Top 5 đáp án Cho Câu Hỏi Làm Thư Ký Học Ngành Gì? | Edu2Review

Thư ký là người đóng vai trò quan trọng đối với ban lãnh đạo của một tổ chức bất kỳ. Họ đảm nhận nhiệm vụ truyền đạt các mệnh lệnh, quyết định từ cấp trên đến toàn thể công ty hay những nhân vật có liên quan. Đồng thời, trợ thủ đắc lực này còn thay mặt giám đốc để giao tiếp, liên hệ với các đối tác nhằm lên lịch trình cuộc hẹn cho người lãnh đạo. Có thể nói, họ chính là bộ mặt thứ hai của giám đốc.

Chính vì vậy, ngày càng có không ít bạn trẻ đam mê và dấn thân vào con đường sự nghiệp này. Làm thư ký học ngành gì đang là mối quan tâm hàng đầu hiện nay. Bài viết tổng hợp dưới đây sẽ giúp bạn nhanh chóng tìm ra câu trả lời thỏa đáng cho chính mình.

Bảng xếp hạng trườngđại học tốt nhất việt nam

Ngành Thư ký văn phòng

Nếu bạn muốn trở thành thư ký giám đốc của một tập đoàn nào đó trong tương lai thì đây là sự lựa chọn không thể “tuyệt hảo” hơn.

Ngành Thư ký văn phòng đào tạo cử nhân sử dụng thành thạo các thiết bị văn phòng và tin học để thực hiện công việc hành chính tại doanh nghiệp. Đồng thời, người học cũng được cung cấp kiến thức những môn cơ sở như nghiệp vụ văn thư, nghiệp vụ lưu trữ, soạn văn thảo, luật hành chính, tâm lý học quản lý, kế toán…

Ngoài ra, ngành này còn giúp sinh viên xây dựng nghệ thuật tiếp – đãi khách và thiết lập quan hệ trong giao tiếp. Đây là 2 kỹ năng không thể thiếu của một người thư ký giỏi.

Đại học Du lịch Sài Gòn, Cao đẳng Viễn Đông, Trung cấp Miền Đông, Trung cấp Bách Khoa… là những địa chỉ có đào tạo chuyên ngành này.

Giới thiệu ngành Thư ký văn phòng (Nguồn: Vạn Tường Trường Trung Cấp)

Ngành Quản trị văn phòng

Quản trị văn phòng là ngành học liên quan đến thiết kế, triển khai thực hiện, theo dõi đánh giá và đảm bảo quá trình làm việc trong văn phòng của một tổ chức sao cho luôn đạt năng suất cao.

Khi theo ngành này, bạn sẽ được cung cấp kiến thức về kinh tế vĩ mô, quản trị văn phòng, luật lao động… Đồng thời, rèn luyện những nghiệp vụ chuyên sâu như thư ký, lễ tân, các công việc về nhân sự, quản lý hệ thống thông tin…

Cơ hội việc làm cũng tương đối cao vì đây là bộ phận không thể thiếu ở bất kỳ tổ chức nào. Sau khi ra trường, bạn có thể đảm nhiệm các vị trí: giám đốc, trưởng phòng hành chính; thư ký, trợ lý cho các cấp lãnh đạo, chuyên viên hành chính…

Hiện rất ít trường đại học, học viện tại TP.HCM đào tạo ngành này. Có thể kể đến những cái tên sau: Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Hoa Sen, Học viện Hành chính Quốc gia, Đại học Sài Gòn và Đại học Nội Vụ TP.HCM.

Quản trị văn phòng là một trong những ngành học giúp bạn chạm đến giấc mơ thư ký của mình (Nguồn: Top 10 Trường học)
Quản trị văn phòng là một trong những ngành học giúp bạn chạm đến giấc mơ thư ký của mình (Nguồn: Top 10 Trường học)

Ngành Hành chính văn thư

Văn thư hành chính là bộ phận không thể thiếu của bất kỳ một tổ chức nào, phụ trách các công việc như quản lý văn thư, tài sản, tiếp nhận thư từ, sắp xếp phòng họp, quản lý công tác lễ tân, mua sắm trang thiết bị, văn phòng phẩm…

Do đó, sinh viên học ngành này sẽ không phải “sầu lo” về vấn đề thất nghiệp. Sau khi ra trường, bạn có thể đảm đương những vị trí sau: thư ký văn phòng, trợ lý hành chính… các cơ quan, doanh nghiệp trong ngành hay trung tâm lưu trữ quốc gia, lưu trữ địa phương…

Khi theo học, sinh viên sẽ được trang bị ngoại ngữ, tin học văn phòng, kiến thức cơ bản về pháp luật, quản lý cùng một số nghiệp vụ hành chính.

