TPHCM: Số Ca COVID-19 Nặng, Tử Vong Có Khuynh Hướng Gia Tăng

Số ca mắc COVID-19 nặng, tử vong trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh có khuynh hướng gia tăng, đặc biệt tập trung ở nhóm có bệnh lý nền, tuổi trên 50.

Theo HCDC, số ca nhập viện tầng 2, 3 trong ngày là 1.582 người. Tổng số ca đang điều trị tại bệnh viện tầng 2, 3 là 14.342 người. Số ca đang cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung là 6.255 người. Số ca đang cách ly, điều trị tại nhà là 60.092 người. Như vậy, trên địa bàn thành phố hiện đang có tổng cộng là 80.689 bệnh nhân đang được điều trị, cách ly.

Trong đó, số ca nặng có hỗ trợ hô hấp là 2.545 người; số trẻ em dưới 16 tuổi nhiễm đang điều trị là 578 người; số phụ nữ mang thai đang điều trị là 134 người; số trường hợp xuất viện trong ngày là 1.148 người, số ca xuất viện cộng dồn là 273.228 người.

Số ca tử vong trong ngày là 59 người trong đó có 12 trường hợp chuyển viện từ các tỉnh thành khác. 85% ca tử vong nằm trong nhóm trên 50 tuổi, 95% liên quan đến bệnh lý nền.

Về khoanh vùng, xử lý ổ dịch, thành phố áp dụng quy trình phát hiện và xử lý người nhiễm COVID-19 mới tại cộng đồng và khu vực sản xuất theo hướng dẫn mới của Sở Y tế TPHCM. Xử lý các ổ dịch mới phát hiện để kiểm soát sự lây lan.

Biểu đồ tình hình dịch bệnh từ ngày 19-25/11. Ảnh HCDC

Về tiêm chủng, TPHCM tiếp tục tiêm mũi 1 cho người từ 18 tuổi trở lên (bao gồm người từ các tỉnh về TPHCM sinh sống và làm việc), đồng thời tiêm mũi 2 cho người đến thời hạn tiêm chủng; tổ chức tiêm vét mũi 1, tiêm mũi 2 cho trẻ em 12-17 tuổi đủ thời gian.

Đến nay, TPHCM đã thực hiện 14.306.939 mũi tiêm vaccine phòng COVID-19: bao gồm 7.890.985 mũi 1 và 6.415.954 mũi 2, trong đó có 1.012.982 mũi tiêm cho trẻ 12-17 tuổi.

Về tình hình cách ly, kiểm dịch y tế, HCDC cho biết, số trường hợp đang cách ly tập trung là 1.623 trường hợp. Số trường hợp F1 đang được cách ly tại nhà là 15.943 người.

Một trường hợp F0 đang cách ly tại nhà nhận các túi thuốc điều trị. Ảnh HCDC

Thực hiện nghiêm, hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch COVID-19

Theo Sở Y tế TPHCM, số lượng F0 trên địa bàn thành phố gia tăng trong thời gian gần đây xuất phát từ việc mở cửa trở lại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố và đây là diễn tiến đã lường trước.

Dù thành phố cố gắng sử dụng rất nhiều biện pháp nhưng số lượng F0 vẫn có chiều hướng tăng nhẹ, dẫn đến số bệnh nhân tử vong cũng gia tăng nhẹ theo.

Qua phân tích, các trường hợp tử vong trong những ngày qua đều liên quan đến những người trên 65 tuổi, những trường hợp nhiều bệnh nền và những đối tượng chưa tiêm vaccine. Ngoài ra, số ca tử vong tăng liên quan đến những ca bệnh nặng và rất nặng từ bệnh viện các tỉnh khác chuyển viện về TPHCM.

