TP Thủ Đức đề Xuất Tháo Gỡ Khó Khăn 4 Dự án Hạ Tầng Lớn

UBND TP Thủ Đức (TP.HCM) vừa có văn bản gửi Sở Xây dựng TP đề xuất tháo gỡ khó khăn cho bốn dự án gồm cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đường song hành Mai Chí Thọ, mở rộng quốc lộ 1 và xây dựng hệ thống thoát nước dọc đường ray xe lửa.

Nhiều dự án vướng mặt bằng

Theo đó, trong văn bản gửi Sở Xây dựng TP về kiến nghị một số nội dung vướng mắc trong lĩnh vực quản lý đô thị trên địa bàn TP Thủ Đức, UBND TP Thủ Đức cho biết dự án đường song hành từ đường Mai Chí Thọ qua khu dân cư Nam Rạch Chiếc đến đường vành đai 2 tại phường An Phú có nhiều khó khăn.

Dự án đường song hành cao tốc TP.HCM - Long Thành- Dầu Giây vẫn còn có trường hợp bồi thường, giải phóng mặt bằng chưa xử lý xong. Ảnh: ĐÀO TRANG

Dự án đường song hành cao tốc TP.HCM - Long Thành- Dầu Giây vẫn còn có trường hợp bồi thường, giải phóng mặt bằng chưa xử lý xong. Ảnh: ĐÀO TRANG

Cụ thể, ngày 19-2-2019, UBND quận 2 (nay là TP Thủ Đức) có công văn kiến nghị UBND TP.HCM yêu cầu Công ty TNHH Bất động sản Nguyên Phương chuẩn bị quỹ nhà đất tái định cư để bố trí cho các hộ dân đủ điều kiện và phối hợp làm việc với Sở GTVT xem xét, điều chỉnh ranh thu hồi đất để thực hiện dự án.

Tiếp theo, ngày 14-4-2020, Ban chỉ đạo bồi thường, hỗ trợ, tái định TP có công văn đề nghị Sở Xây dựng và Sở GTVT xem xét, hướng dẫn UBND quận 2 cũ chuẩn bị quỹ nhà đất tái định cư để bố trí cho các hộ dân đủ điều kiện và điều chỉnh ranh thu hồi đất để thực hiện dự án.

Ngày 18-5-2020, UBND quận 2 cũ có công văn về các vướng mắc khi triển khai thực hiện dự án, theo đó, đề nghị Sở Xây dựng và Sở GTVT sớm xem xét, giải quyết. “UBND TP Thủ Đức đề nghị Sở Xây dựng xem xét, hướng dẫn UBND TP Thủ Đức chuẩn bị quỹ nhà đất tái định cư để bố trí cho các hộ dân đủ điều kiện tái định cư” - văn bản ngày 12-4 của UBND TP Thủ Đức cho biết.

Tương tự là khó khăn của dự án mở rộng quốc lộ 1, trên địa bàn quận 9 cũ. Ngày 9-7-2018, Văn phòng UBND TP.HCM có thông báo giao UBND quận 9 cũ chủ động làm việc với Công ty CP Đầu tư Kỹ thuật TP đề xuất phương án bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) phù hợp, khả thi sớm hoàn tất công tác bồi thường để thu hồi đất, bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư triển khai dự án theo đúng tiến độ được duyệt.

UBND TP Thủ Đức đã có các công văn vào năm 2018; hai lần vào năm 2019. Tháng 3-2022, UBND TP Thủ Đức cũng có công văn gửi Sở Xây dựng về việc sớm xem xét điều chuyển quỹ nền tái định cư để bố trí cho các hộ dân trong dự án mở rộng quốc lộ 1. “Tuy nhiên, đến nay Sở Xây dựng vẫn chưa có ý kiến phản hồi” - UBND TP Thủ Đức cho hay.

Đối với dự án đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây cũng có ba hộ dân đã được bố trí vào ba nền tại khu tái định cư Long Bửu (giai đoạn 1) từ năm 2010 nhưng đến nay vẫn chưa được hoàn tất thủ tục để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Các hộ dân này cũng chưa được nhận nền (một hộ đã đóng 90% giá trị nền, hai hộ chưa mời đóng tiền), hiện người dân đang rất bức xúc, thường xuyên liên hệ UBND TP Thủ Đức yêu cầu được giải quyết.

Công tác GPMB càng để lâu, dự án càng đội vốn do giá bồi thường GPMB ngày càng tăng, các nhà thầu thiệt hại cũng không kém do giá cả vật liệu xây dựng tăng cao, nhân lực bị xáo trộn, nhiều chi phí phát sinh…

Đang nhanh chóng giải quyết

“Hiện nay, về các dự án vướng mặt bằng trên địa bàn TP Thủ Đức, địa phương cùng cơ quan chức năng cũng đang đẩy nhanh xử lý. Dự án song hành đường Mai Chí Thọ còn vướng về hợp đồng BT” - ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP, trao đổi với PV.

Theo ông Bằng, công tác GPMB càng để lâu, dự án càng đội vốn do giá bồi thường GPMB ngày càng tăng, các nhà thầu thiệt hại cũng không kém do giá cả vật liệu xây dựng tăng cao, nhân lực bị xáo trộn, nhiều chi phí phát sinh…

TS Phạm Văn Hùng, Phó Phân viện trưởng Phân viện Khoa học công nghệ GTVT phía Nam, cho rằng đầu tư hạ tầng giao thông TP Thủ Đức hiện nay vẫn đang chậm hơn tốc độ phát triển. “Có nhiều nguyên nhân chậm như ảnh hưởng dịch COVID-19, công tác GPMB cũng là một trong những nguyên nhân đó. Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn nhận chung xem đâu là nguyên nhân chính để tìm cách giải quyết” - ông Hùng nói.

Theo ông Hùng, việc nhìn ra nguyên nhân hợp lý sẽ tìm ra giải pháp thúc đẩy hợp lý, bên cạnh đó cũng cần đặt giao thông trong bối cảnh quy hoạch chung của TP Thủ Đức (đang xây dựng) và điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM.

“Vấn đề bài toán giao thông rất phức tạp, cần gắn với quy hoạch đô thị thì mới có thể có hiệu quả. Chúng ta cần một nhạc trưởng kết nối quy hoạch giao thông và quy hoạch đô thị để giải quyết triệt để vấn đề, trong đó có cả vấn đề về GPMB” - ông Hùng đánh giá.•

Dự án xây dựng hệ thống thoát nước dọc đường ray xe lửa phường Linh Đông, TP Thủ Đức trong quá trình thực hiện có vướng mắc về việc thực hiện di dời phần tín hiệu đường sắt. Gói thầu xây lắp số 1 dự án nằm hoàn toàn trong tuyến đường sắt Bắc - Nam cũng vướng cáp đường sắt cần phải di dời.

Do đó, UBND TP Thủ Đức kiến nghị Sở Xây dựng TP xem xét thống nhất chủ trương đối với hạng mục di dời tín hiệu đường sắt như là một hạng mục trong phần xây lắp và trình thẩm định phê duyệt như một hạng mục phát sinh.

HUY VŨ Theo dõi Báo Pháp Luật Tp HCM trên Google News

Từ khóa » Gỡ Phong Toả Tp Thủ đức