Top 10 Trò Chơi Dân Gian Cho Trẻ Hay Nhất
Có thể bạn quan tâm
Trò chơi dân gian không chỉ là một nét đặc trưng của nền văn hóa Việt mà mỗi một trò chơi dân gian còn đem lại những bài học, ý nghĩa nhất định.
Trò chơi dân gian đối với trẻ em không chỉ giúp bé rèn luyện thể chất mà còn giúp trẻ phát huy tối đa khả năng nắm bắt tình huống, phản xạ, phán đoán và tư duy logic…của trẻ mỗi khi tham gia trò chơi dân gian .Cùng Special Kid khám phá top 10 trò chơi dân gian hay và ý nghĩa nhất dành cho trẻ nhé.
1. Trò chơi dân gian: Nu na nu nống
Nu na nu nống là trò chơi quen thuộc của trẻ con vùng đồng bằng Bắc Bộ. Trò chơi này có cách chơi rất đơn giản, bé có thể chơi cùng bạn bè hoặc cả gia đình mỗi buổi tối trước giờ đi ngủ để thư giãn và gắn kết tình cảm.
Đầu tiên, mẹ hãy dạy các bé cùng nhau thuộc bài đồng dao sau đây nhé:
Nu na nu nống,
Đánh trống phất cờ.
Mở cuộc thi đua,
Thi chân đẹp đẽ.
Chân ai sạch sẽ,
Gót đỏ hồng hào.
Không bẩn tí nào,
Được vào đánh trống.
Hoặc
Nu na nu nống
Cái trống nằm trong
Con ong nằm ngoài
Củ khoai chấm mật
Phật ngồi Phật khóc
Con cóc nhảy ra
Con gà ú ụ
Bà mụ thổi xôi
Ông tôi nấu chè
Chè be chè bét
Cống rè cống rụt
Bụt thụt xuống lỗ
Bụt chẳng ăn xôi
Trò chơi nu na nu nống rất dễ chơi. Các bé ngồi chơi cạnh bên nhau, duỗi thẳng chân ra, tay cầm tay, vừa nhịp tay vào đùi vừa đọc các câu đồng dao. Nếu số lượng bé chơi nhiều, có thể để các bé ngồi thành vòng tròn.
Mỗi từ trong bài đồng dao được đập nhẹ vào một chân, bắt đầu từ đầu tiên của bài đồng dao là từ “nu” sẽ đập nhẹ vào 1 chân của bé thứ nhất, từ “na” sẽ đập vào chân 2 của bé thứ nhất, tiếp theo đến chân của bé thứ hai, thứ ba… theo thứ tự từng bé đến cuối cùng rồi quay ngược lại cho đến từ “trống”
Trò chơi có 2 cách chọn người chiến thắng:
Cách thứ nhất: Chân của bé nào gặp từ “trống” thì co chân đó lại, bé nào co đủ hai chân đầu tiên người đó sẽ về nhất, bé co đủ hai chân kế tiếp sẽ về nhì… bé còn lại cuối cùng sẽ là người thua cuộc.
Cách thứ hai: Bé nào co đủ hai chân đầu tiên là người thắng cuộc. Trò chơi lại bắt đầu từ đầu.
2. Trò chơi dân gian: Kéo cưa lừa xẻ
Kéo cưa lừa xẻ là trò chơi quen thuộc với tuổi thơ của mỗi chúng ta. Tùy theo đặc trưng vùng miền mà các bạn nhỏ có bài hát khác nhau khi tham gia trò chơi. Dưới đây là 2 bài hát phổ biến nhất khi chơi kéo cưa lừa xẻ
Lời 1:
Kéo cưa lừa xẻ
Ông thợ nào khỏe
Về ăn cơm vua
Ông thợ nào thua
Về bú tí mẹ.
Lời 2:
Kéo cưa lừa kít
Làm ít, ăn nhiều
Nằm đâu ngủ đấy
Nó lấy mất cưa
Lấy gì mà kéo.
