TOP 12 LOÀI HOA *ĂN ĐƯỢC* Bạn Có Thể Trồng Ngay Trong Vườn ...

TOP 12 LOÀI HOA *ĂN ĐƯỢC* bạn có thể trồng ngay trong vườn nhà mình - blog ThS. Phan Nguyễn Khánh Đan

Một lọ hoa tươi giữa bàn ăn tối không chỉ là một khung cảnh lãng mạn kinh điển, mà còn là một truyền thống chẳng bao giờ lỗi thời. Điều thú vị là hoa cũng có thể xuất hiện ngay trên đĩa thức ăn của bạn, một cách thơm ngon và hấp dẫn không kém.

Từ xa xưa, các loài hoa ăn được đã được con người sử dụng trong y học và nhiều phong cách ẩm thực, và ngày nay, chúng đã hiện diện trong nhiều thực đơn nhà hàng trên toàn thế giới. Cần nhớ rằng không phải loài hoa nào cũng có thể được chế biến thành thức ăn được, nhưng những loài ăn được sắp được tiết lộ trong bài viết này đều sở hữu hương vị độc đáo và tạo thêm sắc màu rực rỡ cho đĩa thức ăn của bạn, bao gồm nhiều món ăn quen thuộc như salad (rau trộn của phương Tây, hoặc các món gỏi/nộm của Việt Nam), các món chiên xào, nước sốt, đồ uống và các món khai vị. Một số loài hoa trong đây thậm chí có giá trị dinh dưỡng cao ngất ngưởng.

Sau đây là 12 loài hoa ăn được với công dụng và giá trị dinh dưỡng đáng chú ý:

Hoa dâm bụt trong ẩm thực

Trà hoa dâm bụt

  1. HOA DÂM BỤT

Cánh hoa dâm bụt có hương vị vừa chua lại vừa ngọt giống như quả nam việt quất, nên nó là sự lựa chọn lý tưởng cho các loại trà, cocktail, sốt gia vị, mứt và salad (hoặc gỏi). Thả một nụ hoa dâm bụt vào một cốc sâm-panh, các vị khách của bạn sẽ phải trầm trồ trước cảnh tượng nụ hoa bung nở rực rỡ trong chiếc cốc.

Ở một số quốc gia, người ta thưởng thức các loại nước uống làm từ hoa dâm bụt vì những lợi ích về mặt sức khỏe của nó. Đã có vài nghiên cứu chỉ ra rằng hoa dâm bụt có tác dụng giúp con người cân bằng huyết áp và giảm hàm lượng cholesterol trong cơ thể. Trong khi nước hoa dâm bụt được cho là có tác dụng giúp giảm cân, trà hoa dâm bụt có màu đỏ sáng và vị chua đặc trưng, vừa có thể được uống nóng vào mùa lạnh, hoặc được thưởng thức với đá lạnh và mang lại cảm giác mát lành trong những ngày hè oi ả.

Cây bồ công anh trong ẩm thực

  1. BỒ CÔNG ANH

Nhiều người cho rằng bồ công anh là một loại cỏ dại vô dụng và bất trị. Nhưng kỳ thực, hoa bồ công anh hàm chứa giá trị dinh dưỡng thuộc hàng cao trong số những loài hoa ăn được. Thú vị hơn, hoa không phải là phần duy nhất ăn được của cây bồ công anh, mà cả phần rễ, thân và lá của nó cũng có thể được chế biến thành những món ăn bổ dưỡng. Hoa bồ công anh có thể được ăn sống, ăn một mình hoặc trộn trong salad. Chúng có thể được kẹp bánh mì, hoặc được sử dụng để trang trí thạch, rượu và cocktail. Rễ bồ công anh có thể được ngâm nước nóng để pha trà, trong khi phần lá có thể dùng để làm salad, ăn kèm với bánh mì hoặc bánh sandwich. Cả hai phần này có thể được sử dụng trong các món hầm.

Hoa oải hương (lavender) trong ẩm thực

(Nguồn ảnh: Climbing Grier Mountain.)

