Trả Lời Một Số Câu Hỏi Xung Quanh Việc Bệnh Hại Trên Cây Dừa Xiêm

Trả lời một số câu hỏi xung quanh việc bệnh hại trên cây dừa xiêm

Ngày đăng: 17-11-2017 | Chuyên mục: Câu hỏi - Giải đáp | Tác giả: Nguyễn Thị Nguyệt - Cộng tác viên Sở KH&CN

Câu hỏi: Hiện tôi có một số câu hỏi xung quanh việc bệnh hại trên cây dừa xiêm kính mong được sự giúp đỡ của các anh chị. Vườn dừa xiêm tôi trồng được 4 năm, đã cho thu hoạch được gần một năm nay, tuy nhiên có một số cây có biểu hiện bệnh lạ mong được các anh chị giải đáp:

1. Cây bị nứt trái và rụng rất nhiều, cả vườn bị hai cây rất nặng, trái đậu rất nhiều và to nhưng sau đó bị nứt ra chảy nước và rụng.

2. Để phòng tránh kiến vương cắn phá hại và dẫn đến đuông đục, tôi định kỳ 15-20 ngày phun thuốc để phòng trừ, tuy nhiên việc này cũng gây chết ong thụ phấn cho hoa dừa, xin hỏi cây dừa thụ phấn có phụ thuộc côn trùng như ong bướm hay không, việc phun thuốc như vậy làm chết ong thụ phấn có ảnh hưởng đến hiệu suất đậu trái của cây không?

Nguyễn Hữu Cường nhc1990@gmail.com Trả lời: Chào bạn Cường!

* Hiện tượng nứt, rụng trái non là hiện tượng thường gặp trên dừa. - Trái non khoảng 2-3 tháng tuổi bị rụng, tỷ lệ rụng 30-50% số hoa cái có trên bông mo. - Các cây mới bắt đầu cho trái thường bị rụng trái non rất nhiều, trái thường bị rụng ở phần tiếp giáp lá bao với đầu trái, có trường hợp bị nứt ở gần mầu hoặc đít trái. - Màu sắc cuống trái từ màu xanh đậm chuyển sang màu đen rồi lan dần vào trong trái, cuối cùng làm hư cơm dừa và rụng. Có nhiều nguyên nhân đưa đến trường hợp nứt, rụng trái, tùy theo từng trường hợp mà có biện pháp xử lý thích hợp - Nếu trái rụng trong suốt mùa khô hay sau một vài cơn mưa đầu mùa do đất bị thiếu nước. Những vùng đất bị nhiễm phèn, nhiễm mặn trong mùa khô làm bốc phèn, mặn ảnh hưởng đến bộ rể. - Nếu trái rụng vào lúc mưa dầm kéo dài nhiều ngày kèm theo có hiện tượng nứt đít trái, do đất thoát nước chưa tốt làm rễ bị ngập. - Đất thiếu dinh dưỡng nhất là Kali hoặc bón quá nhiều phân đạm cũng làm trái bị rụng. - Do nấm Fusarium sp. tấn công (nếu do nấm tấn công bạn sẽ thấy ngay vết nứt, lớp xơ bị những vết nâu vàng). - Rụng do yếu tố di truyền.

* Vì bạn không nói rõ vườn có thường xuyên ngập hay không, bón phân như thế nào, nên tôi nêu một số nguyên nhân trên. Theo tôi nhận thấy, trường hợp vườn dừa của bạn bị nứt, rụng trái non nhiều là do cây mới bắt đầu cho trái, đây là hiện tượng sinh lý do quá trình ra hoa kết trái của cây dừa mới bắt đầu cần có thời gian 3-4 năm để ổn định đặc tính ra hoa kết trái. Hiện tượng này sẽ khắc phục sau vài năm cho trái. Bạn chỉ cần dinh dưỡng đầy đủ, nhất là đừng để vườn thường xuyên ngập úng. Ngoài ra, tăng cường bón thêm Kali và Lân hoặc phân hữu cơ, hạn chế bón nhiều đạm (vì bón nhiều đạm cũng làm rụng trái). Vì dừa là cây sinh trưởng liên tục, lúc nào cũng mang hoa, mang trái, vì thế nên chia nhỏ lượng phân bón nhiều lần trong năm sẽ tốt hơn bón tập trung. Sau vài năm, cây sẽ giảm dần rụng trái. Nếu bạn quan sát, ngay vết nứt của trái vừa rụng xuống, trong xơ có những đốm nâu vàng thì bạn có thể sử dụng thuốc gốc Đồng để phun. * Nhóm giống dừa lùn như dừa xiêm (xanh, đỏ, lục, núm); dừa ẻo (xanh, vàng); dừa Tam Quan; dừa Mã Lai, dừa dứa. Nhóm dừa này tự thụ phấn nên không phụ thuộc vào côn trùng như ong bướm. Tuy nhiên, bạn không nên lạm dụng thuốc hóa học, nhất là thuốc trừ sâu vì khi phun trên cây dừa rất dễ bị ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến sức khỏe người phun, chưa kể đến dư lượng thuốc bảo vệ thực vật để lại trong trái, ảnh hưởng đến người uống nước dừa. Để phòng trừ kiến vương bạn nên vệ sinh vườn, dọn dẹp những đống rác mục, những gốc dừa mục vì đây là nơi kiến vương đẻ trứng và ấu trùng sống trong đó. Bạn có thể sử dụng chế phẩm nấm xanh để phòng trừ kiến vương. Chúc bạn thành công.

Từ khóa » Dừa Bị Xanh