Trả Lời Câu Hỏi Gửi Chương Trình Thầy Thuốc Với Mọi Nhà Kỳ 55

fShare Tweet

TRẢ LỜI CÂU HỎI CHƯƠNG TRÌNH TTVMN KỲ 55

PHÒNG NGỪA VÀ ĐIỀU TRỊ LOÃNG XƯƠNG

Bác sĩ CKII Huỳnh Phan Phúc Linh - Phó khoa Cơ xương khớp – Bệnh viện Chợ Rẫy – thành phố Hồ Chí Minh đã trả lời các câu hỏi về chủ đề “Phòng ngừa và điều trị loãng xương cho phụ nữ” trong chương trình Thầy thuốc với mọi nhà kỳ thứ 55 để giải đáp những bài toán khó cũng như giúp chị em phụ nữ có thêm kiến thức, kinh nghiệm trong việc phòng chống loãng xương hiệu quả và tiện lợi.

Câu 1: Hằng Thị - Tôi năm nay 24 tuổi, đã lập gia đình và cũng có kế hoạch có con thứ hai trong năm nay, nhưng sức khỏe tôi rất yếu, vừa rồi có bên Anlene về đo mức độ loãng xương miễn phí, họ kết luận tôi bị loãng xương ở mức độ trung bình. Bản thân tôi dạo này lúc sáng mới ngủ dậy người rất mệt mỏi, đặc biệt là hai cánh tay mỏi kinh khủng, tôi cố cầm nắm một cái gì đó cũng không thể. Nhưng khi tỉnh dậy thì lại bình thường, tình trạng như vậy có ảnh hưởng đến việc có con của tôi không? Và tôi nên làm gì bây giờ? Xin bác sỹ tư vấn giúp ạ?

Trả lời:

Chào bạn, theo như bạn mô tả thì bạn đã bị loãng xương ở mức độ trung bình, do đó việc điều trị sớm là rất cần thiết. Mục đích của điều trị là ngăn ngừa cho tế bào xương không bị mất thêm và tránh cho xương bị gãy. Bạn nên đến khám tại các cơ sở chuyên khoa xương khớp để xác định chẩn đoán và điều trị cho đúng. Tùy theo tình trạng bệnh, bác sĩ điều trị sẽ tư vấn cho bạn về việc sinh con như thế nào là tốt nhất cho sức khỏe của bạn.

Chúc bạn luôn khỏe!

Câu 2: Huỳnh Ngọc Hân - Chào BS Huỳnh Phan Phúc Linh, được biết bệnh loãng xương là một trong những bệnh phổ biến ở phụ nữ hiện nay, vậy BS có thể trả lời giúp mình những yếu tố sau đây:

- Hậu quả của bệnh loãng xương, ở độ tuổi nào thì dể mắc phải chứng bệnh này ? - Khi bị bệnh loãng xương rồi có chữa được không ?

- Có cách gì để phòng bệnh loãng xương ?

- Làm thế nào để biết điều trị có kết quả ?

Cám ơn BS !

Trả lời:

Chào bạn!

Loãng xương là một bệnh lý rất âm thầm không có triệu chứng nhưng để lại hậu quả rất là nặng nề cho con người, cho chính người bệnh, cho gia đình và cho cả xã hội. Gãy xương khi bị những chấn thương nhẹ là hậu quả cuối cùng của bệnh loãng xương. Loãng xương là bệnh khá phổ biến hiện nay ở người cao tuổi. Điều trị có thể làm ngừng tiến triển của loãng xương nhưng không hồi phục được những tổn hại trước đó. Do đó, việc điều trị sớm là rất cần thiết. Mục đích của điều trị là ngăn ngừa cho tế bào xương không bị mất thêm và tránh cho xương bị gãy.

Vấn đề phòng ngừa loãng xương thật sự cần thiết và nguyên tắc để phòng ngừa loãng xương là mình phải biết tạo 1 khối lượng xương ưu thế nhất khi còn trẻ, giữ cho mật độ xương này bền vững và chậm loãng xương khi về già. Phòng ngừa loãng xương cần lưu ý một số việc sau đây:

1. Trong vấn đề ăn uống: cần quan tâm chế độ ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng, đều độ, cân đối và hợp lý. Cần quan tâm hơn đối với những sản phẩm có nhiều canxi như: rau xanh, tôm, cua, thịt, trứng. Các khoáng chất, các yếu tố vitamin như Vitamin A, E, C, B và vitamin K. Các khoáng chất khác như magie, đồng và man gan cũng giúp ít nhiều cho quá trình cấu trúc nên bộ xương chắc khỏe.

