TP.HCM Cạn Vắc Xin Ngừa Cúm, Viêm Phổi - Báo Tuổi Trẻ

TP.HCM cạn vắc xin ngừa cúm, viêm phổi - Ảnh 1.

Viện Pasteur TP.HCM ngày 6-12 thông báo đã hết vắc xin ngừa cúm, viêm phổi... và cho biết chưa rõ thời gian có vắc xin trở lại - Ảnh: XUÂN MAI

Hiện các đơn vị tiêm chủng lớn nhất ở TP.HCM và nhiều phòng khám đều thông báo tạm hết các loại vắc xin này, chưa biết thời gian có lại.

Vắc xin ngừa cúm, viêm phổi có thực sự giúp phòng lây nhiễm COVID-19 hay chuyển nặng? Việc khan hiếm các loại vắc xin trong thời điểm này có nghiêm trọng?

Tưởng ngừa luôn được COVID-19

Trong bối cảnh dịch COVID-19 đã kéo dài 2 năm, mỗi ngày cả nước vẫn ghi nhận trên 10.000 ca, trong đó có người tiêm đủ 2 liều vắc xin COVID-19 vẫn nhiễm bệnh, nhiều người đã chọn tiêm thêm liều vắc xin ngừa viêm phổi, cúm với suy nghĩ sẽ nâng cao đề kháng, chống COVID-19 hiệu quả hơn.

Anh N.T.P. (ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM) chia sẻ sau khi tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19, cả nhà anh đều tiêm bổ sung vắc xin phòng cúm và viêm phổi phế cầu. Theo anh P., việc tiêm thêm 2 loại vắc xin này giúp cả nhà nâng cao đề kháng hệ miễn dịch, tăng hiệu quả ngừa COVID-19.

Anh P. cho biết thêm trước khi quyết định đưa cả nhà đi tiêm 2 loại vắc xin trên, anh đã tham khảo nhiều bài viết nước ngoài. "Qua hơn 2 năm dịch, trẻ em có tỉ lệ nhiễm, chuyển nặng, tử vong đều ít hơn người lớn. Chắc có thể trẻ em được các vắc xin thông thường hằng ngày đều đặn, đầy đủ nên hệ miễn dịch được "rèn luyện", nâng cao đề kháng trước các nguy cơ bệnh tật", anh P. tự đúc kết.

Tương tự, chị H. cho hay nhiều gia đình ở xóm chị rủ nhau đến Viện Pasteur TP.HCM tiêm vắc xin ngừa viêm phổi, với giá hơn 1.200.000 đồng/mũi. Với người lớn thì tiêm vắc xin ngừa viêm phổi còn có ý nghĩa rằng sẽ không viêm phổi khi nếu chẳng may nhiễm COVID-19.

Chị H. thắc mắc liệu vắc xin ngừa cúm, viêm phổi có hạn chế khả năng nhiễm COVID-19 hay không, đặc biệt khi hiện nay đã xuất hiện biến chủng mới Omicron?

Thông báo hết vắc xin ngừa cúm, viêm phổi

Ghi nhận của Tuổi Trẻ sáng 6-12 tại phòng khám - tiêm ngừa Viện Pasteur TP.HCM, rất đông người lớn, trẻ em đến tiêm vắc xin phòng bệnh. Tại quầy hướng dẫn có treo bảng giá vắc xin dịch vụ với 20 loại vắc xin phòng bệnh khác nhau, trong đó có 3 loại vắc xin thông báo "hết hàng" hoặc "tạm hết" đó là: vắc xin viêm phổi do phế cầu, ngừa cúm và viêm gan siêu vi A. Các loại vắc xin này có giá dao động từ 250.000 - 1.230.000 đồng/mũi.

"Vắc xin cúm đã hết rồi, có thể qua tháng 1 mới có. Còn vắc xin ngừa viêm phổi cũng tạm hết. Để rõ hơn, chị gọi thêm tổng đài (028) 1080" - một nam nhân viên của Viện Pasteur cho biết.

Khi gọi qua tổng đài này, người bên đầu dây cũng tư vấn: "Hiện tại vắc xin ngừa cúm ở Viện Pasteur chưa có và cũng chưa biết rõ khi nào có vắc xin về. Với vắc xin ngừa viêm phổi thì chỉ có cho trẻ nhỏ từ 6 tuần tuổi đến 5 tuổi, chứ người lớn cũng không có".