Trò chơi kéo cưa lừa xẻ là trò chơi không giới hạn người chơi, cứ 2 người hợp thành 1 đôi là có thể chơi và trò chơi này cũng có thể chơi tại nhiều địa điểm khác nhau như: Trong lớp học, sân trường, bãi đất trống, trên giường, dưới gốc cây...với cách chơi như sau:
Kéo cưa lừa xẻ trong tư thế đứng: Hai người chơi đứng đối diện nhau, bốn tay đan vào nhau trước ngực, chân phải của hai người đưa lên phía trước tì sát vào nhau làm trụ, chân trái để phía sau.
Kéo cưa lừa xẻ tư thế ngồi: Hai người chơi ngồi đối diện nhau, bốn tay đan vào nhau trước ngực, chân đan xen và tì sát vào nhau.
Khi đã lựa chọn được tư thế chơi hai người chơi bắt đầu đưa tay - kéo lần lượt về từng phía (nhịp nhàng như động tác cưa gỗ) và hát bài đồng dao kéo cưa lừa xẻ. Đến câu cuối cùng, cưa về phía bên nào thì bên đó “về bú tí mẹ” và cả hai người chơi cùng reo to trêu đùa nhau đến khi nào mệt thì dừng cuộc chơi.
3. Trò chơi dân gian: Cá sấu lên bờ
Cá sấu lên bờ là trò chơi đòi hỏi sự nhanh nhẹn, hoạt bát và có thể lực tốt để có thể nhanh chóng di chuyển, chạy nhảy. Trò chơi sẽ dạy trẻ cách hoạt động tập thể, tinh thần đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau.
Các bạn nhỏ trong vai người qua sông không được quay lại nửa chừng, dù vòng vèo lên xuống vẫn phải qua được bờ bên kia
Bạn nào trong vai cá sấu thì không được dùng tay kéo bạn trên bờ xuống nước nếu bạn đó không tự chủ động thò chân hoặc nhảy xuống sông.
Trước khi chơi chúng ta cùng oẳn tù tì, ai thua sẽ phải làm cá sấu ở dưới sông. Kẻ hai đường thẳng quy định là bờ. Các bạn khác đứng ở hai bên bờ, khi có hiệu lệnh người chơi làm cá sấu đi lại giữa hai vạch tìm bắt các bạn đang ở dưới nước hoặc đang thò chân xuống nước.
Để trò chơi trở nên sôi động hơn, các bạn nhỏ đứng trên bờ có thể chọc tức cá sấu bằng cách thò chân xuống dụ dỗ cá sấu đến bắt, khi cá sấu đến gần thì lại rút chân lên hoặc chạy từ bờ bên này sang bờ bên kia, vừa chạy vừa hô to “Cá sấu, cá sấu lên bờ.
Còn cá sấu sẽ chạy đuổi theo các bạn nhỏ để “bắt”. Bạn nào xuống sông mà nhảy lên bờ không kịp để cá sấu bắt được thì sẽ phải ở lại làm cá sấu thay cho người trước.
4. Trò chơi dân gian: Trốn tìm
Trốn tìm là một trong những trò chơi dân gian được rất nhiều bạn nhỏ yêu thích. Trò chơi không chỉ mang tính giải trí mà còn mang tính gắn kết người chơi với nhau.
Số trẻ chơi khoảng từ 8 – 10 trẻ. Có thể tổ chức trò chơi ở ngoài sân hoặc trong lớp. Trước khi chơi trẻ cùng thỏa thuận với nhau phạm vi nơi trốn tìm. Nếu ai trốn ở ngoài phạm vi đã thỏa thuận thì người phải đi tìm sẽ không đi tìm.
Bắt đầu vào cuộc chơi, thủ lĩnh trò chơi tập hợp các thành viên cuộc chơi lại thành một vòng tròn. Cậu ta xòe bàn tay ra. Mỗi thành viên đặt một ngón trỏ vào lòng bàn tay cậu thủ lĩnh, rồi cả nhóm cùng đọc bài đồng dao “chi chi chành chành”, mỗi tiếng ứng với 1 ngón tay.
