Tổng Thống Hoa Kỳ – Wikipedia Tiếng Việt

Tổng thống Hoa Kỳ
Con dấu tổng thống
Cờ hiệu tổng thống
Đương nhiệmJoe Bidentừ ngày 20 tháng 1 năm 2021
  • Nhánh hành pháp chính quyền Hoa Kỳ
  • Văn phòng điều hành của Tổng thống
Kính ngữ
  • Ngài Tổng thống[1][2] (thân mật)
  • The Honorable[3] (chính thức)
  • His Excellency[4][5] (ngoại giao)
Loại
  • Nguyên thủ quốc gia
  • Người đứng đầu chính phủ
  • Tổng tư lệnh
Viết tắtPOTUS
Thành viên của
  • Nội các
  • Hội đồng chính sách đối nội
  • Hội đồng kinh tế quốc gia
  • Hội đồng an ninh quốc gia
Dinh thựNhà Trắng
Trụ sởWashington, D.C.
Bổ nhiệm bởiĐại cử tri Đoàn hoặc phó tổng thống kế nhiệm
Nhiệm kỳBốn năm, được tái cử một lần
Tuân theoHiến pháp Hoa Kỳ
Thành lập4 tháng 3 năm 1789(235 năm trước) (1789-03-04)[6][7][8]
Người đầu tiên giữ chứcGeorge Washington[9]
Lương bổng400.000 đô la Mỹ mỗi năm
Websitewww.whitehouse.gov

Tổng thống Hoa Kỳ (president of the United States, viết tắt là POTUS)[A] là nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ của Hoa Kỳ. Tổng thống lãnh đạo chính quyền liên bang Hoa Kỳ và thống lĩnh Quân đội Hoa Kỳ.

Từ khi George Washington nhậm chức tổng thống đầu tiên vào năm 1789 thì quyền hạn của tổng thống đã tăng cường đáng kể.[11] Tuy có lúc thịnh lúc suy trong lịch sử nhưng tổng thống giữ một vai trò quan trọng trong đời sống chính trị của Hoa Kỳ từ đầu thế kỷ 20. Quyền hạn của tổng thống được tăng cường mạnh mẽ trong nhiệm kỳ của Franklin D. Roosevelt và George W. Bush.[12][13] Hiện tại, tổng thống Hoa Kỳ là một trong những nhân vật chính trị có quyền lực lớn nhất trên thế giới và là lãnh đạo của siêu cường quốc duy nhất trên thế giới.[14][15][16][17] Là lãnh đạo của nền kinh tế lớn nhất trên thế giới theo GDP (danh nghĩa), tổng thống Hoa Kỳ sở hữu nhiều quyền lực cứng và quyền lực mềm cả trong nước lẫn trên trường quốc tế.

Điều II Hiến pháp Hoa Kỳ quy định nhiệm vụ, quyền hạn của tổng thống, bao gồm thi hành luật liên bang và bổ nhiệm các quan chức hành chính, ngoại giao, quản lý nhà nước và tư pháp của chính quyền liên bang. Tổng thống có quyền bổ nhiệm, tiếp nhận đại sứ, ký kết điều ước quốc tế và chịu trách nhiệm thực hiện chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, bao gồm quản lý và chỉ huy Quân đội Hoa Kỳ, là quân đội có ngân sách quốc phòng lớn nhất trên thế giới và sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn thứ hai trên thế giới.

Tổng thống cũng giữ một vai trò lãnh đạo trong việc xây dựng pháp luật liên bang, chính sách đối nội. Khoản 7 Điều II Hiến pháp Hoa Kỳ quy định tổng thống có quyền phủ quyết luật của Quốc hội. Được coi là lãnh đạo của chính đảng họ, tổng thống tích cực vận động những nghị sĩ Quốc hội ủng hộ chính sách của họ, và quá trình xây dựng chính sách phần lớn phụ thuộc vào kết quả bầu cử tổng thống.[18] Trong những thập niên gần đây, tổng thống cũng thường xuyên dùng sắc lệnh, quy định của các cơ quan nhà nước và quyền bổ nhiệm thẩm phán để quyết định chính sách đối nội.

Tổng thống và phó tổng thống do Đại cử tri Đoàn bầu ra. Nhiệm kỳ của tổng thống và phó tổng thống là bốn năm. Tu chính án XII Hiến pháp Hoa Kỳ quy định không ai được tái cử tổng thống quá hai nhiệm kỳ. Đã có chín phó tổng thống kế nhiệm tổng thống sau khi tổng thống đương nhiệm qua đời hoặc từ chức.[B] Tổng cộng đã có 45 cá nhân giữ chức vụ tổng thống trải qua 58 nhiệm kỳ bốn năm.[C]

Lịch sử phát triển

Nguồn gốc

Trong Chiến tranh Cách mạng Mỹ, đại diện của Mười ba thuộc địa tại Philadelphia nhất trí thông qua Tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ vào ngày 4 tháng 7 năm 1776, tuyên bố độc lập khỏi Anh. Để phối hợp các lực lượng kháng chiến chống Anh,[20] Đệ Nhị Quốc hội Lục địa bắt đầu soạn thảo một bản hiến pháp nhằm thống nhất các tiểu bang.[21] Sau một khoảng thời gian thảo luận, tranh luận, Quốc hội thông qua Các điều khoản Hợp bang vào tháng 11 năm 1777 và trình các tiểu bang phê chuẩn.[21] Các điều khoản Hợp bang có hiệu lực vào ngày 1 tháng 3 năm 1781.

Các điều khoản Hợp bang quy định Quốc hội Hợp bang là cơ quan quyền lực nhà nước trung ương. Quốc hội có quyền thông qua nghị quyết, quyết định, quy định nhưng không có quyền lập pháp và không được áp đặt thuế, ban hành quy định về thương mại của các tiểu bang.[20] Sự tổ chức nhà nước này phản ánh quan niệm của người Mỹ về vai trò chính đáng của Quốc vương và Quốc hội Anh đã bị lật đổ đối với các thuộc địa: Quốc hội Hợp bang chỉ giải quyết những vấn đề của toàn quốc,[20] được thừa hưởng một vài vương quyền (ví dụ như tuyên bố chiến tranh, tiếp nhận đại sứ, v.v.), những quyền hạn còn lại thuộc về các tiểu bang. Chủ tịch Quốc hội Hợp bang do Quốc hội bầu ra, có nhiệm vụ chủ tọa các phiên họp của Quốc hội nhưng không nắm thực quyền.[22]

Năm 1783, Anh ký Hiệp định Paris, thừa nhận nền độc lập của Hoa Kỳ. Sau khi chiến tranh kết thúc, các tiểu bang bắt đầu tập trung vào công việc nội bộ của mình mà ngừng hợp tác với nhau.[21] Hậu quả là biên giới quốc gia Hoa Kỳ bị bao vây, suy yếu trong khi nền kinh tế của các tiểu bang bị khủng hoảng do xung đột thương mại giữa các tiểu bang. Hoa Kỳ phải nhập khẩu hàng hóa, tàu thương mại của Hoa Kỳ tại Địa Trung Hải bị cướp biển Barbary làm mồi, các khoản nợ nước ngoài từ thời Chiến tranh Cách mạng Mỹ vẫn chưa trả được gốc lẫn lãi.[21] Tình trạng nội loạn, bất ổn chính trị gia tăng. Những chính biến như Âm mưu Newburgh và Cuộc nổi loạn Shays cho thấy Các điều khoản Hợp bang không còn hữu hiệu.

Sau khi giải quyết được tranh chấp thương mại, đánh bắt cá với Maryland tại Hội nghị Mount Vernon vào năm 1785, Virginia triệu tập một hội nghị thương mại vào tháng 9 năm 1786 tại Annapolis, Maryland nhằm dứt điểm những xung đột thương mại giữa các tiểu bang. Tuy nhiên, nhiều tiểu bang không cử đại diện đi dự hội nghị do nghi kị lẫn nhau. Alexander Hamilton kêu gọi những đại diện có mặt tại Annapolis triệu tập một hội nghị vào mùa xuân năm sau tại Philadelphia nhằm sửa đổi, bổ sung Các điều khoản Hợp bang. Ban đầu tình trạng vắng mặt có khả năng cao tái diễn cho đến khi James Madison và Edmund Randolph thuyết phục George Washington làm đại diện của Virginia đi dự hội nghị.[21][23]

Hội nghị Lập hiến nhóm họp vào tháng 5 năm 1787 với sự tham gia của 12 tiểu bang. Lập trường của các phái đoàn về nhánh hành pháp phản ánh sự tổ chức nhà nước của mỗi tiểu bang. Thống đốc của hầu hết các tiểu bang không có quyền bổ nhiệm hoặc phủ quyết luật, do cơ quan lập pháp bầu ra mỗi năm, bị giới hạn một nhiệm kỳ, làm việc theo chế độ tập thể trong một ủy ban hành chính và bị cơ quan lập pháp kiểm soát.[21] Thống đốc New York là ngoại lệ lớn nhất, thực hiện quyền hành pháp, có quyền bổ nhiệm, phủ quyết luật, nhiệm kỳ ba năm và không bị giới hạn số nhiệm kỳ.[21] Đàm phán kín giữa các tiểu bang định hình chức vụ tổng thống trong Hiến pháp Hoa Kỳ.

1789–1933

George Washington, tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ

Là tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ, George Washington xác lập nhiều quy tắc, tiêu chuẩn của chức vụ tổng thống.[24][25] Việc ông tự nguyện về hưu đặt ra tiền lệ không ai được tái cử tổng thống quá hai nhiệm kỳ[26] mà đến năm 1940 mới bị phá vỡ và sau cùng được hiến định trong Tu chính án XII. Các chính đảng đã hình thành khi nhiệm kỳ của Washington kết thúc.[27] John Adams thắng cử Thomas Jefferson trong cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên vào năm 1796.[28] Jefferson thắng cử Adams vào năm 1800 và tái cử một nhiệm kỳ. James Madison và James Monroe lần lượt trúng cử tổng thống hai nhiệm kỳ. Sau khi Đảng Dân chủ Cộng hòa bị chia rẽ, John Quincy Adams, con trai của Adams, trúng cử tổng thống vào năm 1824.

Andrew Jackson trúng cử tổng thống vào năm 1828, trở thành tổng thống đầu tiên không xuất thân từ thành phần ưu tú của Virginia, Massachusetts đã giữ chức vụ tổng thống trong 40 năm đầu tiên.[29] Jackson nỗ lực mở rộng quyền hạn của tổng thống trong khi thu hẹp quyền hạn của Quốc hội và tăng cường quyền tham gia chính quyền của nhân dân. Martin Van Buren bị dư luận phản đối sau khủng hoảng tài chính năm 1837.[30] John Tyler kế nhiệm William Henry Harrison làm tổng thống sau khi ông qua đời nhưng xung đột với Quốc hội, khiến cho chức vụ tổng thống ngày càng yếu thế.[31] Từ năm 1837 đến năm 1861, có tám người lên làm tổng thống mà không ai tái cử được nhiệm kỳ thứ hai.[32] Trong thời kỳ này, bộ ba Henry Clay, Daniel Webster và John C. Calhoun trongThượng viện giữ một vai trò then chốt trong việc xây dựng chính sách cho đến khi vấn đề chế độ nô lệ chia cắt Hoa Kỳ.[33][34]

Trong Nội chiến Hoa Kỳ, Abraham Lincoln lãnh đạo chính quyền trên cương vị tổng thống. Tình hình chiến tranh và thế đa số của Đảng Cộng hòa trong Quốc hội làm tăng cường quyền hạn của chức vụ tổng thống.[35][36] Lincoln tái cử tổng thống vào năm 1864, trở thành tổng thống đầu tiên được tái cử kể từ Jackson vào năm 1832. Andrew Johnson kế nhiệm tổng thống sau khi Lincoln bị ám sát nhưng mất sự ủng hộ chính trị[37] và gần như bị Quốc hội bãi nhiệm.[38] Quốc hội duy trì quyền lực lớn mạnh trong hai nhiệm kỳ tổng thống của Ulysses S. Grant. Sau thời kỳ tái thiết, Grover Cleveland trở thành tổng thống đầu tiên thuộc Đảng Dân chủ kể từ trước Nội chiến Hoa Kỳ. Năm 1900, William McKinley trở thành tổng thống đương nhiệm đầu tiên được tái cử kể từ Grant vào năm 1872.

