Tra Từ điển - Vietlex :: Ngon Ngu Hoc
1. Đặt vấn đề
Trong ngôn ngữ, bất cứ từ ngữ nào cũng có khả năng được giải thích bằng một tập hợp nhiều từ ngữ hơn, gọi là khả năng triển khai và mở rộng của ngôn ngữ. Lời giải thích trong từ điển thường được gọi là định nghĩa (mượn thuật ngữ định nghĩa trong logic học). Tuy vậy, định nghĩa từ trong ngôn ngữ học có nhiều điểm khác với định nghĩa khái niệm trong logic học. Nếu yêu cầu của một định nghĩa khái niệm là phải xác định rõ nội hàm của khái niệm, phải chỉ ra được một cách rõ ràng những đặc trưng cơ bản nhất của khái niệm, thì yêu cầu trước hết của định nghĩa từ trong từ điển là vạch rõ ngoại diên khái niệm hoặc loại sự vật mà từ biểu thị, để có được sự phân biệt rõ, không nhầm lẫn với một loại sự vật khác, cũng tức là một từ khác. Nội dung, ranh giới giữa các khái niệm không cho phép có sự mập mờ, nhập nhằng mà phải rất rõ ràng, tách bạch. Ngược lại, trong nội dung nghĩa từ, hiện tượng ranh giới không rõ ràng, không dứt khoát là tương đối phổ biến. Định nghĩa từ nhiều khi không nêu một cách hoàn toàn chính xác, đầy đủ nội dung ý nghĩa mà chỉ nêu những đặc trưng khu biệt, có tác dụng gợi ý để người tiếp nhận nó nhận biết và phân biệt với nghĩa những từ khác. Định nghĩa từ trong từ điển vừa phải tuân theo các quy tắc định nghĩa khái niệm: chỉ được sử dụng những khái niệm đã biết, định nghĩa phải tương xứng và định nghĩa cần ngắn gọn; đồng thời vẫn “là một cách giải thích tự nhiên mà giá trị, nghĩa là lợi ích thực tế được người đọc trung bình (không phải là nhà ngôn ngữ học) thừa nhận.” [Rey Debove 1971:23]
Định nghĩa trong từ điển vừa đủ cụ thể để người đọc có thể nắm được một cách tương đối chính xác nội dung nghĩa của từ, nhưng đồng thời lại vừa khái quát để có thể hiểu nghĩa cụ thể của từ trong những ngữ cảnh khác nhau. Như vậy, định nghĩa trong từ điển phải cùng một lúc đáp ứng rất nhiều yêu cầu, có những yêu cầu tưởng chừng như mâu thuẫn với nhau: khoa học nhưng dễ hiểu, tự nhiên; vừa cụ thể lại vừa khái quát, phản ánh đúng nhận thức và quan niệm chung của xã hội.
Với những loại từ có đặc điểm khác nhau có những kiểu định nghĩa khác nhau. Kiểu định nghĩa được sử dụng phổ biến nhất trong từ điển giải thích là kiểu định nghĩa phân tích, mà phương pháp cơ bản là dùng từ bao. Ngoài ra, là các kiểu định nghĩa bằng từ đồng nghĩa, định nghĩa dựa vào từ trái nghĩa, định nghĩa bằng cách “chỉ ra”,... Trong một số trường hợp, từ ngữ có nhiều biến thể chính tả hay có các từ đồng nghĩa, người ta có thể không định nghĩa mà thay bằng chuyển chú (chỉ dẫn người đọc tìm đến một mục từ khác tương đương).
Bài viết này sẽ trao đổi về việc chuyển chú trong từ điển ngữ văn (là loại từ điển thông dụng, phổ biến với mọi người) và sau đó bàn về việc chuyển chú trong bách khoa thư và từ điển bách khoa (là loại sách công cụ mới, còn khá khác lạ với bạn đọc Việt Nam).
2. Về vấn đề chuyển chú trong từ điển ngữ văn (trên cơ sở tư liệu 6 quyển từ điển giải thích tiếng Việt mà chúng tôi khảo sát: [16 – viết tắt là ĐVT51], [17 – viết tắt là TN52], [18 – viết tắt là KT54], [19 – viết tắt là LVĐ70], [20 – viết tắt là VT67], [21 – viết tắt là VNN06]).
2.1. Chuyển chú một hình thức chính tả này (A) sang một hình thức chính tả khác (B):
Lối chuyển chú này dùng cho các đơn vị từ vựng có nhiều hơn một hình thức chính tả cùng song song tồn tại. Người ta chuyển chú A xem B (“xem” được viết tắt là “x.”) khi B được coi là chuẩn hơn hoặc phổ biến hơn. Trong từ điển giải thích tiếng Việt [VNN06], có thể thống kê các trường hợp nhỏ sau đây:
2.1.1. Các hình thức chính tả khác nhau của một từ vay mượn, ví dụ:
- ê ke x. êke
- pi a nô x. piano
2.1.2. Trường hợp -i/-y: Với các mục từ chứa âm tiết có nguyên âm cuối “i” (trừ “-uy”) cách viết bằng –i được coi là chuẩn, nhưng vẫn phản ánh lối viết bằng –y đang còn phổ biến hiện nay. Cách viết bằng –y cuối âm tiết vẫn được thu thập và chuyển chú về cách viết -i. Chẳng hạn:
- hy vọng x. hi vọng
- tỷ lệ x. tỉ lệ
- ỷ eo x. ỉ eo
2.1.3. Các biến thể chính tả: s/x, d/gi/r; tr/gi,...: Với những trường hợp có nhiều biến thể chính tả do không phân biệt cách phát âm ở một số địa phương, Từ điển giải thích ở một mục từ với dạng chính tả được coi là chuẩn, và chuyển chú ở các dạng biến thể chính tả khác. Ví dụ:
- xúc xắc x. súc sắc
- dâm bụt x. râm bụt
- giở dạ x. trở dạ
2.2. Chuyển chú một đơn vị từ vựng này sang một đơn vị từ vựng khác đồng nghĩa
Giải thích một từ bằng cách sử dụng từ đồng nghĩa hay dựa vào từ trái nghĩa với nó là những phương pháp định nghĩa tương đối phổ biến trong từ điển giải thích. Từ đồng nghĩa (và gần nghĩa) là một phương tiện để sử dụng trong việc giải thích ý nghĩa từ vựng. Định nghĩa bằng từ đồng nghĩa (từ đồng nghĩa này là mục từ được giải thích đầy đủ trong từ điển) là một cách giải thích tự nhiên, gần với sự liên tưởng của con người. Cách định nghĩa này cũng giúp cho lời định nghĩa ngắn gọn hơn và tránh được những sự trùng lặp không cần thiết.