2. Tập thể dục thể thao: tập thể dục thể thao đều đặn mỗi ngày. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy rằng hoạt động thể dục thể thao vận động cơ bắp làm hạn chế quá trình mất xương và giúp tăng quá trình tạo xương. Chúng ta cũng cần có một chế độ hoạt động luyện tập ngoài trời nhiều hơn để tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, giúp cho cơ thể tổng hợp vitamin D. Đó là một dưỡng chất thiết yếu cho việc tạo xương và cũng cần tránh lối sống không lành mạnh như uống rượu bia, hút thuốc lá, café. Chúng ta phải giữ trọng lượng cơ thể hợp lý với thân thể để giúp khung xương không phải tải một trọng lượng quá nặng, sẽ làm suy yếu sức khỏe cho xương.

3. Trong việc sử dụng thuốc điều trị các bệnh khác: cần lưu ý hạn chế dùng kéo dài những loại thuốc có gây ra loãng xương như là thuốc có chứa corticoide.

- Để biết điều trị có kết quả bạn cần được điều trị liên tục và lâu dài. Ngoài ra, đánh giá kết quả điều trị dựa vào triệu chứng lâm sàng và sự cải thiện về tỷ lệ khoáng chất (BMD) và khối lượng bộ xương (BMC) so với trước khi điều trị. Về mặt biểu hiện lâm sàng người bệnh bớt đau nhức, tăng khả năng vận động, giảm tỷ lệ bị gãy xương và tăng tỷ lệ chất khoáng của xương. Để tầm soát tăng tỷ lệ khoáng chất của xương, người bị loãng xương cần đo khối lượng của xương bằng phương pháp hấp thụ tia X năng lượng kép, đo 2 năm/ lần. Trong trường hợp, bệnh nhân mất xương cao, dùng corticoid kéo dài đo mỗi 6 tháng đến 1 năm.

Chúc bạn luôn có khung xương chắc khỏe!

Thân ái chào bạn!

Câu 3: Ngọc Liên - Bác sĩ có thể cho em hỏi ở phụ nữ thường thì độ tuổi nào là bắt đầu có dấu hiệu loãng xương, và việc sinh con có tác động đến vấn đề bị loãng xương hay ko ạ. Nếu bị loãng xương thì có nên tập thể dục nhiều ko, và có những cách nào để phục hồi ạ? Xin cảm ơn bác sĩ.

Trả lời:

Chào bạn, Chị em phụ nữ sau tuổi 40 hoặc sau giai đoạn mãn kinh thì hầu như lượng hormone nội tiết tố đã suy giảm mạnh, làm thúc đẩy quá trình loãng xương xảy ra nhanh hơn. Đối với phụ nữ trải qua giai đoạn mang thai và sinh con. Trong thời gian này, xương của chúng ta cần huy động 1 lượng lớn canxi để giúp cho bào thai phát triển cũng như quá trình nuôi con bằng sữa mẹ. Nếu chúng ta không bù vào kịp thời thì phụ nữ nhanh chóng đi vào loãng xương hơn.

Đối với người bị loãng xương nên duy trì một chế độ luyện tập thể dục hàng ngày, mình nên lựa chọn những môn thể dục phù hợp với cơ thể của mình, phù hợp với sức khỏe, độ tuổi. Chúng ta có thể chạy bộ, có thể đi bộ. Chúng ta cũng có thể vận động tại chổ đối với người già hoặc chúng ta có thể vận động mạnh hơn bằng các môn thể thao ví dụ như cầu lông, tennis hay bơi lội chẳng hạn miễn sao chúng ta có 1 phương pháp luyện tập phù hợp với mình và có 1 điều rất quan trọng là mỗi người nên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời mỗi ngày từ 15 đến 30 phút để giúp cơ thể tổng hợp được một lượng lớn vitamin và điều đó giúp hấp thu canxi tốt hơn. Khi bị loãng xương rồi thì mình phải tiếp tục điều trị để duy trì mật độ xương ở mức độ đó và tốt nhất là được nâng lên một chút chứ đừng để mật độ xương bị giảm và hậu quả cuối cùng là gãy xương. Điều trị có thể làm ngừng tiến triển của loãng xương nhưng không hồi phục được những tổn hại trước đó. Do đó việc điều trị sớm là rất cần thiết. Mục đích của điều trị là ngăn ngừa cho tế bào xương không bị mất thêm và tránh cho xương bị gãy.

Chúc bạn khỏe!

Câu 4: Thanh Duc Ong - Chào BS ! Tôi năm nay 34 tuổi, qua các thông tin trên đài, tôi được biết ở độ tuổi này rất dễ bị loãng xương. Hiện tại sức khỏe tôi vẫn bình thường, nhưng để phòng ngừa.Tôi có nghe nói là mình chỉ cần ăn uống đều độ, bổ sung các dưỡng chất như canxi, tập thể dục hàng ngày.Tôi đang phân vân là nên áp dụng phương pháp nào là hợp lý nhất.Xin BS tư vấn cho tôi nên chọn phương pháp nào là thích hợp nhất ở độ của tôi ?