Chi chi chành chành
Cái đanh thổi lửa
Con ngựa chết trương
Ba vương ngũ đế
Bắt dế đi tìm
U à ù ập
Đến câu “ù à ù ập”, vị thủ lĩnh nhanh chóng nắm chặt tay lại, mọi người đều phải nhanh chóng rút tay ra. Ai không rút tay ra kịp, bị thủ lĩnh nắm được người đó phải bịt mắt lại làm người ” đi tìm”, còn những người khác sẽ đi trốn trong phạm vi đã được thỏa thuận trước.
Người bịt mắt bắt đầu đếm: “5 -10 -15- 20 -25 -30 -35 – 40- 45- 50- 55- 60- 65- 70- 75 -80 – 85 – 90 – 95 -100”, lúc người bịt mắt vừa bắt đầu đếm thì cũng là lúc mọi người đi trốn sẽ phải nhanh chân chạy đi tìm chỗ trốn, nếu người nhắm mắt đã đếm xong đến 100 mà một người nào đó chạy trốn không kịp hoặc chưa tìm ra chỗ trốn sẽ bị “bắt” làm người ” đi tìm”. Nếu người đi tìm đã tìm đủ những thành viên thì bắt đầu cuộc chơi mới, người nào bị tìm ra đầu tiên sẽ phải làm người ” bịt mắt đi tìm”, còn nếu có 1 – 2 thành viên chưa tìm được thì người đi tìm nói to ” chịu rồi”, lúc đó những người đi trốn vui vẻ chui ra khỏi chỗ ẩn. Người đi tìm lại phải bịt mắt và đi tìm lần nữa ở cuộc chơi sau, cứ như thế trò chơi tiếp tục…
Trong cuộc chơi “trốn tìm” này, người đi trốn cuối cùng là vị thủ lĩnh, vì cậu ta còn phải bịt mắt và kiếm tra sự thành thật của người phải đi tìm.
Các thành viên trong trò chơi phải tuân thủ luật chơi một cách nghiêm túc, tức là phải đi trốn trong phạm vi mọi người đã thỏa thuận đầu giờ chơi, nếu trốn ở những nơi khác, người bị bịt mắt sẽ không tìm ra họ; hoặc người bị bịt mắt phải thành thật, không được hé mắt quan sát những người đi trốn.
Nếu trong khoảng thời gian từ 3 - 5 phút mà không tìm được ai thì người tìm phải nói “xin chịu” và trò chơi bắt đầu lại từ đầu.
5. Trò chơi dân gian: Mèo bắt chuột
Trò chơi mèo bắt chuột không còn xa lạ gì với các bạn nhỏ trong độ tuổi mầm non. Trò chơi rất đơn giản không cần chuẩn bị cầu kỳ nhưng cũng không kém phần hấp dẫn và sôi động.
Các bạn cùng đọc bài đồng dao sau nhé:
“Mời bạn ra đây
Tay nắm chặt tay
Đứng thành vòng rộng
Chuột chui lỗ hổng
Để chạy cho mau
Mèo đuổi phía sau
Chạy đâu cho thoát.
Thế là chú chuột
Lại hóa thành mèo
Co cẳng đuổi theo
Bắt mèo hóa chuột.”
Cách chơi trò mèo bắt chuột
oẳn tù tì để chọn người làm mèo và người làm chuột.Người làm mèo và người làm chuột đứng riêng ra.
Những người còn lại nắm tay nhau đứng thành vòng tròn.Sau đó, người làm mèo và người làm chuột ngồi quay lưng vào nhau ở giữa vòng tròn.Khi nghe hiệu lệnh xuất phát thì người làm chuột phải chạy thật nhanh và mèo thì cô’ sức đuổi theo chuột. Khi chuột chạy tới vòng tròn thì hai người đứng chỗ vòng tròn đó phải giơ cao tay cho chuột chạy ra ngoài. Nếu mèo chạy đến vòng tròn, hai người đứng chỗ đó liền đứng sát lại nhau để mèo không chui ra được. Mèo phải tìm cửa khác để ra. Nếu khi đuổi, mèo “vồ” được vào người chuột thì coi như mèo dã thắng, chuột thua. Ván chơi kết thúc. Trò chơi lại tiếp tục bằng đôi khác đóng mèo và chuột.