Về cơ bản, có thể nói có hai cách sử dụng từ đồng nghĩa để định nghĩa: chỉ dùng bản thân từ đồng nghĩa để định nghĩa, thí dụ:“bài chài - Hỗn độn (tiếng Đường Trong)” [KT31], “bội tinh - Huy chương.” [TN52]; và thứ hai là, từ đồng nghĩa được nêu ra để phụ thêm sau lời định nghĩa bằng phân tích, thí dụ: “bảo mẫu - Đàn bà chăm nuôi trẻ nhỏ; vú nuôi.” [ĐVT51]; “bằng - Vật hoặc việc dựa vào làm tin; chứng cớ.” [VNN06]. Chúng ta sẽ tìm hiểu kĩ hơn các cách sử dụng từ đồng nghĩa để định nghĩa.
2.2.1. Từ đồng nghĩa được dùng làm lời định nghĩa A (là) B (B đồng nghĩa với A)
Cách sử dụng này lại được phân làm hai trường hợp nhỏ: dùng từ đồng nghĩa và dùng từ gần nghĩa.
2.2.1.1. Trường hợp dùng từ đồng nghĩa. Với quan niệm định nghĩa bằng từ đồng nghĩa là một trường hợp đặc biệt của định nghĩa bằng phương pháp bao, J. Rey Debove cho rằng “Nếu chỉ định nghĩa một từ bằng một từ khác duy nhất, thì người định nghĩa sẽ biến từ bao thành một từ đồng nghĩa. (...) Từ đồng nghĩa là từ bao cuối cùng của chuỗi, từ này hẹp đến mức nó chỉ còn bao cái được định nghĩa, và chính bản thân nó với cái được định nghĩa đó chỉ đồng nhất làm một.” [Rey Debove 1971: 69]
Trong một nhóm từ đồng nghĩa gần như hoàn toàn, các từ điển tiếng Việt đều giải thích ở một từ (thường là từ trung tâm của nhóm) và định nghĩa bằng từ đồng nghĩa ấy ở các từ còn lại. Chẳng hạn, KT31 dùng các cụm từ “cũng như tiếng”, “cũng nghĩa như”, “tức là” để định nghĩa từ đồng nghĩa với từ đã được giải thích. Thí dụ:
- bác Cũng như tiếng “bá” nghĩa thứ nhất: bác ruột.
- bách thảo sương Tức là cây “nhọ nồi”.
- mùi-mẽ Cũng nghĩa như “mùi”: Đồ ăn nhạt không ra mùi-mẽ gì cả.
Đa số các quyển từ điển khác cũng dùng những kí hiệu viết tắt để chuyển chú các mục từ đồng nghĩa. Cách diễn đạt này làm cho định nghĩa ngắn gọn, rõ ràng hơn. Chẳng hạn, dùng kí hiệu viết tắt “nh.” (như từ/tiếng) ở ĐVT51:
- bà cốnh. Bà cụ;
hay “xt.” (xem từ/tiếng) ở TN52và “x.” (xem) ở VNN06:
- bàn là dt. Xt. Bàn ủi;
- bèo lục bình d. x. bèo Nhật Bản;
hoặc “Cg” (còn gọi) ở [LVĐ70]:
- bạch ốc dt. C/g. Bạch-cung (X. Bạch-cung)
Có thể thấy, phạm vi áp dụng của kiểu định nghĩa này thường chỉ bó hẹp trong một số ít danh từ. Những nhóm từ đồng nghĩa này là những tên gọi khác nhau của cùng một sự vật, hiện tượng (ở một vài trường hợp vẫn có sự khác nhau về phạm vi sử dụng giữa các từ đồng nghĩa, nhưng không được phản ánh trong từ điển, chẳng hạn bàn ủi, bá có sắc thái phương ngữ). Với các loại từ khác như động từ, tính từ, hiện tượng đồng nghĩa hoàn toàn rất hiếm khi xảy ra, vì vậy cách định nghĩa này tỏ ra không có hiệu quả. Chẳng hạn như cách định nghĩa nhóm từ sau đây trong TN52:
- bé Nhỏ, kém.
- bé bỏng Nht. Bé; (Nht: “như từ/tiếng”)
- bé nhỏ Nht. Bé;
- bé thơ Nht. Bé.
Cùng được định nghĩa bằng “bé”, nhưng thật ra, sắc thái các từ bé bỏng, bé nhỏ, bé thơ khác nhau khá nhiều (thêm nữa, “kém” trong định nghĩa từ trung tâm bé là không chính xác). Cách định nghĩa như VNN06 sau đây có lẽ là thoả đáng hơn: bé nhỏ là “bé, nói khái quát”; bé bỏng là “bé và non, yếu, cần được che chở”; bé thơ là “còn ít tuổi, còn dại”.
2.2.1.2. Trường hợp dùng từ gần nghĩa
Chính vì người ta không muốn chỉ ra quá nhiều nét ngữ nghĩa, cho nên đó là một trong những lí do vì sao người ta dùng những từ gần đồng nghĩa: đáng lẽ dùng cách định nghĩa từ điển ‘tuyệt đối’ (tức là kê ra thật đầy đủ mọi nét ngữ nghĩa quan trọng), thì nhà từ điển học lại chỉ ra các từ gần đồng nghĩa để đại diện cho đa số các nét ngữ nghĩa, cộng với (các) nét bổ sung. [U. Weinreich]
Định nghĩa một từ bằng từ gần nghĩa với nó và bổ sung thêm các nét nghĩa, các sắc thái riêng biệt là kiểu định nghĩa khá phổ biến trong từ điển giải thích. Với nhóm từ bà cố, bà cụ, bà già, bà lão ĐVT51 đã định nghĩa như sau: “bà cố nh. Bà cụ; bà cụ nh. Bà lão (có nghĩa trọng); bà già nh. Bà lão; bà lão Đàn bà đã già.”. Ở đây, từ trung tâm của nhóm được chọn là bà lão; có lẽ sẽ hợp lí hơn nếu chọn từ trung tâm là bà già, còn bà lão thì có sắc thái thân mật.
