Tour Biệt động Sài Gòn: Tìm Hiểu Lịch Sử Và Thưởng Thức Món Cơm ...

Giữa Sài Gòn đông đúc, tấp nập, đôi khi, bạn quên mất mảnh đất nơi mình đang sống có những di tích văn hoá, lịch sử nằm lẩn khuất giữa các góc phố hiện đại. Chúng vẫn ở đó, làm giàu cho lớp trầm tích Sài Gòn hơn 320 năm.

Trong số những di tích đó, các địa chỉ từng là nơi hoạt động của lực lượng biệt động Sài Gòn như di tích quán Nhan Hương nằm trong Thảo Cầm Viên (quận 1); Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định trên đường Trần Quang Khải (quận 1); Cà phê Đỗ Phủ - Cơm tấm Đại Hàn trên đường Đặng Dung (quận 1); địa chỉ tại đường Võ Văn Tần - Nguyễn Đình Chiểu... vẫn được giữ gìn gần như vẹn nguyên sau 45 năm thống nhất đất nước.

Những địa chỉ đỏ từng là nơi hoạt động của Biệt động Sài Gòn
Những địa chỉ đỏ từng là nơi hoạt động của Biệt động Sài Gòn

Điểm đặc biệt khi đến những địa điểm trên là du khách không chỉ thuần khám phá thông tin, tư liệu mà có thể thưởng thức ẩm thực với những món ăn, thức uống đặc biệt. Trong đó, món cơm tấm ăn kèm kim chi Đại Hàn, món ăn trứ danh, ra đời từ năm 1946 gắn liền với địa chỉ trên đường Đặng Dung.

1. Di tích quán Nhan Hương nằm trong Thảo Cầm Viên (quận 1)

Năm 1963, Quân khu Sài Gòn - Gia Định chỉ đạo xây dựng quán Nhan Hương làm cơ sở hoạt động bí mật cho lãnh đạo Quân khu và Chỉ huy Biệt động thành phố. Mặc dù nằm gần cơ quan đầu não của địch nhưng từ năm 1963 đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30/4/1975), quán Nhan Hương đã hoàn thành tốt nhiệm vụ đảm bảo an toàn, bí mật cho nhiều cán bộ.

Tại di tích, khách tham quan sẽ được thấy lại mô hình phục vụ của quán Nhan Hương ngày trước gồm khu vực nhà bếp, khu vực bàn ăn, một số kỷ vật, đồ dùng sinh hoạt... của lực lượng Biệt động Sài Gòn.

Di tích đầu tiên
Quán Nhan Hương là một trong những Di tích lịch sử cấp thành phố, được xếp hạng vào tháng 3/2014.
Mô hình
Mô hình quán ăn được tái hiện khá sinh động tại di tích.
Khu vực nhà bếp
Khu vực nhà bếp với đầy đủ vật dụng từ nồi niêu, xoong chảo đến ly tách đều được bày biện như thật.

2. Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (nằm trên đường Trần Quang Khải, quận 1)

Nơi này trước đây là cơ sở hoạt động bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn dưới sự quản lý của ông Trần Văn Lai (tức Năm Lai, hay còn gọi là Mai Hồng Quế). Hiện nay, ngôi nhà do ông Trần Vũ Bình (con trai ông Năm Lai) quản lý. Ông Bình đã cải tạo địa điểm thành nơi kết hợp tham quan, tìm hiểu lịch sử (ở tầng 1) và dịch vụ cà phê, ăn uống (tầng 2).

Tới địa điểm này, du khách có thể tham khảo thông tin qua các thước phim tài liệu, tìm dữ liệu lịch sử trên màn hình cảm ứng, trải nghiệm không gian qua công nghệ thực tế ảo... Một trong những điều thú vị nhất ở điểm tham quan này là những câu chuyện, sự kiện gắn liền với hiện vật được trưng bày tại tầng 1.