Trả lời:

Chào bạn, ở độ tuổi của bạn, có thể áp dụng chế độ làm việc, sinh hoạt như tuổi 30 để chống loãng xương. Có thể dùng các sản phẩm của sữa và thực phẩm giàu canxi khác, có thể tập thể dục cường độ cao. Tiếp tục ăn uống đảm bảo dinh dưỡng, bổ sung canxi-magiê-vitamin D và tích cực tập thể dục và cũng cần chú ý tránh lối sống không lành mạnh như uống rượu bia, hút thuốc lá, café, nên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời mỗi ngày từ 15 đến 30 phút để giúp cơ thể tổng hợp được một lượng lớn vitamin và điều đó giúp hấp thu canxi tốt hơn.

Chúc bạn khỏe!

Câu 5: Tuyet Nguyen – Chào bác sĩ. Mẹ em năm nay 55 tuổi, mẹ thường hay bị mỏi gối và sưng 2 bên cổ chân, mắt cá chân, nhưng không đau. Vậy mẹ có bị làm sao không?

Trả lời:

Chào bạn, đau mỏi gối là hiện tượng thường gặp trong đời sống hàng ngày. Bệnh gây nhức mỏi, khó chịu, hạn chế vận động của người bệnh và có nhiều nguyên nhân gây bệnh như thoái hóa khớp gối, tổn thương dây chằng, viêm khớp dạng thấp, viêm gân bánh chè cũng là một trong những nguyên nhân gây đau mỏi hai đầu gối. Khi bị đau mỏi hai đầu gối, mẹ bạn nên đến các chuyên khoa cơ xương khớp để tìm nguyên nhân gây bệnh, từ đó bác sĩ sẽ tư vấn cách điều trị phù hợp.

Chúc mẹ ban luôn khỏe!

Câu 6: Vương Chiêu Quân - chào bác sĩ, mẹ em năm nay 65 tuổi, chân bị nhức và gần như mỗi lần bước đi như rút chân lại và không đi nổi, đi khám bệnh bác sĩ có cho thuốc, được vài bữa lại tái phát, có cách nào để khắc phục tình trạng trên không ạ?

Trả lời:

Chào bạn, tê nhức chân là tình trạng rất thường gặp ở người cao tuổi, nhất là khi thời tiết thay đổi mà nguyên nhân chính là do các bệnh về xương khớp và các bệnh mạn tính.Việc dùng thuốc để điều trị chứng tê nhức chân là cần thiết nhưng việc tự ý dùng thuốc giảm đau để điều trị chứng tê nhức chân là việc làm hết sức cần tránh, nhất là người cao tuổi vì những tác dụng phụ của nó. Do đó, mẹ bạn cần phải đến gặp bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp ở tuyến cao hơn để được hướng dẫn và chỉ định dùng thuốc như thế nào, thời gian điều trị ra sao, có thể gặp những tác dụng phụ nào,...để phù hợp nhất với tình trạng bệnh của mẹ bạn. Bên cạnh đó, người bệnh còn phải kết hợp thêm với vật lý trị liệu, châm cứu để cải thiện tình trạng đau nhức.

Chúc mẹ bạn chóng khỏe!

Câu 7: Ngoc Tong - Chào BS! Ngoại con 75 tuổi, dạo này ngoại đi khó khăn, đi vài bước là đau chân, mỏi gối đi khong nổi, khong biết ngoại con có bị loãng xương không, cám ơn BS.

Trả lời:

Chào bạn, đau mỏi khớp ở một số vị trí khớp như gối, cột sống cổ, cột sống thắt lưng hay đau mỏi các xương dài như xương đùi, cẳng chân, cánh tay, cẳng tay là triệu chứng hay gặp. Thông thường bệnh nhân than phiền có những triệu chứng nhức mỏi, buồn bực, tê nhức ở những vị trí kể trên nhưng khi khám thì đau có vẻ mơ hồ, không xác định rõ ràng điểm đau, không có các triệu chứng thực thể như sưng, nóng, đỏ... đi kèm. Chứng bệnh này hay gặp ở phụ nữ hơn ở nam giới, phụ nữ sau sinh đẻ, đang cho con bú, người già, người mới ốm dậy, những người làm việc văn phòng ít vận động hoặc sau vận động nhiều hơn lượng vận động bình thường hàng ngày trước đó. Triệu chứng đau mỏi này có thể liên quan tới nhiều yếu tố như thay đổi nội tiết, thay đổi thời tiết, bệnh loãng xương, thiếu một số chất cần thiết như canxi, vitamin nhóm B... Tuy nhiên một số ít người có thể ban đầu khởi phát đau mỏi, buồn bực khó chịu, về sau các triệu chứng rõ ràng hơn thành một số bệnh xương khớp thật sự như thoái hóa, loãng xương, viêm xương, viêm khớp hay u xương... .Trong trường hợp này, bạn nên đưa ngoại đến khám tại các cơ sở chuyên khoa xương khớp để xác định chẩn đoán và điều trị cho đúng. Chúc ngoại bạn chóng khỏi!