Theodore Roosevelt kế nhiệm tổng thống vào năm 1901 sau khi McKinley bị Leon Czolgosz ám sát.[39] Giới sử học nhận định Roosevelt đã tập trung quyền hạn vào chức vụ tổng thống.[40] Những thành tựu quan trọng của nhiệm kỳ ông bao gồm chống độc quyền, bảo tồn thiên nhiên và cải cách lao động. William Howard Taft do chính Roosevelt lựa chọn trúng cử tổng thống vào năm 1909. Woodrow Wilson dẫn dắt Hoa Kỳ đến thắng lợi trong Chiến tranh thế giới thứ nhất nhưng bị Thượng viện bác đề nghị Hoa Kỳ gia nhập Hội Quốc Liên.[41] Warren G. Harding được nhân dân tín nhiệm trong thời gian tại chức nhưng dính vào nhiều vụ bê bối sau khi mãn nhiệm, nhất là vụ bê bối Teapot Dome.[42] Herbert Hoover bị dư luận quay lưng trong cuộc Đại khủng hoảng.[43]

Tổng thống đế vương

Tổng thống Franklin D. Roosevelt đàm thoại trên đài phát thanh vào năm 1933

Năm 1933, Franklin D. Roosevelt trúng cử tổng thống, dẫn tới một chế độ tập quyền mà giới sử học gọi là tổng thống đế vương.[44] Với sự hậu thuẫn của một Đảng Dân chủ đa số áp đảo trong Quốc hội và dư luận, Roosevelt ban hành Chính sách kinh tế mới, tăng cường, mở rộng đáng kể chính quyền liên bang.[45]:211–12 Văn phòng điều hành của Tổng thống được thành lập vào năm 1939 và số lượng nhân viên của tổng thống tăng mạnh mà không cần phải được Thượng viện phê chuẩn.[45]:229–231 Nhiệm kỳ thứ ba và thứ tư của Roosevelt, thắng lợi của Hoa Kỳ trong Chiến tranh thế giới thứ hai và nền kinh tế phát triển của Hoa Kỳ xác lập địa vị lãnh đạo toàn cầu của tổng thống.[45]:269 Trong Chiến tranh Lạnh, sự lãnh đạo của Harry S. Truman và Dwight D. Eisenhower khiến cho tổng thống Hoa Kỳ được coi là lãnh đạo của "thế giới tự do".[46] John F. Kennedy tranh thủ được dư luận nhờ truyền hình vào thập niên 60.[47][48]

Sau khi Lyndon B. Johnson sa lầy trong Chiến tranh Việt Nam và Richard Nixon từ chức vì vụ bê bối Watergate, Quốc hội thông qua một loạt cải cách nhằm xác lập lại quyền lực của Quốc hội,[49][50] bao gồm Nghị quyết về quyền lực chiến tranh[51][52] và Luật Kiểm soát dự toán và giải ngân.[53] Năm 1976, Gerald Ford thừa nhận rằng "con lắc lịch sử" đã hướng về phía Quốc hội và có thể làm xói mòn khả năng điều hành đất nước của tổng thống.[54] Cả Ford lẫn Jimmy Carter đều không được tái cử nhiệm kỳ tổng thống thứ hai. Ronald Reagan sử dụng năng khiếu giao tiếp từ sự nghiệp diễn xuất của ông để thay đổi chính sách Hoa Kỳ theo hướng bảo thủ.[55][56]

Bill Clinton, George W. Bush và Barack Obama làm tổng thống hai nhiệm kỳ. Quốc hội và dư luận Hoa Kỳ có xu hướng phân hóa chính trị, nhất là sau cuộc bầu cử năm 1994 khi Đảng Cộng hòa lần đầu tiên tái chiếm đa số trong Hạ viện trong 40 năm. Trong những thập kỷ gần đây, các thượng nghị sĩ thường xuyên câu giờ nhằm cản trở việc thông qua một dự luật.[57] Hậu quả là những tổng thống gần đây gia tăng việc sử dụng sắc lệnh, quy định cơ quan nhà nước và quyền bổ nhiệm thẩm phán để thực hiện chính sách mà bỏ qua Quốc hội.[58] Bầu cử tổng thống trong thế kỷ 21 phản ánh tình trạng phân hóa chính trị của Hoa Kỳ: chưa có ứng cử viên tổng thống nào giành được hơn 50% số phiếu bầu phổ thông, ngoại trừ Obama vào năm 2008, trong khi George W. Bush và Donald Trump được Đại cử tri Đoàn bầu làm tổng thống mặc dù có ít số phiếu bầu hơn đối phương.

Quyền lập pháp

Khoản 1 Điều I Hiến pháp Hoa Kỳ quy định Quốc hội thực hiện quyền lập pháp, Đoạn 2 Khoản 6 Điều I cấm tổng thống kiêm nhiệm nghị sĩ Quốc hội. Tuy nhiên, tổng thống vẫn có ảnh hưởng lớn đối với quá trình lập pháp nhờ những quyền hạn hiến định khác và xu thế lịch sử.

Quyền phủ quyết dự luật

Tổng thống Lyndon B. Johnson ký Luật Dân quyền năm 1964 tại Nhà Trắng vào ngày 2 tháng 7 năm 1964, có Martin Luther King và những người khác chứng kiến.

Tổng thống có quyền phủ quyết dự luật của Quốc hội. Để hủy bỏ quyết định phủ quyết của tổng thống, hai phần ba số hạ nghị sĩ và thượng nghị sĩ phải biểu quyết tán thành. Các nhà lập hiến Hoa Kỳ cho rằng Quốc hội sẽ tập trung quyền hạn mà thành lập một "nền độc tài số đông" cho nên tổng thống phải có quyền phủ quyết để kiểm soát quyền lực của Quốc hội. George Washington cho rằng tổng thống chỉ nên thực hiện quyền phủ quyết đối với một dự luật vi hiến. Tuy nhiên, những tổng thống đương đại thường xuyên phủ quyết những dự luật trái với chủ trương, chính sách của tổng thống.

Hiến pháp Hoa Kỳ quy định sau khi một dự luật đã được Quốc hội trình tổng thống thì tổng thống có ba phương án:

  1. Ký ban hành dự luật trong 10 ngày, không tính Chủ nhật.
  2. Phủ quyết dự luật trong 10 ngày và gửi ý kiến phản đối kèm dự luật về một trong hai viện Quốc hội đã thông qua dự luật trước. Trường hợp hai phần ba số hạ nghị sĩ và thượng nghị sĩ biểu quyết tán thành hủy bỏ quyết định phủ quyết thì dự luật trở thành luật.
  3. Không xem xét dự luật, dự luật trở thành luật trong 10 ngày. Trường hợp Quốc hội ngừng họp trong thời hạn đó thì dự luật không trở thành luật.

Năm 1996, Quốc hội thông qua Luật Phủ quyết khoản riêng, cho phép tổng thống phủ quyết một khoản chi cụ thể trong dự toán ngân sách của Quốc hội mà không phải phủ quyết toàn bộ dự toán ngân sách. Tuy nhiên, Tòa án tối cao Hoa Kỳ tuyên bố việc Quốc hội thay đổi quyền phủ quyết của tổng thống không qua sửa đổi hiến pháp là vi hiến.

Quyết định chương trình nghị sự

Tổng thống Donald Trump đọc Thông điệp Liên bang trước Quốc hội vào năm 2018

Đoạn 2 Khoản 3 Điều II Hiến pháp Hoa Kỳ quy định tổng thống có nhiệm vụ đề nghị Quốc hội xem xét những biện pháp mà tổng thống cho là "cần thiết và thích hợp". Tổng thống thực hiện nhiệm vụ này bằng cách đọc Thông điệp Liên bang trước Quốc hội, vạch ra chương trình nghị sự, những dự luật của tổng thống cho năm đó, và gửi những thông điệp chính thức, không chính thức khác cho Quốc hội.

Tổng thống có thể gợi ý, đề nghị hoặc thậm chí yêu cầu Quốc hội thông qua luật mà tổng thống cho là cần thiết. Ngoài ra, tổng thống có thể vận động những nghị sĩ Quốc hội sửa đổi, bổ sung dự luật theo ý của tổng thống.[59] Tuy nhiên, chỉ nghị sĩ Quốc hội mới có quyền trình dự luật trước Quốc hội.[60]

Tổng thống có thể soạn thảo một dự luật và đưa cho một hạ nghị sĩ hoặc thượng nghị sĩ trình trước Quốc hội. Tổng thống có thể đe dọa phủ quyết một dự luật nhằm khiến cho Quốc hội sửa đổi, bổ sung dự luật theo ý của tổng thống.[61]

Quyền lập quy

Nhiều đạo luật của Quốc hội giao những cơ quan liên bang quyền lập quy để thực hiện điều khoản của pháp luật. Là người đứng đầu nhánh hành pháp, tổng thống kiểm soát một bộ máy hành chính chịu trách nhiệm quy định chi tiết về luật của Quốc hội.

Triệu tập và ngừng họp Quốc hội

Khoản 3 Điều II Hiến pháp Hoa Kỳ quy định tổng thống có quyền triệu tập kỳ họp một hoặc hai viện Quốc hội bất thường. John Adams là tổng thống đầu tiên triệu tập một kỳ họp bất thường vào năm 1797. Tổng cộng Quốc hội đã họp bất thường 27 lần theo yêu cầu của tổng thống. Kỳ họp Quốc hội bất thường gần đây nhất là vào tháng 7 năm 1948, do Harry S. Truman triệu tập. Trước khi Tu chính án số XX được phê chuẩn vào năm 1933, tổng thống mới nhậm chức thường xuyên triệu tập kỳ họp Thượng viện để phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm hoặc điều ước quốc tế. Hiện tại, tổng thống không còn triệu tập kỳ họp bất thường vì Quốc hội chính thức họp liên tục quanh năm, kể cả khi có vẻ là đang ngừng họp, bằng cách họp hình thức mỗi ba ngày. Tổng thống có quyền ngừng họp Quốc hội nếu Hạ viện và Thượng viện không đồng ý về thời gian ngừng họp nhưng chưa có tổng thống nào thực hiện quyền này.[62][63]

Quyền hành pháp

Tổng thống là người đứng đầu chính phủ của chính quyền liên bang và có nhiệm vụ tổ chức thi hành pháp luật.[64] Biên chế chính phủ liên bang có hơn bốn triệu nhân viên, bao gồm quân nhân.[65]

Quyền hạn hành chính

Tổng thống có quyền bổ nhiệm quan chức. Một tổng thống thông thường sẽ bổ nhiệm 4.000 người trong nhiệm kỳ của mình mà 1.200 người phải được Thượng viện phê chuẩn. Những chức danh phải được Thượng viện phê chuẩn bao gồm đại sứ, thành viên Nội các và những quan chức khác.[66][67]

Thông thường, tổng thống có quyền tùy ý miễn nhiệm, cách chức quan chức[68] nhưng Quốc hội có thể thông qua luật hạn chế quyền miễn nhiệm, cách chức của tổng thống đối với quan chức cơ quan độc lập và một số quan chức cấp thấp.[69]

Văn phòng điều hành của Tổng thống Hoa Kỳ có nhiệm vụ giúp tổng thống quản lý bộ máy hành chính liên bang. Trực thuộc Văn phòng điều hành là Văn phòng Nhà Trắng, gồm những trợ lý quan trọng nhất của tổng thống.

Tổng thống có toàn quyền ban hành chỉ thị để điều hành chính quyền liên bang, ví dụ như tuyên cáo và sắc lệnh.[70] Tuy nhiên, những văn bản của tổng thống vẫn chịu sự giám sát hiến pháp của các tòa án liên bang và kiểm soát của Quốc hội: một tòa án có thể tuyên bố chỉ thị tổng thống là vi hiến; Quốc hội có thể thông qua luật hủy bỏ chỉ thị tổng thống.

Đối ngoại

Tổng thống George H. W. Bush và Tổng thống Liên Xô Mikhail Sergeyevich Gorbachyov ký Hiệp định vũ khí hóa học năm 1990 tại Nhà Trắng.

Đoạn 4 Khoản 3 Điều II Hiến pháp Hoa Kỳ quy định tổng thống có nhiệm vụ "tiếp nhận đại sứ". Điều khoản này đã được giải thích theo nghĩa rộng là giao tổng thống nhiệm vụ thực hiện chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ[71] và trao tổng thống độc quyền thừa nhận ngoại giao một chính phủ nước ngoài.[72] Tổng thống có quyền bổ nhiệm đại sứ và ký điều ước quốc tế. Điều ước quốc tế có hiệu lực sau khi được Thượng viện phê chuẩn.

Tổng tư lệnh

Abraham Lincoln cùng tướng Lục quân Liên bang miền Bắc Hoa Kỳ George B. McClellan và binh lính tại Antietam vào ngày 3 tháng 10 năm 1862

Tổng thống là tổng tư lệnh Quân đội Hoa Kỳ. Phạm vi quyền hạn quân sự của tổng thống đã thay đổi theo lịch sử tùy thuộc vào sự ủy quyền, hạn chế của Quốc hội, là cơ quan quyết định tuyên bố chiến tranh. Các nhà lập hiến Hoa Kỳ đã chú ý hạn chế quyền hạn quân sự của tổng thống;[73] Alexander Hamilton giải thích:

Tổng thống là tổng tư lệnh lục quân và hải quân Hoa Kỳ. ... Tổng thống chỉ có quyền chỉ huy tối cao lục quân và hải quân ... trong khi quyền của vua Anh bao gồm TUYÊN CHIẾN và XÂY DỰNG, QUẢN LÝ lục quân, hải quân, tất cả ... đều thuộc về cơ quan lập pháp.[74] [Viết hoa trong nguyên văn.]