  1. HOA OẢI HƯƠNG (LAVENDER)

Oải hương vốn là một loài thảo mộc có hoa mọc trong rừng, được con người gieo trồng ở nhiều vùng thuộc Bắc Phi và Địa Trung Hải. Hoa oải hương màu tím, rất nhỏ và thường mọc thành cụm trên mỗi cành hoa. Loài hoa này nổi tiếng với hương thơm đặc trưng giúp con người cảm thấy dễ chịu và thư thái. Trong ẩm thực, hoa oải hương phát huy tối đa mùi hương và vị ngọt của nó khi các nụ hoa được rắc lên rượu sâm-panh, cocktail hoặc trên những món ăn tráng miệng như kem và bánh kem (ảnh trên).

Hoa kim ngân trong ẩm thực

Hoa kim ngân sấy khô dùng để pha trà.

  1. HOA KIM NGÂN

Trong ẩm thực, hoa kim ngân thường được sử dụng để làm nước trà hoặc pha chế các loại si-rô có mùi thơm và đậm đà. Bạn có thể dùng si-rô làm từ hoa kim ngân để tăng độ ngọt cho trà, nước chanh, da-ua (yogurt), kem đá bào và sorbet, hoặc để thay thế đường trong nhân bánh mì. Mặc dù hoa kim ngân và mật của nó là những phần có thể ăn được của loài thực vật này, nhưng quả của một số loài cây thuộc chi Kim ngân có thể có độc tố và gây hại cho cơ thể nếu hấp thụ với liều lượng lớn.

Hoa sen cạn trong ẩm thực

(Nguồn ảnh: Boroughmarket.)

  1. HOA SEN CẠN

Sen cạn là một loài hoa được ưa chuộng trong ẩm thực nhờ có màu sắc rực rỡ và hương vị đậm đà đặc trưng. Cả lá và hoa của sen cạn đều ăn được, có thể được ăn sống hoặc nấu chín. Cả hai đều có vị cay giống như tiêu, phần lá cay nồng hơn hoa. Bông hoa sen cạn có dạng hình phễu, cánh hoa màu đỏ, cam hoặc vàng tươi sáng, nên chúng là sự lựa chọn tuyện vời để trang trí bánh ngọt và các món salad. Lá sen cạn có dạng hình tròn như lá sen nước hoặc lá súng cỡ nhỏ. Nhờ đặc tính mềm và dễ chế biến, lá sen cạn có thể được dùng trong salad hoặc trộn trong các món ăn kèm với xốt pesto. Sen cạn không chỉ là một loài thực vật đẹp mắt với nhiều công dụng, mà nó còn có giá trị dinh dưỡng cao – hàm chứa nhiều loại muối khoáng đa dạng và các hợp chất có ích, có tác dụng kháng viêm và chống lại quá trình ôxy-hóa gây lão hóa trong cơ thể người.

Hoa lưu ly trong ẩm thực

Hoa lưu ly cùng bông bí, hoa sen cạn trên một đĩa rau trộn. (Nguồn ảnh: Piplette Treats.)

  1. HOA LƯU LY

Những bông hoa màu xanh lam hình ngôi sao này có hương vị tương tự như dưa chuột, và đây là lý do vì sao chúng đã được các đầu bếp nêm nếm vào các món salad kể từ thời Elizabeth Đệ Nhất. Hoa lưu ly cũng có thể được nấu chín và dùng trong các món canh, súp, các loại nước xốt, nhân bánh gối hoặc bánh xếp. Một mình hoa lưu ly cũng có thể được chế biến thành một món rau ăn kèm món chính. Và hiển nhiên, những bông hoa xinh đẹp này hoàn toàn có thể trở thành điểm nhấn ngọt ngào cho cốc nước chanh của bạn hoặc các loại cocktail như Pimm’s Cup, nước tonic và rượu gin.