Với các từ có sắc thái đặc biệt như từ cũ, từ ít dùng, từ phương ngữ, nói tắt,... thì định nghĩa bằng từ đồng nghĩa trung tính về mặt biểu cảm, thường dùng hơn, chuẩn hơn, là cách định nghĩa hữu hiệu nhất. Thí dụ, trong VNN06:
- bội tinh (cũ; id.). Huân chương;
- bồng (cũ; hoặc ph.). Bế; ẵm.
2.2.2. Cách thứ hai, tương đối phổ biến trong các từ điển cỡ vừa và cỡ lớn, là từ gần nghĩa được nêu ra ở sau lời định nghĩa (bằng phân tích) để phụ thêm cho lời định nghĩa, theo mẫu A (là) x; B (x là phần định nghĩa bằng phân tích).
Trong các từ điển tiếng Việt được khảo sát, chỉ có VNN06 là áp dụng cách định nghĩa này, sau đây là một số thí dụ:
- bách đg. (id.). (kết hợp hạn chế). Làm cho bị dồn vào thế bắt buộc phải làm điều gì; như bức.
- bại quân d. (id.). Quân lính bị thua trận; bại binh.
- bàn độc2 (cũ). Bàn để đồ thờ; bàn thờ.
Khi từ đồng nghĩa được đưa ra ở cuối lời định nghĩa không có các sắc thái như từ đầu mục thì VNN06 đã bổ sung thêm các sắc thái đó:
- bao bọcđg. Làm thành một lớp che chắn khắp xung quanh; bao (nói khái quát).
- báo cáo2 (kng.). Từ dùng để mở đầu khi nói với cấp trên; thưa (thường dùng trong quân đội).
Đặc điểm quan trọng của phương pháp định nghĩa theo kiểu này là bản thân cái định nghĩa phân tích phải là một định nghĩa hoàn chỉnh, nghĩa là nếu bỏ phần từ đồng nghĩa phụ thêm thì không ảnh hưởng gì đến cấu trúc cũng như nội dung của lời định nghĩa trước đó. Đây là một kiểu định nghĩa phức (theo quan niệm của J. Rey Debove) và từ đồng nghĩa được nêu ra ở đây đóng vai trò là một định nghĩa phụ. Định nghĩa phụ là từ đồng nghĩa này có ý nghĩa thiết lập một hệ thống con những từ, bao gồm từ đầu mục và (các) từ đồng nghĩa, gần nhau nhất về mặt ngữ nghĩa. Ngoài ra, việc nêu ra các từ đồng nghĩa trong phần định nghĩa còn có giá trị rất lớn đối với người sử dụng. Nó giúp cho việc hiểu nghĩa từ được rõ hơn, giúp người sử dụng có điều kiện so sánh để lựa chọn từ ngữ trong quá trình sử dụng. Khi từ đồng nghĩa được nêu ra bên cạnh mục từ đã được giải thích bằng phân tích, bằng ngữ cảm tự nhiên của người bản ngữ, người sử dụng từ điển có thể phát hiện, nhận ra những sự khác biệt tinh tế giữa từ đầu mục và từ đồng nghĩa ấy, những sự khác biệt mà nhiều khi từ điển không thể chuyển tải hết được.
Tuy nhiên, định nghĩa bằng từ đồng nghĩa nhiều khi không chính xác, nếu chỉ chú trọng việc sử dụng từ đồng nghĩa để định nghĩa mà không phân biệt, không chỉ ra được những điểm khác nhau giữa chúng thì quyển từ điển sẽ trở nên đơn điệu, nghèo nàn. Thêm nữa, khi quá lạm dụng phương pháp định nghĩa này thì rất dễ dẫn đến sự vi phạm một trong những nguyên tắc cơ bản của định nghĩa: đó là định nghĩa vòng quanh, luẩn quẩn (chẳng hạn, định nghĩa đỏ là “màu hồng”, rồi lại định nghĩa hồng là “màu đỏ” trong KT31).
3. Chuyển chú trong bách khoa thư, từ điển bách khoa…
Trong bách khoa thư, từ điển bách khoa, bách khoa toàn thư… chuyển chú được dùng “để tránh trùng lặp nội dung và hệ thống hoá kiến thức” [Từ điển Bách khoa Việt Nam, t. 4: 9]. Theo “Bảng chỉ dẫn” [Từ điển Bách khoa Việt Nam, t. 4: 7-9] thì về cơ bản, chuyển chú được dùng trong từ điển bách khoa cũng rơi vào hai trường hợp:
1) Đầu mục từ có hai, ba từ đồng nghĩa. Ví dụ:
- THUỐC HIỆN ẢNH x. Thuốc hiện hình
- TỈ LỆ TĂNG DÂN SỐ x. Tỉ suất tăng dân số
2) Đầu mục từ có hai, ba hình thức thể hiện khác nhau: Ví dụ:
- Tên viết tắt từ tiếng nước ngoài của các tổ chức quốc tế được chuyển chú đến xem nội dung ở mục từ - tên đầy đủ bằng tiếng Việt: WTO x. Tổ chức thương mại thế giới.
- Đầu mục từ chỉ các nền văn hoá xếp theo trật tự đảo: ÓC EO (VĂN HOÁ) x. Văn hoá Óc Eo.
- Một số trường hợp khác thuộc về tên riêng như tên địa danh, tên người, v.v.