Hiện tại, Nghị quyết về quyền lực chiến tranh của Quốc hội quy định tổng thống không được triển khai quân đội quá 60 ngày mà không có sự cho phép của Quốc hội.[75] Ngoài ra, Quốc hội quyết định ngân sách quốc phòng và quy định hoạt động quân sự. Trong lịch sử, tổng thống thông thường là người yêu cầu Quốc hội tuyên bố chiến tranh[76][77] nhưng đã có nhiều trường hợp Hoa Kỳ tham chiến mà không có tuyên bố chiến tranh chính thức, bao gồm Chiến tranh Triều Tiên,[76] Chiến tranh Việt Nam,[76] vụ xâm lược Grenada[78] và vụ xâm lược Panama.[79]

Mức độ tham gia quân sự của tổng thống đối trong thời chiến đã thay đổi đáng kể.[80] George Washington xác lập nguyên tắc quân đội phục tùng chính quyền thường dân. Năm 1794, Washington tập hợp 12.000 lực lượng dân quân để dập tắt Cuộc nổi loạn Whisky, là một xung đột tại vùng Tây Pennsylvania giữa nông dân có vũ trang và những người chưng cất không chịu nộp thuế tiêu thụ đặc biệt của rượu. Nhà sử học Joseph Ellis nhận định, đó là "lần đầu tiên và duy nhất một tổng thống Hoa Kỳ thân chinh trên chiến trường". Trong Chiến tranh Hoa Kỳ–Anh Quốc 1812, James Madison chỉ huy những đơn vị pháo binh bảo vệ Washington, D.C. trong một khoảng thời gian ngắn.[81] Trong Nội chiến Hoa Kỳ, Abraham Lincoln trực tiếp tham gia hoạch định chiến lược, lập kế hoạch tác chiến; giới sử học đánh giá cao óc chiến lược và phép dụng binh của Lincoln, ví dụ như việc sử dụng Ulysses S. Grant.[82]

Hiện tại, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ là cơ quan chịu trách nhiệm chỉ huy tác chiến Quân đội Hoa Kỳ, do bộ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ đạo. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ và các bộ tư lệnh tác chiến có nhiệm vụ thực hiện những nhiệm vụ quân sự được tổng thống đặt ra trong Kế hoạch tác chiến thống nhất.[83][84][85]

Quyền bổ nhiệm thẩm phán và đặc quyền

Tổng thống Joe Biden bắt tay với Thẩm phán Tòa án tối cao Hoa Kỳ Ketanji Brown Jackson, có Phó Tổng thống Kamala Harris chứng kiến sau khi bà được Thượng viện phê chuẩn vào năm 2022

Tổng thống có quyền bổ nhiệm thẩm phán liên bang, bao gồm thẩm phán tòa án sơ thẩm, tòa án phúc thẩm và Tòa án tối cao. Đề cử bổ nhiệm của tổng thống phải được Thượng viện phê chuẩn. Khi đề cử thẩm phán tòa án sơ thẩm liên bang, tổng thống thông thường sẽ tôn trọng ý kiến phản đối của thượng nghị sĩ từ cùng tiểu bang của người ứng cử. Tổng thống có quyền ân xá và hoãn thi hành án. Thông thường, tổng thống sẽ ra lệnh ân xá ngay trước khi mãn nhiệm, ví dụ như khi Bill Clinton ra lệnh ân xá Patty Hearst vào ngày cuối cùng của nhiệm kỳ.[86][87][88]

Có hai học thuyết pháp lý về quyền hành pháp cho phép tổng thống thực quyền hành pháp một cách độc lập. Đặc quyền hành pháp cho phép tổng thống bảo mật nội dung liên lạc giữa tổng thống và những quan chức thi hành nhiệm vụ hành pháp. George Washington là tổng thống đầu tiên sử dụng đặc quyền hành pháp khi ông từ chối yêu cầu của Quốc hội được xem ghi chú của Chánh án Tòa án tối cao John Jay về việc đàm phán điều ước với Vương quốc Anh. Tuy nhiên, Tòa án tối cao đã phán quyết rằng tổng thống không được lợi dụng đặc quyền hành pháp để tránh bị truy cứu trách nhiệm hình sự, như trường hợp Nixon lấy đặc quyền hành pháp làm lý do từ chối cung cấp chứng cứ cho cuộc điều tra của Quốc hội về vụ bê bối Watergate. Tòa án tối cao cũng phán quyết rằng đặc quyền hành pháp không được áp dụng trong một vụ án dân sự, như khi Bill Clinton dùng đặc quyền hành pháp để che giấu thông tin về mối quan hệ giữa ông và Monica Lewinsky.

Đặc quyền bí mật nhà nước cho phép tổng thống không phải cung cấp thông tin, tài liệu trong một vụ án nếu sẽ phương hại an ninh quốc gia. Thomas Jefferson tạo tiền lệ cho học thuyết khi từ chối cung cấp tài liệu quân sự cho phiên xét xử Aaron Burr về tội phản quốc. Năm 1876, Tòa án tối cao từ chối thừa nhận một hợp đồng miệng giữa một gián điệp Liên bang miền Bắc và Tổng thống Lincoln vì lý do bí mật nhà nước.[89] Năm 1953, Tòa án tối cao chính thức thừa nhận đặc quyền bí mật nhà nước là một đặc quyền chứng cứ thông luật.[90] Sau sự kiện ngày 11 tháng 9, chính quyền Hoa Kỳ sử dụng đặc quyền bí mật nhà nước thường xuyên hơn[91] vào những giai đoạn tố tụng đầu tiên, khiến cho một số vụ án bị bác bỏ trước khi tòa án xem xét hồ sơ vụ án.[90][92][93]

Phạm vi quyền miễn trừ về hành vi cá nhân của tổng thống đã được Tòa án tối cao xác định trong một số vụ án. Một mặt tổng thống không thể bị truy cứu trách nhiệm dân sự về hành vi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, mặt khác tổng thống có thể bị khởi kiện vụ án dân sự về hành vi được thực hiện trước khi trở thành tổng thống, kể cả khi đang tại chức. Năm 2019, Donald Trump bị cơ quan điều tra việc Nga can thiệp vào bầu cử tổng thống năm 2016 kết luận có hành vi cản trở hoạt động tư pháp nhưng không bị truy tố vì Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cấm truy tố một tổng thống đương nhiệm.[94]

Vai trò lãnh đạo

Nguyên thủ quốc gia

Là nguyên thủ quốc gia, tổng thống Hoa Kỳ thay mặt Hoa Kỳ về đối nội và đối ngoại. Ví dụ: tổng thống là người chủ trì Lễ đón chính thức một nguyên thủ quốc gia nước ngoài thăm cấp nhà nước vào buổi sáng và quốc yến vào buổi tối tại Nhà Trắng.[95] John F. Kennedy là tổng thống đầu tiên chủ trì Lễ đón chính thức tại Nhà Trắng vào năm 1961.[96]

Tổng thống Woodrow Wilson ném quả bóng khai mạc mùa giải bóng chày năm 1916.
Tổng thống Bill Clinton duyệt đội danh dự tại Cung điện Buckingham trong chuyến thăm cấp nhà nước Anh vào năm 1995.

Tổng thống cũng thực hiện những nhiệm vụ lễ nghi không chính thức. Ví dụ: William Howard Taft khởi xướng truyền thống ném quả bóng đầu tiên khai mạc mùa giải bóng chày vào năm 1910 tại Sân vận động Griffith, Washington D.C. Kể từ đó, mọi tổng thống, ngoại trừ Jimmy Carter, đều ném quả bóng chày đầu tiên của mùa giải bóng chày, All-Star Game hoặc World Series.[97] Mọi tổng thống kể từ Theodore Roosevelt đều là chủ tịch danh dự của Hội Nam Hướng đạo Mỹ.[98]

Những truyền thống tổng thống khác gắn liền với những ngày lễ Hoa Kỳ. Rutherford B. Hayes tổ chức cuộc đua lăn trứng Lễ Phục sinh đầu tiên cho trẻ em địa phương vào năm 1878.[99] Từ năm 1947, tổng thống vào mỗi Lễ Tạ ơn được tặng một con gà tây để làm thịt tại Nhà Trắng. Năm 1989, George H. W. Bush khởi xướng truyền thống "phóng sinh" con gà tây đó, cho nó sống ở một trang trại suốt đời.[100]

Kể từ James Buchanan, nhiều tổng thống mãn nhiệm sẽ tư vấn cho tân tổng thống trong thời kỳ chuyển tiếp.[101] Ronald Reagan khởi xướng việc để lại một lá thư cho người kế nhiệm trên bàn làm việc trong Phòng Bầu dục vào Lễ nhậm chức tổng thống.[102]

Lãnh đạo đảng

Tổng thống được coi là lãnh đạo đảng của họ. Bầu cử tổng thống trùng với bầu cử Hạ viện và Thượng viện nên khả năng trúng cử của những người ứng cử hạ nghị sĩ, thượng nghị sĩ của một đảng gắn liền với triển vọng trúng cử của người ứng cử tổng thống của đảng. Khả năng trúng cử của tổng thống cũng tác động đến khả năng trúng cử của người ứng cử cấp tiểu bang và địa phương. Những tổng thống không được nghị sĩ thuộc đảng của họ ủng hộ thông thường bị xem là yếu thế.

Lãnh đạo toàn cầu

Tổng thống Hoa Kỳ là lãnh đạo của một siêu cường quốc, nền kinh tế lớn nhất trên thế giới và là một trong những chính khách có nhiều quyền lực nhất trên thế giới. Với địa vị lãnh đạo của Hoa Kỳ trong NATO và mối quan hệ bền chặt của Hoa Kỳ với những nước phát triển như Liên minh châu Âu, tổng thống Hoa Kỳ được nhìn nhận là lãnh đạo của "thế giới tự do".

Trình tự bầu tổng thống

Tiêu chuẩn, điều kiện

Đoạn 5 Khoản 1 Điều II Hiến pháp Hoa Kỳ quy định một người được bầu làm tổng thống phải:

  • là công dân sinh ra tại Hoa Kỳ;
  • từ 35 tuổi trở lên;
  • đã cư trú ở Hoa Kỳ 14 năm.[103]

Người nào mắc phải một trong những trường hợp sau đây thì bị tước quyền đảm nhiệm chức vụ tổng thống:

  • Đoạn 7 Khoản 3 Điều I Hiến pháp Hoa Kỳ quy định người nào bị Thượng viện kết tội có thể bị tước quyền đảm nhiệm chức vụ. Chỉ có ba người bị tước quyền đảm nhiệm chức vụ theo điều khoản này, là ba thẩm phán liên bang[104][105]
  • Khoản 3 Tu chính án số XIV Hiến pháp Hoa Kỳ quy định người nào tuyên thệ trung thành với Hiến pháp Hoa Kỳ mà phiến loạn chống lại chính quyền Hoa Kỳ thì không được đảm nhiệm chức vụ. Tuy nhiên, Quốc hội có thể khôi phục quyền đảm nhiệm chức vụ nếu hai phần ba số nghị sĩ mỗi viện biểu quyết tán thành.[106]
  • Tu chính án số XXII Hiến pháp Hoa Kỳ quy định không ai được giữ chức vụ tổng thống quá hai nhiệm kỳ. Ngoài ra, người nào kế nhiệm làm tổng thống quá hai năm thì chỉ được tái cử tổng thống một nhiệm kỳ.[107][108]

Tranh cử và đề cử

Tổng thống Jimmy Carter (trái) tranh luận với người ứng cử của Đảng Cộng hòa Ronald Reagan (phải) vào ngày 28 tháng 10 năm 1980, trước bầu cử tổng thống năm 1980.

Hiện tại, Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa tổ chức bầu cử sơ bộ tổng thống để sàng lọc số lượng ứng cử viên trước khi triệu tập đại hội đề cử tổng thống nhằm chọn người ứng cử tổng thống của đảng. Thông thường, người ứng cử tổng thống sẽ đề cử một người ứng cử phó tổng thống cho đại hội đảng tán thành. Đa số người ứng cử tổng thống là luật sư.[109]

Những người ứng cử tổng thống tham gia những buổi tranh luận trên truyền hình. Thông thường, chỉ người ứng cử của Đảng Dân chủ hoặc Đảng Cộng hòa mới được tham gia tranh luận nhưng những người ứng cử của đảng thứ ba có thể được mời, ví dụ như Ross Perot vào năm 1992. Những người ứng cử tập trung thắng cử những tiểu bang dao động thông qua tiếp xúc cử tri thường xuyên và những chiến dịch truyền thông đại chúng.

Bầu cử

Bản đồ Hoa Kỳ cho thấy số lượng đại cử tri của mỗi tiểu bang và Washington, D.C. trong bầu cử tổng thống năm 2012, 2016 và 2020 sau cuộc điều tra dân số năm 2010. Đại cử tri Đoàn có 538 đại cử tri mà ít nhất 270 đại cử tri cấu thành một đa số.