Câu 8: Phạm Chí Linh - Ấp Vĩnh Lợi, TT. Vĩnh Thạnh, H.Lấp Vò, Tỉnh Đồng Tháp (0939320712) Mẹ tôi 62 tuổi, bị loãng xương:

Ngoài uống sữa và tập thể dục, có nên tập yoga không?

Nên ăn uống như thế nào?

Nếu chuẩn bị loãng xương, nên phòng ngừa như thế nào?

Với người bị loãng xương có nên uống sữa nhiều không?

Có phải sinh con nhiều gây nên loãng xương

Trả lời:

Chào bạn, bị loãng xương thì vẫn có thể tập yoga nhưng nên chú ý một số động tác như trồng cây chuối, tư thế lộn ngược,.. những động tác có ảnh hưởng đến xương khớp thì không nên tập. Người bị loãng xương, trong vấn đề ăn uống cần quan tâm chế độ ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng, đều độ, cân đối và hợp lý. Cần quan tâm chăm sóc hơn đối với những sản phẩm có nhiều canxi như: rau xanh, tôm, cua, thịt trứng. Các khoáng chất, các yếu tố vitamin như Vitamin A, E, C, B và vitamin K. Các khoáng chất khác như magie, đồng và man gan cũng giúp ít nhiều cho quá trình cấu trúc nên bộ xương chắc khỏe.

Để phòng ngừa loãng xương ngoài việc quan tâm đến chế độ ăn uống như đã nêu chúng ta cần tập thể dục thể thao đều đặn mỗi ngày. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy rằng hoạt động thể dục thể thao vận động cơ bắp làm hạn chế quá trình mất xương và giúp tăng quá trình tạo xương. Chúng ta cũng cần có một chế độ hoạt động luyện tập ngoài trời nhiều hơn để tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, giúp cho cơ thể tổng hợp vitamin D. Đó là một dưỡng chất thiết yếu cho việc tạo xương và cũng cần chú ý tránh lối sống không lành mạnh như uống rượu bia, hút thuốc lá, café. Chúng ta phải giữ trọng lượng cơ thể hợp lý với thân thể để giúp khung xương không phải tải một trọng lượng quá nặng, sẽ làm suy yếu sức khỏe cho xương. Bên cạnh đó, cần lưu ý đến việc sử dụng thuốc kéo dài những loại thuốc có gây ra loãng xương như là thuốc có chứa corticoide.

Đối với người bị loãng xương cần nhu cầu canxi hàng ngày từ 1.000 đến 1.500mg canxi mỗi ngày. Nên ngoài việc cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng từ thức ăn cần bổ sung thêm canxi để đảm bảo nhu cầu còn thiếu của cơ thể. Người ta ghi nhận rằng, 1 khẩu phần ăn đây đủ của một người tối đa cung cấp khoảng 500 mg canxi. So với nhu cầu thì còn thiếu khoảng 1.000 mg do đó cần bổ sung thêm 1.000mg nữa mới đủ nhu cầu. Tuy nhiên, đối với người bị loãng xương chúng ta nên uống sữa có hàm lượng canxi cao để đáp ứng nhu cầu cho xương.

Phụ nữ trải qua giai đoạn mang thai, sinh con. Trong thời gian này, xương của chúng ta cần huy động 1 lượng lớn canxi để giúp cho bào thai phát triển cũng như quá trình nuôi con bằng sữa mẹ. Riêng đối với phụ nữ sinh nhiều con, nếu chúng ta không bù vào kịp thời thì phụ nữ nhanh chóng đi vào loãng xương hơn.

Chúc bạn khỏe!

Câu 8: Trần Văn Sơn – An Khánh, Q.Ninh Kiều, Tp.Cần Thơ (01293164442) Tôi năm nay 55 tuổi có nguy cơ bị loãng xương. Tôi có uống thuốc canxi, tôi muốn hỏi là uống trong bao lâu để điều trị.

Trả lời:

Chào Anh, năm nay Anh 55 tuổi đã có nguy cơ bị loãng xương. Anh nên bổ sung thêm lượng canxi mỗi ngày, kể cả trong khẩu phần ăn và trong viên thuốc bổ sung. Nên bổ sung canxi cho đủ từ 1.000 mg đến 1.500 mg mỗi ngày để phòng ngừa loãng xương. Vai trò của canxi khi điều trị loãng xương, anh cần lưu ý rằng loãng xương phải được điều trị trong thời gian dài nhiều năm. Tùy theo dạng loãng xương bác sĩ sẽ hướng dẫn cho bạn cách điều trị riêng theo từng loại. Anh không nên tự ý dùng các loại thuốc điều trị loãng xương khi chưa có hướng dẫn của y bác sĩ, dược sĩ.

