TP.HCM Tìm Cách Quản Lý, ổn định Giá Vật Liệu Xây Dựng - CafeLand.Vn

Giá vật liệu xây dựng nhảy múa

Trong thời gian vừa qua, giá vật liệu xây dựng (VLXD) liên tục tăng cao đã tác động lớn đến các hoạt động đầu tư xây dựng.

Tại TP.HCM, giá một số loại VLXD có mức tăng vượt đỉnh. Cụ thể, gạch xây dựng trong quý 2 tăng khoảng 10%, gạch ốp trang trí tăng 10-15%, cát đá xây dựng cũng tăng mạnh so với đầu năm.

Một yếu tố khác cũng tác động lên lĩnh vực này là xăng dầu. Giá xăng dầu liên tục tăng đã đẩy chi phí vận chuyển tăng cao, tạo thêm áp lực tăng giá trên nhiều mặt hàng VLXD.

Giá vật liệu xây dựng liên tục tăng cao trong thời gian qua

Đặc biệt, giá bán xi măng đã tăng trải qua 2 lần tăng giá từ đầu năm, với mức tăng gần 200.000 đồng/tấn tùy thương hiệu. Cụ thể, các doanh nghiệp xi măng thông báo tăng giá bán lần đầu từ cuối tháng 3, với mức tăng phổ biến là 100.000-150.000 đồng/tấn. Lần điều chỉnh giá lần 2 diễn ra trong tháng 5, với mức tăng bình quân từ 40.000-80.000 đồng/tấn.

Trong khi đó, giá thép xây dựng trong nước trải qua 12 lần điều chỉnh từ đầu năm đến nay, trong đó có 7 lần tăng và 5 lần giảm. Từ đầu tháng 6, nhiều thương hiệu thép trong nước tiếp tục điều chỉnh giảm giá bán lần thứ 5 với mức giảm khoảng 300.000 đồng/tấn.

Hiện giá thép đã thấp hơn khoảng 2 triệu đồng/tấn so với lúc “neo đỉnh” ở cuối tháng 3 vừa qua, đưa mặt bằng giá chung của các thương hiệu sản xuất trong nước về mức 16,8-17,5 triệu đồng/tấn (chưa bao gồm VAT).

Làm rõ nguyên nhân tăng giá vật liệu xây dựng

Trước tình hình giá cả nhiên liệu, vật liệu xây dựng đang có nhiều biến động, Bộ Xây dựng đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc xác định, công bố giá VLXD, thiết bị công trình, chỉ số giá xây dựng, tránh tình trạng đầu cơ, thổi giá.

Trên thực tế, vẫn còn nhiều ý kiến phản ánh hầu hết các địa phương đều công bố giá vật liệu không sát với thực tế của thị trường. Đây chính là lỗ hổng để các nhà cung ứng vật liệu lợi dụng tình trạng cầu vượt cung để trục lợi, đầu cơ, nâng giá VLXD.

Cụ thể, thực tế công bố giá của địa phương còn chậm, đa số theo quý, chưa bám sát với thị trường. Danh mục công bố còn thiếu nhiều loại VLXD chủ yếu.

TP.HCM tìm cách quản lý và ổn định giá vật liệu xây dựng

Tại TP.HCM, qua công tác công bố giá VLXD trên địa bàn tỉnh, Sở Xây dựng có nhận được các văn bản của một số doanh nghiệp đều niêm yết giá VLXD tăng mạnh. Tuy nhiên, nguyên nhân tăng giá được các đơn vị này nêu sơ lược, không cụ thể. Điều này khiến công tác lập, quản lý chi phí gặp nhiều khó khăn, đẩy nhà thầu vào rủi ro khi giá vật liệu bùng phát tăng tại thời điểm thực hiện dự án.

Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng trước tình trạng biến động giá nhiên, vật liệu, Sở Xây dựng đề nghị các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh VLXD báo cáo tình hình giá một số mặt hàng VLXD chủ yếu từ tháng 12.2020 đến nay.

Cụ thể, các đơn vị cung ứng mặt hàng này phải nêu rõ nguyên nhân thay đổi giá, dự báo giá VLXD trong thời gian tới và đề xuất giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp ổn định giá sản phẩm do đơn vị sản xuất, kinh doanh. Báo cáo phải gửi về Sở xây dựng TPHCM trước ngày 15.6.2022.

Sẽ kiểm tra chất lượng vật liệu xây dựng

Để đánh giá kết quả trong việc chấp hành quy định pháp luật về VLXD của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và sử dụng VLXD, Sở Xây dựng TP.HCM đã ban hành kế hoạch kiểm tra chất lượng VLXD trong quá trình sản xuất, kinh doanh và sử dụng trong công trình xây dựng trên địa bàn thành phố năm 2022.

TP.HCM sẽ kiểm tra chất lượng vật liệu xây dựng sử dụng trong các công trình trong thời gian tới đây

Được biết, mục đích của việc kiểm tra này là nhằm đánh giá kết quả trong việc chấp hành quy định pháp luật về VLXD của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh VLXD; của các chủ đầu tư, đơn vị thi công và các đơn vị tư vấn trong việc quản lý và sử dụng VLXD trong công trình; theo dõi tình hình chất lượng VLXD lưu thông trên thị trường và sử dụng trong công trình xây dựng…

Theo đó, đối tượng kiểm tra gồm sản phẩm, hàng hóa VLXD trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng trong các công trình xây dựng. Các tổ chức, cá nhân liên quan đến sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng, giám sát và quản lý mặt hàng VLXD trong công trình.

Phạm vi kiểm tra là một số công trình xây dựng sử dụng nguồn vốn ngân sách và một số tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh VLXD trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, tại các đơn vị sản xuất, kinh doanh VLXD, Sở Xây dựng sẽ kiểm tra giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của cơ quan có thẩm quyền cấp; giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của chi nhánh hoặc văn phòng đại diện, biển hiệu tên doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện.

Kiểm tra việc thực hiện ghi nhãn hàng hóa đối với sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên thị trường, tài liệu chứng minh về nguồn gốc, xuất xứ VLXD đối với trường hợp kinh doanh VLXD (các hóa đơn, chứng từ, giấy phép khai thác khoáng sản đối với VLXD là khoáng sản sản xuất trong nước...).

Tương tự, tại các công trình xây dựng, Sở Xây dựng sẽ kiểm tra 2 vấn đề chính, gồm hồ sơ pháp lý về đầu tư xây dựng công trình và các đơn vị có liên quan; công tác quản lý chất lượng VLXD trong quá trình sử dụng.

Đối với chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn, thi công xây dựng, đơn vị thí nghiệm, cần cung cấp quyết định thành lập doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của chi nhánh hoặc văn phòng đại diện có ngành nghề kinh doanh phù hợp với loại công trình và công việc đơn vị đảm nhận thực hiện.

Từ khóa » Giá Vật Liệu Sở Xây Dựng Tp Hcm