Trà Xanh (chè Xanh): Công Dụng Với Sức Khỏe & Lưu ý Về Cách Dùng

Nội dung bài viết

  • 1. Giới thiệu về Trà xanh
  • 2. Thành phần hóa học và tác dụng
  • 3. Cách dùng và liều dùng
  • 4. Một số bài thuốc kinh nghiệm
  • 5. Kiêng kỵ

Chè xanh (Trà xanh) là thảo dược quen thuộc được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày để thanh nhiệt, giải khát. Ít người biết rằng đây cũng là dược liệu thường được sử dụng để điều trị bệnh trong Y học. Bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về đặc điểm, công dụng và cách dùng của dược liệu này.

1. Giới thiệu về Trà xanh

  • Tên gọi khác: Trà xanh, Trà.
  • Tên khoa học: Camellia sinensis O.Ktze
  • Họ khoa học: Chè (Theaceae)

1.1. Đặc điểm sinh trưởng và thu hái

Trà xanh phân bố nhiều ở các quốc gia Châu Á như Việt Nam, Trung Quốc, Triều Tiên và Nhật Bản. Ở nước ta, cây được trồng nhiều ở Tuyên Quang, Hà Giang, Thái Nguyên và Lâm Đồng…

Cây ưa khí hậu ẩm, đất chua và cần được che bóng ở một mức độ nhất độ nhất định để đảm bảo hương thơm. Thường ta bẻ cả cành lá nấu nước uống gọi là trà xanh. Cách khác là hái búp và lá non sao, vò rồi sao để làm chè hương pha nước uống, có thể dùng làm thuốc. Không dùng chè đen hay chè mạn là những loại chè đã cho lên men rồi mới sấy khô hay phơi.

Lá non và búp trà xanh được thu hái vào mùa xuân. Mùa ra hoa tháng 9 – 12, quả chín vào tháng 10 – 11 năm sau.

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Dược liệu, tải ngay ứng dụng YouMed.

chè xanh
Trà xanh là thảo dược quen thuộc đối với nhân dân.

1.2. Mô tả toàn cây

Trà xanh là một cây khỏe, mọc hoang và không cắt xén có thể cao tới 10m hay hơn nữa. Đường kính thân có thể tới mức một người ôm không xuể. Đôi khi mọc thành rừng trên núi đá cao. Nhưng khi trồng tỉa thường người ta cắn xén để tiện việc thu hái. Cây thân nhỡ mọc thành bụi, phân nhánh nhiều, thân và cành có màu nâu, một số cành non có màu xanh lục.

Lá mọc so le, không rụng. Phiến lá hình trứng, mặt lá nhẵn, mép nguyên hoặc có răng cưa nhẹ, đầu và đuôi lá nhọn dần. Lá non có sắc xanh lục nhạt được thu hoạch để sản xuất chè. Ở thời đoạn đó, mặt dưới lá có lông tơ ngắn màu trắng. Còn khi già thì chuyển sang màu lục sẫm.

Hoa to trắng, mọc ở kẽ lá, mùi rất thơm, nhiều nhị vàng. Đường kính từ 2,5 – 4 cm, với 7 – 8 cánh hoa.

Quả là một nang thường có 3 ngăn, đường kính 2 – 3 cm, nhưng chỉ còn một hạt do các hạt khác bị teo đi. Quả khai bằng lối cắt ngăn, vỏ quả hóa gỗ cứng, khi chín có màu nâu sẫm.  Hạt không phôi nhũ, lá mầm lớn, có chứa dầu.

Tốc độ sinh trưởng: Nhanh

1.3. Bộ phận làm thuốc-bào chế

Bộ phận dùng: Lá – Folium Camelliae.

Thông thường ta bẻ cả cành lá nấu nước uống gọi là trà xanh, hoặc hái búp và lá non sao, vò rồi sao để làm chè hương pha nước uống, dùng làm thuốc.