Cùng ngày, chúng tôi đến một điểm tiêm vắc xin lớn khác tại TP.HCM, nữ nhân viên tại đây cũng cho biết hiện vắc xin ngừa viêm phổi rất khan hiếm, nếu tôi cần tiêm phải đặt lịch trước. Tương tự, vắc xin ngừa cúm hiện chỉ còn vắc xin Việt Nam, vắc xin của Pháp và Hà Lan còn rất ít. Dự kiến cuối tháng 2 năm sau, các loại vắc xin này mới về.

Giải đáp thắc mắc về tình trạng khan hiếm vắc xin ngừa cúm và viêm phổi, nữ nhân viên này cho biết thời gian vừa qua, rất nhiều người ở mọi độ tuổi đến tiêm hai loại vắc xin này với mong muốn là để phòng ngừa thêm COVID-19.

Tiếp tục đến một phòng khám đa khoa tại phường 10, quận Gò Vấp, bảo vệ tại đây thông báo ngay cho chúng tôi rằng đã hết vắc xin ngừa cúm và viêm phổi. Còn nhân viên phòng khám giải thích rõ hơn: "Vắc xin ngừa cúm, viêm phổi mới vừa hết. Phòng khám chưa biết khi nào vắc xin về nữa".

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Đinh Văn Thới (Viện Pasteur TP.HCM) cho hay có nhiều nguyên nhân khiến vắc xin ngừa cúm và viêm phổi do phế cầu thiếu hụt. Trong đó lý do lớn nhất là người dân đổ xô đi tiêm nhiều hơn do bị gián đoạn trong 4 tháng giãn cách xã hội vừa qua. Bên cạnh đó, cũng có một số người dân chia sẻ rằng đến tiêm là để nâng cao đề kháng, phòng COVID-19.

Vắc xin ngừa cúm, viêm phổi "trị" COVID-19 đến đâu?

Trước thực tế vắc xin ngừa cúm, viêm phổi tại TP.HCM rơi vào tình trạng khan hiếm, bác sĩ Thới cho rằng người dân tiêm được 2 loại vắc xin này thì tốt nhưng điều quan trọng nhất hiện nay là tiếp tục nâng cao phòng chống COVID-19 và không có vắc xin nào thay thế được vắc xin phòng COVID-19.

"Khi tiêm được các loại vắc xin như cúm, viêm phổi do phế cầu hay các bệnh lý khác thì tốt, hỗ trợ phòng bệnh. Ngừa COVID-19 vẫn là quan trọng nhất, do đó người dân vẫn tiếp tục các biện pháp phòng bệnh" - bác sĩ Thới chia sẻ.

Một chuyên gia trong lĩnh vực nhiễm - thần kinh tại TP.HCM cho hay khi người dân tiêm vắc xin ngừa cúm hay viêm phổi thì khả năng bội nhiễm phế cầu và cúm sẽ giảm đi nếu chẳng may nhiễm COVID-19, đặc biệt ở người lớn tuổi.

"Người dân không cần săn lùng. Tiêm các loại vắc xin này trễ một thời gian không sao, vấn đề chính là tiếp tục tiêm vắc xin phòng COVID-19 và 5K" - vị này nhấn mạnh.

ThS Nguyễn Hiền Minh - phó trưởng đơn vị tiêm chủng Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM - cho hay thời tiết giao mùa, số người mắc các bệnh đường hô hấp tăng cao, trong đó bệnh cúm và các bệnh do phế cầu chiếm tỉ lệ đáng kể. Gần đây các nghiên cứu cũng cho thấy tỉ lệ đồng nhiễm virus cúm và SARS-CoV-2 làm tăng nguy cơ nhập viện, biến chứng nặng COVID-19 ở người chưa được tiêm vắc xin cúm.

Sở Y tế TP.HCM đề xuất tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 3 và mũi bổ sung Sở Y tế TP.HCM đề xuất tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 3 và mũi bổ sung

TTO - Thời gian tiêm được đề xuất sẽ bắt đầu từ ngày 10-12-2021, và dự kiến lộ trình thực hiện tùy theo nguồn cung ứng vắc xin.

Từ khóa » Chích Ngừa Cảm Cúm ở đâu Tphcm