Tổng Quan Về Quy Trình Và Thủ Tục Nhập Khẩu Hàng Hóa Vào Đức

Là thành viên của Liên minh châu Âu (EU), Đức cơ bản áp dụng chung các quy trình và thủ tục nhập khẩu hàng hóa của EU.

Quy trình nhập khẩu hàng hóa vào EU nói chung được thông tin chi tiết tại Cổng Access2Markets của Ủy ban châu Âu (https://trade.ec.europa.eu/access-to-markets/en), với địa chỉ cụ thể theo đường dẫn: https://trade.ec.europa.eu/access-to-markets/en/content/guide-import-goods.

Ngoài ra, trang web của Hải quan Đức (https://www.zoll.de/EN) tại đường dẫn: https://www.zoll.de/EN/Businesses/Movement-of-goods/Import/import_node.html cũng quy định về quy trình nhập khẩu này.

(Chú ý các đường dẫn/link được nêu trong mục này chỉ mang tính chất tham khảo, có thể bị thay đổi. Trong mọi trường hợp doanh nghiệp có thể trực tiếp truy cập vào Cổng Access2Markets và trang web của Hải quan Đức để tìm kiếm các thông tin).

Dưới đây là tóm tắt các bước nhập khẩu hàng hóa từ các quốc gia ngoài lãnh thổ EU vào Đức:

Bước 1: Chuẩn bị nhập khẩu

Đăng ký số EORI - Số đăng ký và định danh chủ thể kinh doanh

Để thực hiện việc xuất nhập khẩu hàng hóa ra vào lãnh thổ EU, cá nhân/doanh nghiệp phía EU bắt buộc phải sử dụng số EORI làm mã số định danh (identification number) trong mọi thủ tục hải quan khi trao đổi thông tin với cơ quan Hải quan.

Xác định diện nhập khẩu của hàng hóa

Không phải hàng hóa nào cũng được phép nhập khẩu vào Đức, đồng thời cũng không phải tất cả các loại hàng hóa khi nhập khẩu vào Đức đều có chung một cơ chế nhập khẩu. Do vậy, trước khi nhập khẩu hàng hóa vào thị trường Đức, nhà nhập khẩu cần xác định diện nhập khẩu của hàng hóa của mình để xác định thủ tục tương ứng.

Chi tiết Bước 1 xem tại: https://trungtamwto.vn/thi-truong-duc/19559-chuan-bi-nhap-khau-hang-hoa-vao-duc

Bước 2: Phân loại hàng hóa

Xác định phân loại (HS) cho hàng hóa là một bước rất quan trọng để xác định thuế quan nhập khẩu đối với hàng hóa đó.

Việt Nam hiện đang áp dụng hệ thống HS chi tiết đến 8 số theo Hệ thống hài hòa thuế quan của ASEAN (AHTN). Trong khi đó, Đức áp dụng hệ thống HS tích hợp (8 số) của EU (CN) cho mục đích áp dụng thuế quan nhập khẩu, và chi tiết thêm đến 11 số cho mục đích áp thuế VAT và một số biện pháp khác. Vì vậy, doanh nghiệp cần chú ý khi xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Đức cần xác định mã HS của hàng hóa theo hệ thống HS của Đức (11 số) chứ không phải là theo HS của Việt Nam (08 số).

Chi tiết Bước 2 xem tại: https://trungtamwto.vn/thi-truong-duc/19560-phan-loai-hang-hoa-nhap-khau-vao-duc

Bước 3: Xác định các loại thuế phí

Thuế quan nhập khẩu

Đối với hàng hóa Việt Nam nhập khẩu vào Đức, hiện có 03 lựa chọn về thuế quan, mỗi lựa chọn tương ứng với một mức thuế và các điều kiện cụ thể. Nhà nhập khẩu sẽ căn cứ vào điều kiện cụ thể của hàng hóa để lựa chọn thuế quan phù hợp và có lợi nhất cho mình. Cụ thể:

  • Thuế MFN;
  • Thuế GSP;
  • Thuế ưu đãi EVFTA.

Các loại thuế khác

Ngoài thuế nhập khẩu, hàng hóa nhập khẩu vào Đức có thể bị áp các loại thuế khác như:

  • Thuế tiêu thụ đặc biệt (Excise tax);
  • Thuế giá trị gia tăng (VAT);
  • Thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp và thuế tự vệ.

Chi tiết Bước 3 xem tại: https://trungtamwto.vn/thi-truong-duc/19561-cac-loai-thue-phi-nhap-khau-vao-duc

Bước 4: Vận chuyển, làm thủ tục Hải quan và thông quan cho lô hàng

Tất cả hàng hóa thương mại vận chuyển từ các nước ngoài EU, trong đó có Việt Nam, sang Đức sẽ phải thực hiện khai báo cho Cơ quan Hải quan Đức – Cơ quan có thẩm quyền về thủ tục giải phóng hàng hóa đối với hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào EU mà cửa khẩu đầu tiên là thuộc lãnh thổ Đức.

Thủ tục Hải quan nhập khẩu vào Đức bao gồm các bước sau:

  • Khai báo Tờ khai tóm tắt nhập cảnh (Entry Summary Declaration - ENS);
  • Khai báo Tờ khai nhập khẩu;
  • Kiểm tra chứng từ nhập khẩu;
  • Kiểm tra thực tế phương tiện vận tải và hàng hóa, nếu cần;
  • Thu thuế nhập khẩu, các loại thuế, phí khác.

Sau khi hàng nhập khẩu được nộp đầy đủ các chứng từ, thuế phí theo yêu cầu và kiểm tra hàng hóa không có vấn đề gì (nếu hàng hóa được yêu cầu kiểm tra thực tế), Hải quan Đức sẽ tiến hành thông quan cho lô hàng và giải phóng hàng hóa. Trong quá trình làm thủ tục Hải quan, hàng hóa nhập khẩu sẽ được đưa vào Kho tạm thời (Temporary storage) dưới sự giám sát của Hải quan (không quá 90 ngày) cho đến khi hàng hóa được thông quan.

Sau khi được thông quan và giải phóng, hàng hóa nhập khẩu sẽ được lưu hành tự do tại Đức và toàn bộ lãnh thổ các thành viên EU.

Chi tiết Bước 4 xem tại: https://trungtamwto.vn/thi-truong-duc/19562-van-chuyen-thu-tuc-hai-quan-va-thong-quan-cho-lo-hang-khi-nhap-khau-vao-duc

Nguồn: Trích dẫn "Sổ tay Doanh nghiệp: Tận dụng EVFTA để xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Đức" - Trung tâm WTO và Hội nhập

Từ khóa » Xề Vào