Tổng thống do cử tri các tiểu bang và Washington, D.C. gián tiếp bầu ra thông qua Đại cử tri Đoàn. Đoạn 2 Khoản 1 Điều II Hiến pháp Hoa Kỳ quy định mỗi tiểu bang được phân bổ một số lượng đại cử tri bằng số lượng nghị sĩ của tiểu bang trong Quốc hội. Ngoài ra, Tu chính án số XXIII quy định Washington, D.C. được phân bổ một số lượng đại cử tri không quá số lượng đại cử tri của tiểu bang có dân số thấp nhất.[110] Hiện tại, tất cả 50 tiểu bang và Washington, D.C. đều cử các đại cử tri theo kết quả bầu cử phổ thông.[111] Theo quy định của 48 tiểu bang, đảng của liên danh tổng thống - phó tổng thống nhận được số nhiều phiếu bầu của tiểu bang được cử toàn bộ số lượng đại cử tri của tiểu bang đó.[112] Maine và Nebraska phân bổ hai đại cử tri cho người thắng cử của toàn bộ tiểu bang và một đại cử tri cho người thắng cử tại mỗi đơn vị bầu cử Hạ viện.[113][114]

Vào thứ Hai đầu tiên sau thứ Tư thứ hai trong tháng 12, tức sáu tuần sau bầu cử tổng thống, các đại cử tri nhóm họp tại thủ phủ các bang (và Washington D.C.) để bỏ phiếu bầu tổng thống và phó tổng thống riêng biệt. Tuy Hiến pháp Hoa Kỳ, pháp luật liên bang không yêu cầu nhưng Washington, D.C. và 32 tiểu bang bắt buộc đại cử tri phải bỏ phiếu bầu ứng cử viên đã cam kết sẽ bầu.[115][116] Quy định này đã được Tòa án tối cao xác nhận là hợp hiến.[117] Mỗi tiểu bang sẽ gửi kết quả bỏ phiếu đại cử tri cho Quốc hội. Trong một phiên họp chung vào tuần đầu tiên trong tháng 1, Quốc hội sẽ tiến hành kiểm phiếu. Ứng cử viên nào nhận được quá nửa tổng số phiếu đại cử tri thì được tuyên bố trúng cử tổng thống, không thì Hạ viện bầu tổng thống trong số ba ứng cử viên được nhiều số phiếu đại cử tri nhất, đoàn hạ nghị sĩ của mỗi tiểu bang được một phiếu bầu.[111]

Đã có hai lần Hạ viện bầu tổng thống. Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1800, Thomas Jefferson và Aaron Burr hòa 73–73 phiếu đại cử tri. Hiến pháp Hoa Kỳ lúc đó quy định Hạ viện bầu tổng thống trong số ba ứng cử viên được nhiều phiếu bầu nhất, á quân được bầu làm phó tổng thống.[118] Sau 35 cuộc bỏ phiếu, Jefferson trúng cử tổng thống, Burr trúng cử phó tổng thống vào ngày 17 tháng 2 năm 1801. Sau đó, Tu chính án số XII được phê chuẩn nhằm chấn chỉnh chế độ bầu cử.[119] Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1824, không có ứng cử viên nào được quá nửa tổng số phiếu đại cử tri. Ngày 9 tháng 2 năm 1825, Hạ viện bầu John Quincy Adams làm tổng thống trong số ba ứng cử viên được nhiều phiếu bầu nhất, bao gồm Andrew Jackson và William Harris Crawford.[120]

Nhậm chức

Tu chính án số XX Hiến pháp Hoa Kỳ quy định tổng thống và phó tổng thống nhậm chức vào ngày 20 tháng 1.[121] Trước đó, tổng thống và phó tổng thống nhậm chức vào ngày 4 tháng 3.

Đoạn 8 Khoản 1 Điều II Hiến pháp Hoa Kỳ quy định lời tuyên thệ nhậm chức tổng thống như sau:

Tôi trịnh trọng tuyên thệ (hoặc khẳng định) rằng tôi sẽ trung thành thực hiện chức vụ tổng thống Hoa Kỳ và sẽ tận lực giữ gìn, bảo vệ Hiến pháp Hoa Kỳ.[122]

Theo truyền thống, tổng thống đặt một tay lên Kinh Thánh khi tuyên thệ nhậm chức và nói "Vậy xin Chúa giúp con" sau khi tuyên thệ xong.[123][124] Chánh án Hoa Kỳ thông thường là người thực hiện lễ tuyên thệ nhậm chức tổng thống.

Tại chức

Giới hạn nhiệm kỳ

Tổng thống William McKinley và Phó Tổng thống Theodore Roosevelt, k. 1880
Franklin D. Roosevelt trúng cử liên tiếp bốn nhiệm kỳ tổng thống vào năm 1932, 1936, 1940 và 1944 trước khi Tu chính án số XXII giới hạn hai nhiệm kỳ từ năm 1951

George Washington là người xác lập tiền lệ hai nhiệm kỳ khi tuyên bố sẽ không tranh cử nhiệm kỳ thứ ba trong Thư cáo từ. Thomas Jefferson, James Madison và James Monroe đều tuyên bố không tranh cử nhiệm kỳ thứ ba.[125] Ulysses S. Grant vận động đề cử nhiệm kỳ thứ ba tại Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng Cộng hòa vào năm 1880 nhưng thất bại.[126]

Năm 1940, Franklin D. Roosevelt phá lệ khi tái cử tổng thống nhiệm kỳ thứ ba dựa trên thành tích lãnh đạo trong Đại khủng hoảng và cam kết hỗ trợ Khối Đồng Minh trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Năm 1944, ông tái cử nhiệm kỳ thứ tư mặc dù sức khỏe của ông đang suy giảm; ông qua đời vào ngày 12 tháng 4 năm 1945, chỉ 82 ngày sau khi nhậm chức.[127]

Nhằm ngăn ngừa tình trạng tổng thống tái cử nhiều nhiệm kỳ, Tu chính án số XXII được phê chuẩn vào năm 1951, quy định không ai được bầu làm tổng thống quá hai nhiệm kỳ, hoặc nếu đã phục vụ kế nhiệm tổng thống quá hai năm thì chỉ được bầu làm tổng thống một nhiệm kỳ duy nhất. Harry S. Truman được đặc cách vì là tổng thống khi Tu chính án XXII được trình các tiểu bang phê chuẩn nhưng quyết định rút khỏi cuộc bầu cử tổng thống năm 1952.[127]

Khuyết tổng thống và kế nhiệm

Khoản 1 Tu chính án số XV Hiến pháp Hoa Kỳ quy định phó tổng thống trở thành tổng thống khi tổng thống bị bãi nhiệm, qua đời hoặc từ chức.

Trước khi Tu chính án số XV được phê chuẩn, Đoạn 6 Khoản 1 Điều II Hiến pháp Hoa Kỳ chỉ quy định phó tổng thống đảm nhiệm "nhiệm vụ, quyền hạn" của tổng thống trong trường hợp tổng thống bị bãi nhiệm, qua đời, từ chức hoặc không làm việc được.[128] Điều khoản này không xác định phó tổng thống trở thành tổng thống hay chỉ giữ quyền tổng thống.[129] Khi William Henry Harrison qua đời vào năm 1841, Phó Tổng thống John Tyler tuyên bố kế nhiệm tổng thống và buộc Quốc hội phải chấp nhận chức danh của ông.

Trong trường hợp khuyết tổng thống và phó tổng thống thì Quốc hội quyết định quan chức giữ quyền tổng thống.[129] Luật Kế nhiệm tổng thống quy định thứ tự kế nhiệm tổng thống trong trường hợp khuyết tổng thống và phó tổng thống như sau: chủ tịch Hạ viện, chủ tịch Thượng viện tạm quyền, các thành viên Nội các. Thứ tự kế nhiệm của thành viên Nội các theo thứ tự thành lập của các bộ, bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ là người đầu tiên. Người nào không đủ điều kiện được bầu làm tổng thống thì cũng không đủ điều kiện kế nhiệm tổng thống.

Trường hợp không làm việc được

Tu chính án số XXV Hiến pháp Hoa Kỳ quy định tổng thống có thể giao phó tổng thống giữ quyền tổng thống bằng cách chuyển một văn bản đến chủ tịch Hạ viện và chủ tịch Thượng viện tạm quyền thông báo rằng tổng thống không làm việc được. Phó tổng thống giữ quyền tổng thống cho đến khi tổng thống thông báo làm việc được. Ronald Reagan (một lần), George W. Bush (hai lần) và Joe Biden (một lần) đều đã giao phó tổng thống giữ quyền tổng thống trước khi đi phẫu thuật.[130][131]

Tu chính án số XXV cũng quy định phó tổng thống và đa số thành viên Nội các có thể giao phó tổng thống giữ quyền tổng thống bằng cách chuyển một văn bản đến chủ tịch Hạ viện và chủ tịch Thượng viện tạm quyền thông báo rằng tổng thống không làm việc được. Trong trường hợp tổng thống tuyên bố làm việc được mà phó tổng thống và Nội các phản đối thì Quốc hội quyết định.

Bãi nhiệm

Khoản 4 Điều II Hiến pháp Hoa Kỳ quy định tổng thống, phó tổng thống và những quan chức khác có thể bị bãi nhiệm vì phạm "tội phản quốc, tội nhận hối lộ hoặc những trọng tội khác". Đoạn 5 Khoản 2 Điều I quy định Hạ viện quyết định đàn hặc quan chức theo đa số hạ nghị sĩ.[132] Đoạn 6 Khoản 3 Điều I quy định Thượng viện luận tội và quyết định kết tội, bãi nhiệm quan chức theo hai phần ba số thượng nghị sĩ.[133]

Đã có ba tổng thống bị Hạ viện đàn hặc: Andrew Johnson vào năm 1868, Bill Clinton vào năm 1998 và Donald Trump vào năm 2019, 2021. Chưa có tổng thống nào bị Thượng viện bãi nhiệm. Ngoài ra, Ủy ban Tư pháp của Hạ viện tiến hành điều tra Richard Nixon về vụ bê bối Watergate và trình Hạ viện biểu quyết đàn hặc về ba tội danh nhưng Nixon từ chức trước khi Hạ viện biểu quyết.[132]

Lương bổng

Lương tổng thống
Năm Lương Lương vào năm 2021 được điều chỉnh theo lạm phát
1789 $25.000 $399.167
1873 $50.000 $1.130.972
1909 $75.000 $2.261.944
1949 $100.000 $1.138.881
1969 $200.000 $1.477.858
2001 $400.000 $612.141
Nguồn:[134][135]

Từ năm 2001, lương hàng năm của tổng thống là 400.000 đô la Mỹ. Lương của tổng thống do Quốc hội quyết định. Đoạn 7 Khoản 1 Điều II Hiến pháp Hoa Kỳ quy định việc tăng giảm lương tổng thống không được áp dụng đối với tổng thống đương nhiệm.[136][137]

Nơi ở và làm việc

Nhà Trắng tại Washington, D.C. là nơi ở và làm việc chính thức của tổng thống, được khởi công vào năm 1792. Địa điểm của Nhà Trắng là do George Washington lựa chọn. Mọi tổng thống kể từ John Adams đều sinh sống và làm việc tại Nhà Trắng. Tên gọi Nhà Trắng được Theodore Roosevelt chính thức đặt cho tòa nhà từ năm 1901.[138] Chính quyền liên bang Hoa Kỳ cấp kinh phí cho tổng thống tổ chức tiệc chiêu đãi cấp nhà nước và những hoạt động chính thức khác nhưng tổng thống tự trả tiền cho dịch vụ giặt khô, đồ ăn của bản thân, gia đình và khách mời.[139]

Trại David tại Maryland, tên chính thức là Cơ sở hỗ trợ hải quân Thurmont, là biệt thự chính thức của tổng thống. Tổng thống thường xuyên chiêu đãi khách nước ngoài tại Trại David từ thập niên 40.[140]

Nhà khách Tổng thống là nhà khách chính thức và nơi ở, làm việc thứ hai của tổng thống, gồm bốn tòa nhà được xây dựng vào thế kỷ 19 với tổng diện tích hơn 6.500 mét vuông.[141]

  • Những nơi ở và làm việc của tổng thống

Phương tiện đi lại

Đối với chuyến bay đường dài, tổng thống có hai chuyên cơ Boeing VC-25, là máy bay thuộc dòng Boeing 747 đã được cải tiến. Máy bay nào của Không quân Hoa mà chuyên chở tổng thống thì được gọi số hiệu là Air Force One trong thời gian bay. Chuyến bay trong nước của tổng thống thông thường chỉ sử dụng một trong hai chuyên cơ, còn chuyến bay nước ngoài thì có chuyên cơ thứ hai đi cùng làm dự phòng. Tổng thống cũng được sử dụng những máy bay Không quân nhỏ hơn như Boeing C-32 nếu sân bay không thể phục vụ Boeing VC-25. Máy bay dân dụng nào mà chuyên chở tổng thống thì được gọi số hiệu là Executive One trong thời gian bay.[142][143]

Đối với chuyến bay đường ngắn, tổng thống sử dụng máy bay trực thăng của Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ, được gọi số hiệu là Marine One trong thời gian bay. Đội máy bay trực thăng của tổng thống gồm năm chiếc bay cùng nhau, thường xuyên thay đổi vị trí để giấu danh tính máy bay chở tổng thống.