Khảo sát trên tư liệu, về các trường hợp chuyển chú trong bách khoa thư, từ điển bách khoa, chúng tôi thấy có một số vấn đề như sau:
3.1. Vấn đề tên công trình, di tích, di chỉ văn hoá trùng với tên địa danh
Trong các từ điển bách khoa, có một số lớn các mục từ chỉ tên gọi khái niệm, công trình, di tích, di chỉ văn hoá, v.v. thường gắn với một thành phần chỉ nơi xuất hiện những tên gọi này. Thành phần này đồng thời cũng là mục từ chỉ địa danh cùng được thu thập và giải thích trong từ điển. Việc phản ánh các dạng đơn vị này trong từ điển thường tuỳ tiện, dẫn đến việc chuyển chú không thoả đáng. Ví dụ:
I
ĐÔNG SƠN huyện thuộc tỉnh Thanh Hoá. [...] (1a)
ĐÔNG SƠN (VĂN HOÁ) (khảo cổ) văn hoá khảo cổ học thời đại kim khí Việt Nam, gọi theo tên di tích Đông Sơn trên bờ Sông Mã tỉnh Thanh Hoá. [...] (1b)[1]
ĐÔNG SƠN (VĂN HOÁ) x. Văn hoá Đông Sơn. (1c)[2]
VĂN HOÁ ĐÔNG SƠN văn hoá khảo cổ học thời đại kim khí Việt Nam, gọi theo tên di tích Đông Sơn trên bờ Sông Mã tỉnh Thanh Hoá. [...] (1d)
II
CỔ LOA di tích kiến trúc lịch sử,kinh đô nước Âu Lạc thời An Dương Vương, nay thuộc xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội. [...] (2a)
CỔ LOA (MŨI TÊN ĐỒNG) x. Mũi tên đồng Cổ Loa. (2b)
CỔ LOA (TRỐNG ĐỒNG) x. Trống đồng Cổ Loa. (2c)
THÀNH CỔ LOA x. CỔ LOA (2d)
III
HOÀN KIẾM quận của Hà Nội. Diện tích 5,3 km2. [...] (3a)
HOÀN KIẾM x. Hồ hoàn kiếm. (3b)
IV
HẠ LONG: (4a)
1. (vịnh), vịnh nhỏ (cg. vũng) trong vịnh Bắc Bộ, nằm ở phía nam thành phố Hạ Long, [...]
2. (thành phố), thành phố tỉnh lị của tỉnh Quảng Ninh. [...]
HẠ LONG (VĂN HOÁ): x. Văn hoá Hạ Long. (4b)
VĂN HOÁ HẠ LONG: văn hoá khảo cổ mang tên vịnh biển nổi tiếng ở Quảng Ninh, do các nhà khảo cổ học Việt Nam định danh. [...] (4c)
VỊNH HẠ LONG: x. Hạ Long. (4d)
Nếu chọn cách thể hiện mục từ như ở I thì ở II còn thiếu mục CỔ LOA (THÀNH) x. Thành Cổ Loa; ở III mục (3b) phải là HOÀN KIẾM (HỒ) x. Hồ hoàn kiếm và còn thiếu mục HỒ GƯƠM; ở IV còn thiếu mục HẠ LONG (VỊNH) x. Vịnh Hạ Long.
Theo chúng tôi, nên xử lí dạng mục từ này theo cách sau:
I
ĐÔNG SƠN
1. huyện thuộc tỉnh Thanh Hoá. [...]
2. (cg. văn hoá Đông Sơn) văn hoá khảo cổ học thời đại kim khí Việt Nam, gọi theo tên di tích Đông Sơn trên bờ Sông Mã tỉnh Thanh Hoá. [...]
VĂN HOÁ ĐÔNG SƠN x. ĐÔNG SƠN(văn hoá) hoặc x. ĐÔNG SƠN (2).
II
CỔ LOA
1. di tích kiến trúc lịch sử, kinh đô nước Âu Lạc thời An Dương Vương, nay thuộc xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội. [...]
2. (cg. mũi tên đồng Cổ Loa) mũi tên bằng đồng được phát hiện năm 1959 ở Cầu Vực, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội. [...]
3. (cg. trống đồng Cổ Loa) trống đồng được phát hiện ngẫu nhiên vào năm 1982 trên cánh đồng Mả Tre, nằm giữa Thành Trung và Thành Nội của toà thành Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội, cùng với gần 200 hiện vật bằng đồng khác. [...]
MŨI TÊN ĐỒNG CỔ LOA x. CỔ LOA (2)
TRỐNG ĐỒNG CỔ LOA x. CỔ LOA (3)
III
HOÀN KIẾM
1. quận của Hà Nội. Diện tích 5,3 km2. [...]
2. (cg. Hồ Gươm), hồ nằm trong khu vực quận Hoàn Kiếm; người Hà Nội coi là trung tâm của Thủ đô. [...]
HỒ GƯƠM x. HOÀN KIẾM (2)
HỒ HOÀN KIẾM x. HOÀN KIẾM (2)
IV
HẠ LONG
1. thành phố tỉnh lị của tỉnh Quảng Ninh. [...]
2. (cg. Vịnh Hạ Long) vịnh nhỏ trong vịnh Bắc Bộ, nằm ở phía nam thành phố Hạ Long, phía bắc và phía đông đảo Cát Bà, phía tây vịnh Bái Tử Long và các đảo Vạn Cảnh, Ngọc Vừng.[...]
3. (cg. văn hoá Hạ Long) văn hoá khảo cổ mang tên vịnh biển nổi tiếng ở Quảng Ninh, do các nhà khảo cổ học Việt Nam định danh. [...]
VĂN HOÁ HẠ LONG x. HẠ LONG (3).
VỊNH HẠ LONG x. HẠ LONG (2).
3.2. Vấn đề tên công trình khoa học gắn với tên người phát minh, sáng chế
Một từ điển bách khoa nhất thiết không thể thiếu mảng mục từ giới thiệu về các nhân vật nổi tiếng trên thế giới, đặc biệt là các danh nhân khoa học. Thông thường, ngoài việc giới thiệu thân thế và sự nghiệp của các danh nhân, từ điển còn cung cấp thêm thông tin về các công trình đóng góp của họ cho kho tàng tri thức nhân loại. Thông tin này thường được các từ điển bách khoa nước ngoài giới thiệu lần lượt ngay sau mục từ giới thiệu về danh nhân đó. Tuy nhiên, cũng giống như trường hợp nêu ở mục 3, việc phản ánh thông tin này trong Từ điển Bách khoa Việt Nam cũng không được thoả đáng. Ví dụ:
I
FECMA P. Đ.: (Pierre de Fermat; 1601 - 65), nhà toán học Pháp, tác giả của nhiều công trình nổi tiếng mà phần lớn đến 1679 mới được con ông công bố. [...]
