Top 10 Tả Lễ Hội đua Thuyền Lớp 3 Hay Chọn Lọc

Top 10 Tả lễ hội đua thuyền lớp 3 hay chọn lọcKể về lễ hội đua thuyền ở quê hương emMua tài khoản Hoatieu Pro để trải nghiệm website Hoatieu.vn KHÔNG quảng cáo & Tải tất cả các File chỉ từ 69.000đ. Tìm hiểu thêm Mua ngay Từ 69.000đ

Lễ hội đua thuyền là lễ hội truyền thống ở nhiều vùng miền trên khắp đất nước ta. Những bài văn mẫu kể về lễ hội đua thuyền sau đây là tài liệu học tập hữu ích, giúp các thầy cô hướng dẫn các em viết bài văn kể chuyện lớp 3, giúp các em hoàn thiện bài viết hiệu quả hơn.

10 đoạn văn ngắn kể về ngày hội/lễ hội đua thuyền hay nhất mà Hoatieu.vn sưu tầm và gửi tới các bạn dưới đây có ngôn từ mạch lạc, giản dị sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho các em học sinh học tốt môn Tiếng Việt.

Kể về lễ hội đua thuyền ở quê hương em

  • 1. Dàn ý kể về lễ hội đua thuyền
  • 2. Kể về lễ hội đua thuyền số 1
  • 3. Kể về lễ hội đua thuyền số 2
  • 4. Kể về lễ hội đua thuyền số 3
  • 5. Văn tả lễ hội đua thuyền lớp 3 ngắn gọn số 4
  • 6. Văn tả lễ hội đua thuyền lớp 3 số 5
  • 7. Bài văn kể về lễ hội đua thuyền số 6
  • 8. Kể về lễ hội đua thuyền lớp 3 số 7
  • 9. Kể về lễ hội đua thuyền ở quê hương em số 8
  • 10. Kể về lễ hội đua thuyền số 9
  • 11. Kể về lễ hội đua thuyền số 10

1. Dàn ý kể về lễ hội đua thuyền

1. Mở bài

- Dẫn dắt, giới thiệu về lễ hội đua thuyền ở quê hương em:

  • Lễ hội đua thuyền được tổ chức khi nào? Bao lâu tổ chức một lần?
  • Lễ hội được tổ chức ở đâu? (dòng sông/ bãi biển nào)
  • Lễ hội có đông đúc người đến xem và được biết đến rộng rãi không?

2. Thân bài

- Trước khi diễn ra cuộc đua:

  • Mặt sông/ mặt biển được dọn dẹp, trang trí, sắp xếp để phục vụ cuộc đua như thế nào?
  • Hai bên bờ, người đến xem và cổ vũ tập trung ra sao? Họ mang theo những dụng cụ, trang phục như thế nào để xem và cổ vũ?
  • Ở vạch xuất phát, các chiếc thuyền đang xếp hàng ra sao? Mỗi chiếc thuyền và người thi đấu có trang phục như thế nào?
  • Không khí nơi trường đua ra sao?

- Diễn biến cuộc đua thuyền:

  • Những chiếc thuyền lao về phía trước, vượt qua những khúc cua, vượt qua nhau như thế nào?
  • Các cầu thủ ra sức chèo thuyền như thế nào? Khán giả hai bên cổ vũ nhiệt tình ra sao?
  • Tinh thần thi đấu của các đội như thế nào?

- Kết thúc cuộc đua:

  • Mọi người tập hợp về đích để bắt đầu lễ trao giải?
  • Đội thắng đã có màn ăn mừng như thế nào? Đội thua có thái độ ra sao?

3. Kết bài

  • Suy nghĩ của em về những ý nghĩa, giá trị của lễ hội đua thuyền
  • Tình cảm của em dành cho lễ hội đua thuyền

2. Kể về lễ hội đua thuyền số 1

Nội dung bài văn Kể về lễ hội đua thuyền số 1 được thực hiện bởi HoaTieu.vn. Các trang khác lấy bài xin ghi nguồn.

Quê em nổi tiếng với lễ hội đua thuyền đuôi én Mường Lay lâu đời. Được khôi phục và duy trì trở lại từ năm 2015, lễ hội đã trở thành nét đẹp văn hóa ăn sâu vào tiềm thức của người dân.

