'Trả Lại Em Yêu, Khung Trời đại Học' - Kỳ 3: Đám Mây Thanh Xuân ...

Trả lại em yêu, khung trời đại học - Kỳ 3: Đám mây thanh xuân trong khu rừng đại học - Ảnh 1.

Những con “dốc tình” trứ danh trong nỗi nhớ sinh viên - Ảnh: TRƯỜNG HẢI

Vuốt mặt một cái, 30 năm đã trôi qua rồi ư. Phải con số ấy không? Dường như mới hôm qua, hôm kia thôi mà?

1 Như thể đang đóng phim xuyên không, thật nhanh, một nhóm nhỏ hẹn nhau về lại trường cũ, nơi 30 năm trước họ gặp mặt lần đầu tiên.

Trường xưa đó, bạn bè đây, mà cơ sở 3 của Đại học Tổng hợp TP.HCM Tân Phú - Thủ Đức sao nay lạ quá. Những vườn điều, vườn tràm với lối đi nhỏ quanh co ngày xưa nay đã biến mất.

Làng đại học nay lớn rộng, bề thế với những tòa cao tầng, những sân thể thao, những khu chức năng. Xung quanh nhà cửa đã san sát, đủ các loại cửa hàng, siêu thị, dịch vụ, quán ăn.

Bước vào cổng trường, lối đi, khuôn cỏ, gốc cây, hành lang, khung cửa... hết thảy đều được chăm sóc chu đáo. Khác hẳn ngày xưa...

Tôi nhớ mình đã ngơ ngác và háo hức biết bao khi bước qua cái cổng phụ nhỏ xíu, kế đó là phòng bảo vệ nép bên một gốc dương to, những chiếc lá hình kim, màu nâu già cỗi rơi kín mặt đất. Khung trời đại học ngày ấy không như con bé 18 tưởng tượng.

Ngôi trường to lớn với kiến trúc đẹp đẽ hiện đại của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ được truyền tụng dường như đang bị bỏ hoang. Như không bàn tay nào can thiệp, cỏ cây trong khuôn viên đang thoải mái sống cuộc đời của chúng.

Sinh sôi, lan tràn, quấn quít nở hoa rồi kết trái, rơi hạt. Con bé 18 là tôi sau nhiều ngày rớt nước mắt nhớ nhà, rớt nước mắt nghĩ "vào đại học mà như vào rừng" thì đã rất sớm yêu khu rừng trong trường ngoài lớp này.

Khai giảng bắt đầu mùa nắng, toàn bộ bầy cỏ lau trong sân trường đứng thẳng mình phất phơ khô. Lớp chúng tôi được giao nhiệm vụ cắt, dọn dẹp, vệ sinh cả khu vực. Vui thôi, chuyện này dễ ẹt.

Mỗi đứa cầm một cái dao ở ký túc xá đến trường rồi sà vô ngồi cắt. Cỏ thì khô, dao thì lụt, cứ ngỡ vui lắm, hóa ra đã tốn nhiều mồ hôi mà cả đám chưa cắt được bao nhiêu. Một bạn nhanh nhảu bất ngờ nghĩ cách, xách xe đạp chạy tuốt ra xa lộ Hà Nội mua hai lít xăng.

Trời ơi một đám cháy rừng rực nhanh chóng hình thành. Vừa vui, vừa phấn khích, vừa hoảng sợ, vì ngay sau đó cả đám bị khiển trách một trận nóng tương xứng. Đám cháy dại khờ ấy vẫn còn âm ỉ nóng trong lòng tôi mãi đến hôm nay.

Bây giờ, nơi đây là Đại học Tự nhiên - Đại học Quốc gia TP.HCM. Chúng tôi ngồi bên thềm cỏ, bên những gốc cây sứ già vẫn đợi mình từ hồi nào. Kỷ niệm ùa về như lửa, huy hoàng và đắm say. Kỷ niệm mỗi đứa có một màu, đôi khi thơm như mùi mít chín! Ngày ấy mít quanh khuôn viên trường nhiều vô cùng.