Chúc Anh luôn có khung xương chắc khỏe!

Câu 9: Phan Thanh Hải – Quận 3, TPHCM (0913576720) Tôi bị gãy xương đòn gánh, không bắt vít. Nếu để như vậy có ảnh hưởng sức khỏe không?

Trả lời:

Chào bạn, xương đòn là xương nằm sát dưới da ở vùng vai, có vai trò như chiếc đòn gánh nâng đỡ trọng lượng của toàn bộ cánh tay. Trong trường hợp điều trị không phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được cho mang đai vải (còn gọi là đai số 8) chuyên dùng cho gãy xương đòn. Thời gian mang đai khoảng 2-3 tháng, trong thời gian này bệnh nhân cần được hướng dẫn tập vận động khớp vai tránh cứng khớp và không gây đau. Khi điều trị không phẫu thuật thì tỉ lệ lành xương sau gãy xương đòn cũng rất cao 93-99% và bạn cần lưu ý là nên đến tái khám ở các cơ sở y tế để bác sĩ theo dõi sự lành xương và hướng dẫn tập vật lí trị liệu.

Chúc bạn khỏe!

Câu 10: Vinh Xuân Viết – KV Phú Quế, Thường Thạnh, Cái Răng, Cần Thơ (0907480575) Tôi bị vộp bẻ giống như bị thiếu canxi, nhưng đi đo vẫn đủ. Tôi muốn hỏi là có phải bị loãng xương không hay triệu chứng gì? Xin hỏi cách điều trị

Trả lời:

Chào bạn, vọp bẻ còn gọi là chuột rút. Vọp bẻ là một triệu chứng của nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên. Trước hết, đối với người bị vọp bẻ cần đi khám để bác sĩ tìm ra nguyên nhân gây vọp bẻ, trên cơ sở đó sẽ có chỉ định điều trị một cách thích hợp nhằm ngăn ngừa không cho hiện tượng vọp bẻ xảy ra. Tùy theo từng nguyên nhân mà bác sĩ sẽ có những chỉ định, thích hợp cho từng trường hợp cụ thể. Ngoài ra, bạn không có để tuổi nên không biết bạn có nằm trong nhóm nguy cơ hay chựa. Vì vậy, việc xác định có loãng xương hay không thì bạn nên đến cơ sở có máy đo mật độ xương để tầm soát biết mình có bị loãng xương hay không. Chúc bạn luôn khỏe!

Câu 11: Phạm Văn Phong - Ấp Vĩnh Thuận, Xã Vĩnh Tường, H.Vị Thủy, Tỉnh Hậu Giang (01693240501) Vợ tôi 45 tuổi, bị thoái hóa cột sống cổ, xin hỏi như vậy vợ tôi có bị loãng xương hay không? Nếu vậy thì cách chăm sóc, ăn uống và điều trị như thế nào

Trả lời:

Chào bạn, thoái hóa đốt sống cổ là căn bệnh chịu ảnh hưởng nhiều của yếu tố nghề nghiệp gây nên, cho nên sau mỗi ngày làm việc cần được xoa bóp, chăm sóc trực tiếp đến vùng này, không nên quá gắng sức trong công việc. Cần phân phối hợp lý giữa thời gian lao động và nghỉ ngơi, hạn chế mức tối đa những tác động không tốt đến các đốt sống cổ. Thoái hóa đốt sống cổ gây ra nhiều khó khăn trong sinh hoạt và lao động cho người bệnh. Vợ bạn nên có chế độ ăn giàu canxi (tôm, cua, ốc, bổ sung thêm viên uống có can xi…) để tránh loãng xương, tránh thoái hóa khớp và nên ăn nhiều rau, trái cây để bồi phụ các loại vi chất cần thiết, trong đó có các vitamin nhóm B. Và cần lưu ý không nên có động tác vặn bẻ cổ đột ngột khi thấy mỏi, bởi tất cả các động tác này sẽ làm tăng thoái hóa đốt sống cổ. Không nên đội nặng trên đầu. Không nên ngồi cúi gấp cổ quá lâu (xem tivi, đọc sách, báo); ngồi tàu xe đường dài cần có bản tựa đầu và tựa lưng. Cần luyện tập thể dục nhẹ nhàng và xoa bóp theo chỉ dẫn của bác sĩ. Khi thấy đau đầu, cổ, gáy lan xuống cánh tay, liệt yếu tứ chi, không nên đi bấm nắn vặn vẹo thô bạo dễ gây ra những tổn thương nghiêm trọng mạch, dây thần kinh vùng cổ, và cần đi đến các chuyên khoa thần kinh để xác định bệnh chính xác để điều trị.

Chúc bạn luôn khỏe!