Điểm đặc biệt của lễ hội đua thuyền quê em là những chiếc thuyền được làm thủ công bởi chính những thanh niên, trai tráng trong làng. Hình dáng thuyền cong, nhọn hai đầu, đặc biệt như chiếc đuôi én báo hiệu mùa xuân về. Ngay cả hình thức, hoa văn trang trí trên mỗi con thuyền đua cũng được tác tạo theo nguyên mẫu của các già làng thuộc những gia đình có truyền thống làm nghề chài lưới. Các đội đua phải tập rượt, tập luyện, rèn sức khỏe trước đó cả tháng trời. Từ sáng sớm ngày khai mạc lễ hội, từng dòng người bản địa và du khách thập phương đã nô nức đổ về khu vực diễn ra các nghi thức, tế lễ. Cuộc đua bắt đầu, những chiếc thuyền đuôi én nhìn từ hai bên bờ sông như những chú chim én lao nhanh trên dòng sông xanh thẳm. Cánh tay đầy cơ bắp của thanh niên làng chài nhanh nhẹn khua mát chèo, nước bắn lên tung bọt trắng xóa. Tiếng cổ vũ vang dội của du khách khiến không khí ngày hội càng náo nhiệt hơn.

Em rất yêu thích và luôn có mặt để xem lễ hội đua thuyền đuôi én cùng gia đình hàng năm.

3. Kể về lễ hội đua thuyền số 2

Lễ hội đua thuyền là một lễ hội đặc trưng mang hồn cốt dân tộc Việt Nam. Em đã có lần được xem lễ hội đua thuyền vô cùng đặc sắc. Lễ hội được tổ chức trong khuôn viên có một chiếc hồ lớn phù hợp để diễn ra. Những chiếc thuyền rồng bằng gỗ được điêu khắc tinh xảo và sơn màu rực rỡ. Có chiếc màu vàng, có chiếc màu đỏ, có chiếc lại màu xanh, tùy vào sở thích của mỗi đội. Những người điều khiển thuyền cũng mặc những bộ quần áo đặc trưng và vô cùng rực rỡ. Khi người phất cờ báo tín hiệu các đội bắt đầu cuộc đua. Thì những cánh tay khỏe mạnh bắt đầu gồn lên để chèo lái chiếc thuyền về phía trước. Thoăn thoắt, những chiếc thuyền lao lên phía trước. Cuộc đua diễn ra vô cùng gay cấn vì các đội vô cùng ngang sức ngang tài. Nhưng cuối cùng cũng có đội nhỉnh hơn và dành chiến thắng. Sau đó, tất cả đều nở nụ cười vì đây chỉ là cuộc chơi và họ đã cố gắng hết mình. Đua thuyền là cần tinh thần đồng đội cao, nỗ lực của tất cả mọi người. Lễ hội đua thuyền không chỉ mang tính giải trí mà nó còn mang giá trị nhân văn và dạy dỗ sâu sắc cho mỗi chúng ta.

4. Kể về lễ hội đua thuyền số 3

Mỗi năm khi mùa xuân đến, quê em lại tổ chức lễ hội đua thuyền. Cả một khúc sông Cà Ty như vào mùa hội.

Không khí của buổi lễ thật náo nức bởi mọi người đã trông chờ từ lâu. Mới sáng tinh mơ, người dân địa phương cùng du khách đã đổ ra hai bên bờ sông. Tiếng trống ếch vang dội khắp nơi. Từng đoàn thuyền đua nhau vào vạch xuất phát. Giữa lòng sông là một chùm bong bóng bay phất phới kèm theo dải lụa đỏ mang dòng chữ “Chúc mừng chiến thắng”. Trên thuyền, các tay đua đã sẵn sàng nắm chặt tay chèo.

Hiệu lệnh vừa nổi lên, các tay đua khom mình gò lưng đẩy mái chèo theo hiệu lệnh của người chỉ huy. Mỗi thuyền mười tay đua, ai nấy đều to khỏe, cánh tay rắn chắc. Trên gương mặt mỗi người mồ hôi ướt đẫm nhễ nhại nhưng ai cũng phấn khởi và thể hiện quyết tâm cao độ của mình.

Những con thuyền băng băng rẽ nước trên sông. Hai bên bờ sông, tiếng reo hò cổ vũ cuồng nhiệt cùng tiếng chiêng trống rền vang cả một khoảng trời.

Không khí của lễ hội đua thuyền khiến cảnh ngày xuân thêm tưng bừng, náo nhiệt.

