Toyota Và Câu Chuyện “danh Gia Vọng Tộc” | Báo Dân Trí

Tháng 6/2007, Akio Toyoda, trong một bộ quần áo đua màu trắng, đã điều khiển chiếc Lexus IS 300 “độ” với tốc độ có lúc lên tới hơn 240 km/h trong suốt 4 giờ liền tại chặng đua 24-hour ở Nürburgring (Đức). Trong những giờ phút cuối cùng của mình trên đường đua, nước mắt rơi đầm đìa trên má ông.

Những giọt nước mắt không phải chỉ do sức ép của chặng đua - đội ông đứng giữa bảng xếp hạng, mà còn bởi ông đã nhận ra một mục tiêu khác của đời mình.

“Nếu trở thành người đứng đầu tập đoàn ô tô, tôi muốn là người không chỉ có kiến thức chung chung về xe mà còn am hiểu về kỹ thuật sản xuất xe. Tôi sẽ trực tiếp cảm nhận chiếc xe và nếu thấy tốt thì mới đem bán cho khách hàng,” Akio Toyoda nói trong một buổi phỏng vấn.

Toyota  và câu chuyện “danh gia vọng tộc” - 1
Akio Toyoda Điều hành “gian bếp” của Toyota có thể coi như một thứ quyền thừa kế mà ông được hưởng, nhưng không phải là đương nhiên được hưởng. Lý do? Dù sáng lập Toyota vào năm 1937 sau những thành công trong ngành tự động hoá, nhưng gia tộc Toyoda hiện nay nắm giữ chưa đến 1% số cổ phiếu của tập đoàn.

Với tư cách là một chuyên gia nghiên cứu hiệu quả sản xuất và cũng là người lâu nay vẫn theo sát từng bước phát triển của Toyota, ông James Womack nhận định: “Việc Akio có trở thành người đứng đầu Toyota không phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, chứ không phải vì mang dòng họ Toyoda”.

Trên thực tế, Akio Toyoda còn phải thoát khỏi cái bóng của cha mình, ông Shoichiro Toyoda, 83 tuổi, người đã nắm cương vị chủ tịch tập đoàn từ năm 1982 đến 1992, và hiện nay là chủ tịch danh dự của Toyota.

Dưới thời ông Shoichiro Toyoda, tập đoàn Toyota đã “rũ bỏ” hình ảnh về một nhà xuất khẩu ô tô Nhật Bản, bằng việc xây dựng nhiều nhà máy tại Mỹ và châu Âu, đồng thời bắt đầu từng bước đẩy mạnh doanh số, giúp Toyota hiện nay gần vượt đối thủ General Motors (GM) của Mỹ để trở thành nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới về doanh số.

Toyota  và câu chuyện “danh gia vọng tộc” - 2
Ông Shoichiro Toyoda

Vào thời điểm ông Shoichiro đến tuổi nghỉ hưu, Akio bị coi là quá trẻ, trong khi theo truyền thống doanh nghiệp Nhật Bản, lãnh đạo tập đoàn phải là người có một tuổi đời và tuổi nghề nhất định thì tiếng nói mới được thừa nhận. Vì vậy, từ đó cho đến nay, Toyota đã qua 3 đời lãnh đạo không mang họ Toyoda danh giá, bắt đầu là Hiroshi Okuda, tiếp đến là Fujio Cho, và hiện nay là chủ tịch đương nhiệm Watanabe.

Dù đã qua tuổi nghỉ hưu thông thường, nhưng chưa có dấu hiệu nào cho thấy ông Watanabe sẽ sớm “rời đấu trường”.

Qua 3 đời lãnh đạo không mang họ Toyoda, Akio đã có thời gian “học việc” kéo dài hơn 20 năm, tính từ khi ông gia nhập Toyota vào năm 1984, toàn tâm toàn ý làm việc tại dây chuyền lắp ráp ô tô và cũng tham gia bán hàng như bất cứ nhân viên mới nào khác.

Ông cũng từng làm việc tại New United Motor Manufacturing Incorporated, liên doanh của Toyota và GM tại tiểu bang California (Mỹ). Mới đây, ông đã giúp “giải thoát” Toyota khỏi một liên doanh hoạt động không hiệu quả tại Trung Quốc để chuyển sang hợp đồng hợp tác mới với doanh nghiệp ô tô First Automotive Works của Trung Quốc.

Hiện tại, Akio Toyoda phụ trách hoạt động bán hàng của Toyota tại Nhật Bản, nơi doanh số tiêu thụ ô tô đang giảm mạnh, khiến Mỹ chứ không phải Nhật Bản mới là thị trường lớn nhất của Toyota.

