Tổng Thống Ukraine: Gia Nhập EU Không Phải ưu Tiên Hàng đầu

Trả lời phỏng vấn truyền thông nước ngoài hôm 3/3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng ưu tiên số một của đất nước hiện nay vẫn là "an ninh và chiến sự", nhưng nỗ lực để Ukraine trở thành thành viên Liên minh châu Âu (EU) vẫn rất quan trọng.

"Đó không phải ưu tiên hàng đầu hiện nay, nhưng nó cho thấy quan điểm của đất nước", Zelensky nói.

Bình luận được đưa ra vài ngày sau khi ông ký đơn xin gia nhập EU và kêu gọi EU kết nạp Ukraine càng sớm càng tốt. Trong bài phát biểu qua video trước Nghị viện châu Âu hôm 1/3, Tổng thống Zelensky cũng lặp lại yêu cầu đưa Ukraine trở thành thành viên chính thức của khối.

"Hãy chứng minh rằng các ngài đứng về phía chúng tôi. Chứng minh các ngài sẽ không bỏ mặc chúng tôi. Chứng minh rằng các ngài thực sự là người châu Âu và khi đó, sự sống sẽ chiến thắng cái chết, ánh sáng sẽ xua tan bóng tối", Zelensky nói.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 3/3 tại cuộc họp báo ở Kiev hôm 3/3. Ảnh: AFP.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 3/3 tại cuộc họp báo ở Kiev hôm 3/3. Ảnh: AFP.

Trong cuộc phỏng vấn, lãnh đạo Ukraine cũng nói rằng các cuộc đàm phán giữa Kiev và Moskva vẫn có vai trò nhất định, dù khó có thể đạt thỏa thuận. "Bất kỳ cuộc đàm phán nào cũng có ý nghĩa. Bất kỳ lời nói nào cũng quan trọng hơn một phát súng. Nếu bạn có thể đàm phán trước khi nổ súng thì hãy làm theo cách đó", Zelensky nói khi được hỏi liệu có nên tiếp tục đối thoại với Nga hay không.

Nếu được gia nhập EU, Ukraine có thể nhận được bảo vệ từ 27 quốc gia thành viên còn lại cùng những đặc quyền khác có lợi cho nền kinh tế. Trên lý thuyết, tư cách thành viên EU có thể hỗ trợ Ukraine về mặt quân sự, vì các nước EU bị ràng buộc bằng hiệp ước phòng thủ chung, yêu cầu các thành viên khác giúp đỡ nếu một nước "đối mặt với hành động tấn công có vũ trang trên lãnh thổ của mình".

Các quan chức hàng đầu EU bày tỏ ủng hộ Ukraine gia nhập khối, nhưng cảnh báo việc này không thể xảy ra trong một sớm một chiều, mà có thể mất nhiều năm. EU không có cơ chế kết nạp nhanh, vì các quốc gia ứng viên phải đáp ứng các tiêu chí về chính trị và kinh tế nhất định để được gia nhập khối.

Một quốc gia chỉ có thể nộp đơn vào EU khi đáp ứng các điều kiện như có nền kinh tế thị trường tự do, dân chủ ổn định và chấp nhận tất cả luật pháp của EU cũng như đồng euro. Sau đó, quốc gia sẽ nộp đơn lên Hội đồng châu Âu, bên sẽ yêu cầu Ủy ban châu Âu đánh giá khả năng đáp ứng các tiêu chí của ứng viên.

Nếu đánh giá của ủy ban thuận lợi, Hội đồng châu Âu phải nhất trí khuôn khổ chính thức cho quá trình đàm phán giữa các bộ trưởng và đại sứ của các chính phủ EU và nước ứng viên.

Năm quốc gia đang trong quá trình tích hợp luật pháp của EU vào luật quốc gia là Albania, Montenegro, Bắc Macedonia, Serbia và Thổ Nhĩ Kỳ. Hai nước khác là Kosovo cũng như Bosnia và Herzegovina được xếp vào nhóm "ứng viên tiềm năng" vì chưa đáp ứng các tiêu chí để đăng ký thành viên.

Chiến sự tại Ukraine đã bước sang ngày thứ chín, Nga tuyên bố đã kiểm soát được Kherson, thành phố chiến lược nằm trên cửa ngõ ra Biển Đen ở phía nam Ukraine và cũng là thành phố lớn đầu tiên nằm dưới quyền kiểm soát của Nga. Điều này giúp Nga có bàn đạp tiến sang phía tây để vào Odessa, thành phố có giá trị chiến lược cao hơn.

4 trục tiến quân của Nga tại Ukraine. Bấm vào ảnh để xem chi tiết. Đồ họa: Reuters.

4 trục tiến quân của Nga tại Ukraine. Bấm vào ảnh để xem chi tiết. Đồ họa: Reuters.

Giới chức Ukraine cho hay lực lượng Nga đã nã đạn vào nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhya ở đông nam nước này, gây ra một đám cháy lớn và làm bùng lên lo ngại về nguy cơ xảy ra một thảm họa hạt nhân quy mô lớn.

Cơ quan Ứng phó Khẩn cấp Ukraine sau đó xác nhận đám cháy tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhya đã được dập tắt lúc 6h20 (11h20 giờ Hà Nội) và không ghi nhận thương vong nào liên quan đến sự cố. Hiện nồng độ phóng xạ xung quanh nhà máy vẫn được duy trì ở mức bình thường.

Các đơn vị Nga cũng đã bao vây thành phố cảng Maripoul ở đông nam Ukraine. Đây là thành phố lớn thứ hai tỉnh Donetsk và lớn thứ 10 ở Ukraine, giáp biển Azov, nơi đặt nhiều cơ sở hạ tầng công nghiệp quan trọng.

Nhiều khu vực tại Kharkov, thành phố ở đông bắc Ukraine với 1,5 triệu dân, đã trở thành đống đổ nát sau các đòn pháo kích của Nga.

Phái đoàn Ukraine và Nga đàm phán vòng hai tại Belarus hôm 3/3, nhưng chỉ đạt được thỏa thuận mở hành lang nhân đạo sơ tán dân thường mà không thể nhất trí được một lệnh ngừng bắn ngay lập tức.

  • Lệnh trừng phạt Nga ảnh hưởng gì tới thế giới?
  • Vì sao Ukraine muốn nhanh chóng gia nhập EU?
  • Bản ghi nhớ Ukraine ký để từ bỏ kho vũ khí hạt nhân
  • Các mốc lịch sử trong quan hệ Nga - Ukraine
  • Tổng thống Ukraine dùng mạng xã hội để đối lại Nga

Huyền Lê (Theo RT, TASS)

Từ khóa » Eu Không Phải