Top 5 Vũ Khí Huyền Thoại Của Liên Xô | Báo Dân Trí

Vẫn còn quá sớm để xếp tên lửa siêu thanh của Nga Kinzal và Zircon vào loại huyền thoại, mặc dù hiện nay chúng thường được các phương tiện truyền thông nước ngoài gọi là "vũ khí tia chớp của Nga". Các vũ khí này mới xuất hiện gần đây và cũng chưa có thực chiến nên không giống như các vũ khí của Liên Xô từng gây chấn động thế giới theo đúng nghĩa đen.

National Interest, trang tin chuyên so sánh các loại vũ khí trên khắp thế giới và đưa ra bảng xếp hạng các loại hệ thống quân sự khác nhau, đã công bố top 5 vũ khí tốt nhất được chế tạo tại Liên Xô, bao gồm súng tiểu liên tấn công huyền thoại AK-47 Kalashnikov, xe tăng T-34, dàn hỏa tiễn Katyusha huyền thoại, máy bay chiến đấu MiG-15 và súng phóng lựu RPG-7. Các nhà phân tích Mỹ thừa nhận rằng những phát triển quân sự thời Liên Xô rất thành công và hiện vẫn đang được quân đội nhiều nước sử dụng hiệu quả.

Tiểu liên AK-47

Súng tiểu liên Kalashnikov, tên gọi ban đầu là AK-47 (bắt đầu được đưa vào trang bị cho quân đội Liên Xô từ năm 1949), thực sự nổi tiếng thế giới. Ngay cả trong một số ngôi làng xa xôi ở châu Phi, khi nói đến từ "Kalashnikov" thì ngay lập tức người ta có thể hiểu rõ đó là cái gì. Bản thân ông Mikhail Timofeevich Kalashnikov, cha đẻ của AK-47, cũng tỏ ra thận trọng với việc sản phẩm của mình được phổ biến khắp nơi: "Tôi chế tạo ra khẩu súng tiểu liên là để bảo vệ Tổ quốc mình, chứ không phải để dùng nó để bắn khắp nơi trên thế giới". Chỉ riêng ở Nga đã có 70 triệu khẩu súng máy được sản xuất dưới nhãn hiệu này.

Ở nước ngoài, trong nhiều năm, người ta cho rằng Kalashnikov không phải là họ của một người, mà là một bút danh tập thể của một nhóm các nhà thiết kế nào đó. Ở một số quốc gia, họ cho rằng Kalashnikov chỉ là tên của khẩu súng máy nổi tiếng chứ không phải tên họ của một người.

Top 5 vũ khí huyền thoại của Liên Xô - 1

Ông Mikhail Kalashnikov tại lễ kỷ niệm 60 năm ngày phát hành súng tiểu liên AK-47 Kalashnikov. (Ảnh: TASS).

Người viết tiểu sử nhà thiết kế vũ khí Kalashnikov, Alexander Yuzhanov, nhớ lại: "Một lần ở Argentina, một nhân viên hải quan địa phương cầm trên tay hộ chiếu của Mikhail Kalashnikov, bắt đầu đọc chậm rãi họ của ông bằng tiếng Latinh theo từng âm tiết. Và sau đó, hết sức kinh ngạc, anh này hét lên: "Kalashnikov!". Thế là tất cả các nhân viên bảo vệ chạy đến để xem mặt người làm ra súng máy AK và chụp ảnh với ông. Họ không thể tin rằng nhà phát minh thực sự của khẩu AK huyền thoại đang ở trước mặt họ.

Mức độ phổ biến của súng tiểu liên Kalashnikov trên toàn thế giới cao đến mức ở Mozambique, Kalash đã trở thành một trong những cái tên phổ biến nhất dành cho các bé trai vào cuối thế kỷ 20. Một số người châu Phi tin rằng cái tên này mang đến tinh thần tự do và khả năng đứng lên bảo vệ tự do được truyền vào đứa trẻ sơ sinh.

Bản thân Mikhail Timofeevich Kalashnikov từng kể lại rằng trong một lần ở Ấn Độ, ông tình cờ có mặt tại nơi có một con ngựa mới sinh. Cư dân địa phương biết ông là ai nên đã yêu cầu nhà thiết kế đặt cho chú ngựa cái biệt danh "Miktim" - viết tắt từ hai âm tiết đầu của Mikhail Timofeevich. Kalashnikov mỉm cười đồng ý vì nghe từ đó có vẻ giống tiếng Ấn Độ.