Cứ trưa cuối tuần, dù không có giờ học thì từng nhóm vẫn rủ nhau vô trường chơi, đi theo mùi mít chín. Tìm - hái - rồi xẻ ra ăn, rồi ngủ ở những hành lang đầy gió. Mùa điều ra trái, chúng tôi đi học mang theo gói muối ớt, giờ giải lao lại tỏa đi kiếm trái chín, rồi để dành hột ở một góc nào đó. Lâu lâu lại nướng một lần, đập hột lấy nhân.

Ai đó lại nhắc đến bầy dê. Không biết ở đâu, giữa rừng cỏ sân trường, chúng tự do đi lại y như sinh viên.

Những trưa nắng lịm, giảng đường với các giáo sư đứng tuổi ôn tồn, từ tốn khiến đám sinh viên như không còn đứa nào tỉnh táo thì ngay cửa sổ, vang lên tiếng be be lũ dê gọi nhau. Có hôm, có đứa lộc cộc gõ móng bước vào tận cửa, ngó nghiêng nhìn, rồi dường như không có gì hấp dẫn, chúng lại quay lưng ra.

Chúng tôi cười rào, thầy cười hiền từ, rồi tiếp tục quay lại những bài giảng văn chương, triết học, logic, toán cao cấp, lịch sử cổ đại, đương đại...

Trả lại em yêu, khung trời đại học - Kỳ 3: Đám mây thanh xuân trong khu rừng đại học - Ảnh 2.

Bạn bè tụ lại sau 30 năm - Ảnh: TRƯỜNG HẢI

2 Chuyện sinh viên đại học mà kể ra sao cứ nghe như chuyện bọn trẻ con quê nhà. Quả thực, nơi đó, khoảng trời đầu tiên đó đã trở thành quê nhà của chúng tôi mất rồi. Cùng học với nhau tận trong "khu rừng" ấy, các lớp văn, sử, địa chất, sinh, thư viện, luật, kinh tế hòa quyện, nắm níu lấy nhau như một cộng đồng nhỏ.

Và cũng chỉ một năm ấy thôi. Đến năm học thứ hai, tất cả lại về thành phố. Nhanh chóng, chúng tôi tan ra, hòa vào dòng người hối hả của phố xá với những lối đi riêng mình. Thỉnh thoảng ai đó nhắc về Thủ Đức mà nghe như xa xôi vô hạn. Xa như mùi hương hoa sứ đêm đêm vài bạn trai lẻn vào trường hái hoa xỏ xâu đem về cho các cô gái 18 treo lên đầu giường mà ngủ.

Những đêm ấy là những đêm tuổi trẻ đẹp đẽ mộng mơ thuần khiết nhất cuộc đời. Những gốc sứ ấy bây giờ vẫn còn, nhẫn nại hơn, thâm trầm hơn. Những gốc hoa sứ đã quen biết rành rẽ và ướp hương cho bao nhiêu thế hệ sinh viên đến chụp hình làm duyên, leo trèo, giỡn hớt, hái hoa tặng nhau, và những tình yêu đầu đời nảy nở.

Trả lại em yêu, khung trời đại học - Kỳ 3: Đám mây thanh xuân trong khu rừng đại học - Ảnh 3.

Một đoạn "dốc mộng mơ" không quên - Ảnh: TRƯỜNG HẢI

Khi kiến trúc sư Ngô Viết Thụ vẽ từng góc của ngôi trường đại học tuyệt đẹp này, có lẽ ông đã cố ý để nó - bằng cách này hay cách khác - sẽ ngự trị bền chặt trong tâm hồn của nhiều thế hệ sinh viên. Anh bạn dắt tôi tới ngồi một hồi ở cuối con dốc dọc hông hội trường.

Dốc này đã được chúng tôi đặt tên là "dốc tình". Gió trước mặt liu riu thổi mát, tôi ước giá mà có cái chiếu trải ra đây nằm ngủ tới chiều.

Anh như được bật công tắc, kể hồi đó anh ngủ trưa suốt ở đây, có ngày ngủ đến khi mặt trời lặn mất, khi bầy muỗi gọi vo ve vù vù mới chịu đi về. Mãi mãi về sau này, nhớ về khoảng thời gian ở Thủ Đức, anh đơn giản nhớ hoài một chỗ ngủ trưa, nơi đã cho anh những giấc mơ huy hoàng và đôi khi lạc lối.