Tại đây, khách tham quan có thể quan sát 2 đoạn xích đồng dùng để kéo đạn lên súng trên chiến hạm Ailette (L'Escarmouche) của Pháp. Chiến hạm này bị lính biệt động Trần Văn Hãng và đồng đội tấn công năm 1946. Ngoài ra, bảo tàng còn trưng bày chiếc xe cổ được những người lính biệt động Sài Gòn sử dụng trước năm 1975, máy đánh chữ, đĩa than, máy cát-sét... và một số kỷ vật khác. Tất cả được giới thiệu khá chi tiết trên các bảng thông tin, hoặc được hướng dẫn viên chia sẻ thêm khi khách tham quan muốn tìm hiểu chi tiết hơn.

Bảo tàng
Bảo tàng từng là cơ sở hoạt động bí mật của lực lượng Biệt động Sài Gòn.
Bảo tàng thông minh
Bảo tàng thông minh với màn hình cảm ứng dễ dàng cho du khách tra cứu thông tin lịch sử.
Khách tham quan có thể theo dõi các thước phim về lực lượng biệt động Sài Gòn tại đây.
Khách tham quan có thể theo dõi các thước phim về lực lượng Biệt động Sài Gòn tại đây.
Những món bánh kẹo được bán ở chuỗi cửa hàng hệ thống cơm tấm Đỗ Phủ.
Nếu đã đến tham quan khu vực tầng 1, du khách đừng quên ghé tầng 2 để thưởng thức đồ ăn, nước uống được quán chế biến khá ngon.
Một số kỷ vật
Một số kỷ vật tại địa chỉ có sẵn từ trước, một số do ông Trần Vũ Bình tìm mua hay được trao tặng lại.
Không gian quán ở lầu 2
Không gian quán ở lầu 2 được bày trí khá thoáng với bàn ghế theo phong cách xưa.

3. Cà phê Đỗ Phủ - Cơm tấm Đại Hàn trên đường Đặng Dung (quận 1)

Không gian tại địa chỉ 113A Đặng Dung, phường Tân Định, quận 1, TPHCM cũng là nhà của ông Năm Lai ngày trước. Thời đó, dưới vỏ bọc là một nhà thầu xây dựng, ông Năm Lai mua lại căn nhà ở địa chỉ này để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Đến đây, du khách có thể tham quan hộp thư bí mật và hầm nổi từng là nơi cất giấu thư từ, súng ngắn của lực lượng Biệt động Sài Gòn. Theo chia sẻ, để xác định là người cùng một tổ chức, các chiến sĩ biệt động ra dấu hiệu riêng bằng cách bẻ đôi cây tăm xỉa răng, đặt chéo và để lên bàn.

Góc quán
Góc quán bày biện nhiều đồ vật cũ được đựng trong tủ, kệ gỗ xưa.
Căn hầm nằm trong tủ đựng đồ
Căn hầm bí ẩn nằm gọn trong tủ quần áo. Khi bị phát hiện hay có nguy hiểm, lực lượng biệt động trên lầu sẽ trốn nhanh vào tủ, khoá trái cửa và mở nắp hầm để đi xuống tầng trệt, sau đó mở cửa sổ và thoát ra ngoài.
Hầm để mật thư
Hầm nổi trên lầu được ông Năm Lai xây dựng riêng. Nơi này thông với căn nhà sát bên dùng để cất giấu giấy tờ, vàng bạc, thuốc men... đựng trong những chiếc lon. Khi cần, lính biệt động dùng dây kéo được cột sẵn vào những chiếc lon, kéo lên. Nếu nhìn bằng mắt thường khó có ai có thể phát hiện dưới tấm gỗ là căn hầm bí mật

4. Cơm tấm Đỗ Phủ (địa chỉ 287/2 Võ Văn Tần, quận 3)

Căn nhà tại địa chỉ 287/2 Võ Văn Tần, quận 3 cũng được ông Trần Văn Lai dùng tiền cá nhân mua lại để làm nơi hoạt động cho lực lượng Biệt động Sài Gòn. Nơi đây có 3 căn hầm gồm 2 hầm chìm, 1 hầm nổi vừa là nơi cất giữ vũ khí, vừa là nơi để tẩu thoát khi có lực lượng truy lùng.