AK-47 có thể bị kéo qua bùn và ngập chìm trong đầm lầy, nhưng nó vẫn tiếp tục nhả đạn trong khi khẩu M16 của Mỹ phải "đầu hàng". Các lực lượng đặc biệt của Quân đội Mỹ vẫn sử dụng AK-47 7,62 mm và thích dùng nó hơn các loại vũ khí cỡ nhỏ khác.

Xe tăng T-34

Năm 2019 trở thành "năm của xe tăng" T-34 ở Nga. Vào ngày 1/1, buổi ra mắt cùng tên của bộ phim "T-34" đã diễn ra, và vào ngày 9/1, 30 xe tăng T-34-85, trước đây phục vụ cho quân đội Lào, đã được Nga mua lại và chở đến Vladivostok bằng tàu thủy. T-34 cũng là thành viên không thể thiếu trong các cuộc duyệt binh trên Quảng trường Đỏ vào Ngày Chiến thắng 9/5.

Tổng cộng đã có 35.330 xe tăng T-34 được sản xuất (chưa tính đến xe tăng T-34-85, được sản xuất từ năm 1943), việc sản xuất chúng được thực hiện tại 7 nhà máy, bao gồm cả ở Leningrad bị bao vây. T-34 được cả thế giới công nhận xứng đáng là xe tăng thành công nhất trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, từng tham gia chiến đấu tại Berlin.

Top 5 vũ khí huyền thoại của Liên Xô - 2

Trong ảnh: Xe tăng T-34-85. (Ảnh: TASS).

Sau Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, xe tăng T-34-85 được đưa vào phục vụ trong quân đội của Triều Tiên và Trung Quốc. Trong những năm tiếp theo, tăng T-34 chủ yếu sản xuất tại Tiệp Khắc và Ba Lan, đã được cung cấp cho nhiều quốc gia, bao gồm quân đội của các nước thuộc Hiệp ước Warsaw, cũng như Albania, Angola, Congo, Cuba, Mông Cổ, Lào, Ai Cập, Guinea, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Mali, Syria và cả Phần Lan. Những chiếc xe tăng này đã tham gia tích cực vào nhiều cuộc xung đột vũ trang và vẫn hiện vẫn đang được sử dụng ở một số quốc gia.

Bản thân loại xe tăng này rất linh hoạt - có khả năng nhanh chóng thay đổi vị trí và hành động tùy thuộc vào tình hình trên chiến trường. Cần nhấn mạnh rằng không có cuộc xung đột vũ trang nào trong những năm cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ XXI xảy ra mà lại không sử dụng chúng.

Dàn hỏa tiễn Katyusha

Top 5 vũ khí huyền thoại của Liên Xô - 3

Xe chiến đấu pháo phản lực BM-13 Katyusha của Liên Xô (Ảnh: TASS).

Katyusha là tên một bài hát nổi tiếng của Nga. Nhưng còn một Katyusha huyền thoại khác cũng không kém phần nổi tiếng, đó là xe chiến đấu pháo phản lực tên lửa BM-13 Katyusha.

Bằng những loạt tên lửa bắn dồn dập, Katyusha đã gây ra nỗi sợ hãi và kinh hoàng cho Đức quốc xã, vốn gọi nó là "chiếc đàn organ của Stalin" vì tiếng rít đặc trưng nghe như tiếng sáo của đuôi tên lửa. Những cỗ "súng cối cận vệ" (biệt danh của chúng để giữ bí mật) đã có một chặng đường lịch sử vẻ vang - đánh tan kẻ thù khi nó đến Berlin.

Ngày nay nó được xếp vào hàng lịch sử trong các loại vũ khí của Liên Xô. Vào tháng 7 vừa qua, lễ kỷ niệm 80 năm ngày Katyusha ra đời đã được tổ chức, để vinh danh cuộc hành quân chiến đấu của khẩu đội thử nghiệm đầu tiên của Đại úy Ivan Flerov vào tháng 7/1941 từ Moscow đến Orsha, tỉnh Vitebsk.