Câu 12: Nguyễn Thị Liễu – KV Phú Quế, P. Thường Thạnh, Q. Cái Răng, Tp.Cần Thơ (0974893732) Tôi 53 tuổi hay bị nhức chân và tôi uống omega 3 369 thường xuyên được không? Tôi uống sữa đậu nành hàng ngày có tốt hay không?

Trả lời:

Chào chị, omega – 3, omega – 6, omega – 9 là những dưỡng chất rất cần thiết đối với sức khỏe cơ thể trong việc giảm các bệnh về hô hấp, chữa bệnh tăng huyết áp, béo phì, bảo vệ tim mạch, ngăn ngừa các bệnh ung thư, làm đẹp da,…Trong trường hợp chị hay bị đau nhức thì tốt hơn hết chị nên đến khám tại các cơ sở chuyên khoa xương khớp để xác định, chẩn đoán, điều trị cho đúng và phù hợp với tình trạng bệnh của bạn. Tùy theo tình trạng bệnh mà bác sĩ chỉ định dùng thuốc như thế nào là hợp lý. Do đó, bạn nên tham khảo thêm ý kiến bác sĩ điều trị về việc sử dụng thuốc omega – 3, omega – 6, omega – 9 cũng như việc uống sữa đậu nành hàng ngày.

Chúc bạn luôn khỏe!

Câu 13: Huỳnh Thị Chai – Rạch Đông, Quới Thiện, H.Vũng Liêm, Tỉnh Vĩnh Long (01226421576) Tôi 60 tuổi bị thoái cột sống 10 năm nay, mới đây tôi bị té và gãy xương sườn. Xin hỏi có cách nào điều trị không?

Trả lời:

Chào bạn, thoái hóa cột sống là căn bệnh rất phổ biến, gặp nhiều ở những người trên 35 tuổi nhưng nhiều nhất là người cao tuổi. Điều trị thoái hóa cột sống không dễ nhưng cũng không quá khó nếu xác định được mức độ bệnh và lựa chọn phương pháp chữa trị hợp lý. Bạn nên đến khám tại các cơ sở chuyên khoa xương khớp để xác định chẩn đoán và điều trị cho đúng. Tùy theo tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ tư vấn và dùng thuốc điều trị phù hợp.

Chúc bạn chóng khỏe!

Câu 14: Lê Hồng Nhiên – Trà Sơn, Hựu Thành, Trà Ôn, Vĩnh Long (01695053959) Tôi thường bị hạ canxi, đã xét nghiệm không bị tuyến giáp. Tôi từng bị sỏi túi mật và phẫu thuật rồi. Thường xuyên bị tê lạnh tay chân. Hỏi tôi có bị loãng xương không? Chữa trị ra sao?

Trả lời

Chào bạn, hạ canxi máu có nhiều nguyên nhân gây ra, do đó cần xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh để có phương pháp điều trị phù hợp. Như bạn mô tả thì không nói rỏ là năm nay bạn bao nhiêu tuổi, nên không biết bạn có rơi vào độ tuổi có nguy cơ loãng xương hay không. Bạn nên đến cơ sở nào có máy đo loãng xương, tầm soát xương để xem có loãng xương hay chưa để được bác sĩ tư vấn và dùng thuốc điều trị kịp thời, phù hợp với tình trạng bệnh. Ngoài ra, để phòng bệnh, bạn nên lựa chọn thức ăn giàu canxi như tôm, cua, cá, sữa, phomát… và tăng cường tập thể dục ngoài trời (tăng tổng hợp vitamin D làm tăng hấp thu canxi ở ruột)… là những biện pháp phòng bệnh hiệu quả. Điều trị có thể làm ngừng tiến triển của loãng xương nhưng không hồi phục được những tổn hại trước đó. Do đó, việc điều trị sớm là rất cần thiết. Mục đích của điều trị là ngăn ngừa cho tế bào xương không bị mất thêm và tránh cho xương bị gãy.

Chúc bạn luôn khỏe!

Câu 15: Bùi Thị Thu - Ấp Hòa Lợi B, Xã Hòa Lợi, H.Giồng Riềng, Tỉnh Kiên Giang (01204858041) Tôi 58 tuổi bị loãng xương xin hỏi: uống sữa canxi 1 ngày 2 cử có nhiều không? Hiện tại toa thuốc tôi uống bị giữ nước, mặt và tay chân sưng phù.

Trả lời:

Chào chị, chị uống sữa nên theo hướng dẫn của nhà sản xuất, tùy theo hàm lượng vitamin và khoáng chất có trong sữa mà nhà sản xuất khuyên dùng khác nhau. Ở độ tuổi của chị nên bổ sung canxi từ 1.000 đến 1.500 mg canxi mỗi ngày, kể cả trong khẩu phần ăn uống và trong thuốc uống bổ sung. Hiện tại, toa thuốc chị uống bị giữ nước, mặt và tay chân sưng phù. Chị nên đến tái khám tại cơ sở điều trị và báo rỏ tình trạng bệnh cho bác sĩ điều trị biết để bác sĩ điều chỉnh thuốc phù hợp với tình trạng bệnh và chị cần lưu ý khi uống thuốc có gì bất thường thì nên báo cho bác sĩ điều trị biết ngay để thay đổi thuốc cho phù hợp.