6. Trò chơi dân gian: Rồng rắn lên mây
Rồng rắn lên mây là trò chơi thân thuộc với biết bao thế hệ trẻ em Việt Nam. Trò chơi rồng rắn lên mây góp phần rèn luyện tính nhanh nhẹn, khéo léo trong di chuyển, phát huy khả năng ngôn từ, ứng xử cho trẻ.
Đồng dao rồng rắn lên mây
Các bạn cùng đọc bài đồng dao sau nhé:
“Rồng rắn lên mây
Có cây lúc lắc
Có nhà hiển vinh
Hỏi thăm thầy thuốc
Có nhà hay không ?”
Trò chơi rồng rắn lên mây càng đông bạn tham gia sẽ càng sôi động và vui hơn. Một bạn sẽ đóng vai thầy thuốc, các bạn còn lại xếp thành một hàng dọc đứng nối với nhau và đối diện người thầy thuốc.
Rồng rắn lên mây đi lượn vòng vèo trước mặt thầy thuốc vừa đi vừa hát bài đồng dao rồng rắn lên mây :
“Rồng rắn lên mây
Có cây lúc lắc
Có nhà hiển vinh
Hỏi thăm thầy thuốc
Có nhà hay không ?”
Đến câu cuối dừng trước mặt thầy thuốc và hỏi “Có thầy thuốc ở nhà không?”
Thầy thuốc: Thầy không có nhà, thầy đang ngủ, đang đi chơi, đi xem phim
Rắn : Lại đi tiếp và đọc lời ca
Thầy thuốc : Thầy thuốc đang đánh răng
Rắn : Lại đi tiếp và đọc lời ca
Thầy thuốc : Có nhà. Mẹ con con rắn đi đâu ?
Rắn : Mẹ con rồng rắn đi xin thuốc
Thầy thuốc : Xin khúc đầu
Rắn : Cùng xương cùng xẩu
Thầy thuốc : Xin khúc giữa
Rắn : Cùng máu cùng mẹ
Thầy thuốc : Xin khúc đuôi
Rắn: Tha hồ mà đuổi.
Nghe rồng rắn trả lời tha hồ mà đuổi, thầy thuốc đứng dậy đuổi cho bằng được khúc đuôi (tức là người đứng cuối cùng trong hàng). Rồng rắn chạy, người đứng đầu cố cản thầy thuốc không cho thầy thuốc chạm vào đuôi của mình.
Các bạn cùng chạy nhảy, reo hò cho đến khi nào thầy thuốc chạm được vào đuôi của mình thì trò chơi kết thúc và bắt đầu lại từ đầu.
7. Trò chơi dân gian: Nhảy bao bố
Khi nhắc đến các trò chơi dân gian, đặc biệt là trò chơi vận động không thể bỏ qua trò chơi nhảy bao bố. Thậm chí trong các lễ hội truyền thống hoặc hội thao, nhảy bao bố còn được chọn làm môn thi đấu. Cùng Special Kid tìm hiểu kỹ hơn về trò chơi này nhé.
Nhảy bao bố là trò chơi giúp rèn luyện thể lực, sức bật, sự khéo léo trong việc giữ thăng bằng. Tạo không khí vui vẻ, đoàn kết khi tham gia.
Trò chơi nhảy bao bố không hạn chế số lượng người tham gia, nếu đông người tham gia có thể chia thành đội để thi đấu tại sân trường, bãi đất trống rộng rãi và bằng phẳng.
Trước khi chơi nhảy bao bố chúng ta cần chuẩn bị sẵn một bao bố (bao tải). Kẻ vạch xuất phát và đích đến.