Rau sam trong ẩm thực

  1. HOA RAU SAM

Tuy là một loài cây dân dã, rau sam lại có nhiều công dụng trong y học và ẩm thực. Đây là một loài thực vật mọng nước, lá cây dày và chắc, hoa nhỏ và có màu vàng. Cả lá và hoa rau sam đều ăn được, có thể được ăn sống hoặc nấu chín, dùng trong các món salad hoặc ăn kèm với bánh mì hay bánh sandwich. Chúng có thể được hấp hoặc áp chảo với các loại rau xanh khác để thêm vào các món canh, súp, hoặc dùng làm món rau ăn kèm món chính. Rau sam cũng có thể được nghiền nhỏ, chiên xào hoặc chế biến theo nhiều cách thức sáng tạo khác. Về giá trị dinh dưỡng, rau sam là một loài thực vật giàu vitamin, muối khoáng và các chất chống ô-xy hóa, nhưng thành phần dinh dưỡng nổi bật nhất của nó chính là omega-3. Kỳ thực, rau sam dồi dào omega-3 hơn hầu hết các món rau xanh cùng loại với nó.

Hoa hồng trong ẩm thực

Một món bánh kem được trang trí bằng cánh hoa hồng thật.

  1. HOA HỒNG

Hiện tại khoa học đã khám phá hơn 150 giống hoa hồng với màu sắc và kích thước đa dạng. Tất cả chúng đều ăn được. Tuy vậy, mỗi giống hoa lại có hương vị riêng biệt. Nguyên tắc vàng để chọn được những bông hoa hồng thơm ngon đậm đà chính là dựa vào mùi hương của chúng: Nếu một bông hoa hồng có mùi thơm dễ chịu với bạn, nó cũng sẽ có hương vị thơm ngon khi lên đĩa. Chỉ nên thưởng thức cánh hoa, bởi thân và lá hoa hồng có mùi vị không thực sự phù hợp để làm thức ăn. Tuy có hương thơm nức tiếng, cánh hoa hồng lại có vị tinh tế và ngọt lịm như trái cây. Hoa hồng có thể được thưởng thức trong vô vàn món ăn và đồ uống khác nhau, từ các món canh, súp, salad cho đến các loại trà, mứt, bánh kem và đồ ngọt tráng miệng.

Hoa bí trong ẩm thực

Canh bông bí (Nguồn ảnh: Cooky.vn.)

  1. HOA BÍ

Những bông hoa vàng tươi đặc trưng của cây bí đỏ hoặc bí xanh có vị ngọt nhẹ nhàng và tinh tế, có thể được chế biến thành nhiều món ăn đa dạng: các món canh, súp, các món chiên xào, nhồi thịt cùng với phô mai hoặc các loại rau quả khác, thậm chí có thể được dùng làm topping trên bánh pizza.

Hoa păng-xê trong ẩm thực

Hoa păng-xê trang trí thức uống

  1. HOA PĂNG-XÊ

Vốn đã là một loài hoa xinh đẹp và sặc sỡ, hoa păng-xê còn có thể cho chúng ta những trải nghiệm ẩm thực thú vị. Hoa păng-xê có vị thơm nhẹ tương tự mùi bạc hà, phù hợp để dùng với salad và các loại cocktail hương vị hoa cỏ hoặc trái cây của mùa hè. Hãy trát cream cheese lên những chiếc bánh bích quy và trang trí trên đó bằng một bông hoa păng-xê cho mỗi chiếc bánh, thế là bạn có ngay một món khai vị vừa đơn giản, vừa đậm chất mùa hè sôi động, lại đẹp lung linh để “chụp hình sống ảo”.

Hoa cúc La Mã trong ẩm thực

Trà cúc La Mã

  1. CÚC LA MÃ

Cúc La Mã là một loại thảo mộc có hoa đã được con người ứng dụng trong y học và ẩm thực suốt hàng trăm năm qua. Hoa cúc La Mã có hình thức trông giống như cúc trắng nhưng nhỏ hơn rất nhiều. Những bông hoa này tạo thêm hương vị ngọt nhẹ và thô mộc khi được phối với các loại thức ăn khác. Hầu hết các công thức chế biến cúc La Mã đều xoay quanh việc ngâm hoa vào một chất lỏng đun sôi nhất định để chiết xuất mùi hương, điều chế tinh dầu hoặc các hợp chất hoạt tính sinh học. Phần lá và hoa thường được sấy khô, nhưng kỳ thực chúng có thể được ăn sống. Bên cạnh công dụng pha trà, hoa cúc La Mã có thể được dùng để làm si-rô hoặc dung dịch củng cố hương vị cho bánh ngọt, sinh tố hoặc các món tráng miệng.