Ngoài ra trà xanh còn được bào chế bằng cách đem sắc với Cam thảo và nước trong 30 phút. Sau đó lọc nước, giữ bã và thêm 1 ít nước vào đun trong 30 phút, tiếp tục lọc lấy nước và hòa hai thứ nước lại. Đem nước đun với lửa nhỏ cho đến khi còn khoảng 100ml, thêm natri benzoate 0.3g hoặc cho thêm nipagin 0.03g vào để bảo quản. Mỗi lần dùng 5 – 10ml, ngày dùng 4 lần.

Xem thêm: Tiểu đường thai kỳ nên ăn gì và lời giải đáp từ bác sĩ

1.4. Bảo quản

Bảo quản vị thuốc đã qua khâu chế biến trong bọc kín, cất trữ nơi thoáng mát, nhiệt độ phòng, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Ngoài Chè xanh thì Chè vằng cũng là dược liệu bổ dưỡng cho phụ nữ sau sinh.

2. Thành phần hóa học và tác dụng

2.1. Thành phần hóa học

Lá trà xanh chứa những thành phần hóa học phong phú:

  • Caffein 1,5 – 5%, tanin 20%
  • Chất chống oxy hóa: caroten, riboflavin, acid ascorbic, acid nicotinic, acid malic và acid oxalic, theophyllin, xanthin, kaempferol, quercetrin, tinh dầu.
  • Saponin, triterpen.
  • Các flavonoid: Epicatechin, epigallocatechin và gallate esters.
  • Alkaloids chủ yếu gồm theobromine và theophylline
chè xanh
Trà xanh tác dụng tích cực với hệ tim mạch, hệ tiêu hóa, hệ thần kinh…

2.2. Tác dụng Y học hiện đại

Ngăn tiêu chảy: Chất tannin trong lá trà xanh khi tiếp xúc với niêm mạc đường ruột sẽ làm giảm hấp thu canxi và chất sắt, từ đó có tác dụng cầm tiêu chảy.

Giảm nguy cơ ung thư: Nhờ chứa nhiều chất chống oxy hóa (quercetin, flavonoid, carotene, vitamin C, EGCG) có tác dụng tiêu diệt gốc tự do, cải thiện hệ miễn dịch và bảo vệ tế bào khỏi các tác nhân gây hại.

Tăng cường hệ thống tim mạch: Sử dụng nước trà xanh thường xuyên có thể duy trì sức khỏe và ngăn ngừa các bệnh lý về tim mạch, giảm lượng cholesterol trong cơ thể.

Hỗ trợ tăng cường trí nhớ, thư giãn tinh thần: Catechin và các chất chống oxy hóa có tác dụng kích thích hoạt động của não bộ và chống lại hoạt động của gốc tự do, giảm nguy cơ mắc các bệnh về thoái hóa thần kinh như Parkinson và Alzheimer.

Kiểm soát huyết áp: Lá trà xanh có tác dụng kiểm soát hormone engiotensin (hormone gây co mạch máu và làm tăng huyết áp).

Kiểm soát biến chứng của đái tháo đường: Polysaccharides và polyphenol  giảm đường huyết và cải thiện sự nhạy cảm với insulin.

Giảm nguy cơ sâu răng: Tinh dầu có tác dụng đánh bật mùi hôi miệng và tiêu diệt vi khuẩn gây sâu răng. Ngoài ra chất florua trong trà xanh còn có công dụng duy trì hàm răng chắc khỏe và trắng sáng.

Hỗ trợ điều trị bệnh hen suyễn: Hoạt chất Theophyllin làm giãn cơ trơn phế quản và hỗ trợ làm giảm triệu chứng của cơn hen cấp tính.

2.3. Tác dụng Y học cổ truyền

Tính vị: Vị đắng chát, tính mát.

Quy kinh: Can và Tâm.

Tác dụng: Thanh nhiệt, giải khát, lợi tiểu, định thần, thư giãn, giảm mụn nhọt, và cầm tả lỵ.