Để trở thành thư ký của một tổ chức, ngành Hành chính văn thư chính là một trong những lựa chọn lý tưởng dành cho bạn (Nguồn: Trường Trung Cấp Văn Hóa Nghệ thuật và Du lịch Hải Dương)
Để trở thành thư ký của một tổ chức, ngành Hành chính văn thư chính là một trong những lựa chọn lý tưởng dành cho bạn (Nguồn: Trường Trung Cấp Văn Hóa Nghệ thuật và Du lịch Hải Dương)

2 ngành học phục vụ cho những vị trí đặc thù

Nếu 3 cái tên kể trên cung cấp các kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ chung của một người thư ký thì 2 cái tên được nhắc đến sau đây sẽ giúp bạn đảm đương những công việc đặc thù.

  • Ngành Thư ký y khoa:

Đây hiện là hướng đi mới dành cho những bạn yêu thích lĩnh vực y tế – sức khỏe bởi con đường nghề nghiệp tương đối bền vững cùng mức đãi ngộ phù hợp.

Thư ký y khoa đảm nhận các công việc như tiếp nhận và tạo hồ sơ bệnh án điện tử, ghi chép toa thuốc, lên lịch hẹn khám chữa bệnh, giải đáp một số thắc mắc liên quan đến thủ tục hành chính... Bên cạnh đó, bạn sẽ tiếp xúc với hàng trăm bệnh nhân mỗi ngày nên người hành nghề cần có sự nhẫn nại trong giao tiếp, luôn lắng nghe người bệnh để ghi chép chính xác bệnh án...

Khi theo ngành này, bạn chính là người đồng hành cùng các bác sĩ, y tá và điều dưỡng trên hành trình chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của bệnh nhân. Do đó, đây được xem như một bộ phận nhân lực không thể thiếu tại các bệnh viện, phòng khám. Với sự phát triển không ngừng của hệ thống chăm sóc sức khỏe công cũng như những đơn vị đa khoa tư nhân và quốc tế, bạn sẽ không phải lo lắng về cơ hội việc làm tương lai.

Thư ký y khoa: Hướng đi mới cho những bạn trẻ yêu thích ngành Y (Nguồn: Bác sĩ Nội trú)
Thư ký y khoa: Hướng đi mới cho những bạn trẻ yêu thích ngành Y (Nguồn: Bác sĩ Nội trú)
  • Ngành Luật:

Đỗ chuyên ngành Luật là yêu cầu bắt buộc đối với những ai muốn trở thành Thư ký Tòa án. Chức vị này thường có nhiệm vụ: ghi chép, tống đạt văn bản tố tụng, nhận, giữ, sắp xếp, chuyển hồ sơ, hướng dẫn, phổ biến cho đương sự; đồng thời, đảm nhận một số công việc khác, hỗ trợ Thẩm phán Tòa án thực hiện chức năng theo quy định của pháp luật.

Để có thể giữ vai trò quan trọng trên, bạn cần trải qua nhiều giai đoạn, gồm: thi đỗ đại học chuyên ngành Luật, trở thành cử nhân Luật, tham gia kỳ thi tuyển công chức ngành Tòa án, đi học nghiệp vụ thư ký và được bổ nhiệm vị trí Thư ký Tòa án.

Đại học Luật Hà Nội (thuộc Bộ Tư pháp), Đại học Luật TP.HCM (thuộc Bộ Giáo dục & Đào tạo), Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Kinh tế – Luật... là những đơn vị đào uy tín mà bạn có thể tham khảo và cân nhắc.

Đỗ chuyên ngành Luật là một trong những yêu cầu bắt buộc đối với những ai mong muốn trở thành Thư ký Tòa Án (Nguồn: Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử)
Đỗ chuyên ngành Luật là một trong những yêu cầu bắt buộc đối với những ai mong muốn trở thành Thư ký Tòa Án (Nguồn: Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử)

Bài viết trên phần nào đã giúp bạn trả lời được câu hỏi: Làm thư ký học ngành gì? Hãy cân nhắc điều kiện bản thân (điểm thi đầu vào, năng lực học tập, đam mê, mục tiêu nghề nghiệp...) và nhu cầu của xã hội trước khi đưa ra sự lựa chọn ngành học sau cùng.

Minh Thư (Tổng hợp)

Từ khóa » Thư Ký Thi Khối Nào