FECMA (ĐỊNH LÍ LỚN): Có vô số bộ ba các số nguyên dương a, b, c thoả mãn a2 + b2 = c2, chẳng hạn 3, 4, 5. [...]
FECMA (ĐỊNH LÍ NHỎ): nếu p là số nguyên tố và a là số nguyên dương thì ap ≡ a (mod p) nghĩa là ap - a chia hết cho p. [...]
FECMA (NGUYÊN LÍ): một trong những nguyên lí cơ bản của quang hình học. [...]
II
PYTAGO: (Ph. Pythagore, HL. Puthagoras; khoảng 570 - 500 tCn.), nhà toán học cổ Hi Lạp. [...]
PYTAGO (ĐỊNH LÍ): mệnh đề khẳng định: nếu các cạnh của một tam giác vuông được đo theo cùng một đơn vị chiều dài thì bình phương độ dài cạnh huyền bằng tổng các bình phương độ dài các cạnh của góc vuông (nói gọn lại: bình phương của cạnh huyền bằng tổng bình phương các cạnh góc vuông). [...]
III
THALET Ở MILÊ: (Ph. Thalès de Milet; khoảng cuối thế kỉ 7 - thế kỉ 6 tCn.), nhà triết học, nhà toán học Hi Lạp cổ đại, người sáng lập ra trường phái duy vật nguyên thuỷ tự phát của Hi Lạp. [...]
ĐỊNH LÍ THALET: một trong các định lí của hình học sơ cấp về các đoạn thẳng tỉ lệ. [...]
Các từ điển bách khoa nước ngoài giới thiệu lần lượt các mục từ nêu trên như sau:
1. Encarta:
Pierre de Fermat (1601-1665), French mathematician, born in Beaumont-de-Lomagne. In his youth, with his friend the French scientist and philosopher Blaise Pascal, he made a series of investigations into the properties of figurate numbers. [...] See Fermat's Last Theorem. [...]
Fermat’sLast Theorem, in mathematics, famous theorem which has led to important discoveries in algebra and analysis. It was proposed by the French mathematician Pierre de Fermat. [...]
Encarta chỉ thu thập 2 mục Pierre de Fermat và Fermat's Laste theorem (định lí cuối của Fermat, hay còn gọi là định lí lớn Fermat). Ở mục Pierre de Fermat có chú xem Fermat's Laste theorem (See Fermat's Last Theorem).
2. Britannica:
Pythagoras born с 580 BC, Samos, Ionia died с 500, Metapontum, Lucania. Greek philosopher and mathematician. He established a community of followers in Croton who adhered to a way of life he prescribed. [...]
Pythagorean theorem Rule relating the lengths of the sides of a right triangle. It says that the sum of the squares of the lengths of the legs is equal to the square of the length of the hypotenuse (the side opposite the right angle).
3. en.wikipedia.org:
Pierre de Fermat (French pronunciation: [pjɛːʁ dəfɛʁˈma]; 17 August 1601 or 1607/8 – 12 January 1665) was a French lawyer at the Parlement of Toulouse, France, and an amateur mathematician who is given credit for early developments that led to infinitesimal calculus. [...]
Ngay dưới mục từ Fermat's Laste theorem và mục Fermat's little theorem đều có ghi chú: For other theorems named after Pierre de Fermat, see Fermat's theorem. [tạm dịch: Với các định lí khác có tên sau Pierre de Fermat, xem định lí Fermat]
Fermat's theorem The works of 17th century mathematician Pierre de Fermat engendered many theorems. Fermat's theorem may refer to one of the following theorems:
○ Fermat's Last Theorem
○ Fermat's little theorem
○ Fermat's theorem on sums of two squares
○ Fermat's theorem (stationary points)
○ Fermat's principle
○ Fermat polygonal number theorem
Fermat's Last theorem In number theory, Fermat's Last Theorem states that no three positive integers a, b, and c can satisfy the equation an + bn = cn for any integer value of n greater than two. [...]
Fermat's little theorem (not to be confused with Fermat's last theorem) states that if p is a prime number, then for any integer a, a p − a will be evenly divisible by p. [...]
v.v...
Theo chúng tôi, nên xử lí dạng mục từ này theo cách sau:
I
FECMA P. Đ.
1. Pierre de Fermat (1601 - 1665), nhà toán học Pháp, tác giả của nhiều công trình nổi tiếng mà phần lớn đến 1679 mới được con ông công bố. [...]
2. x. ĐỊNH LÍ LỚN FECMA.
3. x. ĐỊNH LÍ NHỎ FECMA.
4. x. NGUYÊN LÍ FECMA.
ĐỊNH LÍ LỚN FECMA Có vô số bộ ba các số nguyên dương a, b, c thoả mãn a2 + b2 = c2, chẳng hạn 3, 4, 5. [...]
ĐỊNH LÍ NHỎ FECMA nếu p là số nguyên tố và a là số nguyên dương thì ap ≡ a (mod p) nghĩa là ap - a chia hết cho p. [...]
NGUYÊN LÍ FECMA một trong những nguyên lí cơ bản của quang hình học. [...]
II
PYTAGO
1. Ph. Pythagore; HL. Puthagoras (khoảng 570 - 500 tCn.), nhà toán học cổ Hi Lạp. [...]
2. x. ĐỊNH LÍ PYTAGO.
ĐỊNH LÍ PYTAGO mệnh đề khẳng định: nếu các cạnh của một tam giác vuông được đo theo cùng một đơn vị chiều dài thì bình phương độ dài cạnh huyền bằng tổng các bình phương độ dài các cạnh của góc vuông (nói gọn lại: bình phương của cạnh huyền bằng tổng bình phương các cạnh góc vuông). [...]
III
THALET (ở Milê)
1. Ph. Thalès de Milet (khoảng cuối thế kỉ 7 - thế kỉ 6 tCn.), nhà triết học, nhà toán học Hi Lạp cổ đại, người sáng lập ra trường phái duy vật nguyên thuỷ tự phát của Hi Lạp. [...]
2. x. ĐỊNH LÍ THALET.
ĐỊNH LÍ THALET một trong các định lí của hình học sơ cấp về các đoạn thẳng tỉ lệ. [...]