Toyota  và câu chuyện “danh gia vọng tộc” - 3

Bức tượng ông Kiichiro Toyoda - người sáng lập tập đoàn ô tô Toyota - ở bên ngoài trụ sở của tập đoàn tại Nhật Bản

Cùng với truyền thống gia đình và nỗ lực học hỏi, bản thân Akio Toyoda còn là một người có niềm say mê đặc biệt đối với xe hơi. Hàng tháng ông vẫn đi cùng một số nhân viên thử xe của Toyota, trực tiếp lái thử cả xe của Toyota và các hãng cạnh tranh để có định hướng phát triển sản phẩm.

Trước câu hỏi của phóng viên về việc có phải ông nỗ lực cố gắng và miệt mài như vậy là nhằm hướng đến chiếc ghế chủ tịch Toyota không, Akio đã trả lời khôn ngoan rằng ông nỗ lực học hỏi “không phải chỉ để trở thành chủ tịch”.

Khi được hỏi là ông có muốn trở thành một kỹ sư ô tô không, Akio Toyoda mỉm cười nói: “Không, không, tôi không đủ sáng dạ”. Ông đã theo học luật tại Đại học Keio (Nhật Bản), nhận bằng MBA của Đại học Babson ở Boston (Mỹ), rồi đến New York làm tư vấn đầu tư trong ngân hàng.

Sau đó, ông về làm việc tại công ty tư vấn Booz Allen Hamilton. Tuy nhiên, sau khi ông được phân công làm việc trong một dự án về ô tô, vì ban lãnh đạo công ty cho rằng việc sinh trưởng trong một gia đình hoạt động trong lĩnh vực này sẽ giúp ông làm tốt vai trò mới, ông chợt giật mình ngẫm nghĩ về bản thân và gia đình.

“Mọi người nhìn vào tôi và nghĩ rằng tôi là một chuyên gia trong ngành ô tô, nhưng không phải vậy,” ông nói.

Năm 1984, ông hỏi ý kiến cha xem có nên về làm cho Toyota không và nhận được một câu trả lời khiến ông phải kinh ngạc: “Chẳng ai muốn làm chủ của con cả. Toyota không cần con. Nếu con muốn làm việc ở đây, hãy bắt đầu như tất cả mọi người khác”, tức là bắt đầu từ vị trí học việc.

Đến năm 2000, ông trở thành thành viên trẻ tuổi nhất trong hội đồng quản trị. Năm 2005, Akio Toyoda được bổ nhiệm vào vị trí phó chủ tịch điều hành - một trong những vị trí lãnh đạo cao nhất của tập đoàn. Điều đáng nói là trong nhiều năm, cha ông hầu như không đưa ra lời khuyên nào cũng như không can thiệp vào sự nghiệp của con. Thái độ này của ông Shoichiro có lẽ xuất phát từ việc ông đã mất cha, Kiichiro, khi còn quá trẻ - trong độ tuổi đôi mươi, và phải bắt đầu tự lập từ đó.

Trên thực tế, Akio Toyoda cùng với một đối tác đã tách ra hoạt động riêng vào năm 1996, để xây dựng trang Gazoo.com chuyên bán xe Toyota cũ cho các khách hàng trẻ yêu mến thương hiệu Toyota nhưng không đủ tiền mua xe mới.

Từ trang bị duy nhất một máy chủ đặt nhờ trong một đại lý của Toyota, đến nay dự án này đã có cơ sở hạ tầng đẹp, hiện đại, với hàng trăm gian hàng trong các cửa hàng tiện ích, cùng với website giới thiệu sản phẩm và cung cấp thông tin.

Với cơ cấu dân số già, người tiêu dùng Nhật Bản 10 năm mới mua xe mới một lần, chứ không phải là khoảng 7 năm như ở Mỹ. Do đó, thay vì chỉ đơn giản là cố gắng bán được càng nhiều xe càng tốt, Akio Toyoda cho rằng Toyota cần đầu tư thời gian để làm vui lòng khách hàng, nhân viên và cả các đại lý.

Ông cho rằng Toyota cần nhìn xa trông rộng, vượt ra khỏi các bản cân đối tài chính, để duy trì thế thượng phong hiện có trên thị trường.

Akio Toyoda rất thích một câu chuyện, kể về 3 nha sỹ: một người quảng cáo rằng mình là nha sỹ tốt nhất thế giới, người thứ hai tuyên bố mình là nha sỹ tốt nhất ở Pháp, và người thứ ba chỉ nói ông là nha sỹ tốt nhất trong thành phố.

“Mọi người nói rằng Toyota là công ty xuất sắc nhất trên thế giới, nhưng khách hàng chẳng quan tâm đến thế giới. Họ chỉ quan tâm chúng tôi có xuất sắc nhất trong thành phố của họ không thôi. Và đó là những gì tôi muốn,” Akio Toyoda nói.

Nếu Akio trở thành tân chủ tịch của Toyota, hãy cùng chờ xem ông sẽ làm gì và đạt được những gì!

Nhật Minh

Theo IHT

Từ khóa » Gia Tộc Toyota