Sau khi chuẩn bị xông, tất cả người chơi đứng thành hàng ngang trước vạch xuất phát, cho cả hai chân vào trong bao tải kéo lên cao hai tay cầm hai bên miệng bao để ngang hông.
Khi có hiệu lệnh xuất phát người chơi bắt đầu nhảy về phía trước, chỉ được phép nhảy không được phép đi hoặc chạy. Người nào đến đích đầu tiên thì là người thắng cuộc.
Phải quy định và thống nhất kích cỡ bao bố ngay từ đầu. Người nào nhảy mà bị té ngã coi như là thua cuộc, tuy nhiên vẫn phải đứng lên hoàn thành phần thi
Kỹ năng nhảy bao bố vô cùng quan trọng, người nhảy phải khéo léo để không bị té ngã, di chuyển nhanh sẽ là người dành chiến thắng.
8. Trò chơi dân gian: Bịt mắt bắt dê
Trò chơi bịt mắt bắt dê giúp trẻ rèn luyện kĩ năng di chuyển, nhanh nhẹn, khéo léo và khả năng phán đoán. Trò chơi giúp tạo không khí vui vẻ, sôi động và tăng thêm tính đoàn kết.
Cách chơi bịt mắt bắt dê
Tùy theo mỗi vùng miền mà có cách chơi khác nhau. Sau đây là 2 cách chơi bịt mắt bắt dê phổ biến như sau:
Cách 1:
Cả nhóm cùng oẳn tù tì hoặc chọn một người xung phong bịt mắt đi bắt dê, khăn bịt mắt, những người xung quanh đứng thành vòng tròn rộng.
Người chơi chạy xung quanh người bịt mắt cho đến khi người đó hô “đứng lại” thì phải đứng lại không được di chuyển, lúc này người bịt mắt đi quanh vòng tròn và bắt một người bất kỳ, người chơi cố tạo ra tiếng động để người bịt mắt mất phương hướng khó phán đoán. Cho đến khi người bịt mắt bắt được và đoán đúng tên một ai đó thì người đó phải thế chỗ cho người bịt mắt. Nếu không bắt được ai lại hô bắt đầu để mọi người di chuyển.
Cách 2
Chọn hai người vào chơi, một người làm dê, một người đi bắt dê. Cả hai cùng đứng trong vòng tròn và bịt bịt mắt, đứng quay lưng vào nhau. Sau đó nghe theo hiệu lệnh người làm dê vừa di chuyển vừa kêu “be be” để người bắt dê định hình phương hướng và đuổi bắt. Những người đứng xung quanh hò reo tạo không khí sôi động. Người săn bắt được dê thì dê được thay chỗ làm người săn và một người khác ở hàng rào vào làm dê, người săn thắng cuộc trở lại làm hàng rào.
Luật chơi trò bịt mắt bắt dê:
- Mắt phải được bịt kín
- Người chơi chỉ được cổ vũ, không được nhắc hoặc mách cho bạn đi bắt dê
- Không được đi ra khỏi vòng tròn
- Nếu trong một thời gian quy định mà không bắt được dê thì coi như bên dê thắng và thay người khác vào chơi.
9. Trò chơi dân gian: Oẳn tù tì
“oẳn tù tì, ra cái gì, ra cái này” là những câu ca chúng ta có thể nghe thấy mỗi khi đám trẻ chuẩn bị chơi trò gì đó. Oẳn tù tì cũng là một trò chơi giúp trẻ phát huy khả năng phán đoán.
Cách chơi oẳn tù tì
Người chơi đứng quay mặt vào nhau, tay nắm chặt khi có hiệu lệnh bắt đầu thì cùng nhau đọc
Oẳn tù tì
Ra cái gì?
Ra cái này!