Tả lễ hội đua thuyền lớp 3

5. Văn tả lễ hội đua thuyền lớp 3 ngắn gọn số 4

Quê hương nơi em sống có biết bao nhiêu lễ hội diễn ra, mỗi lễ hội có một đặc trưng riêng mà em cảm nhận được. Mùa của lễ hội thường xảy ra trong tháng giêng và tháng hai của năm. Bà bảo em rằng tháng một là tháng ăn chơi, tháng ba lễ Hùng Vương sau đó xong xuôi người nông dân mới ra đồng cấy lúa. Biết bao nhiêu lễ hội như thế diễn ra và biết bao trò chơi cũng được mở ra rất náo nhiệt nhưng em thấy vui nhất là lễ hội đua thuyền.

Lễ hội đua thuyền quê em diễn ra vào ngày hội của làng, từ bé em đã được bà dẫn đi xem lễ hội đó. Nó là một lễ hội lớn nhất sau cái Tết nguyên đán ở quê em. Vì nó là hội làng chứ không phải ngày hội của cả nước. Sở dĩ em thích xem đua thuyền không phải vì em thích môn thể thao ấy mà là anh trai em cũng tham gia vào cuộc đua thuyền ấy. Trong làng chia ra là các đội mỗi đội trên một chiếc thuyền. Đội nào thắng cuộc thì sẽ không những được trưởng thôn cấp cho bằng khen mà còn mang lại sự tự hào cho xóm đội của mình. Chính vì sự tự hào cũng như sự ganh đua phân cao thấp giữa các đội nên thấy rất thích nó.

Kết quả là đội của anh to béo thắng, chiến thắng ấy kết thúc cuộc đua năm ấy, có những tiếng hò hét vui mừng của những người cùng đội với anh ấy, và cũng có những tiếng tiếc nuối “trời ơi!!!”. Dù sao em cũng cảm thấy rất vui về lễ hội đua thuyền quê em. Nó như sợ dây vô hình thắt chặt tình đoàn kết của nhân dân trong làng.

6. Văn tả lễ hội đua thuyền lớp 3 số 5

Lễ hội đua thuyền là lễ hội cổ truyền, đã có từ lâu đời và đã thấm sâu vào hồn mỗi người dân đất Việt. Mùa xuân vừa rồi, làng em đã tổ chức lễ hội đua thuyền. Trước khi lễ hội bắt đầu, ai ai cũng náo nức, hồi hộp mong chờ xem năm nay đội nào sẽ trở thành nhà vô địch. Và rồi, khi lễ hội diễn ra, em nhìn thấy ở dưới sông, có rất nhiều những chiếc thuyền với đủ màu sắc. Còn những người chèo thuyền thì khoác trên mình những trang phục thi đấu cũng rất đẹp, rất bắt mắt: có những trang phục màu nâu viền vàng nhạt, có trang phục màu xanh viền đỏ,...Lúc ấy, lễ hội cứ như một bức tranh tràn đầy những sắc màu. Khi bắt đầu bước vào cuộc thi đấu, đội nào cũng ra sức, cố gắng chèo thuyền và hi vọng mình sẽ trở thành người chiến thắng. Lúc ấy, gương mặt ai cũng rất tập trung. Còn những người đứng trên bờ thì reo hò, cổ vũ cùng tiếng trống kêu rộn rã cứ như một bản nhạc về mùa xuân. Thế rồi, sau đó người ta cũng tìm ra được người vô địch. Nhưng dù ai là người chiến thắng thì tất cả mọi người đều rất vui vẻ vì họ được tham gia một lễ hội vui và đặc biệt là lễ hội ấy lại diễn ra trong không khí mùa xuân về. Lễ hội đua thuyền không chỉ là nét đẹp văn hóa của người Việt, là tâm hồn dân tộc mà nó còn trở thành nguồn cảm hứng không bao giờ vơi cạn của bao nghệ sĩ. Em rất thích lễ hội đua thuyền và mong khi lớn lên, em cũng sẽ trở thành người vô địch!

7. Bài văn kể về lễ hội đua thuyền số 6

Hằng năm, cứ đến mùa xuân, quê em lại tưng bừng mở hội đua thuyền trên sông Hồng. Sáng hôm ấy, hai bên bờ sông suốt đường đua dài 1000m, kẻ khua trống, người thổi kèn tàu, đông vui và náo nhiệt. Đường đua bắt đầu ở một khúc đầu làng em. Dưới sông năm con thuyền đua đã xếp thành hàng ngang ở vạch xuất phát. Trên thuyền, các tay đua là những thanh niên khoẻ mạnh ngồi thành hàng, tay lăm lăm mái chèo. Mỗi đội có một màu áo khác nhau. Đến giờ xuất phát, kèn trống nổi lên thì các chiếc thuyền lao nhanh vun vút về đích. Hai bên bờ sông tiếng hò reo, cổ vũ của người xem làm náo động cả một khúc sông. Đội làng em đã về đích trước tiên. Cuối hội là phần trao giải thưởng, ai cũng có mặt đông đủ để chúc mừng các tay đua.