Chúc chị luôn khỏe!

Câu 16: Trần Văn Sơn – Thôn Cẩm Song, TT. Tiên Cẩm, H.Tiên Phước, Tỉnh Quảng Nam (01663648034) Tôi 45 tuổi chân bị sụp cơ, đau, bị bầm tím. Hỏi tôi bị gì, chữa trị ra sao?

Trả lời:

Chào anh, như anh mô tả thì chưa biết rỏ là trước đó anh có bị té ngã gây chấn thương hay không. Nên trong trường hợp này, anh nên đến khám tại các cơ sở chuyên khoa xương khớp để xác định chẩn đoán và điều trị cho đúng.

Chúc anh luôn khỏe!

Câu 17: Lê Thị Cúc - Ấp Bình An, Xã Tân Hưng Phước, H.Chợ Gạo, Tỉnh Tiền Giang (0733656511) Tôi 60 tuổi bị thoát vị đĩa đệm nhưng không bị loãng xương và bị thoái hóa xương sống. Tôi xin hỏi là có thể uống sữa đậu nành không?

Trả lời:

Chào chị, bệnh thoát vị đĩa đệm là bệnh thường hay gặp ở độ tuổi từ 20 – 65 tuổi. Bệnh nhân có vấn đề về cơ xương khớp, thoát vị đĩa đệm cần tránh những chất kích thích làm bệnh tiến triển xấu đi như rượu bia, thuốc lá, cafe, ma túy. Không ăn măng, cà pháo, chuối tiêu, gia vị cay nóng (tiêu, ớt), nhộng tằm, da gà, cá mè. Sữa đậu nành là thức uống rất bổ dưỡng cho sức khoẻ. Theo y học cổ truyền đậu nành có tính thiên hàn, hoạt lợi vì vậy những người tỳ vị hư hàn, sau ăn hay đầy bụng, chướng hơi, ợ hơi, ợ chua, dễ bị đi ngoài, người có triệu chứng thận hư, di tinh, tiểu đêm nhiều,…đều không hợp dùng, dễ làm cho các triệu chứng trên nặng lên. Ngoài ra, chị không nên uống sữa đậu nành lúc đói, hay sữa đậu nành để trong bình giữ nhiệt, … và những người có bệnh lý như viêm loát dạ dày, viêm thận, ung thư vú, sỏi thận, gout,… thì không nên uống sữa đậu nành. Trong trường hợp của chị, ngoài bệnh thoát vị đĩa đệm không biết chị còn có thêm 1 bệnh lý nào khác nữa hay không nên tốt nhất chị nên tham khảo ý kiến bác sĩ đang điều trị bệnh cho chị có được uống sữa đậu nành hay không.

Chúc chị luôn khỏe!

Câu 18: Nguyễn Hồng Hương – An Phú, Ninh Kiều, Cần Thơ (0982300861) Tôi bị thiếu canxi và bị sỏi thận. Hỏi cách ăn uống, sinh hoạt như thế nào để có đầy đủ dinh dưỡng?

Trả lời:

Chào chị, khi bị song song hai bệnh thiếu canxi và sỏi thận thì chế độ ăn cung cấp thêm canxi vẫn được khuyên dùng, tốt nhất là cung cấp canxi qua đường dinh dưỡng như lựa chọn những thức ăn giàu canxi như tôm, cua, cá, sữa, phomát… và tăng cường tập thể dục ngoài trời (tăng tổng hợp vitamin D làm tăng hấp thu canxi ở ruột). Nếu vẫn bù chưa đủ hàm lượng khoảng từ 1.000 đến 1.500mg canxi/ ngày thì vẫn có thể uống canxi để bổ sung. Thực sự, cung cấp canxi theo liều lượng khuyến cáo thì không có gây sỏi thận thêm. Ngược lại, giúp bổ sung cho xương chắc hơn.

Chúc Chị luôn khỏe!

Câu 19: Võ Thị Thu Thủy – F58 Cư xá Phú Lâm B, P.13, Q.6, TPHCM (0918713229) Cháu tôi 6 tuổi hay bị mỏi khớp chân về đêm, không biết bé bị bệnh gì? Chữa trị ra sao?