Kem đá hoa violet

Hoa violet trong kem đá. (Nguồn ảnh: Smart School House.)

  1. HOA VIOLET

Các loài hoa thuộc chi hoa Tím (hay còn gọi là hoa violet) nổi tiếng với các tông màu pastel sang trọng và rực rỡ. Chúng có vị ngọt và đậm mùi thiên nhiên hoang dã, phù hợp để dùng kèm với salad hoặc đồ uống giải nhiệt. Nhờ vẻ đẹp rực rỡ tự nhiên, hoa violet là sự lựa chọn hoàn hảo để trang trí nhiều loại món ăn, thức uống hoặc dùng trong kem đá (như hình ảnh minh họa bên trên).

LƯU Ý VỀ VIỆC SỬ DỤNG HOA TRONG ẨM THỰC

Thế giới loài hoa xinh đẹp quyến rũ là thế, nhưng nếu bạn có ý định dùng hoa làm thực phẩm, hãy xem xét những lưu ý sau:

  • Chỉ ăn những loài hoa nào bạn đã có đủ thông tin và cơ sở để chắc chắn rằng chúng ăn được. Một số loài hoa tuy khác nhau nhưng lại có hình thức từa tựa nhau và rất dễ nhầm lẫn. Hãy nhận diện thật kỹ loài hoa mình lựa chọn trước khi ăn hoặc chế biến.
  • Chỉ ăn những bông hoa được gieo trồng một cách sạch sẽ và hữu cơ. Phần lớn hoa được bày bán trong các cửa hàng hoa tươi kỳ thực được phun thuốc trừ sâu vì chúng vốn không được trồng để ăn.
  • Rửa hoa thật kỹ trước khi ăn sống hoặc chế biến.
  • Với hầu hết các loài hoa ăn được, cánh hoa là phần an toàn nhất và ngon nhất để ăn.
  • Nếu bạn không chắc một loài hoa nào đó có ăn được không, hoặc không yên tâm về nó, tốt nhất không nên ăn.

(Tổng hợp từ Internet)

. ~ThS. PHAN NGUYỄN KHÁNH ĐAN Thạc sĩ Kinh Doanh Quốc Tế (Master of International Business)

.

Share this:

  • Twitter
  • Facebook
Like Loading...

Related

Tagged: Bông bí, Bồ công anh, Các loài hoa ăn được, Cúc La Mã, Dành cho người làm vườn, Hoa bí, Hoa dâm bụt, Hoa hồng, Hoa kim ngân, Hoa lưu ly, Hoa oải hương, Hoa păng-xê, Hoa rau sam, Hoa sen cạn, Hoa trong ẩm thực, Hoa trong nấu ăn, Hoa violet, Liệu pháp nấu ăn, Phan Nguyễn Khánh Đan, Sức khỏe tinh thần, TOP 12 LOÀI HOA ĂN ĐƯỢC bạn có thể trồng ngay trong vườn nhà mình, Trang trí món ăn

§ One Response to TOP 12 LOÀI HOA *ĂN ĐƯỢC* bạn có thể trồng ngay trong vườn nhà mình

  • 10 MÓN ĂN “SỐNG ẢO” HẤP DẪN được chế biến từ HOA THẬT | PHAN NGUYỄN KHÁNH ĐAN says: December 3, 2020 at 12:01 pm

    […] [ *Xem thêm:Lưu ý về việc sử dụng hoa thật trong chế biến thức ăn”] […]

    Reply

Leave a comment Cancel reply

Δ

Từ khóa » Hoa ăn được Giá Rẻ