Xe công vụ của tổng thống là một chiếc limousine được thiết kế, lắp ráp trên khung xe tải cho giống với một chiếc sedan Cadillac.[144][145] Cơ quan Mật vụ Hoa Kỳ quản lý đoàn xe limousine của tổng thống. Tổng thống cũng được sử dụng hai chiếc xe bọc thép.[146]

  • Phương tiện đi lại của tổng thống

Chế độ cảnh vệ

Tổng thống Ronald Reagan vẫy tay trên xe sau khi nhậm chức vào ngày 20 tháng 1 năm 1981.

Cơ quan Mật vụ Hoa Kỳ có nhiệm vụ bảo vệ tổng thống và gia đình của tổng thống. Tổng thống, đệ nhất phu nhân, con cái, người thân trực hệ và những người, địa điểm quan trọng của tổng thống đều được Cơ quan Mật vụ đặt mật danh.[147] Ban đầu, việc đặt mật danh là để bảo đảm an toàn vì thông tin nhạy cảm thường không được mã hóa nhưng hiện tại những mật danh chỉ có mục đích súc tích và truyền thống.[148]

Hậu mãn nhiệm

Từ trái sang phải: Tổng thống George H. W. Bush, Barack Obama, George W. Bush, Bill Clinton và Jimmy Carter tại Phòng Bầu dục vào ngày 7 tháng 1 năm 2009.

Hoạt động

Một số nguyên tổng thống tiếp tục sự nghiệp chính trị sau khi mãn nhiệm. William Howard Taft trở thành chánh án Hoa Kỳ. Herbert Hoover tham gia công tác cải tổ chính quyền sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Grover Cleveland tái cử tổng thống vào năm 1892 mặc dù thất cử vào năm 1888. Hai nguyên tổng thống trúng cử vào Quốc hội: John Quincy Adams trúng cử hạ nghị sĩ và giữ chức vụ trong 17 năm, Andrew Johnson tái cử thượng nghị sĩ vào năm 1875 nhưng qua đời không lâu sau đó. Một số nguyên tổng thống hoạt động tích cực trong lĩnh vực quan hệ quốc tế, ví dụ như Theodore Roosevelt,[149] Herbert Hoover,[150] Richard Nixon[151] và Jimmy Carter.[152][153]

Một nguyên tổng thống có thể được tổng thống đương nhiệm phái đi đưa thông điệp cho những chính phủ nước ngoài hoặc làm đại diện chính thức của Hoa Kỳ tại quốc tang và những sự kiện nước ngoài quan trọng khác.[154][155] Richard Nixon đã công du nhiều nước, bao gồm Trung Quốc, Nga, và được khen ngợi là một nhà chính trị lão thành.[156] Jimmy Carter trở thành một nhà vận động nhân quyền, trọng tài quốc tế và đã nhận Giải Nobel Hòa bình. Bill Clinton tích cực hoạt động trong lĩnh vực ngoại giao, lần gần đây nhất ông tham gia đàm phán thuyết phục Triều Tiên thả Lăng Chí Mỹ và Euna Lee, hai nhà báo người Mỹ. Tổng thống George W. Bush nhờ nguyên tổng thống George H. W. Bush và Clinton hỗ trợ nỗ lực viện trợ nhân đạo sau trận động đất và sóng thần Ấn Độ Dương 2004. Tổng thống Obama nhờ Clinton và Bush lãnh đạo việc viện trợ cho Haiti sau trận động đất năm 2010.

Lương hưu và những chế độ khác

Luật Nguyên tổng thống quy định nguyên tổng thống và vợ chồng của họ được hưởng lương hưu hàng tháng, chăm sóc sức khỏe tại cơ sở y tế quân đội, bảo hiểm y tế, chế độ cảnh vệ của Cơ quan Mật vụ Hoa Kỳ, phụ cấp để thuê một số nhân viên và chi trả những chi phí làm việc khác, phụ cấp đi lại và quyền miễn bưu phí. Những chế độ đối với nguyên tổng thống không được áp dụng đối với một tổng thống bị bãi nhiệm.[157]

Lương hưu của tổng thống dựa trên lương bộ trưởng hiện tại và đã được Quốc hội tăng nhiều lần. Năm 2012, lương hưu của tổng thống là 199.700 đô la Mỹ.[158] Nguyên tổng thống nào từng làm nghị sĩ thì có thể hưởng lương hưu nghị sĩ.[159]

Trước năm 1997, nguyên tổng thống, vợ chồng và con cái dưới 16 tuổi của họ được hưởng chế độ cảnh vệ của Cơ quan Mật vụ cho đến khi nguyên tổng thống qua đời.[160][161] Năm 1997, Quốc hội giới hạn thời gian chế độ cảnh vệ là 10 năm kể từ ngày tổng thống mãn nhiệm.[162] Năm 2013, Quốc hội quy định lại chế độ cảnh vệ suốt đời cho Obama, George W. Bush và tất cả tổng thống kế nhiệm.[163] Vợ chồng nào của tổng thống tái giá thì không được hưởng chế độ cảnh vệ.[162]

Thư viện tổng thống

Từ trái sang phải: Tổng thống Barack Obama, George W. Bush, Bill Clinton, George H. W. Bush và Jimmy Carter tại lễ khánh thành Thư viện và Bảo tàng Tổng thống George W. Bush tại Dallas vào năm 2013

Mọi tổng thống kể từ Herbert Hoover đều thành lập một thư viện tổng thống để lưu trữ tài liệu từ nhiệm kỳ của mình. Những thư viện tổng thống đã hoàn thành được chuyển nhượng cho Cục Lưu trữ và Văn thư Quốc gia quản lý nhưng việc xây dựng, trang bị thư viện là do tư nhân tài trợ.

  • Thư viện và Bảo tàng Tổng thống Abraham Lincoln do Illinois quản lý;
  • Thư viện và Bảo tàng Tổng thống George W. Bush do Đại học Giám lý miền Nam quản lý;
  • Thư viện và Bảo tàng Tổng thống George H. W. Bush do Đại học Nông nghiệp và Cơ khí Texas quản lý;
  • Thư viện và Bảo tàng Tổng thống Lyndon Baines Johnson do Đại học Texas tại Austin quản lý.

Một số thư viện tổng thống là nơi chôn cất tổng thống đó. Ví dụ:

  • Thư viện và Bảo tàng Tổng thống Harry S. Truman tại Independence, Missouri;
  • Thư viện, Bảo tàng và Nhà tuổi thơ Tổng thống Dwight D. Eisenhower tại Abilene, Kansas;
  • Thư viện và Bảo tàng Tổng thống Richard Nixon tại Yorba Linda, California; và
  • Thư viện và Bảo tàng Tổng thống Ronald Reagan tại Simi Valley, California.

Đảng tịch của tổng thống

Các đảng phái đã chi phối chính trị Hoa Kỳ từ khi Hoa Kỳ được thành lập. Chính đảng bắt đầu hình thành từ giữa thập niên 1790 mặc dù bị các nhà lập quốc Hoa Kỳ chỉ trích là chia rẽ, phá hoại đất nước và không được Hiến pháp Hoa Kỳ dự liệu. Đảng Liên bang bắt nguồn từ phe ủng hộ George Washington, được gọi là phe "thân chính quyền", trong khi Đảng Dân chủ Cộng hòa bắt nguồn từ phe phản đối chính quyền liên bang.[164]

Đặc biệt quan ngại về nguy cơ các chính đảng phá hoại sự đoàn kết mong manh của Hoa Kỳ, Washington không liên kết với bất kỳ đảng phái nào trong suốt nhiệm kỳ tổng thống và là tổng thống duy nhất không có đảng tịch.[165][166] Mọi tổng thống về sau đều liên kết với một chính đảng vào thời điểm nhậm chức.[167][168]

Đảng tịch của các tổng thống (theo thứ tự bảng chữ cái của họ) vào thời điểm nhậm chức như sau:

Đảng # Tên
Đảng Cộng hòa 19 Chester A. Arthur, George H. W. Bush, George W. Bush, Calvin Coolidge, Dwight D. Eisenhower, Gerald Ford, James A. Garfield, Ulysses S. Grant, Warren G. Harding, Benjamin Harrison, Rutherford B. Hayes, Herbert Hoover, Abraham Lincoln,[D] William McKinley, Richard Nixon, Ronald Reagan, Theodore Roosevelt, William Howard Taft và Donald Trump
Đảng Dân chủ 15 Joe Biden (đương nhiệm), James Buchanan, Jimmy Carter, Grover Cleveland, Bill Clinton, Andrew Jackson, Lyndon B. Johnson, John F. Kennedy, Barack Obama, Franklin Pierce, James K. Polk, Franklin D. Roosevelt, Harry S. Truman, Martin Van Buren và Woodrow Wilson
Đảng Dân chủ Cộng hòa 4 John Quincy Adams, Thomas Jefferson, James Madison và James Monroe
Đảng Whig 4 Millard Fillmore, William Henry Harrison, Zachary Taylor và John Tyler[E]
Đảng Liên bang 1 John Adams
Đảng Liên hiệp Quốc gia 1 Andrew Johnson[F]
Không đảng phái 1 George Washington

Nhiệm kỳ các tổng thống Hoa Kỳ

Xem thêm

  • Danh sách Tổng thống Hoa Kỳ
  • Chính trị Hoa Kỳ

Ghi chú

  1. ^ Thuật ngữ không chính thức POTUS bắt nguồn từ Bộ mã Phillips, là một bộ mã tốc ký được Walter P. Phillips sử dụng từ năm 1879 để nhanh chóng truyền tin bằng điện báo.[10]
  2. ^ Chín phó tổng thống kế nhiệm tổng thống sau khi người tiền nhiệm qua đời hoặc từ chức gồm: John Tyler (1841); Millard Fillmore (1850); Andrew Johnson (1865); Chester A. Arthur (1881); Theodore Roosevelt (1901); Calvin Coolidge (1923); Harry S. Truman (1945); Lyndon B. Johnson (1963); và Gerald Ford (1974).
  3. ^ Grover Cleveland trúng cử tổng thống hai nhiệm kỳ không liên tiếp, nên ông được tính là tổng thống thứ 22 và 24.[19]
  4. ^ Tuy thuộc Đảng Cộng hòa nhưng Abraham Lincoln trúng cử tổng thống nhiệm kỳ thứ hai trên liên danh Đảng Liên hiệp Quốc gia cùng với Andrew Johnson thuộc Đảng Dân chủ vào năm 1864.
  5. ^ Cựu đảng viên Đảng Dân chủ John Tyler trúng cử phó tổng thống trên liên danh Đảng Whig với Harrison vào năm 1840. Chính sách của Tyler khi làm tổng thống trái với cương lĩnh của Đảng Whig và ông bị khai trừ khỏi đảng vào tháng 9 năm 1841.
  6. ^ Tuy thuộc Đảng Dân chủ nhưng Andrew Johnson trúng cử phó tổng thống trên liên danh Đảng Liên hiệp Quốc gia với Abraham Lincoln thuộc Đảng Cộng hòa vào năm 1864. Về sau, khi làm tổng thống, Johnson vận động thành lập một đảng riêng trong số thành viên Đảng Liên hiệp Quốc gia nhưng thất bại. Vào cuối nhiệm kỳ tổng thống, Johnson gia nhập lại Đảng Dân chủ.

Tham khảo

  1. ^ “How to Address the President; He Is Not Your Excellency or Your Honor, But Mr. President”. The New York Times. The Washington Star. 2 tháng 8 năm 1891.
  2. ^ “USGS Correspondence Handbook—Chapter 4”. United States Geological Survey. 18 tháng 7 năm 2007. Bản gốc lưu trữ ngày 26 tháng 9 năm 2012. Truy cập ngày 15 tháng 11 năm 2012.
  3. ^ “Models of Address and Salutation”. International Trade Administration. Bản gốc lưu trữ ngày 20 tháng 7 năm 2010. Truy cập ngày 4 tháng 9 năm 2010.
  4. ^ "Heads of State, Heads of Government, Ministers for Foreign Affairs", Protocol and Liaison Service, United Nations. Retrieved November 1, 2012.
  5. ^ The White House Office of the Press Secretary (1 tháng 9 năm 2010). “Remarks by President Obama, President Mubarak, His Majesty King Abdullah, Prime Minister Netanyahu and President Abbas Before Working Dinner”. The White House. Truy cập ngày 19 tháng 7 năm 2011 – qua National Archives.
  6. ^ "The conventions of nine states having adopted the Constitution, Congress, in September or October, 1788, passed a resolution in conformity with the opinions expressed by the Convention and appointed the first Wednesday in March of the ensuing year as the day, and the then seat of Congress as the place, 'for commencing proceedings under the Constitution.'