Hội đua thuyền là nét văn hoá truyền thống của quê hương em. Em sẽ học giỏi, tập thể thao cho cơ thể mạnh để được tham gia hội đua thuyền.

8. Kể về lễ hội đua thuyền lớp 3 số 7

Mùa xuân về với những cơn mưa phùn nhè nhẹ, với những tia nắng mới ấm áp, với bao cánh đào, cánh mai bung xòe rực rỡ và với không khí lễ hội tưng bừng khắp mọi nẻo đất nước. Năm nay, thủ đô Hà Nội tổ chức lễ hội đua thuyền ở Hồ Tây.

Lễ hội diễn ra vào ngày mùng 9 tháng Giêng Âm lịch, nhằm tạo không khí xuân vui tươi và nâng cao tinh thần đoàn kết cộng đồng. Lễ khai mạc diễn ra với nhiều tiết mục nghệ thuật đặc sắc và tiếng trống khai xuân rộn vang. Trên sông, hai mươi bảy chiếc chiếc thuyền rồng được trang trí những viền vàng đỏ hoặc vàng xanh xen kẽ rực rỡ. Họ còn cắm lá cờ bảy sắc ở đuôi thuyền. Mỗi thuyền mặc một bộ đồng phục khác nhau và khoác chiếc áo phao màu cam bên ngoài. Những người tham gia đua tươi cười, sẵn sàng tham gia cuộc đua. Khi tiếng trống vang lên ra hiệu cuộc đua bắt đầu, những người đua thuyền vung tay chèo lái. Mái chèo quẫy tung mặt nước. Ven hồ, những khán giả hò reo cổ vũ. Những hàng liễu, hàng hoa sữa hay bằng lăng ở đó cũng ngả mình theo gió như biết trận đua đang diễn ra tưng bừng. Gió trên hồ khá lớn, làm lá cờ tung bay phấp phới. Những hồi trống vang lên không dứt để tiếp thêm sức mạnh cho các đội người đua thuyền. Mọi người hò hét chúc mừng đội đua đã vô địch.

Em cảm thấy lễ hội đua thuyền hôm đó rất vui, hào hứng và cuồng nhiệt. Quả thực, lễ hội truyền thống luôn để lại cho thế hệ chúng em những hiểu biết quý báu. Em hi vọng mùa xuân năm sau sẽ lại được xem lễ hội này.

9. Kể về lễ hội đua thuyền ở quê hương em số 8

Hội đua thuyền trên sông ở quê em được tổ chức vào đầu xuân năm ngoái.

Hôm ấy, bầu trời quang đãng. Trăm hoa đua nhau nở rộ dưới nắng trời ấm áp. Mọi người đi xem hội rất đông. Hai bên bờ sông Trà Giang thật nhộn nhịp. Mọi người đang chờ đợi cuộc đua. Những chiếc thuyền đua được trang trí rất đẹp, thuyền nào cũng cắm cờ. Các vận động viên trên thuyền là những chàng trai khỏe mạnh, vạm vỡ và nhanh nhẹn. Khi nghe hiệu lệnh thối còi của ban tổ chức, mọi người đều hướng mắt ra phía trước. Khi nhận được khẩu lệnh "bắt đầu", những chiếc thuyền hối hả tiến nhanh, các tay đua thoăn thoắt, không ngừng nghỉ. Nước bắn tung tóe, tiếng trống giục "tùng! tùng!" vang dội. Khán giả cổ vũ bằng những tràng pháo tay rộn rã. Tiếng cười, tiếng nói cùng tiếng gọi nhau í ới đã làm cho khung cảnh ngày hội thật náo nhiệt.

10. Kể về lễ hội đua thuyền số 9

Lễ hội đua thuyền là lễ hội truyền thống của nước ta vào giỗ tổ Hùng Vương hàng năm. Thật may mắn khi em đã có cơ hội chiêm ngưỡng lễ hội náo nhiệt này vào một lần đi chơi cùng với gia đình.