Hiện nay, Bộ Quốc phòng Nga còn lưu giữ khoảng 100 chiếc xe chở dàn BM-13. Ngoài ra, còn có đủ tên lửa cho chúng, được đặt trong kho vũ khí quân sự.

MiG-15 huyền thoại

Trên bầu trời Triều Tiên vào những năm 1950-1953, không quân Liên Xô đã chứng tỏ ưu thế trên không so với Mỹ, phần lớn nhờ vào kỹ năng của các phi công và máy bay chiến đấu phản lực MiG-15 mới. Máy bay này trở thành máy bay chiến đấu tốt nhất thế giới lúc bấy giờ. Chúng đã chứng minh điều này trong cuộc đối đầu với máy bay phản lực F-80 "Shooting Star" của Mỹ và máy bay chiến đấu mới F-86 "Sabre". Chính sự cạnh tranh của MiG-15 đã trở thành kinh điển cho cuộc không chiến ở Triều Tiên.

Ngày 1/11/1950, các phi công Liên Xô lần đầu tiên được phép bay qua biên giới Triều Tiên để tìm kiếm và tiêu diệt máy bay Mỹ. Cùng thời điểm, trận chiến đầu tiên của các máy bay MiG đã diễn ra - 5 chiếc MiG-15 bay đến vùng Andun và nhanh chóng tìm thấy 3 chiếc P-51 Mustang. Sau một trận đánh chớp nhoáng, một máy bay địch bị bắn rơi, một chiếc khác bị thương nặng.

Tổng cộng, theo số liệu không chính thức, trong các cuộc chiến trên bầu trời Triều Tiên, các phi công Liên Xô, chủ yếu là dùng máy bay chiến đấu MiG-15, đã thực hiện khoảng 2.000 trận không chiến và bắn rơi 1.097 máy bay Mỹ. Thiệt hại về phía Liên Xô ước tính 319 máy bay MiG-15 và La-11. Không phải ngẫu nhiên mà giờ đây người Mỹ đã đưa loại máy bay chiến đấu này vào danh sách những ví dụ điển hình nhất về vũ khí của Liên Xô vì chính họ đã từng được trải nghiệm.

Súng phóng lựu chống tăng RPG-7

Top 5 vũ khí huyền thoại của Liên Xô - 4

Súng phóng lựu chống tăng cầm tay RPG-7 (Ảnh: Tass).

Sự phổ biến của súng phóng lựu chống tăng RPG-7 vác vai của Liên Xô-Nga, loại vũ khí chỉ đơn giản như một cây gậy nhưng đáng tin cậy như một khẩu tiểu liên Kalashnikov, được thể hiện qua việc từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước, hơn 9 triệu khẩu đã được sản xuất. Đây là súng phóng lựu được yêu cầu nhiều nhất trên thế giới, đã tham gia vào tất cả các cuộc chiến tranh và xung đột vũ trang lớn trong nửa thế kỷ qua, về số lượng sản phẩm được sản xuất, chỉ kém Kalashnikov.

Cần nói thêm là phiên bản RPG-7 của Liên Xô đã được Mỹ nhân bản, sản xuất với quy mô lớn. Các loại súng phóng lựu chống tăng này do công ty AirTronic sản xuất và được gọi là Airtronic USA RPG-7 và Mk.777.

Nếu nói về xuất sứ nước ngoài của súng phóng lựu Liên Xô-Nga, trong số hơn 40 quốc gia sử dụng nó, ngoài Mỹ, còn có 8 quốc gia đã thành lập cơ sở sản xuất của riêng họ. Ở Bulgaria, RPG-7 được gọi là ATGL, ở Georgia - RPG-7G, ở Ai Cập - Sakr RPG-7, ở Iraq - Al-Nassira, ở Iran - DIO RPG 7 Saghegh, ở Trung Quốc - RPG kiểu 69, ở Romania - AG -7, ở Sudan - Sinar. Mức độ phổ biến của loại súng phóng lựu này là rất lớn trên toàn thế giới, đến nỗi các hệ thống chống tăng vác vai khác, chẳng hạn như M67 của Mỹ, M2 Carl Gustaf của Thụy Điển, LRAG F1 của Pháp hoặc B-300 của Israel, đều bị bỏ xa.

Từ khóa » Súng Máy Liên Xô