Trả lời:

Chào chị, chị chỉ mô tả cháu hay bị mỏi khớp chân về ban đêm mà không nói kèm theo các triệu chứng khác, nên chúng tôi cũng rất khó tư vấn cho bạn. Mỏi khớp chân về ban đêm có thể do nhiều nguyên nhân. Do tình trạng thiếu can xi biểu hiện đau cơ, đau xương kèm theo mệt mỏi, buồn nôn, móng tay và móng chân dễ gãy,… hoặc do suy tĩnh mạch, …Vì vậy, chị cần đưa cháu đến cơ sở y tế có uy tín để các bác sĩ khám và làm một số xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán được chính xác và có phương pháp điều trị thích hợp.

Chúc chị luôn vui, khỏe!

Câu 20: Nguyễn Thanh Tâm – P.Mỹ Thạnh, Tp.Long Xuyên, Tỉnh An Giang (0939969594) Bé 2 tháng tuổi bị thiếu canxi, thường xuyên bị mất ngủ, ọc sữa và chiều hay khóc. Xin hỏi cách khắc phục tình trạng này.

Trả lời:

Chào bạn, theo như bạn mô tả thì có thể cháu đã bị thiếu canxi. Tùy theo mức độ thiếu mà có phương pháp khắc phục khác nhau. Tuy nhiên, bạn cũng nên cho bé tắm nắng hàng ngày (trước 8h sáng) để bé tăng cường hấp thụ canxi thông qua quá trình tổng hợp vitamin D. Và chế độ ăn của người mẹ đang cho con bú, cần tăng cường các chất giàu canxi như cá, tôm, cua, thịt, trứng, sữa (chú ý nếu bé bị dị ứng)... Nhiều trường hợp thiếu canxi nhẹ, bác sĩ có thể cho bé uống canxi, kết hợp với vitamin D hàng ngày cho đến khi nào lượng canxi trong cơ thể bé ở mức cân bằng. Do đó, bạn nên đưa bé đến bác sĩ khám để được hướng dẫn cụ thể, phù hợp với tình trạng của bé!

Chúc bé khỏe, chóng lớn!

Câu 21: Lâm Thị Tố Uyên - Ấp Kiết Nhứt B, Lâm Tân, H.Thạnh Trị, Tỉnh Sóc Trăng (01667254025) Tôi 28 tuổi bị thiếu canxi, khó thở, tê người vào mỗi tối, tôi uống canxi sủi mỗi ngày nhưng không khỏi. Xin hỏi:

-Cách điều trị và ăn uống để cải thiện sức khỏe tốt hơn

-Hướng dẫn thêm những thực phẩm giàu canxi

-Tôi uống viên canxi sủi thì có ảnh hưởng về lâu dài không?

-Bệnh này về sau có biến chứng gì khác?

Trả lời:

Chào ban, thiếu canxi huyết sẽ gây hội chứng hạ canxi huyết, có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Để đề phòng thiếu, giảm canxi, cần có chế độ ăn uống hợp lý. Nên bổ sung các loại thức ăn giàu canxi như tôm, cua, sụn xương, các loại đậu, hoa cải xanh, bắp cải, hạt hạnh nhân, sữa, phomat. Không nên ở thường xuyên trong nhà, cần ra sưởi nắng ngày một vài lần, mỗi lần khoảng 10 - 15 phút (trước 8h sáng) để tăng cường hấp thụ canxi thông qua quá trình tổng hợp vitamin D. Khi nghi ngờ thiếu canxi, cần đi khám bệnh để được điều trị và tư vấn của bác sĩ, không nên tự mua thuốc để điều trị đề phòng việc bổ sung canxi trong một thời gian dài gây thừa canxi sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe (sỏi thận, thoái hóa khớp, gai xương, hội chứng canxi máu cao hoặc giảm sự hấp thu các vi chất khác như sắt, kẽm, magiê và phospho). Do đó, tốt nhất bạn nên đến khám tại các cơ sở chuyên khoa xương khớp để xác định chẩn đoán và điều trị cho đúng. Tùy theo tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ tư vấn và dùng thuốc điều trị phù hợp!

Chúc bạn luôn khỏe!

Tin mới

  • Trả lời câu hỏi chương trình Thầy Thuốc Với Mọi Nhà kỳ 56: Phòng Ngừa và Điều trị Đột Quỵ - 07/12/2015 09:29

Các tin khác

  • DHG Pharma: Trả lời câu hỏi chương trình Thầy Thuốc Với Mọi Nhà kỳ 53 - 08/09/2015 00:58
  • Trả lời câu hỏi chương trình TTVMN Kỳ 52 - "Tăng sức đề kháng cho trẻ trong mùa Hè" - 03/08/2015 01:56
  • Thời tiết 32 độ C và hiểm họa tai biến - 13/06/2015 02:42
  • Gia tăng thêm nhiều bệnh nhân bị bệnh sởi - rubella - 28/01/2015 02:06
  • 10 phát minh y học mang tính “điểm nhấn”2014 - 31/12/2014 02:53

Từ khóa » Các Câu Hỏi Trắc Nghiệm Về Loãng Xương