Trà Thái Hưng: Thương Hiệu Việt

Bỏ giám đốc về làm nông dân

Tốt nghiệp 2 trường đại học danh tiếng của Thành phố Hồ Chí Minh, thay vì cầm bút với những công việc nhàn hạ, anh Lê Ngọc Huê, sinh năm 1985 lại bỏ thành phố phồn hoa về quê tại xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Phụ để cầm cuốc, bắt đầu cuộc sống của một nông dân. Trước khi về quê làm nông dân, anh có một sự nghiệp đáng mơ ước với rất nhiều người trẻ. Kể về quãng thời gian phấn đấu của mình anh Huê cho biết, sau khi tốt nghiệp THPT anh tham gia nghĩa vụ quân sự. Sau 4 năm học tập, phấn đấu trong quân ngũ trở thành sĩ quan với quân hàm thiếu úy nhưng vì muốn tiếp tục con đường học hành nên anh xin ra quân. Năm 2007, anh xuất ngũ và đăng ký thi đại học. Năm đó, anh đỗ Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) nhưng vì thích ngành kinh doanh, anh lại thi và đỗ Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh. Trong thời gian đi học, anh đã bắt đầu lập nghiệp với việc cùng một người bạn hùn vốn, thành lập công ty chuyên về xây dựng, cơ khí. Là giám đốc của một công ty đang phát đạt, nhưng cuối năm 2011, sau chuyến về thăm quê anh quyết định giao lại công ty cho bạn quản lý rồi về quê với quyết tâm làm giàu từ cây dược liệu. “Khi tôi quyết định về quê làm nông dân, gia đình đã rất sốc và phản đối kịch liệt vì mọi người ai cũng nghĩ tôi đang có một sự nghiệp vững chắc và một tương lai tươi sáng, lại từ bỏ” - anh Huê bộc bạch. Nhưng sức trẻ, lòng đam mê thử thách không ngại khó, ngại khổ của chàng trai trẻ đã thuyết phục được gia đình cùng vào cuộc. Gom góp vốn liếng, năm 2012, Lê Ngọc Huê bắt tay vào thực hiện ý tưởng của mình, anh huy động vốn đầu tư từ gia đình, người thân, bạn bè. Đồng thời, vận động những người dân trong xã cho thuê lại diện tích đất nông nghiệp tại bãi đê ven sông Luộc với trên 7ha theo phương án trả tiền thuê hàng năm với giá 1 triệu đồng/sào/năm và nhận họ làm công nhân. Thời gian đầu anh chỉ trồng các loại cây dược liệu như đinh lăng, bông mã đề, cỏ ngọt, chùm ngây, cà gai leo... cho ra thành phẩm bán lại cho các công ty. Mày mò, thất bại rồi lại tiếp tục, đam mê và theo đuổi, cuối cùng anh cũng thành công trong việc tìm cách sản xuất trà dược liệu dạng túi lọc từ chính các nguyên liệu trồng ra. Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại xuất nhập khẩu Thái Hưng ra đời từ đó và do chính anh Lê Ngọc Huê làm Tổng giám đốc.