Đọc đến câu cuối “ra cái này” thì cùng đưa tay ra trước theo các dạng sau:
Cả bàn tay nắm lại là cái búa
cả bàn tay xòe ra là tờ giấy
Ngón trỏ và ngón giữa giơ ra các ngón khác nắm lại là cái kéo
Sau khi giơ tay ra người chơi sẽ dùng luật để xác định thắng thua
Luật chơi oẳn tù tì
Thắng - thua được quy định như sau:
Búa thắng được kéo, thua tờ giấy. Kéo thắng được tờ giấy
Người chơi phải giơ tay ra kí hiệu cùng một lúc, không được ra chậm quá hoặc ra nhanh quá.
Nếu ai cố ý ra chậm quá là thua cuộc hoặc phải chơi lại.
Trò chơi oẳn tù tì rất đơn giản và dễ chơi, người thua cuộc sẽ phải chịu hình phạt do người thắng cuộc đưa ra.
10. Trò chơi dân gian: Chi chi chành chành
Trò chơi chi chi chành chành giúp rèn luyện phản xạ nhanh nhẹn cho các bé và không đòi hỏi phải có sân chơi cũng như cần có quá nhiều người chơi. Chi chi chành chành cũng là trò chơi được nhiều ba mẹ áp dụng chơi với bé từ 1 tuổi trở lên giúp tạo không khí vui tươi trong gia đình.
Các bạn nhỏ trên 3 tuổi khi chơi trò chi chi chành chành cần học thuộc bài đồng giao sau. Các bạn nhỏ tuổi hơn, bố mẹ hoặc cô giáo sẽ đọc bài đồng giao khi chơi nhé.
"Chi chi chành chành
Cái đanh thổi lửa
Con ngựa chết trương
Ba vương ngũ đế
Bắt dế đi tìm
Ù à ù ập
Đóng sập cửa vào”.
Một người làm cái xòe lòng bàn tay, các bạn khác để ngón trỏ của mình vào lòng bàn tay của bạn. Tất cả cùng đồng thanh đọc to bài đồng dao
"Chi chi chành chành
Cái đanh thổi lửa
Con ngựa chết trương
Ba vương ngũ đế
Bắt dế đi tìm
Ù à ù ập
Đóng sập cửa vào”.
Khi đến câu cuối cùng “Đóng sập cửa vào” người làm cái nắm chặt bàn tay lại để giữ ngón trỏ của người ai. Người chơi phải nhanh tay rút tay ra khỏi nếu không sẽ bị bắt lại.
Special Kid đã giới thiệu Top 10 trò chơi dân gian hay nhất dành cho bé. Cha mẹ cùng bé chơi các trò chơi mỗi khi có thời gian rảnh để gắn kết tình cảm gia đình và giúp bé có những phút giây thư giãn, vận động thật bổ ích nhé.
Từ khóa » Trò Chơi Dân Gian Việt
-
Tổng Hợp 50 Trò Chơi Dân Gian Việt Nam Hay Và Phổ Biến Nhất - Du Lịch
-
Top 100 Trò Chơi Dân Gian Việt Nam Phổ Biến Trong Dịp Tết 2022
-
Tổng Hợp 50 Trò Chơi Dân Gian Việt Nam Hay Và Phổ Biến Nhất.
-
Tổng Hợp Các Trò Chơi Dân Gian Truyền Thống Của Việt Nam
-
Hướng Dẫn 101 Trò Chơi Dân Gian
-
Danh Sách Trò Chơi Truyền Thống Của Việt Nam - Wikipedia
-
Thể Loại:Trò Chơi Dân Gian Việt Nam - Wikipedia
-
[TOP 100+] Trò Chơi Dân Gian Việt Nam Hay Và Phổ Biến Nhất
-
TỔNG HỢP CÁC TRÒ CHƠI DÂN GIAN VIỆT NAM PHÙ ... - KVBro
-
Gợi Nhớ Kí ức Với Những Trò Chơi Dân Gian Gắn Liền Với Tuổi Thơ
-
Trò Chơi Dân Gian Cho Trẻ
-
Sách - Trò Chơi Dân Gian Việt Nam Tinh Tuyển
-
Hướng Dẫn Chi Tiết Các Trò Chơi Dân Gian Cho Trẻ Mầm Non Thú Vị Nhất