áp, chuột rút, buồn nôn, nôn, đau đầu, sốt, rét run, tắc mạch do khí, các biến chứng do thủ thuật,…

3. BHYT có chi trả cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo không?

Theo quy định của Bộ Y tế, chi phí cho mỗi lần chạy thận nhân tạo của bệnh nhân bao gồm 11 khoản (dây lọc máu, màng lọc, dịch sát khuẩn màng lọc,…). Trong đó BHYT thanh toán 7 khoản nhưng không vượt quá 543.000 đồng (đối với bệnh viện hạng một). Mức chi trả bảo hiểm còn phụ thuộc vào vấn đề người bệnh được thanh toán theo diện đồng chi trả 80%, 95% hay 100%; chạy thận ở bệnh viện nào.

Bệnh nhân chạy thận nhân tạo có 2 dạng là chạy thận cấp cứu (khi có bệnh lý cấp tính) và chạy thận chu kỳ. Bệnh nhân chạy thận cấp cứu lần đầu phải đặt cathete riêng, chi phí phần này khoảng 1 triệu đồng. Chi phí chạy thận chu kỳ tùy thuộc vào vật tư tiêu hao, trung bình khoảng 700.000 đến 1 triệu đồng một lần. Do đó, trong trường hợp bảo hiểm y tế chi trả 100%, người bệnh mỗi lần chạy thận còn phải đóng thêm khoảng 150.000-450.000 đồng nữa. Một số bệnh viện có quy định chi trả thêm vài phụ phí đi kèm như: Điện, nước,.. dao động trong khoảng 20-30 nghìn đồng.

Khoản chi phí chi trả thêm với nhiều bệnh nhân là con số đáng kể, vì số lần chạy thận chiếm khoảng thời gian dài và phải theo gần như suốt cuộc đời để duy trì sự sống. Cụ thể, người bệnh chạy thận nhân tạo chu kỳ thông thường được chỉ định chạy 3 lần mỗi tuần; Trường hợp bệnh nhẹ thì thời gian đầu 2 lần mỗi tuần, sau đó tăng lên 3 lần.

4. Chạy thận nhân tạo sống được bao lâu?

Theo các chuyên gia, nếu bệnh nhân chạy thận nhân tạo đều đặn sẽ tăng khả năng sống lên 5-10 năm, có trường hợp lên đến 20-30 năm. Điều này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: Mức độ bệnh, giai đoạn bệnh, chế độ ăn uống, chế độ luyện tập, khả năng kinh tế,…

5. Làm gì để tăng tuổi thọ cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo?

– Tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ.

– Xây dựng chế độ sinh hoạt – dinh dưỡng nghiêm ngặt và hợp lý: Chế độ ăn giàu calo, cần ăn nhạt, không được ăn quá nhiều muối. Không sử dụng các đồ uống như: trà, cà phê, rượu, bia,… Chế độ ăn nhiều chất đạm, vitamin, ít nước, hạn chế thực phẩm nhiều kali, natri,…

– Tránh tập luyện và làm việc nặng, thái độ sống lạc quan, giảm căng thẳng, vận động nhẹ nhàng, dành nhiều thời gian hơn cho việc nghỉ ngơi.

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

facebook.com/BVNTP

youtube.com/bvntp

Từ khóa » Nguyên Lý Thận Nhân Tạo