    "Both governments could not be understood to exist at the same time. The new government did not commence until the old government expired. It is apparent that the government did not commence on the Constitution's being ratified by the ninth state, for these ratifications were to be reported to Congress, whose continuing existence was recognized by the Convention, and who were requested to continue to exercise their powers for the purpose of bringing the new government into operation. In fact, Congress did continue to act as a government until it dissolved on the first of November by the successive disappearance of its members. It existed potentially until March 2, the day preceding that on which the members of the new Congress were directed to assemble." Owings v. Speed, 18 U.S. (5 Wheat) 420, 422 (1820)

  7. ^ Maier, Pauline (2010). Ratification: The People Debate the Constitution, 1787–1788. New York, New York: Simon & Schuster. tr. 433. ISBN 978-0-684-86854-7.
  8. ^ “March 4: A forgotten huge day in American history”. Philadelphia: National Constitution Center. 4 tháng 3 năm 2013. Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 2 năm 2018. Truy cập ngày 29 tháng 7 năm 2018.
  9. ^ “Presidential Election of 1789”. Digital Encyclopedia. Mount Vernon, Virginia: Mount Vernon Ladies' Association. Truy cập ngày 29 tháng 7 năm 2018.
  10. ^ Safire, William (2008). Safire's Political Dictionary (bằng tiếng Anh). Oxford University Press. tr. 564. ISBN 978-0-19-534061-7.
  11. ^ Ford, Henry Jones (1908). “The Influence of State Politics in Expanding Federal Power”. Proceedings of the American Political Science Association. 5: 53–63. doi:10.2307/3038511. JSTOR 3038511.
  12. ^ “How 9/11 Radically Expanded The Power of the U.S. Government”. Time (bằng tiếng Anh). 11 tháng 9 năm 2021. Truy cập ngày 29 tháng 9 năm 2023.
  13. ^ Peterson, Erin. “Presidential Power Surges”. Harvard Law School (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 29 tháng 9 năm 2023.
  14. ^ Von Drehle, David (2 tháng 2 năm 2017). “Is Steve Bannon the Second Most Powerful Man in the World?”. Time.
  15. ^ “Who should be the world's most powerful person?”. The Guardian. London. 3 tháng 1 năm 2008.
  16. ^ Meacham, Jon (20 tháng 12 năm 2008). “Meacham: The History of Power”. Newsweek. Truy cập ngày 4 tháng 9 năm 2010.
  17. ^ Zakaria, Fareed (20 tháng 12 năm 2008). “The Newsweek 50: Barack Obama”. Newsweek. Truy cập ngày 4 tháng 9 năm 2010.
  18. ^ Pfiffner, J. P. (1988). “The President's Legislative Agenda”. Annals of the American Academy of Political and Social Science. 499: 22–35. doi:10.1177/0002716288499001002. S2CID 143985489.
  19. ^ “Grover Cleveland—24”. White House..
  20. ^ a b c Kelly, Alfred H.; Harbison, Winfred A.; Belz, Herman (1991). The American Constitution: Its Origins and Development. I (ấn bản thứ 7). New York: W.W. Norton & Co. tr. 76–81. ISBN 978-0-393-96056-3.
  21. ^ a b c d e f g Milkis, Sidney M.; Nelson, Michael (2008). The American Presidency: Origins and Development (ấn bản thứ 5). Washington, D.C.: CQ Press. tr. 1–25. ISBN 978-0-87289-336-8.
  22. ^ Ellis, Richard J. (1999). Founding the American Presidency. Lanham, Maryland: Rowman & Littlefield. tr. 1. ISBN 0-8476-9499-2.
  23. ^ Beeman, Richard (2009). Plain, Honest Men: The Making of the American Constitution. New York: Random House. ISBN 978-0-8129-7684-7.
  24. ^ Steven, Knott (4 tháng 10 năm 2016). “George Washington: Life in Brief”. Miller Center (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 2 năm 2018. Truy cập ngày 14 tháng 9 năm 2020.
  25. ^ Stockwell, Mary. “Presidential Precedents”. Mount Vernon, Washington Library, Center for Digital History. Truy cập ngày 14 tháng 9 năm 2020.
  26. ^ Spalding, Matthew (5 tháng 2 năm 2007). “The Man Who Would Not Be King”. The Heritage Foundation. Truy cập ngày 14 tháng 9 năm 2020.
  27. ^ Feeling, John (15 tháng 2 năm 2016). “How the Rivalry Between Thomas Jefferson and Alexander Hamilton Changed History”. Time. Truy cập ngày 14 tháng 9 năm 2020.
  28. ^ NCC staff (4 tháng 11 năm 2019). “On This Day: The first bitter, contested presidential election takes place”. National Constitution Center. Truy cập ngày 14 tháng 9 năm 2020.
  29. ^ Walsh, Kenneth (20 tháng 8 năm 2008). “The Most Consequential Elections in History: Andrew Jackson and the Election of 1828”. U.S. News & World Report. Truy cập ngày 14 tháng 9 năm 2020.
  30. ^ Bomboy, Scott (5 tháng 12 năm 2017). “Martin Van Buren's legacy: Expert politician, mediocre president”. National Constitution Center. Truy cập ngày 14 tháng 9 năm 2020.
  31. ^ Freehling, William (4 tháng 10 năm 2016). “John Tyler: Impact and Legacy”. University of Virginia, Miller Center. Truy cập ngày 14 tháng 9 năm 2020.
  32. ^ McNamara, Robert (3 tháng 7 năm 2019). “Seven Presidents Served in the 20 Years Before the Civil War”. ThoughtCo. Truy cập ngày 14 tháng 9 năm 2020.
  33. ^ Heidler, David; Heidler, Jeanne. “The Great Triumvirate”. Essential Civil War Curriculum. Truy cập ngày 14 tháng 9 năm 2020.
  34. ^ Winters, Michael Sean (4 tháng 8 năm 2017). “'Do not trust in princes': the limits of politics”. National Catholic Reporter. Truy cập ngày 14 tháng 9 năm 2020.
  35. ^ Williams, Frank (1 tháng 4 năm 2011). “Lincoln's War Powers: Part Constitution, Part Trust”. American Bar Association. Truy cập ngày 14 tháng 9 năm 2020.
  36. ^ Weber, Jennifer (25 tháng 3 năm 2013). “Was Lincoln a Tyrant?”. New York Times Opinionator. Truy cập ngày 14 tháng 9 năm 2020.
  37. ^ Varon, Elizabeth (4 tháng 10 năm 2016). “Andrew Johnson: Campaigns and Elections”. University of Virginia, Miller Center. Truy cập ngày 14 tháng 9 năm 2020.
  38. ^ NCC Staff (16 tháng 5 năm 2020). “The man whose impeachment vote saved Andrew Johnson”. National Constitution Center. Truy cập ngày 14 tháng 9 năm 2020.
  39. ^ Boissoneault, Lorraine (17 tháng 4 năm 2017). “The Debate Over Executive Orders Began With Teddy Roosevelt's Mad Passion for Conservation”. Smithsonian Magazine (website). Truy cập ngày 14 tháng 9 năm 2020.
  40. ^ Posner, Eric (22 tháng 4 năm 2011). “The inevitability of the imperial presidency”. The Washington Post. Truy cập ngày 12 tháng 9 năm 2020.
  41. ^ Glass, Andrew (19 tháng 11 năm 2014). “Senate rejects League of Nations, Nov. 19, 2019”. Politico. Truy cập ngày 14 tháng 9 năm 2020.
  42. ^ Robenalt, James (13 tháng 8 năm 2015). “If we weren't so obsessed with Warren G. Harding's sex life, we'd realize he was a pretty good president”. The Washington Post. Truy cập ngày 14 tháng 9 năm 2020.
  43. ^ Smith, Richard Norton; Walch, Timothy (Summer 2004). “The Ordeal of Herbert Hoover”. Prologue Magazine. National Archives. 36 (2).
  44. ^ Schlesinger, Arthur M. Jr. (1973). The Imperial Presidency. Frank and Virginia Williams Collection of Lincolniana (Mississippi State University. Libraries). Boston: Houghton Mifflin. tr. x. ISBN 0-395-17713-8. OCLC 704887.
  45. ^ a b c Yoo, John (14 tháng 2 năm 2018). “Franklin Roosevelt and Presidential Power”. Chapman Law Review. 21 (1): 205. SSRN 3123894.
  46. ^ Tierney, Dominic (January 24, 2017).
  47. ^ Eschner, Kat (14 tháng 11 năm 2017). “A Year Before His Presidential Debate, JFK Foresaw How TV Would Change Politics”. Smithsonian Magazine. Truy cập ngày 12 tháng 9 năm 2020.
  48. ^ Simon, Ron (29 tháng 5 năm 2017). “See How JFK Created a Presidency for the Television Age”. Time. Truy cập ngày 12 tháng 9 năm 2020.
  49. ^ Wallach, Philip (26 tháng 4 năm 2018). “When Congress won the American people's respect: Watergate”. LegBranch.org. Truy cập ngày 12 tháng 9 năm 2020.
  50. ^ Berger, Sam; Tausanovitch, Alex (30 tháng 7 năm 2018). “Lessons From Watergate”. Center for American Progress. Truy cập ngày 12 tháng 9 năm 2020.
  51. ^ 87 Stat. 555
  52. ^ Madden, Richard (8 tháng 11 năm 1973). “House and Senate Override Veto by Nixon on Curb of War Powers; Backers of Bill Win 3-Year Fight”. The New York Times. Truy cập ngày 12 tháng 9 năm 2020.
  53. ^ Glass, Andrew (12 tháng 7 năm 2017). “Budget and Impoundment Control Act becomes law, July 12, 1974”. Politico. Truy cập ngày 12 tháng 9 năm 2020.
  54. ^ Shabecoff, Philip (28 tháng 3 năm 1976). “Presidency Is Found Weaker Under Ford”. The New York Times. Truy cập ngày 9 tháng 9 năm 2020.
  55. ^ Edwards, Lee (5 tháng 2 năm 2018). “What Made Reagan a Truly Great Communicator”. The Heritage Foundation. Truy cập ngày 12 tháng 9 năm 2020.
  56. ^ Brands, H. W. “What Reagan Learned from FDR”. History News Network. Truy cập ngày 12 tháng 9 năm 2020.
  57. ^ Barber, Michael; McCarty, Nolan (2013), Causes and Consequences of Polarization Lưu trữ 2021-01-14 tại Wayback Machine, American Political Science Association Task Force on Negotiating Agreement in Politics report, at 19–20, 37–38.
  58. ^ Rudalevige, Andrew (1 tháng 4 năm 2014). “The Letter of the Law: Administrative Discretion and Obama's Domestic Unilateralism”. The Forum. 12 (1): 29–59. doi:10.1515/for-2014-0023. S2CID 145237493.
  59. ^ Pfiffner, James. “Essays on Article II: Recommendations Clause”. The Heritage Guide to the Constitution. The Heritage Foundation. Truy cập ngày 14 tháng 4 năm 2019.
  60. ^ “Our Government: The Legislative Branch”. www.whitehouse.gov. Washington, D.C.: The White House. Truy cập ngày 14 tháng 4 năm 2019.
  61. ^ Heitshusen, Valerie (15 tháng 11 năm 2018). “Introduction to the Legislative Process in the U.S. Congress” (PDF). R42843 · Version 14 · updated. Washington, D.C.: Congressional Research Service. Truy cập ngày 14 tháng 4 năm 2019.
  62. ^ Forte, David F. “Essays on Article II: Convening of Congress”. The Heritage Guide to the Constitution. Heritage Foundation. Truy cập ngày 14 tháng 4 năm 2019.
  63. ^ Steinmetz, Katy (10 tháng 8 năm 2010). “Congressional Special Sessions”. Time. Truy cập ngày 14 tháng 4 năm 2019.
  64. ^ “Article II, Section 3, U.S. Constitution”. Legal Information Institute. 2012. Truy cập ngày 7 tháng 8 năm 2012.
  65. ^ “Executive Branch”. whitehouse.gov. tháng 4 năm 2015. Truy cập ngày 24 tháng 1 năm 2020 – qua National Archives.
  66. ^ “Presidentially Appointed Positions” (PDF). Washington, D.C.: Partnership for Public Service. 14 tháng 4 năm 2021. Truy cập ngày 7 tháng 3 năm 2023.
  67. ^ “Biden Political Appointee Tracker”. The Washington Post. Truy cập ngày 7 tháng 3 năm 2023.
  68. ^ See Shurtleff v. United States, 189 U.S. 311 (1903); Myers v. United States, 272 U.S. 52 (1926).
  69. ^ See Humphrey's Executor v. United States, 295 U.S. 602 (1935) and Morrison v. Olson, 487 U.S. 654 (1988), respectively.
  70. ^ Gaziano, Todd (21 tháng 2 năm 2001). “Executive Summary: The Use and Abuse of Executive Orders and Other Presidential Directives”. Washington, D.C.: The Heritage Foundation. Truy cập ngày 23 tháng 1 năm 2018.
  71. ^ United States v. Curtiss-Wright Export Corp., 299 U.S. 304 (1936), characterized the President as the "sole organ of the nation in its external relations," an interpretation criticized by Louis Fisher of the Library of Congress.
  72. ^ Zivotofsky v. Kerry, 576 U.S. ___ (2015).
  73. ^ Ramsey, Michael; Vladeck, Stephen. “Common Interpretation: Commander in Chief Clause”. National Constitution Center Educational Resources (some internal navigation required). National Constitution Center. Truy cập ngày 23 tháng 5 năm 2017.
  74. ^ Hamilton, Alexander. The Federalist #69 (reposting). Retrieved June 15, 2007.
  75. ^ Christopher, James A.; Baker, III (8 tháng 7 năm 2008). “The National War Powers Commission Report”. The Miller Center of Public Affairs at the University of Virginia. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 26 tháng 11 năm 2010. Truy cập ngày 15 tháng 12 năm 2010. No clear mechanism or requirement exists today for the president and Congress to consult. The War Powers Resolution of 1973 contains only vague consultation requirements. Instead, it relies on reporting requirements that, if triggered, begin the clock running for Congress to approve the particular armed conflict. By the terms of the 1973 Resolution, however, Congress need not act to disapprove the conflict; the cessation of all hostilities is required in 60 to 90 days merely if Congress fails to act. Many have criticized this aspect of the Resolution as unwise and unconstitutional, and no president in the past 35 years has filed a report "pursuant" to these triggering provisions.
  76. ^ a b c “The Law: The President's War Powers”. Time. 1 tháng 6 năm 1970. Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 1 năm 2008. Truy cập ngày 28 tháng 9 năm 2009.
  77. ^ Mitchell, Alison (2 tháng 5 năm 1999). “The World; Only Congress Can Declare War. Really. It's True”. The New York Times. Truy cập ngày 8 tháng 11 năm 2009. Presidents have sent forces abroad more than 100 times; Congress has declared war only five times: the War of 1812, the Mexican War, the Spanish–American War, World War I and World War II.
  78. ^ Mitchell, Alison (2 tháng 5 năm 1999). “The World; Only Congress Can Declare War. Really. It's True”. The New York Times. Truy cập ngày 8 tháng 11 năm 2009. President Reagan told Congress of the invasion of Grenada two hours after he had ordered the landing. He told Congressional leaders of the bombing of Libya while the aircraft were on their way.
  79. ^ Gordon, Michael R. (20 tháng 12 năm 1990). “U.S. troops move in Panama in effort to seize Noriega; gunfire is heard in capital”. The New York Times. Truy cập ngày 8 tháng 11 năm 2009. It was not clear whether the White House consulted with Congressional leaders about the military action, or notified them in advance. Thomas S. Foley, the Speaker of the House, said on Tuesday night that he had not been alerted by the Administration.
  80. ^ Andrew J. Polsky, Elusive Victories: The American Presidency at War (Oxford University Press, 2012) online review
  81. ^ “George Washington and the Evolution of the American Commander in Chief”. The Colonial Williamsburg Foundation.
  82. ^ James M. McPherson, Tried by War: Abraham Lincoln As Commander in Chief (2009)
  83. ^ “DOD Releases Unified Command Plan 2011”. United States Department of Defense. 8 tháng 4 năm 2011. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 5 năm 2011. Truy cập ngày 25 tháng 2 năm 2013.
  84. ^ 10 U.S.C. § 164
  85. ^ Joint Chiefs of Staff.
  86. ^ Johnston, David (24 tháng 12 năm 1992). “Bush Pardons Six in Iran Affair, Aborting a Weinberger Trial; Prosecutor Assails 'Cover-Up'”. The New York Times. Truy cập ngày 8 tháng 11 năm 2009. But not since President Gerald R. Ford granted clemency to former President Richard M. Nixon for possible crimes in Watergate has a Presidential pardon so pointedly raised the issue of whether the president was trying to shield officials for political purposes.