Ngày nay, khách đến địa chỉ có thể tham quan 2 căn hầm chứa vũ khí. Ngoài ra, nhiều hiện vật, hình ảnh, tư liệu quý về ông Năm Lai cũng như lực lượng Biệt động Sài Gòn từng hoạt động tại đây đều được trưng bày, chú thích khá rõ.

Cà phê Đỗ Phủ - cơm tấm Đại Hàn "thương hiệu" điểm trên đường Đặng Dung giờ đã được nhân rộng ở cả điểm đường Trần Quang Khải và Võ Văn Tần. Du khách sẽ được thưởng thức món cơm tấm được được chế biến theo công thức riêng. Phần cơm bao gồm thịt sườn, bì, chả, trứng ăn kèm với đồ chua, kim chi Đại Hàn được nêm nếm vừa miệng.

Trong đó, món kim chi Đại Hàn ra đời từ thời lính Hàn sang đóng quân tại Việt Nam, hướng dẫn cách làm kim chi cho ông bà Đỗ Miển (người được ông Năm Lai giao nhà quản lý) để có thức ăn kèm giống vị tại quê nhà. Sau này, bà Hai Mão, con gái lớn được chỉ dạy lại công thức, tiếp tục đứng bếp thay cha mẹ. Kim chi tại quán vẫn giữ được vị Hàn không quá chua, ngọt mà cay nhẹ.

Thực khách có thể kêu thêm nước và nhâm nhi những món ăn vặt như bánh tai heo, nui chấy ớt tỏi. Giữa không gian đậm chất Sài Gòn xưa, vừa được thưởng thức món ăn ngon vừa nghe chuyện lịch sử, còn gì thích thú bằng.

Hầm chứa vũ khí
Hình ảnh hầm chứa vũ khí tại địa chỉ 287/2 Võ Văn Tần. Hầm được lắp quạt gió nhỏ, tuy nhiên, chỉ nên có tầm dưới 10 người xuống hầm cùng lúc để đảm bảo lượng không khí không quá ngột ngạt.
Không gian tại địa chỉ
Không gian tại quán trưng bày nhiều kỷ vật, nội thất quen thuộc với văn hoá Sài Gòn cũng như từng gắn bó với lực lượng Biệt động Sài Gòn.
Chiếc xe
Chiếc xe mà ông Năm Lai sử dụng được trưng bày.
Món ăn kèm với cơm
Món kim chi, đồ chua ăn kèm với cơm tấm được chuẩn bị sẵn cho thực khách.
Món cơm tấm Đỗ Phủ
Dĩa cơm tấm nhìn khá bắt mắt.
Chuỗi địa chỉ có cách thiết kế giống nhau
Chuỗi địa chỉ cà phê Đỗ Phủ - cơm tấm Đại Hàn có cách thiết kế giống nhau.
Không gian
Những du khách thích nhìn ngắm đồ vật cũ như ti vi, bàn may, bàn ghế cũ... chắc chắn sẽ phải lòng không gian trên lầu 1 của căn nhà.

Khai thác du lịch văn hoá, lịch sử kết hợp ẩm thực là một cách khai thác hiệu quả, thức thời. Tháng 4/2020, Sở Du lịch TPHCM đã khởi động tour Theo dấu chân Biệt động Sài Gòn, với sự tham gia của nhiều đơn vị lữ hành.

Thông qua các hoạt động tìm hiểu văn hoá, Sở Du lịch mong muốn lan toả tình yêu văn hoá, lịch sử đến với nhiều đối tượng, đặc biệt là học sinh để các em hiểu hơn những bài học lịch sử trên sách vở, cũng như biết được mảnh đất Sài Gòn đang lưu dấu nhiều di tích có giá trị.

Diễm Mi

Từ khóa » Cafe đỗ Phủ Võ Văn Tần