Hôm lễ hội bắt đầu là một ngày nắng đẹp. Hội đua được tổ chức tại một khúc sông tương đối dài, đủ để cho cuộc đua diễn ra thuận lợi nhất. Có rất nhiều chiếc thuyền cùng tham gia, có những chiếc màu vàng, có những chiếc màu đỏ, màu xanh. Mỗi đội có 12 người, và tùy theo sở thích họ lại mặc những bộ quần áo màu sắc khác nhau để khán giả cũng như trọng tài dễ dàng phân biệt. Chưa đến lúc thi đấu mà khán giả đã đứng kín hai bên bờ sông. Mọi người reo hò cổ vũ cho đội thi mình thích nhất. Không khí vô cùng náo nhiệt. Khi tiếng còi của trọng tài vang lên, lá cờ đỏ tung bay, báo hiệu cho các đội chơi, cuộc thi bắt đầu, các đội đều ra sức chèo lái con thuyền của mình đi nhanh nhất có thể. các chàng trai khỏe mạnh, cường tráng dốc hết sức mình, chèo chống con thuyền chạy phăng phăng trên mặt nước trong tiếng cổ vũ reo hò của mọi người.

Các đội bám sát nhau không rời, không ai nhường ai, ai cũng muốn giành được thắng lợi cho đội mình. Em cảm thấy rất phấn khích khi nhìn các đội sôi nổi, cố gắng từng giây từng phút để vượt lên và chiến thắng. Không khí xung quanh rất náo nhiệt, tiếng reo hò ở khắp mọi nơi. Hội đua kết thúc bằng sự chiến thắng đầy nỗ lực của đội đỏ. Tuy các đội kia thua nhưng cũng tự an ủi bản thân và chúc mừng chiến thắng của đội. Quả là một tinh thần chiến đấu cao đẹp, không ganh ghét đố kị. Bởi vì có lẽ họ biết họ đã làm hết sức rồi. Sự hết sức này tuy không khiến giành chiến thắng cuộc đua, nhưng nó đã khiến giành chiến thắng chính bản thân mỗi con người trên chiếc thuyền.

Hội đua thuyền là một lễ hội vô cùng vui vẻ. Em mong rằng lễ hội này sẽ được giữ mãi cho đến tận mai sau.

11. Kể về lễ hội đua thuyền số 10

Năm nào cũng vậy, cứ vào ngày 16 tháng giêng là quê em lại tổ chức hội đua thuyền. Dòng sông uốn lượn như một dải lụa đào. Hai bên sông những chùm bóng bay, băng rôn, khẩu hiệu được trang hoàng rực rỡ. Mở đầu là phần tế lễ ở đình làng. Các bô lão dâng hương và lễ vật để tế Thành Hoàng làng. Nghi lễ diễn ra trang trọng trong khói hương nghi ngút. Tiếp theo là hội đua thuyền. Trên sông là hàng chục chiếc thuyền đua nhau nằm chờ ở điểm xuất phát. Mỗi thuyền có 10 chàng trai khỏe mạnh sẵn sàng trong tư thế chèo thuyền. Họ mặc những bộ đồng phục thật đẹp với màu sắc của mỗi đội khác nhau. Những cánh tay lực lưỡng, vững chãi cầm chắc mái chèo. Khi tiếng còi báo hiệu cuộc đua bắt đầu, những con thuyền lao nhanh vun vút về phía đích. Hai bên bờ sông người đứng chen nhau cổ vũ cho hội đua. Tiếng hò reo xen lẫn tiếng trống, tiếng chiêng tiếng vỗ tay vang động cả một khúc sông. Những chiếc thuyền về đích trước tiên đều được khán giả tặng hoa chúc mừng. Em mong năm nào cũng được về quê chơi để lại được chứng kiến lễ hội đua thuyền truyền thống ở quê hương em.

Trên đây là Top 10 Tả lễ hội đua thuyền lớp 3 hay chọn lọc mà Hoatieu.vn sưu tầm được và muốn gửi tới các em học sinh. Qua đó các em sẽ có thêm tài liệu tham khảo để viết cho mình bài văn tả ngày hội đầy đủ, ý nghĩa và dễ đạt điểm cao. Các em chỉ nên xem tham khảo rồi viết theo cách của mình, tránh sao chép y nguyên bài văn.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Văn học - Tài liệu của HoaTieu.vn.

Từ khóa » Trong Lễ Hội đua Thuyền