Tổng Quan Về Ngành Công Nghệ Sinh Học

Nhiều bậc phụ huynh và các bạn học sinh, thậm chí là sinh viên trong ngành, vẫn còn nhiều thắc mắc về ngành Công nghệ sinh học. Sau đây, chúng tôi xin có một bài viết ngắn để giúp quý độc giả có một cái nhìn toàn cảnh về ngành Công nghệ sinh học cũng như những cơ hội liên quan đến một ngành học đầy tiềm năng này.

1. NGÀNH CÔNG NGHỆ SINH HỌC LÀ GÌ?

Ngành Công nghệ Sinh học (Biotechnology) là một ngành học có sự kết hợp giữa Công nghệ hiện đại và Sinh học nhằm tạo ra các sản phẩm công nghệ được ứng dụng để giải quyết các vấn đề của cuộc sống.

2. NHỮNG CƠ HỘI ĐỐI VỚI NGÀNH CÔNG NGHỆ SINH HỌC?

Thế kỉ 21 được gọi là thế kỉ của Công nghệ sinh học khi mà các nước trên thế giới đua nhau đẩy mạnh phát triển ngành kinh tế - kỹ thuật mũi nhọn này. Tại Việt Nam, ngành Công nghệ sinh học cũng nằm trong chiến lược phát triển khoa học công nghệ từ nay cho đến năm 2030, nhằm ứng dụng vào các lĩnh vực như y dược, nông – lâm – ngư nghiệp, công nghiệp chế biến, bảo vệ môi trường. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc ứng dụng trong chăm sóc sức khoẻ để chẩn đoán, điều trị các bệnh nguy hiểm, bệnh mới, ứng dụng công nghệ tế bào gốc; sản xuất vắc-xin, dược phẩm; tạo ra các sản phẩm sinh học phục vụ trong chế biến thực phẩm, chăn nuôi,…; tạo các giống cây trồng, vật nuôi, thuỷ hải sản có năng xuất, chất lượng và giá trị cao.

Bên cạnh đó, nhiều đơn vị đang hoạt hoạt động trong lĩnh vực Công nghệ Sinh học đang có nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao. Trên cả nước, hiện đang có khoảng hơn 500 trung tâm, công ty, doanh nghiệp, và đơn vị hoạt động liên quan đến ngành Sinh học ngành Công nghệ Sinh học. Đồng thời, hàng năm có nhiều đơn vị được thành lập mới hoặc mở rộng quy mô hoạt động. Ngoài ra, nhiều tập đoàn, công ty ở các lĩnh vực công nghệ khác trên thế giới (Facebook, Apple, Toshiba, Fujitsu,...) và Việt Nam (VinGroup, FPT,...) đã bắt đầu triển khai các dự án đầu tư có liên quan đến ngành này. Do đó, thị trường lao động của ngành luôn cực kỳ tiềm năng và có tính cạnh tranh cao.

Các cử nhân ngành Công nghệ Sinh học có thể thực hiện các công việc như nhà nghiên cứu, cán bộ giảng dạy, quản lý tại các cơ quan có liên quan đến sinh học và Công nghệ Sinh học, chuyên viên nghiên cứu và phát triển, nhân viên quản lý và đảm bảo chất lượng, kỹ thuật viên phòng thí nghiệm, nhân viên các phòng xét nghiệm hay các phòng khám, nhân viên sản xuất, nhân viên kinh doanh, bán hàng, marketing,… Ngoài ra, hằng năm, có rất nhiều suất học bổng du học sau đại học dành cho sinh viên ngành Công nghệ Sinh học đến từ khắp nơi trên thế giới như Mỹ, Nhật, Anh, Pháp, Đức, Úc, Hàn, Canada, Hà Lan ...

- HINH_1

Hình: Phân nhóm nghề nghiệp liên quan đến ngành Công nghệ Sinh học

3. VẬY, NGÀNH CÔNG SINH HỌC PHÙ HỢP VỚI AI?

Nếu bạn yêu thích nghiên cứu, khám phá những điều mới mẻ liên quan đến Công nghệ Sinh học như xây dựng các công cụ chẩn đoán bệnh, tìm hiểu nguyên nhân gây nên các bệnh như ung thư, ứng dụng tế bào gốc trong điều trị, tạo các giống cây trồng mới, nghiên cứu công nghệ sản xuất các thuốc,… thì hẳn ngành Công nghệ Sinh học phù hợp với bạn.

Với ngành Công nghệ sinh học, nếu bạn mong muốn 1 công việc kỹ thuật viên trong phòng thí nghiệm với những máy móc, thiết bị thì bạn có thể được thỏa sức chọn lựa những cơ hội nghề nghiệp đa dạng từ quản lý chất lượng sản phẩm như: dược, lương thực, thực phẩm ... cho đến xét nghiệm trong các phòng khám, bệnh viện.