3. Cách dùng và liều dùng

Tùy thuộc vào mục đích sử dụng và từng bài thuốc mà có thể dùng dược liệu với nhiều cách khác nhau. Lá trà được dùng ở dạng nước sắc hoặc dùng ngoài (giã đắp, ngâm rửa hoặc nấu nước tắm).

Chè được dùng làm nước uống, do không có độc tính. Nên dùng trà xanh vào sáng sớm để đầu óc tỉnh táo và tăng hiệu suất làm việc, học tập,…

4. Một số bài thuốc kinh nghiệm

4.1. Hỗ trợ chứng đầy bụng, ăn không tiêu

Lá chè 10g, Bột sơn trà (sao) 10g, đường đỏ 10g, đổ nước sôi vào hãm, 10 phút sau là uống được. Dùng 3 – 5 ngày.

4.2. Cầm tiêu chảy, kiết lỵ

Búp chè, búp Ổi mỗi thứ một nắm, sao vàng, sắc uống. Tham khảo thêm các bài thuốc khác qua bài viết sau: Cây bông ổi: Cây thuốc mang màu sắc cầu vồng

4.3. Dùng ngoài nước trà xanh

Lá chè có tác dụng diệt khuẩn, tiêu viêm nên thường xuyên dùng nước chè súc miệng có tác dụng chữa nhiệt miệng hiệu quả.

Hoặc một nắm lá Chè đun lấy nước rồi vệ sinh vùng kín hằng ngày giúp giảm viêm nhiễm vùng kín ở nữ giới. Có thể dùng nước này rửa mặt hàng ngày làm sạch bụi bẩn và ngăn ngừa mụn.

Hoặc lấy một nắm lá sắc nước đặc, để nguội ngâm vết bỏng hoặc dùng vải mỏng nhúng vào nước chè nguội rồi đắp vào chỗ bỏng, mỗi lần 10 – 15 phút, ngày làm 2 – 3 lần sẽ làm dịu đau, tránh phồng da, chóng lên da non.

4.4. Hỗ trợ điều trị cảm, ho

Lá chè 3g, muối ăn 1g, hãm nước sôi uống 4 – 6 lần trong một ngày, dùng trong trường hợp cảm sốt, ho có đờm vàng, đau họng.

Nếu cảm sợ lạnh, ho có đờm trắng thì dùng Lá chè 3g, 3 miếng gừng đem hãm với nước sôi uống.

Nên dùng Chè xanh vào sáng sớm để đầu óc tỉnh táo và tăng hiệu suất làm việc
Nên dùng Chè xanh vào sáng sớm để đầu óc tỉnh táo và tăng hiệu suất làm việc

5. Kiêng kỵ

  • Do chứa hàm lượng caffeine lớn, có thể gây chóng mặt, cồn cào, hoa mắt nếu dùng lúc bụng đói.
  • Do chứa tannin có thể làm giảm khả năng hấp thu sắt và chất dinh dưỡng trong thực phẩm, gây táo bón.
  • Không nên uống trước khi đi ngủ vì chè gây kích thích thần kinh gây khó ngủ.
  • Phụ nữ có thai, người bị thiếu máu nên hạn chế sử dụng.
  • Tuy vậy, nếu sử dụng kéo dài với liều cao (> 200g/ ngày), chè có thể gây nhiễm độc mạn tính, biểu hiện bởi sự mất ngủ, sự gầy yếu, mất cảm giác ngon miệng, có rối loạn thần kinh.

Trà xanh là thảo dược gần gũi bổ dưỡng trong cuộc sống. Nhờ có nhiều tác dụng quý mà dược liệu này được dùng nhiều trong các bài thuốc chữa bệnh cũng như cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, để có thể phát huy hết công dụng của vị thuốc đối với sức khỏe, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để kiểm soát rủi ro và những tác dụng không mong muốn.

Từ khóa » Chè Xanh Tươi Có Tác Dụng Gì