3.3. Vấn đề tên hiệu, tên tự, tước vị, tước hiệu, miếu hiệu, bí danh, bút danh (bút hiệu), v.v. gắn với tên thật của nhân vật
3.3.1. Tên hiệu, tên tự, tước vị và tên thật
Tên hiệu là tên tồn tại bên cạnh tên thật, do bản thân tự đặt ra, thường có một ý nghĩa nhất định nào đó, chẳng hạn Nguyễn Trãi có tên hiệu là Ức Trai (hàm ý là “ép mình nơi phòng văn”). Tên tự là tên đặt bằng từ Hán-Việt và thường dựa theo nghĩa của tên vốn có, chẳng hạn Gia Cát Lượng tự là Khổng Minh (hàm ý là “thông minh, sáng suốt”). Tước vị là tên được phong cho khi đạt được một địa vị nào đó, chẳng hạn Tôn Ngộ Không được phong là Tề Thiên Đại Thánh, v.v. Tuy nhiên, có trường hợp tồn tại cùng lúc rất nhiều tên gọi khác nhau cho một nhân vật, ví dụ:
○ Tôn Ngộ Không: Tên được sư phụ đầu tiên là Tu Bồ Đề đặt cho lúc tầm sư học đạo, Tôn (孫) theo một từ Hán cổ có nghĩa là “khỉ” và “Ngộ Không” (悟空) có nghĩa là “Giác ngộ được Tính không”.
○ Thạch Hầu: Con khỉ nứt từ trong đá ra.
○ Mĩ Hầu Vương (美猴王): nghĩa là “vua khỉ đẹp”.
○ Tề Thiên Đại Thánh (齊天大聖): Nghĩa là “Thánh lớn bằng trời”. Tôn Ngộ Không đòi Ngọc Hoàng phong tước hiệu này và được toại ý. Nói thêm rằng Tề Thiên Đại Thánh là do Độc Giác Quỷ Vương - một trong những kẻ dưới trướng của Mĩ Hầu Vương đề nghị và được Mĩ Hầu Vương đồng ý gọi tên.
○ Bật Mã Ôn (弼 馬溫): Chức vụ giữ ngựa thiên đình. Tôn Ngộ Không được Ngọc Hoàng phong chức này sau khi đại náo đến Long cung và cõi Diêm phù lần thứ nhất. Sau khi khám phá rằng đây là một trong những chức thấp nhất trên thiên đình, Ngộ Không rất tức giận và bỏ về Hoa Quả Sơn.
○ Tôn Hành Giả (孫行者): Nghĩa là “người tu hành họ Tôn”, do sư phụ Tam Tạng đặt sau khi được Tam Tạng giải thoát khỏi núi Ngũ Hành.
○ Đấu Chiến Thắng Phật (鬪戰勝佛): Danh hiệu sau khi thỉnh kinh xong, thành chánh quả, tên được người thờ phụng.
[dẫn theo vi.wikipedia.org]
Nên chuyển chú các mục từ có liên quan về mục tên thật hoặc tên thường gọi. Ví dụ:
ỨC TRAI x. NGUYỄN TRÃI.
KHỔNG MINH x. GIA CÁT LƯỢNG.
BẬTMÃ ÔN x. TÔN NGỘ KHÔNG.
ĐẤU CHIẾN THẮNG PHẬT x. TÔN NGỘ KHÔNG.
TỀ THIÊN ĐẠI THÁNH x. TÔN NGỘ KHÔNG.
v.v.
3.3.2. Tước hiệu, miếu hiệu và tên thật
Tước hiệu là tên gọi chức vị được vua ban cho hoặc được người đời phong tặng khi có công lao lớn, chẳng hạn Thánh Gióng được phong là Phù Đổng Thiên Vương, Trần Quốc Tuấn được phong là Hưng Đạo Đại Vương (thường gọi là Hưng Đạo Vương, hoặc Trần Hưng Đạo), v.v. Miếu hiệu là tên truy tôn vua sau khi vua chết, chẳng hạn (Lý) Thái Tổ là miếu hiệu của vua Lý Công Uẩn, (Trần) Thánh Tông là miếu hiệu của vua Trần Hoảng, (Lê) Thái Tổ là miếu hiệu của vua Lê Lợi, v.v. Các tên gọi này phản ánh sự nghiệp của từng vị vua nên thường được sử sách chọn làm tên thể hiện chính, vì vậy chúng trở thành tên gọi thông dụng trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, có trường hợp đặc biệt là miếu hiệu của vua Nguyễn Huệ (Nguyễn Văn Huệ) là Thái Tổ Võ Hoàng Đế nhưng lại được sử sách nhắc đến tên Quang Trung nhiều hơn (Quang Trung là tên niên hiệu: tên do vua đặt ra để tính năm trong thời gian vua trị vì).
Như vậy, nên chọn mục từ chỉ tước hiệu, miếu hiệu làm mục chính và chuyển chú các mục từ khác có liên quan về mục này nếu có. Ví dụ:
THÁNH GIÓNG x. PHÙ ĐỔNG THIÊN VƯƠNG.
TRẦN QUỐC TUẤN x. TRẦN HƯNG ĐẠO.
HƯNG ĐẠO ĐẠI VƯƠNG x. TRẦN HƯNG ĐẠO.
HƯNG ĐẠO VƯƠNG x. TRẦN HƯNG ĐẠO.
LÊ LỢI x. LÊ THÁI TỔ
LÝ CÔNG UẨN x. LÝ THÁI TỔ.
NGUYỄN HUỆ x. QUANG TRUNG
v.v.
3.3.3. Bí danh, bút danh (bút hiệu) và tên thật
Bí danh là tên dùng thay cho tên thật (vì lí do nào đó để giấu tên thật đi), chẳng hạn Tống Văn Sơ là bí danh của Nguyễn Ái Quốc. Cũng có thể coi Trường Chinh là bí danh (tên thật Đặng Xuân Khu), Tố Hữu là bí danh (tên thật Nguyễn Kim Thành), v.v. Bút danh hoặc bút hiệu là tên riêng tác giả dùng để ghi vào tác phẩm của mình, chẳng hạn Nguyễn Khắc Hiếu có bút danh làTản Đà, Hoàng Ngọc Phách có bút hiệu là Song An. Cũng có thể coi Tế Hanh là bút danh (tên thật Trần Tế Hanh), Tô Hoài là bút danh (tên thật Nguyễn Sen), v.v. Căn cứ vào mức độ phổ biến của tên thật hay bí danh, bút danh, bút hiệu để lựa chọn đơn vị mục từ chính thể hiện trong từ điển. Ví dụ, chọn Trường Chinh, Tố Hữu, Tản Đà, Hoàng Ngọc Phách, Tế Hanh, Tô Hoài làm mục từ chính. Các mục liên quan khác, nếu có thu thập, thì chuyển chú như sau:
ĐẶNG XUÂN KHU x. TRƯỜNG CHINH.