  87. ^ Johnston, David (24 tháng 12 năm 1992). “Bush Pardons Six in Iran Affair, Aborting a Weinberger Trial; Prosecutor Assails 'Cover-Up'”. The New York Times. Truy cập ngày 8 tháng 11 năm 2009. The prosecutor charged that Mr. Weinberger's efforts to hide his notes may have 'forestalled impeachment proceedings against President Reagan' and formed part of a pattern of 'deception and obstruction'. ... In light of President Bush's own misconduct, we are gravely concerned about his decision to pardon others who lied to Congress and obstructed official investigations.
  88. ^ Eisler, Peter (7 tháng 3 năm 2008). “Clinton-papers release blocked”. USA Today. Truy cập ngày 8 tháng 11 năm 2009. Former president Clinton issued 140 pardons on his last day in office, including several to controversial figures, such as commodities trader Rich, then a fugitive on tax evasion charges. Rich's ex-wife, Denise, contributed $2,000 in 1999 to Hillary Clinton's Senate campaign; $5,000 to a related political action committee; and $450,000 to a fund set up to build the Clinton library.
  89. ^ Bản mẫu:Cite case
  90. ^ a b Frost, Amanda; Florence, Justin (2009). “Reforming the State Secrets Privilege”. American Constitution Society. Truy cập ngày 9 tháng 11 năm 2017.
  91. ^ Weaver, William G.; Pallitto, Robert M. (2005). “State Secrets and Executive Power”. Political Science Quarterly. 120 (1): 85–112. doi:10.1002/j.1538-165x.2005.tb00539.x. Use of the state secrets privilege in courts has grown significantly over the last twenty-five years. In the twenty-three years between the decision in Reynolds [1953] and the election of Jimmy Carter, in 1976, there were four reported cases in which the government invoked the privilege. Between 1977 and 2001, there were a total of fifty-one reported cases in which courts ruled on invocation of the privilege. Because reported cases represent only a fraction of the total cases in which the privilege is invoked or implicated, it is unclear precisely how dramatically the use of the privilege has grown. But the increase in reported cases is indicative of greater willingness to assert the privilege than in the past.
  92. ^ Savage, Charlie (8 tháng 9 năm 2010). “Court Dismisses a Case Asserting Torture by C.I.A.”. The New York Times. Truy cập ngày 8 tháng 10 năm 2010.
  93. ^ Finn, Peter (9 tháng 9 năm 2010). “Suit dismissed against firm in CIA rendition case”. The Washington Post. Truy cập ngày 8 tháng 10 năm 2010.
  94. ^ Brown, Tanya Ballard (7 tháng 10 năm 2019). “President Trump Doesn't Need To Release His Tax Returns — For Now”. NPR. Truy cập ngày 28 tháng 4 năm 2020.
  95. ^ “The White House State Dinner”. The White House Historical Association. Truy cập ngày 9 tháng 11 năm 2017.
  96. ^ Abbott, James A.; Rice, Elaine M. (1998). Designing Camelot: The Kennedy White House Restoration. Van Nostrand Reinhold. tr. 9–10. ISBN 978-0-442-02532-8.
  97. ^ Duggan, Paul (2 tháng 4 năm 2007). “Balking at the First Pitch”. The Washington Post. tr. A01.
  98. ^ “History of the BSA Fact Sheet” (PDF). Boy Scouts of America. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 29 tháng 6 năm 2014. Truy cập ngày 9 tháng 11 năm 2017.
  99. ^ Grier, Peter (25 tháng 4 năm 2011). “The (not so) secret history of the White House Easter Egg Roll”. The Christian Science Monitor. Bản gốc lưu trữ ngày 30 tháng 7 năm 2012. Truy cập ngày 30 tháng 7 năm 2012.
  100. ^ Hesse, Monica (21 tháng 11 năm 2007). “Turkey Pardons, The Stuffing of Historic Legend”. The Washington Post. Truy cập ngày 14 tháng 5 năm 2011.
  101. ^ Gibbs, Nancy (13 tháng 11 năm 2008). “How Presidents Pass The Torch”. Time. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 11 năm 2008. Truy cập ngày 6 tháng 5 năm 2011.
  102. ^ Dorning, Mike (22 tháng 1 năm 2009). “A note from Bush starts morning in the Oval Office”. Chicago Tribune. Bản gốc lưu trữ ngày 28 tháng 12 năm 2011. Truy cập ngày 6 tháng 5 năm 2011.
  103. ^ “Article II. The Executive Branch, Annenberg Classroom”. The Interactive Constitution. Philadelphia, Pennsylvania: The National Constitution Center. Truy cập ngày 15 tháng 6 năm 2018.
  104. ^ Bernstein, Richard D. (4 tháng 2 năm 2021). “Lots of People Are Disqualified From Becoming President”. The Atlantic (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 1 tháng 3 năm 2021. In addition to the list of people who are ineligible for reasons of mere demographic chance, the Constitution adds a category of people who cannot be elected as a result of their misdeeds. This category includes presidents (along with vice presidents and federal "civil officers") who are impeached, convicted by two-thirds of the Senate, and disqualified for serious misconduct committed while they were in office.
  105. ^ Wolfe, Jan (14 tháng 1 năm 2021). “Explainer: Impeachment or the 14th Amendment – Can Trump be barred from future office?”. Reuters (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 1 tháng 3 năm 2021.
  106. ^ Moreno, Paul. “Articles on Amendment XIV: Disqualification for Rebellion”. The Heritage Guide to the Constitution. The Heritage Foundation. Truy cập ngày 15 tháng 6 năm 2018.
  107. ^ Peabody, Bruce G.; Gant, Scott E. (tháng 2 năm 1999). “The Twice and Future President: Constitutional Interstices and the Twenty-Second Amendment”. Minnesota Law Review. 83 (3): 565–635. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 1 năm 2013. Truy cập ngày 12 tháng 6 năm 2015.
  108. ^ Albert, Richard (Winter 2005). “The Evolving Vice Presidency”. Temple Law Review. 78 (4): 811–896. Truy cập ngày 31 tháng 7 năm 2018 – qua Digital Commons @ Boston College Law School.
  109. ^ International Law, US Power: The United States' Quest for Legal Security, p 10, Shirley V. Scott—2012
  110. ^ “Twenty-third Amendment”. Annenberg Classroom. Philadelphia, Pennsylvania: The Annenberg Public Policy Center. 29 tháng 3 năm 1961. Truy cập ngày 30 tháng 7 năm 2018.
  111. ^ a b Neale, Thomas H. (15 tháng 5 năm 2017). “The Electoral College: How It Works in Contemporary Presidential Elections” (PDF). CRS Report for Congress. Washington, D.C.: Congressional Research Service. tr. 13. Truy cập ngày 29 tháng 7 năm 2018.
  112. ^ “About the Electors”. U.S. Electoral College. Washington, D.C.: National Archives and Records Administration. Truy cập ngày 2 tháng 8 năm 2018.
  113. ^ “Maine & Nebraska”. Takoma Park, Maryland: FairVote. Bản gốc lưu trữ ngày 2 tháng 8 năm 2018. Truy cập ngày 1 tháng 8 năm 2018.
  114. ^ “Split Electoral Votes in Maine and Nebraska”. 270towin.com. Truy cập ngày 1 tháng 8 năm 2018.
  115. ^ “Faithless Elector State Laws”. Fair Vote. Bản gốc lưu trữ ngày 19 tháng 12 năm 2016. Truy cập ngày 4 tháng 3 năm 2020.
  116. ^ “Laws Binding Electors”. Truy cập ngày 4 tháng 3 năm 2020.
  117. ^ Howe, Amy (6 tháng 7 năm 2020). “Opinion analysis: Court upholds "faithless elector" laws”. SCOTUSblog. Truy cập ngày 11 tháng 7 năm 2020.
  118. ^ Kuroda, Tadahisa. “Essays on Article II: Electoral College”. The Heritage Guide to The Constitution. The Heritage Foundation. Truy cập ngày 27 tháng 7 năm 2018.
  119. ^ Fried, Charles. “Essays on Amendment XII: Electoral College”. The Heritage Guide to the Constitution. The Heritage Foundation. Truy cập ngày 20 tháng 2 năm 2018.
  120. ^ Boller, Paul F. (2004). Presidential Campaigns: From George Washington to George W. Bush (ấn bản thứ 2). New York, New York: Oxford University Press. tr. 36–39. ISBN 978-0-19-516716-0. Truy cập ngày 2 tháng 8 năm 2018.
  121. ^ Larson, Edward J.; Shesol, Jeff. “The Twentieth Amendment”. The Interactive Constitution. Philadelphia, Pennsylvania: The National Constitution Center. Truy cập ngày 15 tháng 6 năm 2018.
  122. ^ Kesavan, Vasan. “Essays on Article II: Oath of Office”. The Heritage Guide to The Constitution. The Heritage Foundation. Truy cập ngày 2 tháng 8 năm 2018.
  123. ^ NCC Staff (20 tháng 1 năm 2017). “How Presidents use Bibles at inaugurations”. Constitution Daily. Philadelphia, Pennsylvania: National Constitution Center. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 8 năm 2018. Truy cập ngày 3 tháng 8 năm 2018.
  124. ^ Munson, Holly (12 tháng 7 năm 2011). “Who said that? A quick history of the presidential oath”. ConstitutionDaily. Philadelphia, Pennsylvania: National Constitution Center. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 8 năm 2018. Truy cập ngày 3 tháng 8 năm 2018.
  125. ^ Neale, Thomas H. (19 tháng 10 năm 2009). “Presidential Terms and Tenure: Perspectives and Proposals for Change” (PDF). Washington, D.C.: Congressional Research Service. Truy cập ngày 3 tháng 8 năm 2018.
  126. ^ Waugh, Joan (4 tháng 10 năm 2016). “Ulysses S. Grant: Campaigns and Elections”. Miller Center of Public Affairs, University of Virginia. Truy cập ngày 3 tháng 8 năm 2018.
  127. ^ a b “Twenty-second Amendment”. Annenberg Classroom. Philadelphia, Pennsylvania: The Annenberg Public Policy Center. Truy cập ngày 2 tháng 8 năm 2018.
  128. ^ Feerick, John D. (2011). “Presidential Succession and Inability: Before and After the Twenty-Fifth Amendment”. Fordham Law Review. New York City: Fordham University School of Law. 79 (3): 907–949. Truy cập ngày 13 tháng 12 năm 2018.
  129. ^ a b Feerick, John. “Essays on Article II: Presidential Succession”. The Heritage Guide to the Constitution. The Heritage Foundation. Truy cập ngày 13 tháng 12 năm 2018.
  130. ^ Olsen, Jillian (19 tháng 11 năm 2021). “How many other vice presidents have temporarily taken over presidential powers?”. St. Petersburg, Florida: WTSP. Truy cập ngày 11 tháng 5 năm 2022.
  131. ^ Sullivan, Kate (19 tháng 11 năm 2021). “For 85 minutes, Kamala Harris became the first woman with presidential power”. CNN. Truy cập ngày 19 tháng 11 năm 2021.
  132. ^ a b Presser, Stephen B. “Essays on Article I: Impeachment”. Heritage Guide to the Constitution. The Heritage Foundation. Truy cập ngày 3 tháng 8 năm 2018.
  133. ^ Gerhardt, Michael J. “Essays on Article I: Trial of Impeachment”. Heritage Guide to the Constitution. The Heritage Foundation. Truy cập ngày 3 tháng 8 năm 2018.
  134. ^ “Presidential and Vice Presidential Salaries Exclusive of Perquisites”. Data from Congressional Quarterly's Guide to the Presidency. University of Michigan. Truy cập ngày 31 tháng 7 năm 2020.
  135. ^ Williamson, Samuel H. “Seven Ways to Compute the Relative Value of a U.S. Dollar Amount, 1774 to Present”. MeasuringWorth. Truy cập ngày 31 tháng 7 năm 2020.
  136. ^ Longley, Robert (1 tháng 9 năm 2017). “Presidential Pay and Compensation”. ThoughtCo. Truy cập ngày 31 tháng 7 năm 2018.
  137. ^ Elkins, Kathleen (19 tháng 2 năm 2018). “Here's the last time the president of the United States got a raise”. CNBC. Truy cập ngày 31 tháng 7 năm 2018.
  138. ^ “The White House Building”. whitehouse.gov. Truy cập ngày 3 tháng 8 năm 2018.
  139. ^ Bulmiller, Elisabeth (tháng 1 năm 2009). “Inside the Presidency: Few outsiders ever see the President's private enclave”. National Geographic. Washington, D.C. Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 7 năm 2018. Truy cập ngày 3 tháng 8 năm 2018.
  140. ^ “The White House Building”. whitehouse.gov. Truy cập ngày 3 tháng 8 năm 2018.
  141. ^ “President's Guest House (includes Lee House and Blair House), Washington, DC”. Washington, D.C.: General Services Administration. Truy cập ngày 9 tháng 11 năm 2017.
  142. ^ “Air Force One”. whitehouse.gov. 21 tháng 3 năm 2015 – qua National Archives.
  143. ^ Any U.S. Air Force aircraft carrying the president will use the call sign "Air Force One".
  144. ^ New Presidential Limousine enters Secret Service Fleet U.S. Secret Service Press Release (January 14, 2009) Retrieved on January 20, 2009.
  145. ^ Ahlers, Mike M.; Marrapodi, Eric (6 tháng 1 năm 2009). “Obama's wheels: Secret Service to unveil new presidential limo”. CNN. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 2 năm 2016. Truy cập ngày 16 tháng 12 năm 2017.
  146. ^ Farley, Robert (25 tháng 8 năm 2011). “Obama's Canadian-American Bus”. FactCheck. Truy cập ngày 16 tháng 12 năm 2017.
  147. ^ “Junior Secret Service Program: Assignment 7. Code Names”. National Park Service. Bản gốc lưu trữ ngày 18 tháng 1 năm 2007. Truy cập ngày 18 tháng 8 năm 2007.
  148. ^ “Candidate Code Names Secret Service Monikers Used on the Campaign Trail”. CBS. 16 tháng 9 năm 2008. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 10 năm 2008. Truy cập ngày 12 tháng 11 năm 2008.
  149. ^ Edmund Morris, Colonel Roosevelt (2011)
  150. ^ Gary Dean Best, The Life of Herbert Hoover: Keeper of the Torch, 1933–1964 (2013)
  151. ^ Kasey S. Pipes, After the Fall: The Remarkable Comeback of Richard Nixon (2019)
  152. ^ Douglas Brinkley.
  153. ^ John Whiteclay, Chambers II (1979). “Presidents Emeritus”. American Heritage. 30 (4): 16–25.
  154. ^ “Shock and Anger Flash Throughout the United States”. Associated Press. 31 tháng 3 năm 1981. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 9 năm 2015. Truy cập ngày 11 tháng 3 năm 2011.
  155. ^ “Four Presidents”. Reagan Presidential Library, National Archives and Records Administration. Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 5 năm 2011. Truy cập ngày 3 tháng 4 năm 2011.
  156. ^ “Biography of Richard M. Nixon”. whitehouse.gov. 30 tháng 12 năm 2014 – qua National Archives.
  157. ^ Stephanie Smith (18 tháng 3 năm 2008). “Federal Pension and Retirement Benefits” (PDF). Federation of American Scientists. Congressional Research Service, The Library of Congress. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 7 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 10 tháng 11 năm 2020.
  158. ^ Schwemle, Barbara L. (17 tháng 10 năm 2012). “President of the United States: Compensation” (PDF). Congressional Research Service. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2013.
  159. ^ “Former presidents cost U.S. taxpayers big bucks”. Toledo Blade. 7 tháng 1 năm 2007. Truy cập ngày 22 tháng 5 năm 2007.
  160. ^ 18 U.S.C. § 3056
  161. ^ “Obama signs bill granting lifetime Secret Service protection to former presidents and spouses”. The Washington Post. Associated Press. 10 tháng 1 năm 2013. Bản gốc lưu trữ ngày 23 tháng 8 năm 2016. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2013.
  162. ^ a b “United States Secret Service: Protection”. United States Secret Service. Truy cập ngày 9 tháng 11 năm 2017.
  163. ^ “Obama signs protection bill for former presidents”. The Washington Times. 10 tháng 1 năm 2013. Truy cập ngày 14 tháng 8 năm 2013.
  164. ^ “U.S. Senate: Party Division”. U.S. Senate. Truy cập ngày 2 tháng 1 năm 2017.
  165. ^ Jamison, Dennis (31 tháng 12 năm 2014). “George Washington's views on political parties in America”. The Washington Times. Truy cập ngày 1 tháng 7 năm 2016.
  166. ^ “Political Parties”. Mount Vernon, Virginia: Mount Vernon Ladies' Association. Truy cập ngày 24 tháng 3 năm 2019.
  167. ^ “The Presidents of the United States of America”. Enchanted Learning. Truy cập ngày 2 tháng 8 năm 2018.
  168. ^ “Political Parties of the Presidents”. Presidents USA. Truy cập ngày 2 tháng 8 năm 2018.

