Trách Nhiệm Bổ Nhiệm Cán Bộ Lãnh đạo Quản Lý Trong Cơ Quan Nhà ...

Tôi đang cần thông tin về việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý trong cơ quan nhà nước, cụ thể là nguyên tắc, trách nhiệm bổ nhiệm cán bộ là gì? Quy trình và thủ tục bổ nhiệm cán bộ thực hiện như thế nào? Về thời hạn giữ chức vụ, được giữ trong bao lâu? Mục lục bài viết Nội dung chính
  • Việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý trong cơ quan nhà nước phải đảm bảo các nguyên tắc nào?
  • Trách nhiệm bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý trong cơ quan nhà nước là gì?
  • Quy trình và thủ tục bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý cơ quan nhà nước thực hiện như thế nào?
  • Thời hạn giữ chức vụ cán bộ lãnh đạo quản lý cơ quan nhà nước trong bao lâu?

Việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý trong cơ quan nhà nước phải đảm bảo các nguyên tắc nào?

Về nguyên tắc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý trong cơ quan nhà nước, căn cứ theo Điều 10 Quy định 105-QĐ/TW năm 2017 về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử do Ban Chấp hành Trung ương ban hành như sau:

"Điều 10. Nguyên tắc bổ nhiệm cán bộ
1- Cấp ủy, tổ chức đảng và tập thể lãnh đạo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định một cách dân chủ trên cơ sở phát huy đầy đủ trách nhiệm và quyền hạn của từng thành viên, nhất là của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
2- Phải xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; phải căn cứ vào phẩm chất, đạo đức, năng lực, sở trường của cán bộ và tiêu chuẩn chức danh.
3- Bảo đảm sự ổn định, kế thừa và phát triển của đội ngũ cán bộ, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị."

Trách nhiệm bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý trong cơ quan nhà nước là gì? Quy trình và thủ tục bổ nhiệm cán bộ thực hiện như thế nào?

Trách nhiệm bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý trong cơ quan nhà nước là gì? Quy trình và thủ tục bổ nhiệm cán bộ thực hiện như thế nào? (Hình từ Internet)

Trách nhiệm bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý trong cơ quan nhà nước là gì?

Về trách nhiệm và thẩm quyền bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý trong cơ quan nhà nước, căn cứ theo Điều 11 Quy định 105-QĐ/TW năm 2017 như sau:

"Điều 11. Trách nhiệm và thẩm quyền bổ nhiệm cán bộ
Trong phạm vi thẩm quyền theo quy định phân cấp quản lý cán bộ của Bộ Chính trị:
1- Người đứng đầu, các thành viên cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị đề xuất nhân sự và nhận xét, đánh giá cán bộ được đề xuất. Nếu người được giới thiệu là cán bộ công tác trong cơ quan, đơn vị thì phải được quy hoạch vào chức danh bổ nhiệm. Đối với nhân sự từ nơi khác thì phải được quy hoạch chức danh tương đương trở lên. Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
2- Tập thể cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị thảo luận, nhận xét, đánh giá cán bộ, quyết định hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
3- Cá nhân, tập thể đề xuất bổ nhiệm; cơ quan thẩm định; tập thể quyết định về cán bộ theo thẩm quyền phải chịu trách nhiệm về đề nghị, thẩm định, quyết định của mình. Cụ thể:
- Cá nhân, tập thể đề xuất: Chịu trách nhiệm chính trước cấp có thẩm quyền về nhận xét, đánh giá, kết luận tiêu chuẩn chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống; năng lực công tác, ưu, khuyết điểm; kê khai tài sản, thu nhập... và ý kiến đề xuất quy hoạch, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, bố trí và sử dụng cán bộ.
- Cơ quan tham mưu tổ chức, cán bộ và các cơ quan liên quan: Chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định, đề xuất nhân sự theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình.
- Tập thể quyết định bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử: Chịu trách nhiệm đối với quyết định của mình về công tác cán bộ; lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát, khen thưởng, kỷ luật.
4- Trường hợp người đứng đầu cơ quan, đơn vị và tập thể lãnh đạo có ý kiến khác nhau thì cần báo cáo đầy đủ lên cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Trường hợp tập thể lãnh đạo giới thiệu 2 người có số phiếu ngang nhau thì chọn nhân sự do người đứng đầu giới thiệu để quyết định bổ nhiệm hoặc trình cấp có thẩm quyền bổ nhiệm."

Quy trình và thủ tục bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý cơ quan nhà nước thực hiện như thế nào?

Căn cứ theo Điều 12 Quy định 105-QĐ/TW năm 2017 quy định về Quy trình và thủ tục bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý cơ quan nhà nước như sau:

- Quy trình, thủ tục bổ nhiệm phải thực hiện theo đúng Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước, Điều lệ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và quy định tại Phụ lục số 2 kèm theo Quy định 105-QĐ/TW năm 2017.

- Khi cần thiết, cơ quan có thẩm quyền quyết định bổ nhiệm gặp, trao đổi ý kiến hoặc ủy quyền cho cơ quan tham mưu về tổ chức cán bộ gặp, trao đổi ý kiến với nhân sự trước khi quyết định.

Thời hạn giữ chức vụ cán bộ lãnh đạo quản lý cơ quan nhà nước trong bao lâu?

Theo khoản 1 Điều 13 Quy định 105-QĐ/TW năm 2017 quy định về thời hạn giữ chức vụ cán bộ lãnh đạo quản lý cơ quan nhà nước như sau:

"Điều 13. Thời hạn giữ chức vụ
1- Thời hạn bổ nhiệm giữ chức vụ là 5 năm đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp trưởng, cấp phó ở cơ quan, đơn vị trong bộ máy tổ chức đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội, các đơn vị sự nghiệp công lập; doanh nghiệp nhà nước.
2- Thời hạn bổ nhiệm giữ chức vụ dưới 5 năm áp dụng đối với một số chức vụ đặc thù theo quy định riêng.
3- Thời hạn giữ chức vụ bầu cử căn cứ vào nhiệm kỳ đại hội của tổ chức đó."

Như vậy, thời hạn bổ nhiệm giữ chức vụ là 5 năm đối với cán bộ lãnh đạo quản lý cơ quan nhà nước.

Lưu ý, thời hạn bổ nhiệm giữ chức vụ dưới 5 năm áp dụng đối với một số chức vụ đặc thù theo quy định riêng.

Từ khóa » Bổ Nhiệm Cán Bộ Trong Quân đội