NGUYỄN KIM THÀNH x. TỐ HỮU.
NGUYỄN KHẮC HIẾU x. TẢN ĐÀ.
TRẪN TẾ HANH x. TẾ HANH.
v.v.
Trong trường hợp, một nhân vật có nhiều tên gọi khác nhau trong từng thời kì nhất định thì chọn tên phổ biến nhất làm mục chính. Ví dụ chọn Hồ Chí Minh làm mục chính, các tên gọi khác chuyển chú như sau:
NGUYỄN ÁI QUỐC x. HỒ CHÍ MINH.
NGUYỄN TẤT THÀNH x. HỒ CHÍ MINH.
NGUYỄN SINH CUNG x. HỒ CHÍ MINH.
v.v.
4. Vấn đề chuyển chú đa kênh trong bách khoa thư, từ điển bách khoa…
Trong xu hướng phát triển của khoa học kĩ thuật với công nghệ hiện đại, sách phục vụ bạn đọc không chỉ xuất bản duy nhất bằng chất liệu giấy mà còn bằng các phương tiện điện tử hỗ trợ. Hiện nay, trên thế giới, song song với việc xuất bản các sách công cụ đóng thành tập đã xuất hiện (và càng ngày càng nhiều) các sách điện tử (băng, đĩa, USB…). Tất cả các cuốn từ điển lớn, quen thuộc của thế giới (như Larousse, Britannica, Americana, Oxford, SES, BSE…) đều có ấn bản điện tử. Ở Việt Nam, cũng đã có khá nhiều NXB, các trung tâm băng hình, các nhà sách… đã áp dụng công nghệ phần mềm để phát hành các cuốn từ điển tới độc giả (Công ti Lạc Việt với Từ điển Anh-Việt / Việt-Anh, Pháp-Việt / Việt-Pháp,… Rồi Từ điển tiếng Việt, Từ điển Tin học,… cũng lần lượt có ấn bản loại này trên thị trường). Ưu thế của từ điển điện tử là:
- Đơn giản, gọn nhẹ, có thể mang theo người mà không ảnh hưởng gì (ngay cả các bộ Bách khoa toàn thư Larousse, 30 tập, Britannica, nặng vài chục đến hàng trăm cân, cũng có thể lưu trữ gọn gàng trong một ổ đĩa);
- Dễ dàng tra cứu, bằng việc gõ từ khoá rồi ấn phím ENTER. Từ khoá là bản thân đơn vị mục từ, hoặc là một từ gần nghĩa, đồng nghĩa, từ theo chủ đề… Từ khoá cũng sẽ là căn cứ để tìm các mục từ liên quan (về trường nghĩa, về lĩnh vực chuyên môn, về tự dạng...). Cách tra cứu này đơn giản, nhanh và chính xác hơn rất nhiều với việc tra cứu bằng tay;
- Người biên soạn có thể “tích hợp” nhiều nhu cầu tra cứu trong bản thân một cuốn từ điển điện tử. Trong một cuốn, Từ điển tiếng Việt chẳng hạn, người ta có thể lồng vào đó hệ thống từ đồng nghĩa, trái nghĩa, chính tả, thành ngữ, tục ngữ, từ tắt,… Nếu in sách giấy thì mỗi tính năng sẽ có một cuốn từ điển riêng. Như vậy sẽ mất khá nhiều cuốn để thể hiện. Từ điển điện tử kết hợp kênh chữ với kênh hình dễ hơn nhiều. Dung lượng tranh ảnh vì thế mà chiếm tỉ lệ cao hơn. Nên trong ấn bản điện tử, người đọc có thể tra cứu nhanh chóng theo nhu cầu, rất tiện lợi cho việc tìm hiểu;
- Từ điển điện tử có giá thành thấp hơn so với từ điển in bằng giấy. Điều này giúp cho việc quảng bá tới đông đảo tiện lợi hơn…
- Từ điển điện tử giúp cho người đọc khai thác và xử lí thông tin tiện lợi, nhanh chóng. Các văn bản thu được có thể đọc, biên tập hoặc sử dụng lại (trích dẫn) dễ dàng, chính xác…
Dĩ nhiên, do đặc thù lưu trữ mà cách thức chuyển chú của bách khoa thư, từ điển bách khoa… sẽ có những đòi hỏi riêng về phương pháp và cách thức. Đơn giản nhất là chuyển chú theo đường dẫn (link). Người tra nhắp chuột vào chủ đề lựa chọn, vào vần, vào chính mục từ đang hiển thị và tìm từ tương đương (đồng âm, đồng âm khác nghĩa, đồng nghĩa, cách viết,…) tuỳ theo yêu cầu; hoặc nhắp chuột trực tiếp vào hình ảnh minh hoạ, biểu trưng (logo) xuất hiện bên cạnh văn bản; hoặc phát âm bản thân từ đã cho để máy nhận diện và chọn từ đang cần… Như thế, từ điển điện tử cho phép mở rộng cách thức tra cứu chuyển chú: thông qua văn tự (chữ viết), biểu trưng - logo - hình ảnh, giọng nói,… Bản thân các mục từ cũng sẽ được thiết kế theo một maquette riêng, không hoàn toàn giống với bố cục trong sách in. Với những người khiếm thị hay khuyết tật, việc tra cứu bằng giọng nói rất tiện lợi (vừa tìm từ qua âm thanh lại có thể nghe nội dung thông tin bằng âm thanh do chính dữ liệu của từ điển điện tử cung cấp…). Xu hướng này đang nhận được sự hưởng ứng rộng rãi của đông đảo bạn đọc.