30, 50 hay 100 năm nữa, con dốc này chắc sẽ vẫn còn được gìn giữ. Ngôi trường này con trai anh sẽ vào học năm nay. Tuổi trẻ và yêu thương sẽ tiếp nối.

Mong sao các thế hệ sau chúng tôi cũng sẽ được trải qua thời gian ý nghĩa nhất cuộc đời ở đây. Hãy học hành, trải nghiệm, kết bạn, yêu đương... cho thật xứng đáng. Thanh xuân chẳng lặp lại hai lần.

3 Nhìn lại ngôi trường, tôi thấy mình thật đã gặp may ở chặng đầu tiên của tuổi trẻ. Từ những miền quê xa xôi, chúng tôi vào đại học mà không phải bước ngay vào những xôn xao phố thị. Nhà trường đã cho chúng tôi một khung cảnh thơ mộng để ủi an những ngày đầu tiên xa nhà.

Tôi không hề thấy thất vọng dù thực tế quả thật rất khác với những gì tôi đã tưởng tượng trước đó về môi trường đại học. Với các bạn sinh ra và lớn lên ở thành phố, hẳn cũng là như vậy. Mỗi sáng, các bạn đến cơ sở Nguyễn Văn Cừ và Đinh Tiên Hoàng, có một chiếc xe ca của trường chở xuống Thủ Đức học.

Người lái chiếc xe thần thánh suốt nhiều năm của Đại học Tổng hợp thời ấy là chú Kiếm. Chú đã trở thành ông chú thân thuộc và dễ thương nhất. Buổi chiều, xe mới quay đầu về lại thành phố. Chúng tôi thành ra có nhiều hơn thời gian bên nhau.

Không có giờ lên lớp thì một góc hành lang, đứa đọc sách, đứa ôm đàn, và có đứa còn lận theo trong giỏ một chai rượu nhỏ. Chúng tôi nói chuyện triết học, chuyện tình yêu, chuyện thế thái nhân tình hay một cuốn sách, bộ phim nào đó, bất kể có thể không đủ tiền mua hai cái trứng vịt về nấu cơm chiều.

Trả lại em yêu, khung trời đại học - Kỳ 3: Đám mây thanh xuân trong khu rừng đại học - Ảnh 4.

Gốc sứ già một lần nữa ướp hương giấc mơ tôi - Ảnh: TRƯỜNG HẢI

Đã qua nhiều ngày từ buổi họp lớp mà đám mây thanh xuân vẫn như đang vờn trên đầu. 30 năm trước, chúng tôi như những giọt nước li ti, quần tụ với nhau thành một đám mây bồng bềnh. Rồi đám mây ấy rơi xuống làm mưa. Chúng tôi mỗi người một ngả, mỗi đứa một cuộc đời, nhưng như vòng tuần hoàn của nước, vẫn sẵn lòng tụ lại...

Đã có một số bạn của chúng tôi không còn trên cõi đời này. Ôm nhau rồi chia tay, nước mắt rơi vì hạnh phúc. Giản dị một điều, thật may, chúng ta còn gặp được lại nhau.

"Tối nay đi dự đêm thơ". Tôi, cậu học trò nhà quê ra phố, lần đầu nghe, mắt chữ O mồm chữ A hỏi: "Đêm thơ là chi?".

Kỳ tới: Đêm thơ - đặc sản văn khoa

'Trả lại em yêu khung trời đại học' - Kỳ 2: Cái thời đại học còn quý hiếm "Trả lại em yêu khung trời đại học" - Kỳ 2: Cái thời đại học còn quý hiếm

TTO - Đúng 35 năm trước, 1987, tôi bước vào trường thi đại học cũng vào những ngày tháng 7 nóng bức thế này. Sau một tháng thấp thỏm chờ đợi, tôi nhận được tờ giấy báo trúng tuyển vào khoa ngữ văn Đại học Tổng hợp Huế (nay là Đại học Khoa học Huế).

Từ khóa » Thanh Xuân Gặp Phải Trẻ Con