Tỷ phú từ cây dược liệu

Cuối năm 2013, Công ty bắt đầu xây dựng nhà máy sản xuất trà với quy mô 120 - 150 tấn dược liệu khô/năm và mở rộng vùng nguyên liệu sản xuất. Đây được coi là một trong những nhà máy sản xuất trà dược liệu lớn nhất miền Bắc. Từ đây tên gọi trà thảo dược mới được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn. Ngoài ra, với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, trên hầu hết diện tích đất, Thái Hưng đều trồng chuối xen kẽ các luống thảo dược. Cây chuối lớn nhanh vừa tạo bóng mát cho thảo dược, vừa nhanh chóng ra buồng với năng suất hàng trăm tấn mỗi năm, đem lại nguồn thu tương đối ổn định để Thái Hưng trang trải tiền thuê đất, cây giống, nhân công... Trong quá trình triển khai, Thái Hưng may mắn được chọn thí điểm thực hiện dự án cấp nhà nước “Ứng dụng khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất giống và dược liệu đinh lăng, cà gai leo tại tỉnh Thái Bình” của Bộ Khoa học và Công nghệ. Đồng thời, Công ty cũng được chọn triển khai đề tài nghiên cứu cây chùm ngây và cây hoàn ngọc của Sở Khoa học và Công nghệ Thái Bình. Đây là cơ hội để Thái Hưng có được sự định hướng và giúp đỡ của các nhà khoa học đầu ngành, các kỹ sư, dược sĩ từ khâu nhân giống, mở rộng vùng nguyên liệu đến sơ chế và sản xuất. Để có đủ nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất, Công ty đã liên kết mở rộng vùng trồng cây dược liệu tại một số tỉnh như Nam Định, Hưng Yên, Bắc Cạn, Gia Lai... với tổng diện tích trên 70ha và đang tiếp tục mở rộng ra các tỉnh trên toàn quốc. Từ những vùng nguyên liệu này sản phẩm được sản xuất trong quá trình khép kín từ trồng, thu hái, sơ chế và sản xuất theo công nghệ hiện đại. Với các sản phẩm trà dược liệu đa dạng như trà đinh lăng, trà cà gai leo, trà thìa canh, trà giảo cổ lam, trà dây, trà gừng, trà sâm ngọc linh… và trong mỗi sản phẩm trà của Thái Hưng đều mang hương vị đặc trưng của dược liệu, không sử dụng chất tạo màu, hương vị nên rất an toàn cho người sử dụng... Năm 2018, Thái Hưng sản xuất trên 4 triệu sản phẩm trà thảo dược các loại. Dự kiến trong năm 2019 đạt 6 triệu sản phẩm; tạo việc làm ổn định cho gần 100 lao động, chủ yếu là người dân đã quá tuổi vào các công ty, nhà máy với thu nhập ổn định từ 4 - 6 triệu đồng/người/tháng. Hiện Công ty đã có đại lý phân phối tại hầu hết 63 tỉnh, thành phố trong cả nước và đã xuất khẩu sang thị trường một số nước Đông Nam Á, châu Âu, Cộng hòa Séc, Nhật Bản.Được người tiêu dùng, khách hàng trong và ngoài nước biết đến là một sản phẩm chất lượng tốt dành cho sức khỏe và giá cả cạnh tranh trên thị trường, Thái Hưng tiếp tục mở rộng sản xuất với chiến lược phát triển bền vững. Anh Lê Ngọc Huê tin tưởng, trong 5 năm tới, các sản phẩm trà mang thương hiệu Thái Hưng sẽ trở thành thức uống hàng ngày, góp phần đưa trà thảo dược vào thói quen ẩm thực của đông đảo người dân Việt Nam.

Chị Đinh Thị Minh Huệ, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại  xuất nhập khẩu Thái HưngBằng việc nỗ lực không mệt mỏi, tâm huyết của cán bộ, công nhân viên, mỗi sản phẩm trà thảo dược Thái Hưng đã được người tiêu dùng bình chọn đánh giá là hàng Việt Nam chất lượng cao có uy tín, hoàn toàn tự nhiên, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng. Đặc biệt, sản phẩm trà Thái Hưng được huyện Quỳnh Phụ lựa chọn là 1 trong 2 sản phẩm đầu tiên tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm - OCOP. Bà Vũ Thị Hồng, thị trấn Đông Hưng, huyện Đông HưngTrước đây tôi bị rối loạn tuần hoàn não và tiền đình. Sau khi được bạn giới thiệu trà thảo dược đinh lăng của Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại xuất nhập khẩu Thái Hưng có tác dụng tăng tuần hoàn não, giảm hội chứng tiền đình, tôi đã mua về sử dụng và thấy rất hiệu quả, sức khỏe cải thiện rõ rệt. Chính vì vậy tôi đã duy trì sử dụng sản phẩm trà của Công ty nhiều năm nay. Bà Vũ Thị Liễu, công nhân đóng gói nhà máy sản xuất trà thảo dược Thái HưngTôi năm nay 54 tuổi, là người dân của xã Quỳnh Giao, huyện Quỳnh Phụ. Vì quá tuổi vào làm ở các công ty may mặc nên tôi xin vào làm việc tại nhà máy sản xuất trà thảo dược của Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại xuất nhập khẩu Thái Hưng. Công việc đơn giản, phù hợp với điều kiện sức khỏe của tôi, lương được trả theo tay nghề nên tôi rất yên tâm gắn bó với Công ty.

Từ khóa » Cty Trà Thái Hưng