⁂
Nhìn chung, sử dụng từ chuyển chú thay vì định nghĩa trong từ điển là xu hướng phổ biến trong tất cả các trường phải xây dựng từ điển trên thế giới. Đó là một cách thức đem lại nhiều lợi ích. Nó làm cho cấu trúc của từ điển có tính hệ thống, chặt chẽ, khoa học hơn. Nó cũng giúp tiết kiệm dung lượng quyển từ điển, tránh rườm rà, trùng lặp. Người dùng từ điển sẽ biết đến các hình thức chính tả khác nhau của cùng một từ, biết và lưu tâm hơn đến sự tồn tại của từ đồng nghĩa, đồng thời sẽ chú ý hơn đến sự khác nhau của chúng trong quá trình sử dụng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Hoàng Chúng (1997), Logic học phổ thông, NXB Giáo dục, TP Hồ Chí Minh.
[2] Nguyễn Đức Dân (1987), Lôgich - Ngữ nghĩa - Cú pháp, NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội.
[3] Vương Tất Đạt (1998), Lôgic học, NXB Giáo dục, Hà Nội.
[4] Hoàng Văn Hành (1977), “Về tính hệ thống của vốn từ tiếng Việt”, Ngôn ngữ, s. 2.
[5] Hồ Lê (1979), “Vấn đề logic ngữ nghĩa và tính thông tin trong lời nói”, Ngôn ngữ, s. 2.
[6] Hoàng Phê (1969), “Về việc biên soạn một quyển từ điển tiếng Việt mới”, Ngôn ngữ, s. 2.
[7] Hoàng Phê (1975), “Phân tích ngữ nghĩa”,Ngôn ngữ, s. 2.
[8] Hoàng Phê & Nguyễn Ngọc Trâm (1997), “Một số vấn đề từ điển học” // Một số vấn đề từ điển học, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
[9] Rey Debove J. (1971), Nghiên cứu từ điển hiện đại bằng tiếng Pháp về ngôn ngữ học và kí hiệu học. (Phần ba: Nghiên cứu vi kết cấu của từ điển ngôn ngữ), NXB Academia, Praha (Người dịch: Nguyễn Trọng Định).
[10] F. de Saussure (1973), Giáo trình ngôn ngữ học đại cương, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
[11] Chu Bích Thu (1997), “Một số nét khái quát về cấu trúc vi mô của từ điển giải thích” // Một số vấn đề từ điển học, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
[12] Phạm Văn Tình (2003), “Sách công cụ - tra cứu - từ điển: Thực trạng và một số đề xuất” // Xuất bản Việt Nam, s. 6.
[13] Nguyễn Đức Tồn (1997), “Phương pháp giải thích và tìm sự khu biệt ngữ nghĩa của các từ đồng nghĩa”, Ngôn ngữ, s. 2.
[14] Nguyễn Ngọc Trâm (1997), “Một vài nhận xét về cấu trúc vĩ mô của từ điển giải thích tiếng Việt” // Một số vấn đề từ điển học, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
[15] Zgusta L. (1971), Giáo trình Từ điển học, NXB Viện Hàn lâm Khoa học Tiệp khắc, Praha (Bản dịch của Viện Ngôn ngữ học).
[16] Tự điển Việt Nam phổ thông, Đào Văn Tập, Nhà sách Vĩnh Bảo, Sài Gòn 1951.
[17] Việt Nam tân từ điển, Thanh Nghị, Sài Gòn 1954.
[18] Việt Nam tự điển, Hội Khai trí tiến đức (khởi thảo), Sài Gòn - Hà Nội, 1931, tái bản 1954.
[19] Tự điển Việt Nam, Lê Văn Đức, Sài Gòn 1970.
[20] Từ điển tiếng Việt (Văn Tân chủ biên) NXB Khoa học xã hội, Hà Nội 1967, tái bản 1977.
[21] Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học, Hoàng Phê chủ biên), NXB Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển học, Hà Nội - Đà Nẵng, 2006.
[22] Từ điển Bách khoa Việt Nam, tập 1, Trung tâm Biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam, Hà Nội, 1995.
[23] Từ điển Bách khoa Việt Nam, tập 4, NXB Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2005.
[24] http://encarta.msn.com.
[25] http://en.wikipedia.org.
[26] http://vi.wikipedia.org.
[27] Britannica Concise Encyclopedia of Babylon.
[28] Longman Dictionary of Babylon.
[29] Merriam-Websiter Collegiate Dictionary of Babylon.
[30] WordNet 2.0 of Babylon.
Nguồn: Tạp chí Từ điển học & Bách khoa thư, số 4(12)/7-2011.
* Tạp chí Từ điển học & Bách khoa thư.
** Trung tâm Từ điển học.
[1] Từ điển Bách khoa Việt Nam, tập 1, Trung tâm Biên soạn TĐBK VN, Hà Nội, 1995. [2] Các ví dụ từ đây trở đi dẫn theo dictionary.bachkhoatoanthu.gov.vn.
Từ khóa » đồng âm Với Quỷ Tước Trường Ly Là Gì
-
Dê Nhỏ Ngắm Sao - TRƯỜNG DÃ TUYÊN CA - Chap 9 [09]...
-
Đồng Âm Với Quỷ Tước Trường Ly Là Gì Trang Ko Bi Chan ...
-
[MANHUA] TRƯỜNG DÃ TUYÊN CA - Dê Nhỏ Ngắm Sao
-
Trường Dã Tuyên Ca [Tới Chap 16] - DuaLeoTruyen
-
Đồng Âm Với Quỷ Tước Trường Ly Là Gì- 🎖️Đăng Ký Tặng Trải ...
-
Đồng Âm Với Quỷ Tước Trường Ly Là Gì- 🎖️Nhà Cái Uy Tín Nhất ...
-
Sinh Vật Huyền Thoại Trung Hoa – Wikipedia Tiếng Việt
-
TẾT Cầu Mong & Chúc Tụng - Giác Ngộ Online
-
10 Vấn đề Nhân Vị Trong đạo Phật - Bookdown
-
Khái Quát Về đạo Công Giáo, đạo Công Giáo ở Việt Nam Và Trên địa ...
-
Tra Từ: Tước - Từ điển Hán Nôm
-
300 Câu Thần Chú Trong Harry Potter - Cách đọc Và ý Nghĩa
-
Essential Horror Flicks | Trang Web Netflix Chính Thức