Trước tình hình số ca mắc và tử vong có chiều hướng tăng nhẹ, TPHCM đã ban hành nhiều văn bản khẩn để tăng cường thực hiện nghiêm, hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

Trong đó đặc biệt yêu cầu tăng cường kiểm soát chặt chẽ di biến động dân cư. Các địa phương phải nắm chắc tình hình người dân khi ra, vào địa bàn, người có nguy cơ đang lưu trú, làm việc tại các địa phương, doanh nghiệp như lái xe, phụ xe liên tỉnh, người làm việc ngoài tỉnh về địa phương lưu trú,…

TPHCM không lập lại các chốt kiểm soát để kiểm tra di biến động dân cư như trước đây. Thay vào đó, công an thành phố đang thực hiện các công tác quản lý di biến động dân cư như đăng ký thường trú, tạm trú, rà soát hộ khẩu, những ai có mặt thực tế ở địa phương. Công an thành phố cũng đang rà soát, đối sánh các dữ liệu dân cư, cấp mã số định danh cá nhân.

Để TPHCM tiếp tục được an toàn trong trạng thái bình thường mới, tạo thuận lợi cho hoạt động khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, mỗi người dân cần tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch sau khi đã tiêm đủ liều vaccine, nhất là biện pháp 5K “Khẩu trang - Khử Khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế”.

Lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại Khu chế xuất Tân Thuận.

Chủ động xét nghiệm COVID-19 cho người lao động

Sở Y tế TPHCM vừa có văn bản số 8818/SYT-NVY cập nhật hướng dẫn tổ chức xét nghiệm tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở kinh doanh dịch vụ, trung tâm thương mại, siêu thị, cơ quan, công sở trên địa bàn TPHCM.

Theo đó, các cơ sở lao động thực hiện nghiêm việc tự tổ chức xét nghiệm SARS- CoV-2 cho người lao động, khi có một trong các biểu hiện triệu chứng sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, mất vị giác và khứu giác, khó thở,... hoặc có yếu tố dịch tễ.

Khi bắt đầu tổ chức lại hoạt động sản xuất với công suất 100% người lao động quay lại làm việc, các đơn vị thực hiện xét nghiệm kháng nguyên nhanh (mẫu gộp 3-5) hoặc xét nghiệm RT-PCR (mẫu gộp 10-20).

Tùy theo cấp độ dịch của thành phần, các cơ sở lao động tổ chức xét nghiệm ngẫu nhiên định kỳ bằng hình thức xét nghiệm kháng nguyên nhanh (mẫu gộp 3-5) hoặc xét nghiệm RT-PCR (mẫu gộp 10-20), cụ thể: Nếu ở cấp độ 1, cấp độ 2, xét nghiệm 20% người lao động có nguy cơ cao mỗi 1 tuần. Nếu ở cấp độ 3, cấp độ 4, xét nghiệm 30% người lao động có nguy cơ cao mỗi 2 tuần.

Đối với người đã tiêm đủ liều vaccine và người đã khỏi bệnh, chỉ xét nghiệm khi có yêu cầu điều tra dịch tễ. Với trường hợp cách ly y tế hoặc theo dõi y tế và trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa).

Đồng thời, dừng áp dụng các nội dung có liên quan đến tần suất, tỷ lệ xét nghiệm tại các văn bản số 2787/QĐ-BYT ngày 05/6/2021, công văn số 6565/BYT-MT ngày 12/8/2021, công văn số 6666/BYT-MT ngày 16/8/2021, công văn số 8228/BYT-MT ngày 30/9/2021 của Bộ Y tế.

Sở Y tế TPHCM cũng đề nghị các cơ sở lao động chủ động lập kế hoạch tự tổ chức xét nghiệm cho người lao động tùy theo điều kiện thực tế của đơn vị và tình hình người lao động; liên hệ Trung tâm y tế địa phương nơi trú đóng để được hướng dẫn lựa chọn sinh phẩm xét nghiệm nhanh kháng nguyên phù hợp và cách thực hiện xét nghiệm nhanh.

Ngoài ra, nếu cơ sở lao động có nhu cầu làm xét nghiệm PCR cho người lao động có thể hợp đồng với cơ sở y tế theo đúng quy định để lấy mẫu và thực hiện xét nghiệm./.

Từ khóa » Ca Tử Vong ở Tp Hcm