Còn nếu bạn yêu thích sinh học và cũng có “máu” kinh doanh thì ngành Công nghệ Sinh học sẽ tạo cơ hội để bạn trang bị cho mình những kiến thức cần thiết. Vì một ngành có tốc độ phát triển và nhu cầu cao như ngành Công nghệ Sinh học thì các sản phẩm, thiết bị, công cụ phục vụ cho ngành sẽ rất nhiều. Do đó, nhu cầu nhân viên kinh doanh, tư vấn, marketing ... có kiến thức về lĩnh vực công nghệ sinh học cũng sẽ rất cao.

Như vậy, ngành Công nghệ Sinh học có thể phù hợp với tất cả mọi đối tượng nếu như họ có sẵn một định hướng phát triển rõ ràng cho bản thân.

4. HỌC CÔNG NGHỆ SINH HỌC Ở ĐÂU?

Sau khi đã xác định ngành Công nghệ Sinh học phù hợp với bạn, bước tiếp theo là tìm một môi trường học phù hợp. Vậy thì trường nào có đào tạo ngành Công nghệ Sinh học?

Hiện nay, có nhiều đơn vị đào tạo ngành Công nghệ Sinh học phải kể đến như Đại học Quốc tế - ĐHQG HCM (IU), Đại học Bách Khoa, Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Kỹ thuật Công nghệ Tp.HCM, Đại học Mở Tp.HCM, Đại học Nguyễn Tất Thành và Khoa Sinh học – Công nghệ Sinh học trường Đại học Khoa Học Tự Nhiên – ĐHQG HCM, … Mỗi trường sẽ có những thế mạnh và định hướng đào tạo khác nhau. Tuy nhiên, để chọn được một ngôi trường phù hợp cho tương lai, các bạn học sinh cần chú ý đến những thông tin cơ bản như chương trình đào tạo; chất lượng giảng viên; các cơ hội thực tập – nghề nghiệp tại trường, cơ sở vật chất cũng như mức học phí, ... để có thể cân nhắc.

Nếu bạn chọn trường Đại học Khoa học Tự Nhiên – ĐHQG HCM để dấn thân vào ngành Công nghệ Sinh học, bạn sẽ có cơ hội được đào tạo trong một môi trường giúp người học phải nỗ lực để hoàn thiện bản thân, thích nghi dưới các điều kiện học tập từ cổ điển đến hiện đại, chủ động rèn luyện các kỹ năng, thái độ tốt dưới sự hướng dẫn và hỗ trợ của thầy cô và nhà trường.

hinh_3

Hình: Sinh viên chăm chú thảo luận kết quả thí nghiệm tại phòng thí nghiệm tại trường ĐH Khoa học Tự Nhiên

Với hệ thống các Phòng thí nghiệm được trang bị nhiều thiết bị tân tiến, khoa Sinh học – Công nghệ sinh học đại học Khoa học Tự Nhiên ĐH QG HCM tự hào là một trong những cơ sở hiện đại được đầu tư bởi nhiều đề án nghiên cứu trong và ngoài nước. Chương trình đào tạo tại đây cũng rất đa dạng với nhiều chuyên ngành như Công nghệ Sinh học Nông nghiệp, Công nghệ Sinh học Công nghiệp, Công nghệ Sinh học Y dược Vật liệu Sinh học; tất cả được xây dựng bài bản nhằm cung cấp cho người học những kiến thức nền tảng căn bản nhất của ngành học cũng như các kiến thức ứng dụng. Đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm, đa số được tu nghiệp tại nước ngoài, đảm bảo kiến thức và kỹ năng chuyên môn.

Ngoài ra, trường ĐH Khoa học tự nhiên nói chung và khoa Sinh học – Công nghệ sinh học nói riêng còn duy trì các mối quan hệ với các trường đại học lớn trên thế giới như ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Ý, Đài Loan, … nên có thể tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, các khóa đào tạo kỹ thuật ngắn hạn; cung cấp thông tin về các học bổng du học cũng như các hội thảo, seminar chuyên đề hấp dẫn. Đồng thời, khoa Sinh học – Công nghệ sinh học cũng liên kết với nhiều doanh nghiệp để thực hiện công tác tuyển dụng và hướng nghiệp cho sinh viên, nhằm tăng cơ hội việc làm cho các tân cử nhân của trường.

Đặc biệt, với mức học phí không quá cao so với mặt bằng chung các trường hiện nay, đi kèm với chất lượng đào tạo, trường ĐH Khoa học Tự nhiên vẫn là một sự lựa chọn tối ưu cho đa số các bạn sinh viên.

Với những thông tin trên, hy vọng đã giúp giải đáp những thắc mắc của quý độc giả về ngành Công nghệ Sinh học. Nếu còn thắc mắc thêm về ngành học, quý vị, đặc biệt là quý bậc phụ huynh và các em học sinh, có thể gửi câu hỏi về cho khoa Sinh học – Công nghệ sinh học tại fanpage của khoa hoặc email để nhận được câu trả lời chi tiết hơn.

Từ khóa » Công Nghệ Sinh Dược Là Gì