Đọc thêm

  • Balogh, Brian and Bruce J. Schulman, eds. Recapturing the Oval Office: New Historical Approaches to the American Presidency (Cornell University Press, 2015), 311 pp.
  • Edwards, George C. and Thomas G. Howell (eds.). 2009. The Oxford Handbook of the American Presidency. Oxford University Press.
  • Kernell, Samuel; Jacobson, Gary C. (1987). “Congress and the Presidency as News in the Nineteenth Century” (PDF). Journal of Politics. 49 (4): 1016–1035. doi:10.2307/2130782. JSTOR 2130782. S2CID 154834781.
  • Hopper, Jennifer Rose. "Reexamining the Nineteenth-Century Presidency and Partisan Press: The Case of President Grant and the Whiskey Ring Scandal." Social Science History 42.1 (2018): 109–133.
  • Howell, William G. 2023. The American Presidency: An Institutional Approach to Executive Politics. Princeton University Press.
  • Marshall, Jon. Clash: Presidents and the Press in Times of Crisis (U of Nebraska Press, 2022).
  • Shade, William G. and Ballard Campbell, eds. American Presidential Campaigns and Elections (2003).
  • Sigelman, Lee; Bullock, David (1991). “Candidates, issues, horse races, and hoopla: Presidential campaign coverage, 1888–1988” (PDF). American Politics Quarterly. 19 (1): 5–32. doi:10.1177/1532673x9101900101. S2CID 154283367.
  • Tebbel, John William, and Sarah Miles Watts. The Press and the Presidency: From George Washington to Ronald Reagan (Oxford University Press, 1985). online review
  • Waterman, Richard W., and Robert Wright. The image-is-everything presidency: Dilemmas in American leadership (Routledge, 2018).
  • Presidential Studies Quarterly, published by Wiley, is a quarterly academic journal on the presidency.

Sử học

  • Greenstein, Fred I. et al. (1977). Evolution of the Modern President: A Bibliographical Survey. Annotated bibliography of 2500 scholarly articles and books covering each president.

Nguồn sơ cấp

  • Waldman, Michael; Stephanopoulos, George. My Fellow Americans: The Most Important Speeches of America's Presidents, from George Washington to George W. Bush. Sourcebooks Trade. 2003. ISBN 1-4022-0027-7.

Liên kết ngoài

  • White House homepage
  • United States Presidents Collection. General Collection, Beinecke Rare Book and Manuscript Library.
  • x
  • t
  • s
Tổng thống Hoa Kỳ
  1. George Washington (1789–1797)
  2. John Adams (1797–1801)
  3. Thomas Jefferson (1801–1809)
  4. James Madison (1809–1817)
  5. James Monroe (1817–1825)
  6. John Quincy Adams (1825–1829)
  7. Andrew Jackson (1829–1837)
  8. Martin Van Buren (1837–1841)
  9. William Henry Harrison (1841)
  10. John Tyler (1841–1845)
  11. James K. Polk (1845–1849)
  12. Zachary Taylor (1849–1850)
  13. Millard Fillmore (1850–1853)
  14. Franklin Pierce (1853–1857)
  15. James Buchanan (1857–1861)
  16. Abraham Lincoln (1861–1865)
  17. Andrew Johnson (1865–1869)
  18. Ulysses S. Grant (1869–1877)
  19. Rutherford B. Hayes (1877–1881)
  20. James A. Garfield (1881)
  21. Chester A. Arthur (1881–1885)
  22. Grover Cleveland (1885–1889)
  23. Benjamin Harrison (1889–1893)
  24. Grover Cleveland (1893–1897)
  25. William McKinley (1897–1901)
  26. Theodore Roosevelt (1901–1909)
  27. William Howard Taft (1909–1913)
  28. Woodrow Wilson (1913–1921)
  29. Warren G. Harding (1921–1923)
  30. Calvin Coolidge (1923–1929)
  31. Herbert Hoover (1929–1933)
  32. Franklin D. Roosevelt (1933–1945)
  33. Harry S. Truman (1945–1953)
  34. Dwight D. Eisenhower (1953–1961)
  35. John F. Kennedy (1961–1963)
  36. Lyndon B. Johnson (1963–1969)
  37. Richard Nixon (1969–1974)
  38. Gerald Ford (1974–1977)
  39. Jimmy Carter (1977–1981)
  40. Ronald Reagan (1981–1989)
  41. George H. W. Bush (1989–1993)
  42. Bill Clinton (1993–2001)
  43. George W. Bush (2001–2009)
  44. Barack Obama (2009–2017)
  45. Donald Trump (2017–2021)
  46. Joe Biden (2021–nay)
  • Trang Commons Hình
  • Thể loại Thể loại
  • Danh sách Danh sách
Tiêu đề chuẩn Sửa dữ liệu tại Wikidata
  • BNF: cb11863688j (data)
  • CiNii: DA02782438
  • GND: 2033432-1
  • ISNI: 0000 0001 2106 1812
  • LCCN: n80001199
  • MBS: bbc82820-c93b-4df5-9316-4a24beb88ca6
  • NARA: 10642006
  • NKC: kn20010710003
  • NLA: 35571004
  • RERO: 02-A003921810
  • SNAC: w6934ph5
  • SUDOC: 026377519
  • Trove: 999786
  • VIAF: 129529146
  • WorldCat Identities (via VIAF): 129529146

Từ khóa » Tổng Thống Nước Mỹ Là Ai