Top 5 Loại Cây Trồng Trong Nhà Bếp Và Những điều Cần Biết

Mang cây cảnh vào nhà bếp đang là lựa chọn hàng đầu của các gia đình hiện đại ngày nay. Tác dụng của cây xanh đối với đời sống con người nói chung và cuộc sống mỗi chúng ta trong căn nhà của mình nói riêng là điều mà dường như ai cũng đã biết. Tuy nhiên, trong căn bếp nhà bạn, có thể trồng được những loại cây nào, hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây.

Những điều cần biết trước khi trồng cây trong nhà bếp

Không gian nhà bếp có thật sự khó trồng cây?

Căn bếp luôn được coi là một nơi khá ấm cúng nếu thường xuyên có những bữa ăn được nấu và thưởng thức ở đây. Những hoạt động nấu nướng thường liên quan đến gas, lửa, khói, khiến cho nơi này là dễ bắt cháy nhất trong căn nhà. Để tránh hỏa hoạn, vướng víu, nơi đây không thích hợp với những loại cây cảnh quá lớn, rậm rạp, dây leo.

cay-trong-nha-bep.jpg

Trồng cây quá rậm rạp, um tùm dễ khiến nhà bếp ngột ngạt, vướng víu

Đồng thời, hoạt động nấu nướng tạo ra nhiệt, kèm lửa, ảnh hưởng khá xấu đến cây trồng, có thể làm cây héo, chết. Vì lý do này mà gây trở ngại cho việc trồng cây tại nhà bếp. Với không gian hạn chế và điều kiện khó khăn như vậy, bạn chỉ nên trồng những cây có kích thước nhỏ nhắn, đặt cách xa bếp nấu và cẩn thận kẻo làm đổ vỡ.

Mặt khác, việc nấu nướng sẽ khiến cho căn bếp ám khói, ám mùi, dính dầu mỡ, có thể ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Tuy nhiên, vẫn có một số loài cây khắc phục được tình trạng này, vì cây sẵn có mùi thơm và khá dễ sống. Có thể kể đến ở đây như cây Bạc Hà, cây Hương Thảo, …

Liệu có thể trồng cây phong thủy trong nhà bếp?

Trong phong thủy, các chuyên gia cho rằng, căn bếp là một nơi tối quan trọng. Chẳng thế mà người ta hay coi hướng bếp, ngày giờ đặt bếp, còn có lễ cúng Ông Táo vào 23 Tết âm hàng năm. Họ quan niệm, phong thủy nhà bếp tốt sẽ quyết định sức khỏe và tài chính của những thành viên trong gia đình, nhất là những người buôn bán, kinh doanh.

Để góp phần tăng năng lượng tích cực cho nhà bếp, mọi người chọn cách trồng cây cảnh phong thủy. Việc quyết định chọn loại cây gì, bày trí theo bố cục như thế nào phụ thuộc vào phong thủy của từng người.

Màu sắc cây phong thủy phòng bếp

Màu sắc cây phong thủy trong nhà bếp cũng cần tuân thủ nguyên tắc chọn màu sắc cây theo từng mệnh của Ngũ hành (Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ). Đồng thời, khuyến khích người trồng nên chọn cây có gam màu sắc tươi tắn như Tía Tô cảnh, hoa Tulip, hoa lá đỏ, … Nên đặt cây này trên bàn ăn, vừa tăng thêm độ ấm cúng, kích thích thị giác giúp ngon miệng hơn lại khá hợp với phong thủy phòng bếp.

cay-phong-thuy-trong-phong-bep.jpg

Đặt một chậu hoa nơi bàn ăn sẽ tăng cảm giác ngon miệng hơn

Tuy nhiên, nếu gian bếp nhà bạn có gam màu quá ấm nóng (như đỏ, vàng, cam) thì cũng nên đổi sang trồng những cây có màu sắc thanh thoát, nhẹ nhàng hơn để cân bằng màu sắc. Hợp lý nhất có lẽ là cây Lan Chi, Trầu Bà Cẩm Thạch, …

Cách bố trí cây phong thủy tại nhà bếp

Thông thường, phòng bếp sẽ ít khi có cửa sổ. Mặc dù vậy, một số ngôi nhà được thiết kế mà căn bếp sẽ có cửa sổ đón gió, đón nắng thông thoáng. Cách bày trí cây cảnh trong gian bếp sẽ ít nhiều phụ thuộc vào hướng cửa, để đem lại ý nghĩa phong thủy tốt nhất.

  • Hướng Đông đón nắng sớm, khá tốt cho ngôi nhà, nên trồng cây loại nhỏ, đủ ánh sáng để cây phát triển và không bị che mất ánh nắng cho căn phòng.
  • Hướng Tây đầy nắng trưa chiều mạnh và gắt, gây nóng và khó chịu, có thể bày trí các loại hoa như hoa Thủy Tiên, hoặc cây lớn tựa Bàng Singapore cản bớt nắng.
  • Hướng Nam cần đặt những cây chiêu lộc, giữ tài, giảm bớt xu hướng tiêu tiền, hoang phí tài sản của gia đình như cây Trầu Bà, Phú Quý, …
  • Cây tại hướng Bắc nên là cây có màu rực rỡ, ấm nóng để tăng sức sống cho căn phòng.

Những loại cây trồng trong nhà bếp

Gợi ý 5 loại cây nên trồng ở nhà bếp

1. Cây có thể ăn được

Trong căn phòng đặc biệt chứa đầy đồ ăn, thức uống như vậy, nên chăng chúng ta tận dụng những nguyên liệu có sẵn? Một số loại rau, củ mà chúng ta dùng để nấu ăn hàng ngày có thể được sử dụng phần thừa để tạo nên vườn cây cực nhỏ xinh ngay tại gian bếp đấy.

cay-trong-an-duoc-trong-bep.jpg

Ngò rí, hành lá, rau ngổ đều có thể là cây trồng trong bếp

Chỉ cần một ly nước nhỏ, cái vỏ trứng, vỏ chai cùng một ít đất, bạn có thể trồng mọi thứ ngay trên đấy rồi. Từ củ gừng, nghệ, hành tây, tỏi, nhánh sả, nửa củ khoai lang đến cả cái rễ thừa của ngò, hành lá, … Thậm chí, bạn còn có thể trồng chanh, cà chua, ớt, ... tại nhà bếp của mình.

cay-trong-phong-bep.jpg

Cây cà chua, húng quế hay hành, tỏi đều có thể trồng trong nhà bếp

Những loại cây này không chỉ trang trí cho căn phòng thêm sinh động mà còn có thể sử dụng để chế biến thức ăn nữa. Thật tuyệt vời đúng không nào!

2. Cây thảo mộc

Một số loại cây thảo mộc có hương thơm dịu nhẹ khá thích hợp trồng ở phòng bếp để khử mùi, đem lại cảm giác thư giãn cho con người. Có thể kể đến ở đây như cây Bạc Hà, Oải Hương, Hương Thảo, Tía Tô, ...

3. Cây dễ sống

cay-canh-trong-nha-bep.jpg

Lô Hội là lựa chọn hoàn hảo cho cây trồng trong bếp

Vì đặc trưng phòng bếp khó trồng cây nên cần những cây có sức sống mạnh mẽ thì mới tồn tại ở không gian này được. Chúng ta có thể kể đến một số loài cây dễ sống như Lô Hội, Trầu Bà, Lan Chi, Lan Ý, ...

4. Cây thanh lọc không khí

Phòng bếp đôi khi quá ngột ngạt bởi bám đầy mùi, do đó, việc trồng những cây có tác dụng thanh lọc không khí ở đây là điều cần thiết. Một số cây không chỉ hấp thụ khí cacbonic mà còn lọc được cả khí gas, khí độc từ các chất tẩy rửa cho căn nhà bạn. Điển hình như cây Lan Ý, Dương Xỉ, Lưỡi Hổ, Trầu Bà, Thường Xuân, …

cay-canh-trong-bep.jpg

Cây cảnh trong bếp nên là những loại lọc không khí tốt như Dương Xỉ

5. Cây có hương - sắc

Bạc Hà, Tùng Thơm, Hương Thảo, Oải Hương, Húng Quế, … là những cây vừa có hương thơm dịu nhẹ thanh lọc không khí, giảm bớt căng thẳng, gia tăng niềm vui; lại có thể xua đuổi côn trùng (muỗi) ra khỏi căn bếp nhà bạn.

Những cây tuyệt đối không nên trồng trong phòng bếp

Một số loại cây cảnh có thể lọc không khí khá tốt, vừa đẹp, đồng thời lại mang ý nghĩa phong thủy tích cực. Tuy nhiên, thân, hoa, lá hoặc nhựa cây có chứa chất độc, không thể trồng tại căn bếp được. Chúng thuộc dòng Môn Trường Sinh (như Vạn Niên Thanh), Lan Quân Tử, Đỗ Quyên, Trúc Đào, Xương Rồng Bát Tiên, Hồng Môn, ...

Đồng thời, những cây dễ rụng lá, hoa như Trúc Nhật, Mai Vạn Phúc, … hoặc cây có gai nhọn như Xương Rồng cũng không nên trồng ở nơi có không gian hạn chế như phòng bếp được.

Bạn có thể xem trực quan hơn về 5 loại cây cảnh trồng nhà bếp qua video này nhé:

Xem thêm:

7 lời khuyên tuyệt vời về cách trồng cây trong nhà bếp

5 cây trồng trong phòng ngủ và 5 nguyên tắc cần ghi nhớ

Cách bố trí cây cảnh trong sân vườn hợp phong thủy

Cách bố trí cây cảnh trên bàn làm việc hợp lý

Hướng dẫn chọn cây và cách bố trí cây xanh trong nhà

Từ khóa » Cây Trang Trí Nhà Bếp